Chính Pháp chi hành (37): Học viên kiên định tuyệt thực phản đối giam giữ

Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

IX. Trại giáo dưỡng Thẩm Tân

(1) Các học viên kiên định tuyệt thực phản đối giam giữ

Vào ngày 10 tháng 5, các học viên kiên định bị đưa đến trại giáo dưỡng Thẩm Tân. Khi chúng tôi đến Thẩm Tân thì nhìn thấy ba người gồm Trâu Quế Vinh, Doãn Lệ Bình và Doãn Đông Mai vì tuyệt thực nên bị chuyển đến đây sớm, cả ba người họ đều đã hết thời hạn giam giữ nhưng vẫn chưa được thả. Trại giáo dưỡng Mã Tam Gia thông báo đến trại giáo dưỡng Thẩm Tân quyết định kéo dài giam giữ ba người Trâu Quế Vinh, ba người họ không phục vì thế bắt đầu tuyệt thực. Họ không phối hợp với tà ác, không đứng xếp hàng, không điểm danh nên bị phạt đứng. Doãn Lệ Bình đem việc bị bức hại này truyền ra ngoài. Tuy cô mới đọc “Chuyển Pháp Luân” chỉ vài lần nhưng hoàn toàn dựa vào chính niệm mà bước qua kể từ khi bị giam giữ 5 tháng ở trại giáo dưỡng và ở bệnh viện quản giáo Đại Bắc.

Sau khi đến trại giáo dưỡng Thẩm Tân, tôi không muốn nói về chuyện chân của tôi bị thương vì những người trông giữ chúng tôi đều từ trại Long Sơn chuyển đến. Rất nhiều người đều biết chuyện này. Nhưng sau khi đến đây, chúng tôi bị lục soát người, quần áo đều cởi ra hết chỉ còn lại bộ đồ lót, một nữ cảnh sát nhìn thấy liền hỏi: “Vết thương ở chân cô là thế nào?”. Lúc đó tôi liền minh bạch, chẳng phải Sư phụ mượn cơ hội này bảo tôi giảng thanh chân tướng cho cảnh sát, vạch trần tà ác hay sao? Thế là tôi kể cho cô ta nghe về quá trình tôi bị đánh ra sao. Họ nghe xong thì đều rất đồng cảm với tôi.

Ngày hôm sau, trợ lý của trưởng trại tìm tôi nói chuyện, người trợ lý này họ Đặng, trước đây cũng làm trợ lý cho trưởng trại ở Long Sơn, cô ấy thường làm trợ lý cho các trưởng trại quản các học viên Pháp Luân Công. Sau khi cô ấy nhìn thấy tôi liền nói: “Nghe nói chị đã chịu rất nhiều thống khổ ở Mã Tam Gia”. Tiếp đó, tôi kể với cô ta quá trình bị bức hại ở Mã Tam Gia, nhiều cảnh sát ở đây tôi đều quen biết bởi vì họ đều từng làm việc ở Long Sơn. Tôi đã giảng thanh chân tướng cho họ.

Có một hôm, cục trưởng Trương của cục tư pháp Thẩm Dương đến trại giáo dưỡng Thẩm Tân thị sát, nhìn thấy tôi ông ta nói: “Tóc cô đã bạc hơn nhiều”. Tôi kể cho ông ta nghe những bức hại mà tôi đã trải qua ở Mã Tam Gia, ông ta nói với vẻ mặt sợ hãi: “Cô ở đây nên tuân thủ quy định của trại, nếu không là lấy dùi cui sốc điện cô, bởi vì cô là phần tử cải tạo lao động, sản xuất dùi cui chính là để sốc điện người”. Tôi nói: “Tôi tin ông là người mà không chuyện gì không làm được, nhưng chúng tôi bị tống giam bất hợp pháp, chúng tôi không phải là phần tử cải tạo lao động”. Sau khi rời đi, ông ta lệnh cho cảnh sát tháo cửa nhà vệ sinh. Trong tâm tôi tự hỏi biểu hiện của tôi khi ở Long Sơn khiến ông ta sợ hãi chăng? Tôi hướng nội tìm tại sao lại khiến ông ta tức giận như thế, là vì tâm thái của tôi không tốt cho nên trường của tôi không được tường hoà, không oán không hận thôi thì chưa đủ, cần phải đạt đến được bất động tâm. Tôi nghĩ lần sau mình nhất định phải làm tốt, thế là mấy ngày sau ông ta lại đến, tôi cười nói với với ông ta rằng hôm đó thái độ tôi không được tốt khiến ông tức giận rồi, ông ấy cũng cười, sau đó tôi lại nói một số lời vạch trần tà ác, ông ta không những không tức giận, ngược lại còn cười và chỉ tay vào tôi nói: “Chị nha! Chị nha! Vẫn còn ngoan cố lắm đấy!”. Thông qua sự việc này, tôi ngộ ra rằng sức mạnh của Thiện thật quá lớn, có thể khiến tà ác tan chảy.

Một hôm, có người đến thăm Đông Mai và tôi đã mở cửa sổ để giảng chân tướng cho những người tới thăm. Trại giáo dưỡng Thẩm Tân giam giữ rất nhiều lượt đệ tử Đại Pháp, nghe nói họ từng nhiều lần tuyệt thực. Có một lần bị lục soát lấy đi kinh văn, mọi người tuyệt thực tập thể để đòi lại kinh văn. Còn có một lần mọi người tuyệt thực, vì muốn để mọi người ăn cơm nên trại giáo dưỡng yêu cầu những nam tù nhân trước lúc ăn cơm đồng loạt hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Bức tường bao quanh trại giáo dưỡng Thẩm Tân cao bốn mét, các trại nối liền nhau, trong tình thế này có ba học viên Pháp Luân Công phá song sắt nhảy qua cửa sổ phòng giam để trốn ra ngoài vào ban đêm, nhảy qua khỏi bức tường cao bốn mét để thoát thân. Sau đó tôi gặp mặt một trong số ba học viên chạy trốn, cô ấy nói có một lần cô ấy phát hiện màu sắc của cơm rất lạ, hơn nữa nét mặt của đội trưởng rất khác thường. Sau đó biết được trong cơm có bỏ một loại thuốc, cô không dám vạch trần chuyện này ra, sợ bị bức hại và vì để chăm sóc con cái nên không rời khỏi nhà, nhưng sau đó cô bị bắt và bị đưa vào trại giáo dưỡng vì treo biểu ngữ.

Trong trại gọi vài nam tù nhân lên lầu kéo những người tuyệt thực như Trâu Quế Vinh, Doãn Lệ Bình đưa đi bức thực, tôi thấy vậy liền hô to để ngăn chặn hành vi của bọn chúng. Kết quả là bị đẩy vào trong phòng, trợ lý Đặng hỏi tôi nghĩ gì về chuyện này, tôi nói tại sao lại đối đãi như vậy với họ. Cô ấy sợ tôi cũng tuyệt thực nên không nói gì nữa, rồi đi tìm đội trưởng nói chuyện, không để cho tù nhân đến lôi họ đi nữa. Trong đợt bức thực thứ hai, các tù nhân thực sự không đến nữa, còn các học viên liên tiếp bị hành hạ trong trại từ ngày này qua ngày khác bằng cách bức thực truyền dịch. Có một lần khi bức thực Trâu Quế Vinh, cảnh sát tà ác đã thọc ngón tay vào trong miệng của cô ấy.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/22712