Từ văn hóa “tu luyện” trong “Tây Du Ký” lý giải cuộc sống thời nay (1)

Tác giả: Thiên Đồng Nhân

[ChanhKien.org]

Quá trình tu luyện của thầy trò Đường Tăng trong “Tây Du Ký” rõ ràng còn hàm chứa những lời giải cho những nghi hoặc của con người hiện nay khi tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh thực sự của đời người. Mỗi lần đọc lại “Tây Du Ký”, tôi lại phát hiện ra rằng “Tây Du Ký” không chỉ là câu chuyện viết về việc con người làm thế nào để có thể biến nguy thành an khi đối mặt với tà ác và các loại tai họa, mà còn tiết lộ rất nhiều thiên cơ về việc con người thành Thần, cung cấp cho con người những gợi ý để tìm đến chân lý và tin vào Thần trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành. Sau khi đọc lại “Tây Du Ký”, tôi đã tự tham ngộ được nhiều “thiền cơ” (禅机) , xin viết ra những suy nghĩ của mình để chia sẻ cùng bạn đọc.

1. Từ việc học Đạo của Tôn Ngộ Không thấy được sự phi thường của sinh mệnh con người

“Tây Du Ký” là một cuốn tiểu thuyết nói về tu luyện. Có người nói rằng trong lịch sử không có người nào là Ngô Thừa Ân, mà là do người đời sau đặt ra với ý nghĩa thừa ân Thiên Thượng. Dù là có hay không thì người sưu tầm và biên soạn cuốn tiểu thuyết này phải là một người tu Đạo không tầm thường. Tại sao từ xưa đến nay có nhiều người yêu thích “Tây Du Ký” như vậy, hẳn phải có mặt phù hợp với mặt “Chân” và “Thiện” trong nhân tính của con người. Tại đây, tôi tạm thời xem nó như một câu chuyện chân thực, từ đó xem xét ý nghĩa của tác phẩm này đối với cuộc sống hiện nay.

Trước tiên bắt đầu từ nhân vật chính là Tôn Ngộ Không. Bởi vì tôi cho rằng ở trong Tây Du Ký, Ngộ Không xuất hiện tại thế gian sớm hơn Đường Tăng, hơn nữa còn là một sinh mệnh được an bài một cách hệ thống để truyền bá văn hóa tu luyện. Bởi vì sau này Ngộ Không phải trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ trên con đường tu luyện, cho nên sau khi sinh ra đã được trưởng thành một cách tự do, vui vẻ, nhờ có bản lĩnh đặc biệt mà Ngộ Không trở thành Vương một cách thuận lợi và oai phong. Nhưng Ngộ Không cũng là một con khỉ đá, trong sinh mệnh có yêu tính, cho nên sau gần mười năm với muôn vàn gian khổ, một mình trôi dạt qua hai biển Đông Tây nhờ vào chiếc bè kết bằng cây thông khô và sào tre, Ngộ Không đã vượt qua Nam Thiệm Bộ Châu và Tây Ngưu Hạ Châu. Trong khoảng thời gian đó, nó đã học cách trở thành người, mặc quần áo đi giầy, học cách cư xử của con người trần thế, học tiếng người, sáng ăn tối ngủ, cuối cùng cũng đến được núi Linh Đài Phương Thốn để học Đạo.

Trong hành trình này, những điều Ngộ Không học được kỳ thực không phải là cách mặc quần áo, đi giầy dép, ăn uống, cách đi đứng, mà là học được phẩm chất đạo lý làm người. Điều đó nói rõ một đạo lý rằng muốn tu Đạo trước tiên phải học làm người, tối thiểu phải có nhân phẩm và lễ tiết để làm một người tốt. Đương nhiên, con đường cầu Đạo của Ngộ Không cũng là để nói cho con người rằng việc cầu Pháp, cầu Đạo là điều vô cùng khó khăn, cần phải có nghị lực rất lớn và ý chí bền bỉ. Trên đường đi, Ngộ Không “thấy thiên hạ đều là những kẻ vì danh vì lợi, không có người nào vì sinh mệnh của bản thân mình”. Nhân sinh quan của người tu Đạo khác với người thường trên cõi hồng trần thế tục, điều này cũng để nói rằng trong việc học Đạo thì căn cơ cũng vô cùng quan trọng, cần phải có tam quan đúng đắn (chú thích: tam quan gồm thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan; tam quan chỉ về nhìn nhận của con người đối với thế giới).

