Bà Khổng Duy Kinh: Ngày 25/4/1999, tôi được Chu Dung Cơ dẫn vào Trung Nam Hải

Tác giả: Thi Bình

[ChanhKien.org]

Năm 1999, khi ấy bà Khổng Duy Kinh 49 tuổi. Bà là một nhà kinh tế học thúc đẩy tiết kiệm và làm công tác nghiên cứu tại một chi nhánh của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở Bắc Kinh. Bà vốn là một người rụt rè, sống nội tâm, và chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ được giới chóp bu biết đến, thậm chí còn làm kinh động đến Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, bà Khổng Duy Kinh được Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Dung Cơ đưa vào Trung Nam Hải. Là một trong số hàng trăm triệu người được hưởng lợi ích cả tâm lẫn thân từ việc tu luyện Pháp Luân Công, bà đã đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Trung Nam Hải để thỉnh nguyện. Tình cờ đứng trên vỉa hè đối diện ngay cổng chính Văn phòng Kháng cáo ở cửa phía Tây của Trung Nam Hải, bà đã được ông Chu Dung Cơ, lúc đó đi thị sát tình hình, chọn một cách ngẫu nhiên.

Ngày hôm ấy đã đi vào lịch sử. Vào ngày đó, cái tên “Pháp Luân Công”, một môn khí công Phật gia vốn chỉ được phổ biến trong người dân Trung Quốc, đột nhiên được đưa lên vũ đài thế giới. “Các học viên Pháp Luân Công,” hầu hết trong số họ đều là những người dân thường Trung Quốc, lần lượt bị đưa vào tầm ngắm.

Từ rụt rè sợ sệt đến dũng cảm bước ra

Từ nhỏ Khổng Duy Kinh đã là một người rụt rè, không bao giờ dám nói trước đám đông và nếu bị ai la mắng hoặc thậm chí trừng mắt, cô bé sẽ khóc vì sợ hãi. Cô thường lảng tránh mọi người, tim cô sẽ đập thình thịch khi thấy người khác cãi nhau trên xe buýt.

Lần đầu tiên Duy Kinh đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính yếu của Pháp Luân Công, bà đã bị chấn động mạnh bởi sự thẳng thắn và dũng cảm của tác giả. Bà tự nghĩ: “Vị khí công sư này sao lại thẳng thắn, trung thực và chân chính đến vậy? Dám thẳng thừng viết về những điều như ‘mê tín phong kiến’ và gọi ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ là chân lý của vũ trụ, điều này chẳng phải trực tiếp đối lập với tư tưởng ‘đấu thiên, đấu địa, đấu nhân’ của Trung Cộng hay sao? Trong tương lai, khi Trung Cộng thực hiện các chiến dịch vận động chính trị, Pháp Luân Công chẳng phải sẽ trở thành mục tiêu của cuộc bức hại sao? Vì sao người này không màng đến an nguy bản thân? Người ấy không sợ việc chiêu mời rắc rối cho mình hay sao?”

Bà thấy các vị khí công sư khác không giảng bất kỳ đạo lý nào mà chỉ nói: “Thiên cơ bất khả lộ”, điều này làm tăng thêm vẻ thần bí đồng thời tránh được rủi ro về mặt chính trị. Bà cảm thấy rằng Sư phụ Pháp Luân Công thật sự có trách nhiệm đối với các học viên mà giảng ra toàn bộ những đạo lý cao thâm. Đây chính là biểu hiện của sức mạnh và lòng vị tha.

Duy Kinh cũng cảm thấy rằng “Pháp Luân Công rất đơn giản, dễ học, chí ít cũng dạy con người ta trở thành người tốt”. Người sáng lập Pháp Luân Công cũng giảng về những đạo lý sâu sắc của sinh mệnh và vũ trụ. Ngài cũng giảng rằng con người phải coi trọng đức, hướng thiện, cuối cùng đạt đến cảnh giới vị tha. Mặc dù tiêu chuẩn cao nhưng tất cả đều tùy vào tâm của mỗi người.

“Sư phụ giảng rằng chỉ cần tu tâm tính, công sẽ tăng trưởng lên. Ngài cũng nói rằng Pháp này luyện người 24 giờ trong ngày… Sư phụ thực sự đã làm những gì Ngài nói. Rất nhiều kỳ tích đã xảy đến với tôi”. Duy Kinh kể rằng bà đã dành hai đêm để đọc cuốn sách. Sau đó, cơn đau dạ dày mãn tính của bà đã biến mất, bà vốn có một khối u trong dạ dày với những cơn đau tưởng như không thể chịu được. Dù chưa bắt đầu luyện công nhưng bệnh của bà đã được chữa khỏi. Bà không còn cảm thấy đau, khối u đã biến mất. Hơn nữa, những bệnh khác như; viêm bể thận, thấp khớp, rồi đau thần kinh tọa, tất cả đều được chữa khỏi. Bà thấy điều này thật khó tin. “Tôi chưa tu luyện, cũng chưa gặp Sư phụ, vậy mà Sư phụ đã loại bỏ tận gốc bệnh tật của tôi.”

