Câu chuyện luân hồi: Sứ mệnh của Vương Chiêu Quân (Phần 1-3)

Tác giả: Tử Vi

[ChanhKien.org]

4. Những sự việc bi thảm trong kiếp trước của Chiêu Quân, cái chết đau lòng của Điệt Châu

Từ thời điểm Chiêu Quân xuất tái [1] (khoảng năm 33 TCN),  lùi về trước 180 năm nữa, kiếp trước của Chiêu Quân đã từng là một người phụ nữ xinh đẹp ở thảo nguyên phương Bắc: Điệt Châu. Điệt Châu là một người phụ nữ không được nhắc đến trong lịch sử, nàng xuất hiện cùng thời với một vị thiền vu đại danh lừng lẫy Mặc Đốn. Đây cũng lại là một câu chuyện dài, để tôi từ từ kể cho bạn nghe.

Trong một thời kỳ lịch sử của Hung Nô, có một vị thiền vu vĩ đại tên là Mặc Đốn, khi Mặc Đốn còn là thái tử, cha của anh là thiền vu Đầu Mạn sủng ái một nữ nhân sinh hạ một người con trai, dưới sự xúi giục của nữ nhân, thiền vu Đầu Mạn muốn giết Mặc Đốn để lập người con trai nhỏ tuổi kia lên làm thái tử, bèn phái Mặc Đốn đến nước Nguyệt Thị làm con tin. Mặc Đốn vừa đến nước này, thiền vu Đầu Mạn lập tức tấn công Nguyệt Thị, người Nguyệt Thị muốn giết Mặc Đốn, Mặc Đốn bèn trộm một con ngựa tốt rồi cưỡi ngựa chạy trở về Hung Nô, thiền vu Đầu Mạn cho rằng Mạc Đốn dũng mãnh, bèn lệnh cho anh ta thống lĩnh một vạn kỵ binh.

Mặc Đốn bèn chế tạo ra một loại hưởng tiễn [2], huấn luyện thuộc hạ bản lĩnh cưỡi ngựa bắn cung, hạ lệnh rằng: “Ta hướng tên bắn đến mục tiêu nào, nếu ai không theo ta hướng tên bắn vào đó sẽ bị chém đầu.” Không lâu sau, Mặc Đốn dùng hưởng tiễn bắn vào con thiên lý mã của mình, thuộc hạ có người không dám bắn vào nó, Mặc Đốn lập tức giết luôn bọn họ. Qua vài ngày, Mặc Đốn dùng hưởng tiễn bắn vào nữ nhân mình sủng ái, thuộc hạ có người cảm thấy sợ hãi, không dám bắn tên, Mặc Đốn bèn giết bọn họ. Sau vài ngày, Mặc Đốn ra ngoài săn bắn, dùng hưởng tiễn bắn vào thiền vu Mạn Đầu, thuộc hạ đều bắn về phía mục tiêu. Mạn Đầu chết ngay lập tức. Mặc Đốn tự xưng là thiền vu. Mẹ kế và đệ đệ cùng một số đại thần phản đối thiền vu Mặc Đốn, Mặc Đốn cảm thấy mẹ kế quá ác độc, cái miệng điên đảo càn khôn của mẹ kế đã khiến phụ thân muốn mượn đao của Nguyệt Thị giết mình, còn người em trai kia muốn chiếm đoạt địa vị thái tử và nữ nhân của mình. Rất nhanh sau đó Mặc Đốn giết chết mẹ kế, đệ đệ và toàn bộ những đại thần không phục tùng.

Nói thêm một chút về thiền vu Mặc Đốn và nữ nhân bị giết, nữ nhân bị giết là Điệt Châu, là một người mà Mặc Đốn rất sủng ái. Điệt Châu không thể ngờ rằng, lúc buổi sáng Mặc Đốn còn dùng những lời ngọt ngào nói với nàng: “Điệt Châu, nàng hãy trang điểm đẹp hơn một chút, đến xem ta luyện binh như thế nào.”  Điệt Châu vui mừng đáp ứng, nàng trang điểm thật đẹp, hạnh phúc đi theo một viên quan truyền lệnh và xuất hiện trong tầm mắt của Mặc Đốn. Bất ngờ một mũi hưởng tiễn hướng về nàng, ngay sau đó, tên bắn ra như mưa, bắn liên tiếp vào người nàng, thật không ngờ người hạ lệnh lại chính là người đàn ông mà nàng hết mực yêu thương. Trong phút chốc, trái tim nàng tan nát, nỗi đau đớn về tinh thần vượt xa nỗi đau thể xác. Trong nỗi thống khổ cự đại, người phụ nữ đáng thương ấy mang nỗi ai oán trong lòng chết đi, chết mà không  cam lòng.

Thế nhưng cái chết của Điệt Châu lại có nguyên nhân sâu xa từ nguyện vọng của nàng. Sau khi Mặc Đốn trốn chạy từ Nguyệt Thị trở về, Điệt Châu vô cùng vui mừng, khóc vì vui sướng. Mặc Đốn muốn có chỗ đứng vững chắc trong hoàng tộc, Điệt Châu luôn thể hiện rằng sẽ thật tốt biết bao nếu mình có thể giúp Mặc Đốn. Điệt Châu còn kể một sự việc khác khiến Mặc Đốn phẫn nộ. Trong lúc Mặc Đốn bị phái tới Nguyệt Thị, người em trai tranh giành vị trí thái tử với Mặc Đốn nói với Điệt Châu: “Ca Ca của ta sẽ không trở về nữa, nàng sẽ trở thành nữ nhân của ta”. Điệt Châu nói ra sự việc này càng làm thúc đẩy kế hoạch của Mặc Đốn, do vậy, khi Điệt Châu lại một lần nữa bày tỏ, nếu như bản thân nàng có thể giúp đỡ Mặc Đốn thì sẽ tốt biết bao. Mặc Đốn cười nói: “Nàng sẽ có cơ hội”.