Trong quá trình học Đạo này của Tôn Ngộ Không, tiểu thuyết “Tây Du Ký” đã nói rõ rất nhiều đạo lý, muốn làm những việc đại sự đúng đắn là việc không dễ dàng. Dù đó có là sinh mệnh vốn do Thiên Thượng an bài thì cũng phải trải qua nhiều khảo nghiệm và ma luyện.

Bồ Đề Tổ Sư là người có công năng túc mệnh thông, nên đương nhiên biết rõ nguồn gốc của Hầu Vương, ông đã sai đệ tử mở cửa đón người cầu Đạo bên ngoài vào, nhưng lại quát lớn ra lệnh “Tống cổ nó ra!”. Tất nhiên đây chỉ là việc muốn thử lòng Ngộ Không, cho thấy rằng việc tìm bái minh sư là việc không hề dễ dàng. Trong số rất nhiều đồ đệ của Bồ Đề Tổ Sư, tâm tính của Ngộ Không rất tốt, lòng dạ rất thành thật, hơn nữa ngộ tính tốt nhất, có thể ngộ thấu được dụng ý của Tổ Sư để đến học diệu đạo trường sinh vào nửa đêm canh ba. Điều này khiến Bồ Đề Tổ Sư rất vui. Bởi vì ngộ tính của việc học Đạo thậm chí còn quan trọng hơn căn cơ, đây có thể là lý do tại sao Tổ Sư ban cho cái tên Ngộ Không. Phật gia giảng về “không”, Tổ Sư có thể đã biết rằng cuối cùng anh ta sẽ nhập không môn. Có thể có người sẽ nói rằng đây đều là do Ngô Thừa Ân hư cấu mà viết ra. Nhưng như tôi đã nói ở trên, Ngô Thừa Ân nhất định phải là một người tu luyện bất phàm, ông đã nói ra một loại “chân lý” nào đó trong tu luyện, phù hợp với đạo lý của một tầng thứ nhất định. Và điều mà Tôn Ngộ Không học từ Tổ Sư của mình là học về “thuật” (phép thuật), dù sao cũng vẫn chưa rũ bỏ được bản tính yêu quái, cho nên khó tránh được việc hiển thị cái “điều đắc ý” về đạo thuật của mình là 72 phép thần thông biến hóa trước mặt tất cả các đồng môn. Đối với người học Đạo mà nói, tâm hiển thị là một điều đại cấm kỵ, vì vậy Ngộ Không đã bị Tổ Sư đuổi về Hoa Quả Sơn.

Việc học Đạo ngày xưa rất nghiêm túc. Trước khi bị đuổi về Hoa Quả Sơn, Tổ Sư còn truyền cho Ngộ Không một lời ám thị khác: là người tu hành, mở miệng ra thì thần khí tán, lưỡi động thì sinh ra lắm điều thị phi, vì vậy cần phải tu khẩu. Thiên mục của Tổ Sư sớm đã thấy được Tôn Ngộ Không sẽ gây họa trong tương lai (đại náo Thiên cung), vì vậy ngài đã dặn thêm một lần nữa: “Ngươi đừng gây vạ để phiền đến ta là được!”, “Ngươi đi chuyến này, hẳn gặp điều không hay. Ngươi gây vạ, hành hung thế nào thì cũng không được nói là đồ đệ của ta. Nếu ngươi nói ra nửa tiếng, ta sẽ biết ngay, ta sẽ lột da róc xương ngươi, đày thần hồn ngươi vào nơi cửu u, muôn kiếp không cất mình lên được!”.

