Mật mã phương Đông (Quyển 1 – Phần 1.3)

4. Thần tính quan thiên nhân cảm ứng, thiên nhân hợp nhất – Bối cảnh sản sinh chữ Hán tương hợp với Đạo

Thế giới bao la, ngân hà vận chuyển; danh lợi tình thù, nhân sinh chìm nổi; hỉ nộ ai lạc, sinh ly tử biệt. Người ta không rõ rốt cuộc là thế nào, con người kỳ thực sống ở trong mê. Chúng sinh làm thế nào mới có thể tương ứng tương hợp với thiên địa, thuận buồm xuôi gió trong dòng chảy lịch sử đây?

“Xưa nay Đạo gia vẫn coi thân thể con người là tiểu vũ trụ, họ cho rằng vũ trụ bên ngoài lớn ngần nào, thì bên trong lớn ngần ấy, bên ngoài như thế nào, thì bên trong như thế ấy.” [1]

Mà tiểu vũ trụ và đại vũ trụ có một sự đối ứng, chính như tam thiên đại thiên thế giới mà đức Phật giảng, bên trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới, mà trong tam thiên đại thiên thế giới đó còn có hạt cát, trong hạt cát đó còn có tam thiên đại thiên thế giới, cứ thế vô cùng vô tận. Tuy rằng các hiện tượng thế gian rất rối ren, nhưng bên trong cái rối ren kia lại tuân theo và thể hiện cùng một thiên đạo, giống như nước có thể ngưng đọng lại thành nước, có thể tản ra thành mây mù, có thể kết tụ thành băng, có thể kết tinh làm sương và tuyết, có thể theo dòng chảy xuống mà cũng có thể bốc hơi bay lên, bất kể hình thái vật chất bên ngoài của nó biến đổi ra sao, thì bản chất nó vẫn là nước, chỉ là biểu hiện khác nhau mà thôi.

Cũng giống như một cái trứng côn trùng, nó nở ra thành con tằm, con tằm nhả tơ thành nhộng, rồi nhộng lại mọc cánh thành con bướm, mà con bướm lại có thể đẻ trứng, bắt đầu một vòng tuần hoàn sinh mệnh tiếp theo. Cùng một sinh mệnh trong thời gian mấy tháng ngắn ngủi có thể trải qua biến hóa hình thái vật chất hoàn toàn khác nhau nhiều đến như vậy: đẻ trứng, trứng nở, kéo kén thành nhộng, mọc cánh thành bướm, lặp đi lặp lại, sinh tử tuần hoàn, phải chăng điều này đã cho chúng ta thấy tính đa dạng của hình thái sinh mệnh, cùng một sinh mệnh có thể có hình thức thể hiện vật chất khác nhau, như vậy sinh mệnh chẳng phải là luân hồi (tuần hoàn) chăng? Cái vỏ vật chất có thể không giống nhau, thế nhưng cái sinh mệnh kia ở trong đó trước sau không thay đổi. Ví như chúng ta nói vật này là băng, kỳ thực cũng chỉ là ở trong mắt chúng ta thì sinh mệnh đó vào thời khắc này hiển hiện là băng, nhưng nó có thể còn có những hình thức hiển hiện khác, tỷ như đám mây kia bay qua bầu trời cũng có thể chính là nó trước đây.

Chủ nguyên thần làm chủ nhục thân của con người, nó mới là sinh mệnh bản chất thực sự của con người. Chủ nguyên thần đến từ Thần, bất kể nhục thân thay đổi bao nhiêu lần, giới tính của nhục thân thay đổi bao nhiêu lần, thì chủ nguyên thần kia vẫn như cũ.

Những truy cầu vật chất, ăn chơi hưởng lạc, danh lợi tình nơi thế gian chỉ để thỏa mãn nhu cầu vật chất cho sự tồn tại của nhục thân mà thôi, nhục thân của con người sau trăm tuổi đều phải giải thể và quay trở về bùn đất.