Điệt Châu muốn giúp đỡ Mặc Đốn nhưng tuyệt đối không nghĩ đến việc phải dùng đến tính mạng của mình. Thế nhưng số mệnh đã an bài, và như thế xuất hiện một người phụ nữ có tình cùng một cuộc đời vô tình. Trong số mệnh của Mặc Đốn có “Tam tiễn định thiên hạ”. Mũi tên thứ nhất bắn chết thiên lý mã, mũi tên thứ hai bắn chết Điệt Châu, mũi tên thứ ba bắn chết phụ thân thiền vu Đầu Mạn. Những tình tiết câu chuyện đều đã được định trước. Khi đại kịch lịch sử và cuộc đời bé nhỏ đan xen nhau, Điệt Châu đã trở thành quân cờ của Mặc Đốn. Khi tình cảm của vai nữ chính nhường chỗ cho thiên hạ của vai nam chính thì “yêu giang sơn chứ không yêu mỹ nhân” đã trở thành lựa chọn của Mặc Đốn. Do đó, việc Điệt Châu bị tên bắt chết đã trở thành sự việc tất nhiên được định trước.

Trong một thời đại đầy biến động như vậy, tại thảo nguyên phương Bắc, Hung Nô trở lên hùng mạnh, cha của thiền vu Mặc Đốn là thiền vu Mạn Đầu, đối đầu với ông là Doanh Chính của Đại Tần, người được mệnh danh là “Thiên cổ nhất đế” Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng di dân đến gần biên giới, tu sửa Trường Thành, phái Mông Điềm dẫn đại quân trấn thủ, chống lại cuộc xâm lược của người Hung Nô. Đối đầu với thiền vu Mặc Đốn là Hán Cao Tổ Lưu Bang, trận Bạch Đăng bao vây quân Hán lừng danh lịch sử chính là kiệt tác của thiền vu Mặc Đốn. Lưu Bang ngự giá thân chinh, kết quả bị hãm nhập trong sự bao vây của Mặc Đốn, đội kỵ binh tinh nhuệ của Mặc Đốn đông đến mức  tầng tầng lớp lớp khiến quân Hán khiếp sợ. Trần Bình sai người hối lộ yên chi (chính thê) của thiền vu, nữ nhân này khuyên giải thiền vu đừng làm khó quân Hán. Kỵ binh Hung Nô đã chừa ra một con đường, Lưu Bang nhờ đó mà chạy thoát thân. Sau này Lưu Bang qua đời, thiền vu Mặc Đốn đã viết một bức thư khiến Lữ Trĩ nổi giận, đại ý là: “Nam nhân của bà đã chết nên giờ rất cô độc, yên chi của ta cũng chết rồi, hay là bà và ta cùng chung sống đi.” Lữ Trĩ là một người có tính cách mạnh mẽ, muốn khai chiến với Hung Nô, nhưng các đại thần nhất mực khuyên giải, nói lúc tiên hoàng còn sống cũng từng bị vây khốn, Hung Nô cường đại, không thể khai chiến. Cuối cùng Lữ Trĩ không còn cách nào khác, bèn viết thư gửi lại, nói: “Ta già như hoa đã tàn, không còn khiến người ta thích nữa, tặng ngài mỹ nữ và tài phú, mong nhận lấy.”

Thiền vu Mặc Đốn, một quân vương hùng mạnh ở phương bắc, trên đời có ba thứ yêu thích là; thiên lý mã, mỹ nữ và giang sơn. Đối với thiên lý mã và mỹ nữ, anh ta đều có thể từ bỏ, mà không chỉ một lần từ bỏ. Sau khi anh ta giết cha kế vị, vua Đông Hồ lợi dụng tình hình Hung Nô chưa ổn định, muốn đoạt đất đai, phái người thăm dò, nói rằng muốn lấy thiên lý mã của thiền vu. Thiền vu triệu tập bộ hạ thảo luận, có người nói: Ngựa là sinh mệnh của nam nhân, làm sao có thể cho được? Thiền vu nói: không phải chỉ là một con ngựa sao? Cho. Không lâu sau, vua Đông Hồ lại phái người đưa tin, nói muốn yên chi của thiền vu, thiền vu lại triệu tập bộ hạ, có người tức giận nói, để nữ nhân đi là sự sỉ nhục của nam nhân, không thể cho được. Thiền vu nói: không phải chỉ là một nữ nhân thôi sao? Cho! Vua Đông Hồ trước sau nhận được thiên lý mã và  nữ nhân, cho rằng thiền vu bạc nhược, lại phái người đưa tin, muốn một vùng đất lớn của thiền vu, nếu không sẽ dẫn binh động võ. Thiền vu lại triệu tập bộ hạ, có người nói: cần đất, vậy cho thôi. Thiền vu tức giận: đất đai là căn bản của quốc gia, muốn chiếm đất đai, làm sao có thể cho được? Ai còn dám nói cho sẽ bị chém đầu. Sau đó, dẫn đại binh đột nhập Đông Hồ, chiếm được rất nhiều đất đai và tài phú. Hình ảnh của một nhân vật như vậy  rất có ý nghĩa, có phải vì muốn viết cho lịch sử trở nên muôn màu muôn vẻ hay không? Không phải. An bài của Thần không phải mục đích đơn nhất như vậy, phương thức bang giao của nhân loại, một là chiến tranh, hai là hòa bình, chiến tranh có thể tiêu trừ tội nghiệp, hòa bình có thể dung hợp dân tộc.

