Trải nghiệm hướng nội trong hành trình tu luyện

Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở hải ngoại

[ChanhKien.org]

Trải nghiệm hướng nội là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình tu luyện của tôi. Sau mỗi lần đề cao, Sư phụ lại giúp tôi minh bạch về Pháp lý, điều này khiến tôi hạnh phúc và từ bi thiện đãi mọi người.

“Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”

Khoảng một năm trước, tôi bắt đầu làm việc tại một công ty. Một đồng nghiệp được bố trí để đào tạo nghiệp vụ cho tôi, nhưng cô ấy cũng chỉ mới làm việc tại công ty được một tháng, còn có nhiều vấn đề không giải đáp được. Là một người tận tâm, tôi luôn cố gắng trau dồi nghiệp vụ. Trong công việc tôi hầu như không mắc lỗi và cấp trên của tôi cũng ghi nhận điều này. Một lần xảy ra sai sót nhỏ, vốn không phải lỗi của tôi vì tôi đã làm theo hướng dẫn trong tài liệu nghiệp vụ. Khi biết đồng nghiệp trước đó đã được đào tạo bài bản về vấn đề này, tôi cảm thấy bất bình trong tâm. Tôi tin rằng nếu mình cũng được hướng dẫn, thì sẽ không mắc phải lỗi này. Tôi cũng có chấp trước vào việc cầu danh và không muốn nhận những bình luận tiêu cực từ người khác. Tôi hoàn toàn quên mất rằng mình là một người tu luyện, vậy nên tôi tìm gặp đồng nghiệp A, người đã hướng dẫn cho đồng nghiệp trước đây của tôi để kể lể về những khó khăn và bất mãn mà tôi gặp phải. Vốn dĩ trước đây, đồng nghiệp A rất nhiệt tình giúp đỡ tôi. Có lẽ tâm lý bất bình của tôi đã bị cựu thế lực lợi dụng.

Hai ngày sau khi phàn nàn với đồng nghiệp A, tôi có việc cần phải xác nhận. Nhưng đồng nghiệp A nói rằng, nếu như tôi có bất kỳ thắc mắc nào thì tôi đến gặp cấp trên của tôi chứ không phải cô ấy. Nếu thiếu sự giúp đỡ của cô ấy, một người rất thông thạo nghiệp vụ, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi vốn dĩ mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả đồng nghiệp nhưng không thể ngờ rằng kết cục lại như vậy. Tôi đã phải dành nhiều thời gian hơn để tự giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, vì chúng tôi là một nhóm nên không thể tránh khỏi những lần trao đổi email trong công việc. Một lần, tôi gửi đồng nghiệp A một email công việc, cô ấy hồi đáp đồng thời nói rằng tôi không nên hỏi lại nữa. Tôi sợ mắc phải sai sót. Tôi tự nhủ nếu như mình không thể gửi email, thì chi bằng hỏi trực tiếp cô ấy xem. Khi tôi đứng dậy định mở lời, thì cô ấy cũng đứng lên, nói với tôi trước mặt mọi người rằng, cô ấy rất bận và bảo tôi đừng tìm gặp cô ấy nữa. Tuy nhiên, vì cô ấy là người phụ trách dự án, tôi biết tìm gặp ai khác đây? Tôi bối rối ngồi xuống trước mặt mọi người, không biết phải làm sao. Trong công việc sau này, đồng nghiệp A cũng làm tôi xấu hổ vài lần, nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn. Ngay cả khi tôi chào cô ấy vào buổi sáng, cô ấy cũng lờ đi. Một lần khác, chúng tôi tình cờ gặp nhau, nhưng nực cười ở chỗ, cô ấy cố né tôi bằng cách trốn trong phòng chờ. Tôi hiểu rằng mình đã là một người tu luyện,  vậy nên dù có cảm thấy rất khổ tâm, dù bị đối xử như thế nào,  thì tôi vẫn sẽ tiếp tục chào hỏi cô ấy.

Sau đó, tôi nghe nói đồng nghiệp A sẽ trở thành nhân viên chính thức. Trước đây, khi cô ấy thường xuyên giúp đỡ tôi, nếu nghe được thông tin này, tôi sẽ thực sự mừng cho cô ấy. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy cô ấy thậm chí còn thiếu tinh thần làm việc nhóm, sao có thể trở thành nhân viên chính thức của một công ty đa quốc gia lớn như vậy được? Niệm đầu này cứ xuất hiện lặp đi lặp lại, khiến tôi rất khổ tâm. Tôi bắt đầu hướng nội. Khi cô ấy tốt với tôi, tôi không cảm thấy bị đối xử bất công. Bây giờ cô ấy không tốt với tôi nữa thì tôi lại cảm thấy bị đối xử bất công. Sư phụ đã giảng: “Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ). Tâm tật đố này biểu hiện thật rõ ràng, vậy tại sao tôi vẫn chưa trừ bỏ nó? Tôi cũng nhận ra rằng tôi không nên đến gặp cô ấy để phàn nàn về những vấn đề của tôi. Tôi cần phải tự mình tìm hiểu mọi thứ thay vì dựa dẫm vào ai đó. Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Làm sao tôi có thể quên rằng mình là một người tu luyện và đi tranh đấu với người thường để đòi hỏi sự công bằng? Đây vốn dĩ là một khảo nghiệm mà tôi cần vượt qua, nhưng rõ ràng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội tu luyện quý giá.