Ở đây đã hé lộ một đạo lý đằng sau, vì tầng thứ có hạn, Tổ Sư không có trách nhiệm hay khả năng loại trừ yêu tính của Ngộ Không. Nhưng điều này không có nghĩa là Tổ Sư sợ Ngộ Không sau này phạm lỗi sẽ làm liên lụy đến mình. Nói đúng hơn, sư phụ không thể tùy tiện nhận đồ đệ, đồ đệ gây tội lớn ở thượng giới, nếu sư phụ không có bản sự hoặc không muốn hóa giải hoặc là không có cách nào khác với an bài của Thiên Thượng, thì ngay cả sư phụ cũng sẽ gặp tai họa. Duyên phận của sư phụ và đồ đệ cũng sẽ được liên kết bởi thiên lý, thần thông không thắng được tội nghiệp lớn.

Việc học Đạo trong quá khứ không phải là việc để cầu bản sự, sư phụ phải xem xét đồ đệ có thể đề cao tầng thứ hay không, đó là một yếu tố quan trọng để xét xem có thể trở thành thầy trò hay không. Bởi vì, việc học Đạo để cầu bản sự là biểu hiện của tự tư, là điều đại kỵ; bởi vì Đạo vốn giảng đại tự tại, là sinh mệnh tự nhiên, vô tư vô dục ở cảnh giới cao.

Tôn Ngộ Không nhảy ra từ tảng đá, ở trong động Tà Nguyệt Tam Tinh học được bản sự, nhưng trong sinh mệnh vẫn còn có ma tính. Điều này có thể thấy được vào thời gian Ngộ Không sống ở Hoa Quả Sơn. Lúc đầu, Ngộ Không xưng vương ở Hoa Quả Sơn, Hoa Quả Sơn cũng trở thành thế giới trong phạm vi trường sinh mệnh của Ngộ Không. Sau này, khi Ngộ Không trở về từ chỗ Tổ Sư, thì nơi đây đã trở thành một thế giới của các loại yêu ma với đủ loại yêu quái: sói, côn trùng, hổ, beo, cáo, báo …, chúng đã bắt rất nhiều khỉ, khiến cả ngọn núi trở nên điêu tàn hoang phế. Hỗn Thế Ma Vương chiếm giữ Thủy Liêm Động. Tôn Ngộ Không dựng trại luyện võ, trong núi rập trời quái thú, tổng cộng có 72 động yêu vương đến quy phục, suy tôn Ngộ Không là Hầu Vương. Sau đó các yêu vương đến dâng trống vàng, cờ xí, khôi giáp, đi lại nhộn nhịp như thoi đưa, hàng ngày thúc giục mọi người luyện võ.

Việc này có thể thấy, tương lai Tôn Ngộ Không nhất định sẽ gặp nạn, ma tính càng lớn thì nạn càng lớn. Đặc biệt là sau khi Ngộ Không đoạt được Kim Cô Bổng (gậy Như Ý) từ Long cung, “lại gặp được bảy anh em là Ngưu Ma Vương, Giao Ma Vương, Bàng Ma Vương, Sư Đà Vương, Nhĩ Hầu Vương …, hàng ngày cùng bàn văn giảng võ, đi lại tiệc tùng, đàn ca nhảy múa, mổ trâu giết ngựa, sai nhiều yêu quái nhảy múa ca hát, tất cả đều ăn uống say túy lúy”. Trong một thế giới đầy yêu ma chiếm giữ như vậy, Tôn Ngộ Không không nhập không môn, thì sao có thể bảo toàn sinh mệnh, làm sao có thể thành tựu được đại sự? Sao có thể không mắc sai lầm, không đại náo Thiên cung được sao? Bồ Đề Tổ Sư có thể dung thứ không? Nhưng chính là sinh mệnh này, cuối cùng vẫn có thể trở thành Đấu Chiến Thắng Phật. Có thể thấy Phật Pháp là vô biên, sự từ bi của Phật Pháp có thể cứu độ hết thảy các sinh mệnh, khiến sinh mệnh hoàn lương, dù sinh mệnh có bất hảo đến đâu thì Phật Pháp vẫn có thể độ được.