Kể từ đó, chủ nghĩa vô thần vốn đã ăn sâu trong tâm trí bà nhiều thập kỷ đã tiêu tan. Bà cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh. Kể từ lúc bắt đầu tu luyện, đã hai mươi sáu năm, bà không còn phải dùng đến thuốc men và bệnh tật thì biến mất.

Thay đổi lớn nhất đối với Duy Kinh là ở tinh thần. Biết được ý nghĩa và hướng đi thực sự của cuộc đời mình, bà không còn sợ hãi, lo lắng và trở nên can đảm hơn. Bà miêu tả nó giống như trong lời một bài hát “bởi tôi đã đi trên con đường mà Thần an bài”.

Vào tối ngày 24 tháng 4 năm 1999, sau khi nghe tin các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân bị bắt giữ, Duy Kinh không chút do dự quyết định sẽ đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia để phản ánh tình huống chân thực của Pháp Luân Công. Bà nghĩ về những gì đã xảy ra trên đường Trường An trong sự kiện Lục Tứ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bà quyết định mặc đồng phục ngân hàng và mang theo giấy phép lao động để chứng minh danh tính bản thân. Sáng hôm sau, Duy Kinh đi đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Trung Nam Hải.

Người Trung Quốc tin rằng “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo” (tạm dịch: ơn nghĩa một giọt nước, báo đáp một dòng sông), cũng có câu “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (tạm dịch: một ngày làm thầy, cả đời làm cha). Duy Kinh cảm thấy rằng Sư phụ đã cấp cho bà quá nhiều điều trân quý, cho bà biết ý nghĩa nhân sinh, dạy bà những đạo lý làm người mà không đòi hỏi lấy một xu, chỉ cần bà xuất tâm chân tu hướng thiện. “Khi một vị Sư phụ vĩ đại, một Pháp vĩ đại như vậy bị hàm oan, liệu có thể không đứng lên nói một lời công bằng sao?”

Ngẫu nhiên được Chu Dung Cơ chọn vào Trung Nam Hải

Đầu tháng 4 năm 1999, Hà Tộ Hưu, một “nhà khoa học” bất lương từng nhiều lần phỉ báng Pháp Luân Công, lại một lần nữa đăng bài vu khống trên tạp chí của Học viện Giáo dục Thiên Tân (Hà Tộ Hưu là anh rể của La Cán, lúc đó là Thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật). Các học viên Pháp Luân Công địa phương đã đi giảng chân tướng. Vào ngày 23 và 24 tháng 4, cảnh sát Thiên Tân đã đánh đập và bắt giữ 45 học viên Pháp Luân Công. Sau khi tin tức được truyền ra, một số học viên Pháp Luân Công ở khu vực Bắc Kinh và Thiên Tân đã đến thỉnh nguyện tại Văn phòng Kháng cáo Quốc gia.

Vào 7 giờ sáng ngày 25 tháng 4, Khổng Duy Kinh đến phố Phủ Hữu cùng một vị giáo sư Đại học Bắc Kinh đã nghỉ hưu và một bà lão hàng xóm mù chữ. Ở đó, bà đã gặp một diễn viên nổi tiếng; mọi người đều nhận ra vị diễn viên này và chào đón cô. Bà cũng nhìn thấy một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và những người lính tại ngũ mặc quân phục đứng trong đám đông. Bà còn gặp một ông lão 70 tuổi đến từ Diên Khánh, ngoại ô Bắc Kinh, ông bắt xe buýt và đi bộ thâu đêm tới đây. Duy Kinh cũng đã gặp một bà mẹ trẻ đến từ quận Phòng Sơn cùng với con gái ba tuổi của mình. Đứng trước mặt bà là hai sinh viên đại học Nhân Dân. Những người dân thuộc mọi giai tầng, mọi ngành nghề đã tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Quốc gia vào Chủ nhật, ngày 25 tháng 4 để bày tỏ một thông điệp tự đáy lòng của họ với chính phủ. Mọi người lặng lẽ đứng trên vỉa hè theo hàng hai, hàng ba mà không chiếm phần đường hoặc làn đường khuất.