Khi thiền vu Mặc Đốn còn trẻ, thành đại sự không luyến tình, giết người phụ nữ mình yêu thương nhất, nữ nhân và thiên hạ, trong con mắt của người đàn ông đầy dã tâm tham vọng, thiên hạ vẫn là trọng yếu. Thiền vu Mặc Đốn nợ tình cảm với Điệt Châu, phải hoàn trả thế nào đây? Đại chiến trong lịch sử, an bài rất có ý nghĩa, luân hồi hai trăm năm sau, trên thảo nguyên, người từng là thiền vu Mặc Đốn chuyển sinh thành thiền vu Phục Chu Luy, vẫn được làm vua; Điệt Châu năm xưa, thay đổi dung nhan và trang sức, trở thành công chúa được gả để cầu hòa (hòa thân). Vốn dĩ bi kịch của vai nữ chính, cái gọi là có tình mà không thành người thân, kỳ thực chính là một màn đại kịch đang được dọn dẹp, vì để chuẩn bị cho một màn đại kịch khai mở vài trăm năm sau. Thế nhưng trong lần tương ngộ này, thiền vu Phục Chu Luy bảo vệ Chiêu Quân, Chiêu Quân hồi báo thảo nguyên, hai người nắm tay nhau, cùng hoàn thành sứ mệnh, để Hung Nô kết duyên với văn hóa người Hán, món nợ vay trả trước đây không được nhắc đến trong màn kịch này. Lại qua 1600 năm, màn kịch trả món nợ nghiệp mới bắt đầu khai diễn, lại có một kịch bản xuất hiện, kịch bản được an bài với một nỗi đau đớn triền miên, là một câu chuyện đầy màu sắc khác.

5. Chiêu Quân hậu thế Hải Lan Châu, Quân vương lụy tình mất sớm

Tôi xem tới đây, trong lịch sử, một hoàng đế trứ danh Hoàng Thái Cực, thần phi Hải Lan Châu được ông sủng ái, chính là kiếp sau của Chiêu Quân. Tại thiên giới, vị thiên nhân sẽ diễn vai hoàng đế Hoàng Thái Cực sau đọc kịch bản nhân sinh thì nói với tiên tử sắp diễn vai Hải Lan Châu: “Tình cảm của tôi trong kịch bản chính là: tôi vì nữ thần mà mất sớm, suy xét đều do món nợ nhân quả, thế nhân luận rằng si tình, đừng bỏ đi chương sử này.”

Tôi nghĩ: Kịch bản này rất có ý nghĩa, nợ ân tình, cuối cùng phải hoàn trả bằng ân tình, thậm chí là đến mức sống chết cùng nhau.

Hoàng Thái Cực trong lịch sử, văn võ song toàn, tôn sùng văn hóa người Hán, được ca tụng là  “Hiền Minh”, ông binh chinh thiên hạ, chiến công lẫy lừng, trí dũng siêu quần, đông chinh Triều Tiên, bắc phạt Tác Luân, tây chinh Mông Cổ, nam chinh Đại Minh, lãnh thổ của Thanh Triều được mở rộng đáng kể. Ông vì tranh đoạt thiên hạ với Minh Triều mà dũng cảm dùng binh. Năm 1629, ông hạ lệnh tránh Ninh Viễn, nơi được canh giữ bởi tổng đốc Liêu Đông Viên Sùng Hoán, từ Hỷ Phong Khẩu vượt Vạn Lý Trường Thành, tiếp cận thành Bắc Kinh. Viên Sùng Hoán trở về từ Sơn Hải Quan để chi viện, sau khi đánh bại quân Hậu Kim thì đóng ở bên ngoài cửa Quảng Cừ tại Bắc Kinh. Lúc này, hoàng đế Sùng Trinh trúng kế phản gián của Hoàng Thái Cực, xử tử Viên Sùng Hoán, khiến Minh Triều mất đi một vị danh tướng kháng Kim.

Thế nhưng một nam nhân uy dũng như Hoàng Thái Cực cũng có điểm yếu. Điểm yếu của ông chính là Hải Lan Châu. Liên hôn với Mông Cổ, củng cố phương Bắc là một sách lược của Hoàng Thái Cực. Hoàng hậu, bốn phi tử của Hoàng Thái Cực, đều là nữ nhân Mông Cổ. Hoàng Thái Cực sủng ái đối với Hải Lan Châu, trong cung ai cũng biết, kỳ thực cũng là duyên phận tất nhiên của lịch sử.

Mẹ của Hải Lan Châu là vợ lẽ, Hải Lan Châu từng có chồng, chồng của nàng hỏi thầy phù thủy về con nối dõi, thầy phù thủy lắc lắc đầu, sau khi người chồng rời đi, một người phụ nữ nhiều chuyện đã nghe thấy thầy phù thủy tự nói một mình: “Hải Lan Châu sẽ sinh con cho người khác, đứa trẻ đó sẽ giết bọn họ”. Người phụ nữ ấy thêm mắm thêm muối, đem chuyện này đi kể khắp nơi, cuối cùng đến tai của chồng Hải Lan Châu, anh ta uống rượu đánh đập Hải Lan Châu, tức giận hỏi nàng: “Ta đối tốt với cô như vậy, cô tại sao lại muốn phản bội ta.”

Sau nhiều lần bị đánh mà không hiểu lý do, Hải Lan Châu sợ hãi, nhờ một thiếu niên đưa tin cho ca ca Ngô Khắc Thiện, Ngô Khắc Thiện đến, đánh cho người đàn ông kia một trận và đưa muội muội về nhà, kết thúc cuộc hôn nhân của họ. Thân thể của Hải Lan Châu bị bầm tím dấu vết của những trận đòn roi, mẫu thân nàng rất đau khổ, bà đã xin thuốc  từ vị thượng sư lạt ma để chữa trị vết thương cho Hải Lan Châu. Bóng đen trong lòng Hải Lan Châu quá lớn, nếu có bóng dáng cao lớn che khuất ánh sáng trước mặt cũng đủ khiến nàng sợ hãi. Đôi khi nàng gặp ác mộng, sau khi tỉnh lại rùng mình run sợ. Nhìn thấy muội muội khi xưa giỏi ca hát, tính tình vui vẻ trở thành như vậy, Ngô Khắc Thiện rất đau lòng nên dành thời gian chăm sóc muội muội. Thế nhưng, nam nhân thường có những việc khác mà bản thân cần phải làm.