Sau một thời gian, tâm tôi bắt đầu thanh tỉnh trở lại. Tôi không còn những suy nghĩ bất hảo về cô ấy nữa.  Bất kể cô ấy đối xử với tôi như thế nào, tôi cũng bỏ qua những vấn đề trước đây giữa chúng tôi. Ngoài ra, tôi tự nhủ rằng là một người tu luyện, tôi cần phải để đồng nghiệp thấy được vẻ đẹp của Đại Pháp. Dần dần, tôi hoàn toàn buông bỏ chấp trước của mình. Khi nhìn thấy cô ấy, tôi cảm thấy tự nhiên hơn. Cuối cùng, đến một ngày, tôi đã chủ động nói chuyện với cô ấy. Có lẽ đồng nghiệp A đã cảm nhận được sự chân thành nên không từ chối tôi nữa. Từ đó trở đi, tôi ngộ ra được điều mà Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân: “Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” Cô ấy lại nhiệt tình giúp đỡ tôi như trước, cứ như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Đồng nghiệp A đã nhiều lần gửi cho tôi các email âm thầm giúp tôi giải quyết nhiều vấn đề dù không thuộc trách nhiệm của cô ấy. Mối quan hệ giữa chúng tôi đã hoàn toàn trở lại bình thường. Điều đó giúp tôi nhận ra rằng mọi thứ nguyên lai chỉ là một màn kịch được diễn hóa để khảo nghiệm nhân tâm của tôi. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong quá trình hướng nội của bản thân. Tôi đã minh bạch sâu sắc rằng, chỉ cần chân chính thực tu, cải biến bản thân thì nhất định sẽ có chuyển biến. Những gì chờ đợi chúng ta phía trước sẽ là “liễu ám hoa minh” (ánh sáng cuối đường hầm).

Sư phụ khai thị: Vị tha là tiêu chuẩn của hướng nội

Sau một thời gian nỗ lực hướng nội, đào sâu chấp trước và kiên định thực tu, tôi đã tiệm nhập trạng thái bình ổn, bất động tâm. Một sự việc phát sinh sau đó đã khiến tôi thực sự minh bạch rằng việc hướng nội tìm của bản thân trước đây đều là “vị tư”.

Một buổi sáng nọ, thái độ quản giáo con cái của một người trong gia đình tôi không được tốt lắm. Dù không nổi nóng nhưng tôi vẫn muốn khuyên bảo cậu ấy, mong cậu ấy sẽ thay đổi thái độ của mình. Kỳ thực, nếu ai đó đang cố gắng thuyết phục người khác, thì chẳng phải là đang đo lường người khác bằng tiêu chuẩn của chính mình sao? Cho dù thái độ bề mặt là tốt, nhưng cũng là mang tâm áp đặt người khác, đối phương sẽ cảm nhận được vật chất bất thuần trong đó. Làm sao họ còn có thể nghe lời tôi? Hơn nữa, áp đặt nhận thức của mình lên người khác sẽ khiến đối phương thống khổ. Tuy bề ngoài không có mâu thuẫn với cậu ấy và tôi cũng không động tâm, nhưng tôi đã không vượt quan tốt. Lần vượt quan tiếp theo đã giúp tôi có thể ngộ sâu sắc hơn về bản chất của việc hướng nội, và nó đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong quá trình tu luyện của tôi.

Khảo nghiệm tiếp theo đến ngay khi gia đình tôi chuẩn bị đi mua sắm. Sau khi lên xe, tôi vẫn nói chuyện điện thoại với các đồng tu. Xe đi được một đoạn ngắn, tôi mới cúp máy và chợt nhớ ra tôi cần đến ngân hàng, ngân hàng này vốn dĩ nằm ở phía ngược lại với tuyến đường  mà chúng tôi đang đi. Tôi nói với chồng rằng tôi muốn đến ngân hàng trước. Anh ấy đột nhiên nổi giận bởi vì tôi mải nói chuyện điện thoại khiến anh phải thay đổi lộ trình, và rằng tôi luôn quên sắp xếp trước. Nhìn vẻ mặt giận dữ của chồng, tôi định giải thích, nhưng thay vào đó, tôi im lặng. Tôi tự nhủ rằng mình phải vượt quan này thật tốt, giữ vững tâm tính. Sau đó chồng tôi vẫn tiếp tục cằn nhằn. Tôi  tự nhủ rằng khi người khác đối xử không tốt với mình thì đó chính là vấn đề của bản thân. Tôi bắt đầu suy nghĩ theo góc độ của anh ấy. Nếu tôi là người cầm lái, tôi sẽ muốn người khác nói cho tôi biết điểm đến ngay từ đầu. Lúc này, tôi mới tâm bình khí hòa, xin lỗi chồng và nói với anh rằng lần sau tôi sẽ báo trước.