Cuối cùng Tôn Ngộ Không đã học được thuật trường sinh. Khi linh hồn của Ngộ Không bị đưa đến “U Minh Giới” (thế giới âm phủ), Ngộ Không đã nói với Thập Đại Minh Vương: “Lão Tôn ta tu Đạo thành Tiên, thọ ngang với trời, vượt ra ngoài Tam giới, nhảy ra khỏi ngũ hành, cớ sao các ngươi lại bắt giam ta?” Đây là một câu nói của giới tu luyện, chính là đã được định sẵn rằng Ngộ Không là không giống với sinh mệnh bình thường, sau này khi gặp muôn vàn khổ nạn, đã được bảo toàn tính mệnh, dù cho là bị nhốt vào trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân hay khi đại náo Thiên cung thì tính mệnh vẫn vô sự. Ngược lại, những ma nạn này đã thành tựu cho Ngộ Không những bản sự càng ngày càng lớn, sau khi đại náo thiên cung Ngộ Không đã luyện được đôi mắt hỏa nhãn kim tinh. Khi bị Thái Thượng Lão Quân nhốt giam trong lò Bát Quái thì đã vung chân đạp đổ lò, những mảnh vỡ của Lò Bát Quái rơi xuống nhân gian biến thành Hỏa Diệm Sơn, chờ Ngộ Không sau này tự mình xóa bỏ tội lỗi này. Điều này lý giải về nhân quả duyên phận của Phật gia. Tất nhiên, việc mười vạn thiên binh nhà Trời không địch nổi Ngộ Không là chi tiết làm nổi bật bản sự của Ngộ Không, mở đường cho những đoạn viết sau này về những ma nạn, trừ yêu diệt quỷ trên đường đi lấy kinh. Tuy nhiên, người mạnh còn có người mạnh hơn, Tôn Ngộ Không cuối cùng đã bị Phật Tổ Như Lai đè xuống dưới chân núi Ngũ Hành, cũng để giải thích đạo lý rằng: ‘Thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân’ (ngoài trời còn có trời, người mạnh còn có người mạnh hơn).

Rất nhiều an bài và thiên cơ tu luyện trong giới tu luyện liên tục được ngầm gợi ý trong một cuốn tiểu thuyết nhằm điểm mê phá hoặc cho hậu thế, để xem con người có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của kiếp nhân sinh hay không. Người có thể ngộ ra thì sẽ biết được sinh mệnh rốt cuộc là thế nào.

Sinh mệnh con người, ngoài các thành phần vật chất (như cơ, xương, máu, tóc, các cơ quan nội tạng, v.v.), cảm giác sinh lý, cảm xúc cơ thể, thì còn có đạo đức, tinh thần, tư tưởng, v.v. Các thành phần vật chất, cảm giác sinh lý, cảm xúc cơ thể thì động vật cũng có. Thuyết tiến hóa được Trung Cộng tuyên truyền ngày nay, chỉ nhấn mạnh ba phần đầu mà bỏ qua các phần về đạo đức, tinh thần, tư tưởng. Như vậy khi con người bị kích thích bởi ham muốn vật chất, họ sẽ tiếp tục biến dị và trở thành thú vật. Trung Cộng cứ liên tục nhấn mạnh đến tiền tài, quyền lợi, phát triển, tình dục, tư lợi v.v.. khiến cho con người trở nên mơ màng như say rượu. Ngày nay dịch bệnh tràn lan, trong mắt Thiên Thượng thì chính là do con người đã đánh mất phẩm đức và tinh thần của con người, đã giống như động vật rồi, không hề đề cao cảnh giới đạo đức, đây chẳng phải là điều rất đáng buồn hay sao?

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/264916