Vị lạt ma nói với mẫu thân: “Hãy để cô ấy tĩnh tâm niệm kinh Phật, sẽ giúp chữa lành tâm linh cô ấy.” Hải Lan Châu với cháu của lạt ma cùng nhau tĩnh tâm niệm kinh. Một ngày nọ, lạt ma bảo người cháu đưa Hải Lan Châu đến lều trại Khoa Nhĩ Thấm. Lạt ma nói với Hải Lan Châu: “Vận mệnh sẽ chăm sóc cho những người khổ tận cam lai”.

Thảo nguyên lúc này tiếp đón một vị khách quý Hoàng Thái Cực. Người Mông Cổ nhiệt tình đãi tiếp bằng ca hát, yến tửu, quang cảnh mười phần náo nhiệt, chủ khách cùng vui vẻ. Sau khi lửa trại kết thúc, tỳ nữ của Hải Lan Châu đã hết sức cố gắng  thuyết phục nàng, và cuối cùng đã kéo được Hải Lan Châu vào trong đám đông, sự vui vẻ của đám đông đã lan tỏa đến Hải Lan Châu. Trong màn ca vũ náo nhiệt khi Hoàng Thái Cực bắt được tay của Hải Lan Châu, ông cảm giác được bản thân mình nảy sinh cảm tình với người phụ nữ xinh đẹp này, bàn tay của nữ nhân rất mềm mại, nụ cười giản dị, ánh mắt sáng ngời, Hoàng Thái Cực đột nhiên không muốn buông tay. Bàn tay của phúc tấn Triết Triết thì khô, bàn tay của phúc tấn Bố Mộc Bố Thái thì mát mẻ, bàn tay của Hải Lan Châu thì ấm áp, đôi mắt trong veo, trái tim rộng mở, vô dục vô cầu. Một người phụ nữ như vậy, tại thời khắc như vậy khiến trái tim của một Hoàng Thái Cực lý tính cảm thấy như đã thuộc về nàng. Về phần Hải Lan Châu có cảm giác gì? Nàng cảm thấy vị khách nhân tôn quý này che giấu khí chất đế vương, nở nụ cười ấm áp và tràn đầy tình cảm, Hải Lan Châu cảm thấy giữa họ có một thứ kỳ lạ càng lúc càng lớn, nàng không cảm thấy sợ người đàn ông này, hai tay nắm lấy nhau, truyền cho nhau hơi ấm từ từ tuôn trào trong trái tim cô quạnh.

Sau khi Ngô Khắc Thiện chứng kiến ​​tình cảm nảy sinh giữa Hoàng Thái Cực và Hải Lan Châu, anh ta đã làm một việc rất nôn nóng kích động, đó là yêu cầu những người hầu cận bỏ một thứ gì đó an thần (thuốc mê) vào nước mà Hải Lan Châu uống, và đắp chiếc chăn mỏng cho Hải Lan Châu trở lại lều của Hoàng Thái Cực. Hoàng Thái Cực đã làm một việc rất trượng nghĩa, ông đã đưa Hải Lan Châu về và nói với Ngô Khắc Thiện: “Tôi sẽ đường đường chính chính cưới Hải Lan Châu làm trắc phúc tấn, và anh hãy đích thân đưa cô ấy đến phủ của tôi.” Ngô Khắc Thiện nhận lời, đó là một lời hứa giữa những người đàn ông. Người đẹp ngủ say không biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm đó, nàng đã gặp hai con người thực sự thương yêu mình. Anh trai sợ nàng không lấy chồng mà đi tu, anh rất lo lắng, đem nàng đưa vào trong bao đưa đến chỗ Hoàng Thái Cực, nghĩ rằng thân càng thêm thân, rất tốt; Mà người nam nhân kia đã yêu Hải Lan Châu từ cái nhìn đầu tiên, nhất định sẽ cưới nàng, cưới một cách quang minh lỗi lạc, sau này nhất định sẽ chiều chuộng, sủng ái hết mực.

Tôi thấy được trên đồng cỏ, khi chia tay, Hoàng Thái Cực và Hải Lan Châu đã trao nhau tín vật, Hoàng Thái Cực đã đưa cho Hải Lan Châu chiếc bùa hộ mệnh đeo trên cổ, bùa hộ thân này là ngạch nương đã mất của ông đeo cho, ông đã đeo nó mười năm, vẫn luôn coi đó như báu vật. Hoàng Thái Cực hứa với Hải Lan Châu sẽ cưới nàng và bảo vệ nàng suốt đời. Hải Lan Châu đã tặng cho Hoàng Thái Cực chiếc tràng hạt mà nàng dùng để tụng kinh. Tràng hạt đó được làm từ mã não, như một người bạn đi theo cô vượt qua những khó khăn suốt bốn năm. Hải Lan Châu nói: yêu một người đàn ông mình đã ngưỡng mộ bấy lâu, tâm đã có chỗ dựa, cũng có những mất mát;  nàng không muốn Hoàng Thái Cực rời đi. Hoàng Thái Cực nói rằng khi bản thân quay lại sẽ đặt hôn nhân đại sự lên hàng đầu. Hai người tạm biệt nhau với ánh mắt lưu luyến và cảm xúc rạo rực.

Có thể có người cho rằng đây là một câu chuyện tình yêu xảy ra do tình cờ gặp gỡ, kỳ thực, tất cả những cuộc gặp gỡ trên thế gian này đều là những cuộc tái ngộ ở một thời gian và không gian khác sau một thời gian dài biệt ly. Trong biển người rộng lớn giữa nghìn vạn giai nhân, chỉ có hai người yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và được kết duyên với nhau. Có câu “tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới cùng chung chăn gối.” Những mối tình vương vấn ấy, dù là tan nát cõi lòng hay là tình yêu sét đánh, hóa ra đều là tiền duyên định sẵn. Các vị Thần cao hơn, căn cứ theo hàng trăm ngàn năm luân hồi, duyên phận của hai người quyết định cuộc hôn nhân. Căn cứ những việc mà người ta đã từng làm trong luân hồi đời đời kiếp kiếp, cuối cùng định ra hôn nhân trong đời này.