Một giọt nước từ biển cả, hóa thành hơi nước bay lên bầu trời, hoặc biến thành mưa rơi xuống, hoặc ngưng kết thành sương băng và tuyết, trời ấm thì lại hóa thành nước chảy về biển cả, mãi không khô cạn. Còn chủ nguyên thần của một người là đến từ nơi của Thần, thác sinh thành một con người trong cõi thiên địa, luân hồi liên tục mấy ngàn năm, trải qua ma luyện lại quay về nơi Thần, sinh mệnh vĩnh tồn. Sự tuần hoàn của sinh mệnh trong thiên đạo là tương thông.

Ở đây nếu độc giả tạm thời còn chưa hiểu rõ, thì cũng không vấn đề gì, đọc đến phần phá giải mật mã liên quan đến nét chữ Hán, sau đó đọc lại đoạn này thì sẽ rất rõ ràng.

Chữ Tàm (蚕 – con tằm) gồm chữ Thiên (天) ở bên trên và chữ Trùng (虫) bên dưới, côn trùng là từ trời đến. Chữ Trùng (虫) tượng trưng cho vũ trụ âm dương biến đổi từ trên xuống dưới đến cực điểm, nét ngang hất đẩy dấu chấm biểu tượng cho Thần đến vị trí số 8 của vũ trụ, đây là vị trí tượng trưng cho hành động nghịch thiên thì sẽ đi tới hủy diệt, là vị trí sau chót của âm. Bởi vậy Tàm (蚕) tượng trưng cho việc sinh mệnh trong vũ trụ đi đến cuối cùng, biến đổi thành cấp thấp giống như côn trùng. Tằm ăn rồi ngủ, nó cần nghỉ ngơi nhiều lần, ngủ lần đầu, ngủ lần hai, ngủ lần ba, ngủ lần bốn, ngủ lần năm, giống như con người ngủ trong tam giới ngũ hành, trở mình nhưng vẫn chưa tỉnh lại, dù vậy, tằm vẫn có thể nhả tơ (丝) kết thành kén màu trắng, người ngoài thấy đây thật là mua dây buộc mình, thế nhưng tằm lại có thể đưa mình vào chỗ chết, sau đó hóa thành nhộng (âm Hán việt là dũng, đồng âm với dũng [cảm]) và phá kén chui ra, mọc cánh thành bướm. Chữ Ti (丝 – sợi tơ) và chữ Tư (私 – vị tư) trong tiếng Trung là từ đồng âm, hơn nữa bản thân chữ Khư (厶) đã mang nội hàm “Tư” (Chú thích của dịch giả: trong chữ Ti 丝 đã chứa bốn chữ Khư 厶), nhả hết tơ tượng trưng cho tống khứ hết Tư trong tâm, một người muốn tống khứ Tư, thì quả thực cần phải có tâm đại dũng mới được. Tằm cuối cùng nhả hết tơ, dùng cả thân mình mà tạo phúc cho nhân loại. Chữ Kiển (茧 – cái kén) và chữ Kiến (见 – nhìn thấy) trong tiếng Trung là từ đồng âm, con tằm dùng cái kén trắng tinh khiết để thể hiện cho thế nhân thấy sự thuần tịnh của nội tâm, do vậy con tằm cuối cùng đã được thăng hoa mọc cánh hóa thành Nga (蛾- con bướm). Chữ Nga (蛾) nếu bỏ đi chữ Trùng (虫) thì chính là Ngã (我 – tôi, ta), ngụ ý bản thân làm người cần phải trong quá trình tu luyện mà tịnh hóa thăng hoa bản thân, tống khứ cái Tư (chữ Trùng) này mà quay trở về chân ngã. Chữ Tàm (蚕) và chữ Thiền (禅) trong tiếng Trung lại là hai từ gần âm, mọc cánh ngụ ý mọc cánh thành tiên, phản bổn quy chân, đắc đạo phi thăng tu luyện viên mãn. Như vậy, vạn vật đều có linh, đạo lý căn bản của sinh mệnh là tương thông.