Sau khi ra khỏi xe, trong tư tưởng của tôi chợt xuất hiện câu Pháp của Sư phụ: “Nhẫn là chìa khóa của đề cao tâm tính.” (Thế nào là Nhẫn, Tinh Tấn Yếu Chỉ). Tôi thể ngộ rằng một người không phải chỉ nhẫn khi mới bắt đầu tu luyện, mà còn cần phải duy trì nhẫn khi đề cao tầng thứ. Nhẫn này cũng có các cảnh giới khác nhau. Mặc dù về cơ bản người ta có thể đạt được trạng thái nhẫn mà không động tâm, nhưng đó không phải là cảnh giới cao nhất của nhẫn. Chỉ khi một người hoàn toàn chấp nhận, không màng đến việc  biện giải cho bản thân dù chỉ nửa câu thì mới đạt đến tiêu chuẩn tầng thứ cao hơn. Giờ đây, yêu cầu của Sư phụ đối với tôi là phải nhẫn một cách vị tha. Ngay lúc đó, một dòng năng lượng không thể diễn tả được tiến nhập vào cơ thể tôi. Sư phụ đã ban cho tôi cảm giác từ bi. Tôi cảm thấy mỗi từng sinh mệnh trên thế gian này thật đáng trân quý. Những giọt lệ từ bi lăn dài trên má, và tôi cảm thấy từng tế bào trong cơ thể mình rộn ràng niềm vui. Sư phụ đã lấy những vật chất bất hảo ra khỏi cơ thể tôi. Cảm giác minh bạch và vinh diệu tuyệt vời đã khiến tôi thực sự muốn thời gian ngừng trôi, biến khoảnh khắc ấy trở thành vĩnh cửu…

Tôi ngộ ra rằng mặc dù tôi không động tâm bởi khảo nghiệm đầu tiên trong ngày, nhưng tôi cũng không có được cảm giác thăng hoa. Lần thứ hai khi tôi thực sự hướng nội một cách vị tha, tôi đã cảm nhận được cảnh giới của lòng từ bi. Tôi ngộ ra rằng việc hướng nội và không động tâm trước đây của bản thân thực ra vẫn là vị tư. Tôi không muốn bị rớt xuống. Tôi cảm thấy rằng nếu tôi cố gắng hết sức để không bị động tâm, thì đó đã là hướng nội. Nhưng bây giờ tôi có thể ngộ sâu sắc rằng hướng nội như vậy là chưa đạt chuẩn. Sư phụ đã điểm hoá cho tôi rằng vị tha là tiêu chuẩn của việc hướng nội. Tôi ngộ ra rằng chỉ có hướng nội từ giác độ của người khác và nghĩ cho người khác mới là hướng nội chân chính. Chỉ có như vậy tôi mới có thể thoát khỏi sự vị tư, tu xuất thiện niệm và tâm từ bi. Khi tôi chia sẻ với đồng tu trong gia đình mình về việc tôi đã đào sâu vào chấp trước của bản thân như thế nào và nghĩ rằng mình đang hướng nội một cách chân chính, anh ấy đã nói với tôi rằng tôi chưa thực sự hướng nội. Bây giờ nghĩ lại, phải chăng Sư phụ đang dùng miệng của đồng tu để điểm hóa tôi hay sao? Lần này, tôi không giải thích với anh ấy cách tôi hướng nội, thay vào đó tôi hỏi anh ấy, rằng liệu anh ấy có nghĩ rằng tôi đã hướng nội không. Vị đồng tu trả lời với vẻ hài lòng: “Lần này em đã hướng nội.” Anh ấy cũng nói với tôi: “Khi nhiều người gặp mâu thuẫn, điều đầu tiên họ nghĩ đến không phải là họ đã làm gì sai, mà thay vào đó là những người khác đang tạo ra mâu thuẫn để họ đề cao tâm tính. Suy nghĩ này khiến họ không thật sự thực tu, tự tìm ra thiếu sót của bản thân và thay đổi. Vậy nên, những mâu thuẫn tương tự tiếp tục tái diễn”. Sau đó tôi nhận ra rằng dù đã tu luyện một thời gian dài, cho rằng bản thân luôn hướng nội tìm, đào sâu các chấp trước và tinh tấn thực tu, nhưng thực tế là tôi căn bản chưa đạt tiêu chuẩn.

Trải qua lần hướng nội này, tôi ngộ ra rằng đây là một bước ngoặt quan trọng, một bước đột phá trong quá trình tu luyện của tôi. Mặc dù quan khảo nghiệm không lớn, nhưng tôi đã nắm bắt được cơ hội tu luyện này, cuối cùng minh bạch được bản chất của việc hướng nội. Điều này cho phép tôi chuyển biến tư tưởng bản thân từ “vị tư” sang “vị tha”, đạt đến cảnh giới từ bi chân chính. Chỉ khi thực sự tu xuất tâm từ bi, chúng ta mới có thể cứu được nhiều chúng sinh hơn.

Trên đây là những thể ngộ trong tầng thứ sở tại của bản thân, nếu có điều gì không phù hợp với Pháp xin đồng tu từ bi chỉ rõ.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/259961

http://www.pureinsight.org/node/7541