Vùng Đông Bắc lúc bấy giờ là một đại vũ đài lịch sử, tình tiết của vở đại kịch này đã được an bài rất chi tiết, hết thảy những cuộc gặp gỡ tưởng chừng như tình cờ đều được sắp đặt một cách khéo léo. Vợ chồng là duyên phận quan trọng trong chốn hồng trần, tình cảm mặn nồng “nắm chặt tay người, cùng đi đến lúc bạc đầu”, hòa hợp như đàn cầm đàn sắt, sẽ che lấp đi việc trả những món nợ đã tích lại ở thế gian mà viết nên một chương tình sử vô cùng vang dội trong sử sách.

Hoàng Thái Cực rất sủng ái Hải Lan Châu, sử sách ghi rằng, Hải Lan Châu mới vào cung hơn một năm đã được phong là đại phúc tấn của Đông cung, vị trí của nàng trong hậu cung chỉ đứng sau cô của nàng, Hoàng hậu Triết Triết, và đứng cao hơn em gái của nàng, Trang phi. Thần phi Hải Lan Châu sinh hạ hoàng bát tử. Vào ngày thứ tám sau khi đứa bé được sinh ra, Hoàng Thái Cực tuyên bố vì hoàng tử giáng sinh, sẽ đại xá thiên hạ. Hai mẹ con được Hoàng Thái Cực sủng ái nhất. Nhưng chưa được một tuổi tiểu hoàng tử đã yểu mệnh. Hải Lan Châu chịu đựng nỗi đau mất con, vừa bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, nàng rất khó hồi phục. Nàng nhớ vẻ mặt hạnh phúc khi Hoàng Thái Cực nắm tay mình, dạy nàng viết chữ bằng bút lông và viết câu “Tôi rất hạnh phúc”; nàng nhớ lại Hoàng Thái Cực nói nếu giành được thiên hạ rồi thì sẽ để lại cho con, vậy mà hoàng nhi lại mất sớm, trong lòng đau buồn tinh thần bị thương tổn. Hoàng Hậu từng khuyên nàng, rằng “là con thì không chết, là tiền tài thì không mất, việc bảo vệ thân thể mới là quan trọng.” Hoàng Thái Cực cố gắng làm mọi cách nhưng cũng không thể giải khai được nút thắt trong tâm nàng.

Vào tháng 9 năm 1641, Hoàng Thái Cực thống lĩnh đội quân tinh nhuệ bát kỳ và quân thiết kỵ của các bộ lạc như Khoa Nhĩ Thẩm của Nội Mông chiến đấu chống lại quân đội của Hồng Thừa Trù nhà Minh trong trận chiến quyết định Tùng Sơn Cẩm Châu. Đúng lúc hàng chục vạn quân của cả hai bên đang giao tranh sinh tử  thì các sứ thần từ Thịnh Kinh đến hoảng hốt báo tin: “Quan Thư cung thần phi có bệnh”. Hoàng Thái Cực lập tức triệu tập các tướng và lệnh cho họ ở lại cố thủ, sáng sớm hôm sau ông phi ngựa trở về Thịnh Kinh, cuộc hành trình dọc đường hết sức vội vã, sứ thần của Thịnh Kinh lại báo rằng “Thần phi bệnh nặng.” Hoàng Thái Cực nhổ trại giữa đêm, thúc ngựa chiến, hận không thể mọc ra đôi cánh để có thể bay trở về bên cạnh ái phi. Sứ thần Thịnh Kinh lần thứ ba báo tin “Trần phi đã qua đời”, Hoàng Thái Cực phóng ngựa vào Thịnh Kinh, xông vào Đại Thanh Môn, đến thẳng cung Quan Thư, nhưng chỉ nghe tiếng khóc mà không thấy giai nhân. Ái phi đã ngọc nát hương tan, Hoàng Thái Cực ôm thi thể nàng than khóc và ngất đi nhiều lần. Kể từ đó, ông suy sụp về thể chất và tinh thần, và đột ngột băng hà vào ngày 9 tháng 8 năm 1643.

Nhìn lại quá khứ tôi thấy một cảnh tượng như sau, trên đường trở về Thịnh Kinh của Hoàng Thái Cực, Hải Lan Châu đã qua đời, linh hồn của nàng đến nghênh đón Hoàng Thái Cực và xuyên qua thân thể của Hoàng Thái Cực. Hoàng Thái Cực tất nhiên có cảm nhận được, thúc ngựa chạy nhanh, sau đó, Thịnh Kinh sứ giả tấu báo lần thứ ba “Thần Phi đã qua đời”, Hoàng Thái Cực như bị ngũ lôi oanh đỉnh, lúc này còn có linh hồn của một người, nhân cơ hội đi xuyên qua cơ thể của Hoàng Thái Cực và cắt đứt một mạch máu tim của ông. Do đó, việc Hoàng Thái Cực tâm trí thương tổn và không còn khả năng tự phục hồi có liên quan đến tim mạch thương tổn. Tôi vốn nghĩ rằng chính linh hồn của Viên Sùng Hoán đã cắt đứt mạch máu tim của Hoàng Thái Cực, khi tôi viết bài này, tôi đã kiểm tra linh hồn này và phát hiện ra rằng đó không phải của Viên Sùng Hoán mà là chồng cũ của Hải Lan Châu. Vì quá sa đọa và say xỉn, anh ta đã chết cóng trên thảo nguyên. Người này tuy đã đánh đập Hải Lan Châu nhưng hắn không bao giờ quên nàng, thậm chí còn muốn đưa Hải Lan Châu về, không ngờ người đẹp lại đi nơi khác và được sủng ái, người đàn ông lưu lạc này sau khi chết thì không đầu thai. Linh hồn người chết cũng có thể đố kỵ và oán hận sao? Có thể.