Khi số lượng người tăng lên, Duy Kinh thấy cảnh sát hướng dẫn các học viên Pháp Luân Công đứng rải rác ở các hướng bắc và nam vào một chỗ. Khoảng 8 giờ sáng, lúc này Khổng Duy Kinh đang đứng ở hàng thứ hai, bà vừa định đả tọa luyện công, thì bỗng nghe thấy một tràng pháo tay vang lên. Bà nhanh chóng đứng dậy, nhìn về phía trước thì thấy Thủ tướng Chu Dung Cơ đang bước ra khỏi cổng phía Tây của Trung Nam Hải. Ông cùng một số nhân viên công tác đi ngang qua đường để tới chỗ các học viên Pháp Luân Công.

Ngay khi Chu Dung Cơ dừng lại, ông hỏi hết câu này đến câu khác: “Tại sao mọi người lại ở đây? Mọi người có yêu cầu gì không?”

Tất cả đều trả lời: “Chúng tôi muốn luyện công”. “Chúng tôi muốn tu luyện”.

Chu Dung Cơ liền hỏi: “Ai không cho mọi người luyện công? Tôi có chỉ thị từ Chính sách Ba Không của Trung ương”.

Một người nào đó trong đám đông lớn tiếng đáp lại: “Chúng tôi không thấy chỉ thị”. “Mọi người đã bị bắt ở Thiên Tân”.

Chu Dung Cơ lại hỏi: “Vậy, ai kêu mọi người đến? Người đại diện là ai? Mọi người có người đại diện không? Hãy để người đại diện đến nói chuyện với tôi”.

Mọi người đều trả lời: “Chúng tôi tự mình đến”.

Chu Dung Cơ nói: “Làm sao có thể nói chuyện với nhiều người như vậy được? Hãy để người đại diện của mọi người đến nói chuyện với tôi”.

Tại thời điểm này, một số người đã giơ tay và nói: “Tôi đại diện cho chính mình”. Mọi người đều giơ tay và lặp lại: “Tôi đại diện cho chính mình”. “Tôi cũng đại diện cho chính mình”.

Ông Chu Dung Cơ chỉ tay một cách ngẫu nhiên và nói: “Vị này, vị này, vị này, các vị có thể đến nói chuyện với tôi không?” Duy Kinh thấy mình đã được chọn, vì vậy bà đáp: “Có!” Sau đó, bà và hai người khác đi theo Chu Dung Cơ bước ra khỏi đám đông tiến về cổng phía Tây Trung Nam Hải.

Tùy tùng của ông Chu Dung Cơ ngay lập tức hỏi ba người họ: “Các vị đến từ đơn vị nào? Tên ra sao? Số điện thoại là gì?”

Duy Kinh trả lời: “Văn phòng quận Hải Điến, chi nhánh đường Đông Thăng”. Một người nữa làm kế toán cho một công ty lớn, và người còn lại là nghiên cứu sinh Viện Vật lý Địa cầu, Học viện Khoa học Trung Quốc.

Chu Dung Cơ vừa đi vừa trao đổi với cấp dưới rằng ông đã nhắn chủ nhiệm Văn phòng Kháng cáo Quốc gia và Chủ Nhiệm Văn phòng Trung ương đến đây. Sau đó, ba người họ được đưa đến một ngôi nhà ở phía Bắc của Tây Môn gắn biển “Phòng tiếp tân”, rồi Chu Dung Cơ rời đi.

Ngay sau đó, hai vị quan chức lãnh đạo bước vào, lấy ra những cuốn sổ nhỏ và bắt đầu tìm hiểu tình hình. Duy Kinh cùng hai học viên khác kể lại tình huống đã xảy ra ở Thiên Tân và đưa ra ba yêu cầu: thứ nhất, ngay lập tức trả tự do cho 45 học viên đang bị giam giữ ở Thiên Tân; thứ hai, xuất bản công khai cuốn Chuyển Pháp Luân và các sách Đại Pháp khác; thứ ba, tạo cho Pháp Luân Công một môi trường luyện công công bằng và hợp pháp.

Để các lãnh đạo Văn phòng Kháng cáo Quốc gia có thể hiểu đầy đủ nội dung tu luyện của Pháp Luân Công, Khổng Duy Kinh đề xuất ra ngoài lấy thêm các sách Pháp Luân Công đã được xuất bản. Khi nhận được sự cho phép, bà đi ra khỏi cổng phía Tây của Trung Nam Hải, tới chỗ các học viên Pháp Luân Công bên kia đường và giải thích tình hình. Mọi người lấy ra những cuốn sách Pháp Luân Công mà họ đang đọc hoặc mang theo trong ba lô. Bà trở lại với sáu, bảy cuốn sách của Pháp Luân Công cùng một lá thư chung có tựa đề “Không tham dự chính trị – Thư chung của một số học viên lâu năm”.