Chủ nguyên thần mới là tự kỷ thực sự của con người.

5. Ma tính thời loạn thế là quan niệm bại hoại ăn mòn Thần tính

Nội hàm Thần truyền cho con người là quang minh, thần thánh và là đặc tính thuần chính nhất trong vũ trụ, làm sáng tỏ vấn đề từ phía chính diện, minh bạch căn nguyên chân chính của sự vật, dùng thiện niệm thiện hành đối đãi vạn sự vạn vật, gặp chuyện thì cần nhường nhịn và phần lớn là nghĩ cho người khác, đây là một sinh mệnh giác ngộ và tự giác đối với đặc tính vũ trụ Chân Thiện Nhẫn, là thể hiện chân thực của Thần tính trong sinh mệnh. Như vậy sinh mệnh người đó sẽ đồng hóa vào thiên đạo vũ trụ, trên con đường nhân sinh không ngừng thăng hoa bản thân, không ngừng theo đuổi phẩm chất đạo đức và cảnh giới tư tưởng cao hơn, cuộc đời của người đó nhất định là quang minh phổ chiếu, tinh thần sung mãn, tràn ngập hy vọng, thuần thiện thuần mỹ, chân thực bất hư. Một sinh mệnh mang Thần tính như vậy thì chẳng phải chính là đi trên đường đến Thần sao?

Còn ma tính của thế giới hỗn loạn lại vừa vặn tương phản.

“Con người sống trên đời, chỉ có hai việc ăn và uống, coi cuộc đời là trò chơi, sống bất cần đời”, rất nhiều người cả cuộc đời đã sống như vậy.

“Người tốt thì mệnh không dài, tai họa một ngàn năm”, những người nhìn thế giới theo cách phản diện thường sống như vậy. Những người đó ôm giữ quan niệm kiểu như “có Thần hay không không biết, kiếm tiền đã rồi hãy nói”, những người này cũng khá phổ biến.

Khi một người bị nhân tố phụ diện làm chủ tể, không gian sinh tồn của người đó có thể sẽ trở nên u ám, thiếu ánh sáng và hy vọng, khó có thể thấy Lý chân chính của vũ trụ và quan hệ nhân quả của sự vật trong dòng thời gian dài của thiên địa vũ trụ, từ đó dần dần mất đi tiêu chuẩn đánh giá thiện ác, như vậy người đó sẽ có thể làm ra rất nhiều chuyện sai lầm dưới ảnh hưởng của tư tâm, từ đó gieo mầm ác cho tương lai bản thân, đến khi kết thúc nhân sinh rất có thể tự gặt quả đắng, thậm chí bị ác báo.

Nếu như một sinh mệnh phạm phải tội nghiệp sâu nặng không thể cứu vãn, thì sẽ phải đối mặt với hình thần toàn diệt, phải chịu thống khổ vô tận bồi thường tội nghiệp của bản thân trong địa ngục vô gián, cái tâm thái thời hỗn thế ấy nếu bị đẩy lên đến cực điểm, thì cuối cùng có thể sẽ bị hủy diệt vì những suy nghĩ và hành vi ngu ngốc của bản thân.

Hết thảy những việc con người làm đều là kết quả do tự mình lựa chọn, con người tất nhiên phải chịu trách nhiệm cho những gì mình gây nên, thiên lý là công bình. Cái tâm thái thời hỗn thế là một loại quan niệm biến dị, là ma tính cần phải trừ bỏ. Khi Tôn Ngộ Không theo Đường Tăng lấy kinh, yêu quái đầu tiên bị Ngộ Không đánh bại chính là Hỗn Thế ma vương, để không còn sống một cách bừa bãi hỗn tạp nữa.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267516

Chú thích:

[1] Tác phẩm “Chuyển Pháp Luân” của Đại sư Lý Hồng Chí