Chồng cũ của Hải Lan Châu đã từng là ai? Anh ta là người em trai cùng cha khác mẹ của thiền vu Mặc Đốn hai nghìn năm trước, vốn dĩ anh ta nghĩ rằng anh ta là người kế vị, nhưng không ngờ  đã bị Thiền vu Mặc Đốn giết chết. Tôi muốn nói rằng ở góc độ duyên oán nợ nghiệp thì luân hồi rất nghiệt ngã, người người đều nói “không phải oan gia thì không gặp”. Đây là một việc không thể tránh khỏi, những việc làm ở kiếp trước, kiếp này phải chịu nhận, nợ thì phải trả. Nhưng đôi khi, người đòi nợ sẽ xuất hiện rất dịu dàng, khiến người ta cảm thấy rằng luân hồi là có tình. Năm 209 trước Công nguyên, Thiền vu Mặc Đốn đã giết chết người phụ nữ yêu quý của mình, Điệt Châu, đây là nợ mệnh; năm 1634, cả hai gặp nhau tại một bữa tiệc lửa trên thảo nguyên, mở đường cho Hoàng Thái Cực sủng ái đối với Hải Lan Châu, sau bảy năm, duyên nợ đã trả, Hải Lan Châu đi chuyển sinh đầu thai, Hoàng Thái Cực đã thương tổn tinh thần. Cái gọi là mỹ nữ khí tuyệt, anh hùng tâm tan [nát], tất cả đều là kịch bản được an bài.

Hoàng Thái Cực muốn nhất thống thiên hạ, ông có ý chí lớn như vậy  nhưng không có vận mệnh ấy, bởi vì sân khấu ở quan nội được dành cho người khác. Cái chết của Hoàng Thái Cực có thể nói là một giấc mộng để lại trong lịch sử, hoàng tuyền chôn vùi anh tài. “Thanh sử cảo” đã nhận xét về Hoàng Thái Cực như sau: “Thái Tông thông thạo văn võ, nội tu chính sự, ngoại cần thảo phạt, dụng binh như thần, lập công to lớn. Tuy đại sự chưa thành, nhưng đến những năm Thế Tổ, thiên hạ đã thống nhất, mưu lược mà đế lưu lại thật sâu xa.”

Về vị lạt ma khuyên Hải Lan Châu niệm kinh,  ngài biết rõ chuyện trong thiên hạ và cũng biết nguồn gốc uyên nguyên giữa Hoàng Thái Cực và Hải Lan Châu. Khi nhìn thấy sợi chỉ hôn nhân quấn quanh mắt cá chân của Hải Lan Châu, ngài đã yêu cầu Hải Lan Châu quay trở lại lều của bộ tộc, thành toàn một đoạn nhân duyên. Sau khi Hải Lan Châu hạ sinh hoàng bát tử, trong đám người đến chúc mừng, có cháu gái của lạt ma, mang theo một bức thư của lạt ma,  bí mật trình lên Hoàng hậu Triết Triết. Triết Triết đã bị sốc sau khi nhìn thấy nó, bức thư nói rằng “Hoàng tử bất tường,  đó chính là người đến đòi nợ, Viên Sùng Hoán.” Triết Triết đốt lá thư.

Sau khi Hải Lan Châu qua đời, trong số những người đến chia buồn còn có cháu gái của lạt ma, cô đã mang theo lá thư của Lạt ma và đưa bức thư bí mật cho Trang phi, trong thư yêu cầu bà phải hết lòng chăm sóc con trai mình, mẹ con thân phận tôn quý, chớ phụ thiên mệnh. Trang phi cũng đốt bức thư này.

Nhìn lại kiếp trước của Hoàng hậu Triết Triết và của Trang phi, đó là an bài vở kịch lớn của lịch sử, quả đúng là trả nợ tình duyên. Trước tiên hãy nói về Triết Triết. Vào thời đại của Thiền vu Mặc Đốn, Triết Triết là mẹ ruột của Thiền vu Mặc Đốn. Bà không thể bảo vệ con trai mình. Chồng bà sủng ái nữ nhân mới, có ý lập thái tử khác, muốn giết chết Mặc Đốn. Mẫu thân tìm trăm phương ngàn kế để người con biết được thông tin, tìm đường sống. Trong kịch bản về “Chiêu Quân xuất tái”, bà là chính thê của thiền vu Hô Hàn Tà và là mẹ của thiền vu Phục Chu Luy, là một người phụ nữ có tấm lòng rộng rãi, bà kiến nghị thiền vu Hô Hàn Tà lập Chiêu Quân làm yên chi, bà cực kỳ thiện hữu đối với Chiêu Quân, thích những điệu múa của cung đình nhà Hán, mê những điệu múa của Chiêu Quân, người phụ nữ hào sảng này từng cười nói với Chiêu Quân: “Nếu ta là đàn ông, ta cũng sẽ lấy muội”. Trong thời Hoàng Thái Cực, bà là Triết Triết, trở thành phúc tấn của Hoàng Thái Cực, Hoàng Thái Cực xưng đế, bà được phong là Hoàng hậu, quản lý hậu cung, Hoàng Thái Cực rất tôn trọng Triết Triết.

Lại nói đến Trang phi, ở thời đại Thiền vu Mặc Đốn, nàng từng là yên chi của thiền vu Mặc Đốn, vì yêu cầu của Vua Đông Hồ, nàng đã bị gả cho Vua Đông Hồ. Trước khi bị đuổi đi, Thiền vu Mặc Đốn đã nói với Trang phi: “Hãy cố mà sống cho tốt”. Tuy nhiên, ở chỗ của vua Đông Hồ, nàng đã bị sỉ nhục, chế giễu và bị coi như nô bộc, bắt phải nuôi thiên lý mã. Nàng không chịu khuất nhục, quyết định tự sát. Người phụ nữ tội nghiệp này đã mang thai cốt nhục của Thiền vu được bốn tháng, nàng không biết rằng khi vào buổi sáng nàng cắt cổ tay để tự sát thì buổi chiều, quân của thiền vu Mặc Đốn đột kích vào doanh trại của vua Đông Hồ. Khi Thiền vu Mặc Đốn tìm thấy Trang phi, anh nhìn thấy xác nàng và rất tức giận, anh hận nàng không nghe lời, không “cố mà sống cho tốt” nên ra lệnh cho quân lính chôn cất người phụ nữ không có tinh thần nỗ lực này. Suy nghĩ của thiền vu Mặc Đốn, nữ nhân nào có thể theo kịp? Đối với người phụ nữ này, Mặc Đốn cũng đã nợ một món lớn, sau này phải hoàn trả! Do đó, sau 1800 năm, Hoàng Thái Cực đem giang sơn lưu lại cho Trang phi và con.