Khi quay lại, bà phát hiện còn có một học viên Pháp Luân Công khác đến từ Học viện số 2 của Bộ Hàng không và Du hành vũ trụ. Sau khi hỏi thăm, hai nhà lãnh đạo cho biết sự việc sẽ được trình lên cấp cao hơn trong thời gian sớm nhất, nhưng Trung ương cần phải nghiên cứu làm rõ trước khi có phản hồi. Họ bảo các học viên chuyển thông điệp này cho những học viên khác đang ở bên ngoài để mọi người có thể về trước và không tụ tập lâu ở đây. Họ cũng nói: “Bắc Kinh là thủ đô. Tất cả các vị đều là cán bộ công chức của các đơn vị và tổ chức ở Bắc Kinh, vì vậy các vị cũng phải bảo vệ hình ảnh quốc tế và ảnh hưởng đối với thế giới của Bắc Kinh”, v.v.

Sau cuộc trao đổi, Duy Kinh cùng những người khác bước ra. Sau khi cập nhật cho mọi người, bà trở lại đám đông nơi bà đã đứng trước đó. Vài giờ sau, bà nhìn thấy nhiều binh sỹ có vũ trang xuất hiện ở ven đường phía trước mặt họ. Những học viên ở hàng đầu tiên đứng trước họng súng, nhưng không ai hoảng sợ, đám đông cũng không di chuyển. Một lúc sau, nhóm quân cảnh được trang bị súng di tản đi. Duy Kinh, cũng như những người khác, ở lại đến tận sau 9 giờ tối. Khi nghe rằng ba yêu cầu của họ đã được đáp ứng, bà trở về nhà.

“Hàng chục nghìn học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại phố Phủ Hữu, phố Văn Tân, cổng Tây An, Bắc Hải, phố Trường An trong hơn mười giờ đồng hồ, nhưng thậm chí không có một mẩu giấy nào bị bỏ lại. Ngay cả những mẩu thuốc lá vứt bừa bãi của cảnh sát đang làm nhiệm vụ cũng được nhặt lại”. Duy Kinh chia sẻ: “ĐCSTQ sau đó nói rằng ‘Pháp Luân Công đã bao vây Trung Nam Hải’, và các nhà lãnh đạo Trung ương hoàn toàn không ra mặt”. Tất cả những tuyên bố của họ đều là ngụy tạo để bào chữa cho cuộc đàn áp, họ bất lực trước sự thật”.

Sau ngày 25 tháng 4, Khổng Duy Kinh, một nhân viên bình thường, trở nên nổi tiếng trong Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Bà còn nghe mọi người nói Giang Trạch Dân đã trực tiếp gọi điện mắng lãnh đạo cấp cao nhất: “Có người từ ICBC các anh cũng tham gia!”

Chưa đầy ba tháng sau ngày 25 tháng 4, Trung Cộng bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong những ngày đen tối đó, Duy Kinh, cũng như các học viên Pháp Luân Công khác ở Trung Quốc đại lục, bị theo dõi, bắt giữ và đình chỉ trả lương hưu. Các thành viên trong gia đình bà cũng bị liên lụy và quấy rối. Để gia đình không bị liên lụy, bà không còn cách nào khác là phải ly hôn với người chồng thân thiết của mình. Ngày trên giấy chứng nhận ly hôn là ngày 20 tháng 7 năm 2000. Mười năm sau đó, bà vẫn khóc mỗi khi nghĩ đến gia đình một thời êm ấm và hòa thuận của mình.

Mặc dù các thủ đoạn đàn áp của Trung Cộng là vô cùng tàn bạo, nhưng Duy Kinh không hối hận về lựa chọn của mình. Bà tin rằng những gì mà bà và các học viên Pháp Luân Công khác đã làm đều mang lại lợi ích cho đất nước và nhân dân.

“Trước ngày 25 tháng 4, tôi tu luyện Pháp Luân Công là để chữa bệnh khỏe người. Sau ngày 25 tháng 4, những gì tôi làm không chỉ vì bản thân.” Bà cho biết: “Nhất là hiện nay khi đạo đức xã hội đang ngày càng xuống dốc, những hiện tượng đi ngược lại với bản chất tốt đẹp và lương tri của con người là nhiều vô cùng tận, nhìn thấy mà giật mình. Tất cả những gì các học viên Pháp Luân Công đang làm là để cứu người vì chỉ có ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ mới có thể mang lại hy vọng cho nhân loại”.

“Ngày 25 tháng 4” năm nay lại đến, Khổng Duy Kinh hồi tưởng sự kiện 23 năm trước, bà cũng nhớ đến ông Chu Dung Cơ, người đã đưa họ vào Trung Nam Hải và sau đó đã giải quyết thành công sự kiện thỉnh nguyện. Bà hy vọng ông Chu Dung Cơ có thể ghi lại sự thật về những gì đã xảy ra vào ngày “25 tháng 4”, và lưu lại cho các thế hệ tương lai.

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7634 http://www.zhengjian.org/node/267080