Thuận nói một chút về Đa Nhĩ Cổn, là em trai cùng cha khác mẹ của Hoàng Thái Cực, rất có năng lực về quân sự. Ông là ai trong lịch sử? Thời Chiêu Quân, ông là con của thiền vu Hô Hàn Tà và Chiêu Quân, trong kịch bản được lưu truyền sau này thì nói rằng ông đã bị giết. Trong kịch bản gốc, ông không bị giết. Ông không thể nối dõi tông đường vĩ đại của thiền vu, trên những cánh đồng cỏ, người ta chỉ thừa nhận vị vua mang dòng máu Hung Nô thuần khiết.

Chuyện kể rằng khi Đa Nhĩ Cổn dẫn quân vào Trung Nguyên, trên đường đi gặp một vị lạt ma, Đa Nhĩ Cổn đã hỏi vị lạt ma về vận số của Đại Thanh. Lạt ma nói: “Quả phụ cô nhi đắc thiên hạ, quả phụ cô nhi mất thiên hạ.” Một câu nói của Lạt Ma đã tiết lộ thiên cơ. Chẳng bao lâu, Đa Nhĩ Cổn đã đưa vị hoàng đế nhỏ lên ngôi, hoàng đế Thuận Trị tại Bắc Kinh tế cáo thiên địa tổ tiên, tuyên bố rằng ông là quân chủ hợp pháp duy nhất toàn thiên hạ. Thật đúng là “Quả phụ cô nhi đắc thiên hạ”. Sau này, khi nhà Thanh chấm dứt đế chế, cũng là trong tình trạng quả phụ cô nhi. Thiên cơ có thể đã được tiết lộ. Tôi đã kiểm tra và thấy rằng vị lạt ma này và vị lạt ma đã viết bức thư là cùng một người, là một người biết thiên cơ.

Kết luận

Khi tôi nhìn vào kiếp luân hồi của chính mình từ bên ngoài bức tranh luân hồi, tôi thường cảm thấy xúc động. Câu chuyện từ “yêu giang sơn không yêu mỹ nhân” của Thiền vu Mặc Đốn, đến “yêu giang sơn nhưng yêu mỹ nhân hơn” của Hoàng Thái Cực, đều là luân hồi nghiệp báo. Một số cảnh trong đó  khiến tôi động tâm. Ví dụ, tôi đã thấy một cảnh như thế này: Hải Lan Châu nguyên thần ly thể, sau khi thân thể vi quan của nàng xuyên qua thân thể của Hoàng Thái Cực tiếp tục đi về phía nam và đến Quan Nội đầu thai; trong khi Hoàng Thái Cực phi ngựa vào Thịnh Kinh và đi thẳng về phía Quan Tư cung, nhưng nghe thấy người trong cung đang khóc, không thấy giai nhân vui cười nghênh đón, Hoàng Thái Cực ôm thi thể bi thương, liền ngất đi mấy lần. Khi cảnh tượng này diễn ra trước mắt, tôi không muốn chứng kiến ​​Hoàng Thái Cực đau khổ, nên đã nghỉ ngơi, dừng bút để uống một tách trà, nhưng nước mắt lại rơi vào trà. Cảnh đầu thai vẫn đang diễn ra trước mắt, Hải Lan Châu được đầu thai vào một gia đình giàu có, đang tập nói. Hoàng Thái Cực không thể quên tình cũ, thường bất chợt đau thương. Thở dài buồn bã trong ảo mộng, đa tình cười nhạo chính mình, đây cũng là tâm người thường, giữa động tâm và tĩnh tâm, xem vở kịch lớn luân hồi, nếm trải hàng trăm hương vị cuộc đời. Không tính toán sướng khổ của người thường, xem nhẹ cái mê khổ của thế gian, cũng là sự tu hành của nhân sinh.

Sự hiểu biết của tôi là: cuộn tranh luân hồi, ở một chiều không gian cao hơn, tương ứng với hoạt động của một bộ cơ chế, cơ chế này được triển hiện từng bước từng bước một, rất có trật tự, khi quá trình luân hồi trong quá khứ lần lượt triển hiện trước mắt, các chủng cảm tình và vật chất phong ấn trong nhân thể đồng thời được giải phóng, người đó sẽ vô tình cảm thấy đau đớn buồn bã hoặc suy sụp. Kỳ thực, đây cũng là một cơ chế do cựu thế lực an bài khởi tác dụng đối với người tu luyện. Nhưng ngược lại, nếu bạn có thể nghĩ được rằng, tôi không muốn loại đắng cay ngọt bùi này, không chìm đắm trong cảm giác đã qua, nhận ra rằng đó không phải là bản thân mình, không muốn lạc lối, không muốn bị khống chế; quá khứ đều là diễn kịch, đang đặt định văn hóa, còn bây giờ tôi có con đường hiện tại mà tôi cần phải đi. Lựa chọn như vậy, thì có thể tránh được can nhiễu không cần thiết, có thể tương kế tựu kế, lợi dụng thành một cơ hội để đề cao cho người tu luyện. Lúc này, còn phải xem phản ứng “phanh hãm” của bạn. Do vậy nói, người viết bài luân hồi, đừng nên trầm mê vào luân hồi, cần thoát khỏi luân hồi, không nếm trải hương vị trong đó. Đây là nhận thức của tôi. Có được nhận thức này phải trải qua một quá trình.

Vì có một niệm muốn viết về nhân duyên tam thế, tôi lần lượt viết về từng lần luân hồi, để triển hiện biến cố thế gian, đã viết cạn bút lực, bí ẩn luân hồi được sáng tỏ, tôi thở dài trước sự sắp đặt luân hồi, cảm khái số phận tạo hóa. Quá trình viết bài, đều là một quá trình như vậy, đứng lặng trong luân hồi chứng kiến ​​bao nhiêu biến cố đã qua, vượt qua hồng trần tẩy sạch những vết tích của sinh mệnh.

Hồi tưởng lại luân hồi kiếp trước, tôi cũng thấy được tín tức của chồng mình ở kiếp này. Ở thời đại thiền vu Mặc Đốn, anh là vị quan truyền lệnh, truyền cho Điệt Châu, chứng kiến ​​toàn bộ quá trình Điệt Châu từ một mỹ nữ trở thành người phụ nữ bị chết dưới trăm ngàn mũi tên, anh nhận lệnh chôn cất Điệt Châu, anh cảm thấy có lỗi. Thời Chiêu Quân là người hộ tống bảo vệ nàng trên thảo nguyên, khi Chiêu Quân phi ngựa trên thảo nguyên, Chiêu Quân cầm cây đàn tỳ bà tấu khúc nhạc ưu oán, khi gần khi xa, người hộ vệ bảo hộ cô, người hộ vệ còn phải trông chừng [sự tấn công từ con] người, trông chừng sói và chim ưng (loài chim dữ) đối với Vương Chiêu Quân. Trong thời Hải Lan Châu, anh là người thanh niên giúp Hải Lan Châu gửi thư cho Ngô Khắc Thiện, anh thấy Hải Lan Châu đau đớn và không thể chịu đựng được. Đây là người ít người biết đến, lại là người có duyên với tôi, ở kiếp này, anh ít khi bày tỏ tình cảm, nhưng anh quý trọng duyên phận, có trách nhiệm có đạo lý, nguyện ý vì người nhà mà phó xuất. Ở Trung Quốc, trong cuộc bức hại các đệ tử Đại Pháp, chồng tôi luôn lo lắng cho sự an toàn của tôi, anh ấy nói với tôi: “Em chưa nhìn thấy cái ghế sắt (dụng cụ tra tấn), cái ghế có dính máu. Em sẽ không thể chịu được cái khổ đó, anh sợ em sẽ bị bắt đưa đi.” Đôi mắt anh ấy nhìn tôi luôn rất sâu, cuối cùng một ngày, tôi muộn màng nhận ra, đôi mắt sâu ấy chứa đầy tình cảm và lo lắng.

Người ta nói rằng “Nhân thế có luân hồi, đạo trời không lọt ai”. Mang mang nhân hải, cửu biệt tương phùng, trở thành một nhà, đều là tiền duyên định trước, đó là quan hệ trọng đại nhất ở nhân gian. Đâu có chuyện ai đó nhất thời khởi niệm tùy tiện là có thể định được? Lẽ nào lại có thể cho phép tùy ý ly hôn? Hôn nhân là sự sắp đặt của thiên giới dựa trên duyên nợ và ước nguyện của con người. Thiên giới có pháp lý của thiên giới. Người hiện đại tùy ý phá hoại an bài của thần tiên, có thể không hoàn trả nợ nghiệp sao?

Thời gian trôi đi, lịch sử trôi qua vẫn không thay đổi, năm tháng dài đằng đẵng và ký ức phong ấn vẫn còn. Phồn hoa phai tận thấy đìu hiu, mây khói bay qua làm dịu mắt, ai có thể chứng kiến được hành trình đã qua? Có người thấy và hiểu được được thiên cổ luân hồi. Trong tiếng thở dài, nhìn lại quá khứ, xúc động làm sáng tỏ những nghiệp báo nhân duyên, thông qua đó, tôi chỉ muốn nói với độc giả rằng: chớ coi thường nhân quả nghiệp báo ở thế gian, nhân duyên giữa người với người chính là sự vướng mắc của nhiều thế hệ. Bề ngoài của nhân sinh có thể là phong quang vô hạn, thanh nhã triền miên, nhưng đằng sau là nghiệp lực luân báo, có nợ phải trả. Do vậy gọi là kiếp trước thiếu nợ nhau, thì kiếp này tất gặp; nếu không thiếu nợ nhau, thì cũng không cần gặp mặt.

Trên thực tế, ngay cả một chi tiết của cuộc sống cũng có thể là biểu hiện của số phận. Năm hai mươi sáu tuổi, một buổi chiều thu tôi đi làm về, hoàng hôn rực rỡ, cửa sổ đối diện mạ vàng ánh vàng, tiếng đàn hát vang lên: “Hoàng hôn trên Sa mạc. Ai đó đang chơi đàn tỳ bà”. Lời bài hát này đập vào mắt tôi ngay lập tức, và sau đó một nỗi buồn không thể giải thích được cuốn lấy tôi. Trước mắt tôi là hình ảnh buồn bã của một người phụ nữ đang đánh đàn tỳ bà dưới ánh hoàng hôn trên sa mạc, hình ảnh này như định lại trước mắt tôi, nỗi buồn ấy bao trùm lấy tôi. Vài ngày sau tôi mới có thể nguôi ngoai, mới có thể hít thở bình thường.

Văn nhân nói: “Thế gian là một giấc mộng lớn, cuộc đời được mấy lần cảm nhận sự mát mẻ của mùa thu.” (Tô Thức), tôi muốn nói: “Nhân thân nan đắc nay đã đắc, và Phật pháp khó có cơ hội được nghe nay đã nghe. Trải qua những tang thương của cuộc đời, biển người trôi nổi chớ mê mang”. Đối với người tu luyện, nếu chúng ta có thể thoát ra khỏi màn đại kịch luân hồi, dùng sự thanh tỉnh của giác giả, nhìn thấu an bài của cựu thế lực, đừng lẫn lộn trong đó, và giải thoát ra, giống như hùng sư dũng mãnh tinh tấn, không cô phụ sự kỳ vọng của thiên giới.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/273239

Chú thích:

[1] Xuất tái: Đi ra khỏi vùng biên ải xa xôi

[2] Loại tên mà khi bay thì phát ra âm thanh