Y Sơn Dạ thoại (39): Truyền thuyết về Tôn Tư Mạc (3) Hành y thời loạn thế, khám bệnh miễn phí đổi nhân sâm

Tác giả: Học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[ChanhKien.org]

Chào các bạn, hôm nay chúng tôi tiếp tục kể câu chuyện thần kỳ về Tôn Tư Mạc.

Vào cuối triều đại nhà Tùy, thiên hạ hỗn loạn, nhưng Tôn Tư Mạc vẫn đi khắp nơi hành nghề y.

Một hôm, Tôn Tư Mạc đến địa giới của Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, không ngờ xảy ra sự việc bất trắc ngoài ý muốn, ông bị một nhóm đạo tặc chiếm núi xưng vương ở đó nhầm là “kẻ thám thính”, Tôn Tư Mạc lúc đó đã 70 tuổi nhưng trông rất trẻ nên đã bị bắt đưa đến sơn trại.

Có người nói với Sơn Đại Vương (thủ lĩnh nhóm cướp) rằng đây là kẻ thám thính, Tôn Tư Mạc nói với Sơn Đại Vương: Tôi không phải là kẻ thám thính, mà là thầy thuốc, tôi đã 70 tuổi, làm sao có thể làm thám thính được? Các lục lâm hảo hán cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, trông ông chỉ tầm 30-40 tuổi, “Lẽ nào ông là Thần Tiên?”

Khi Sơn Đại Vương biết ông thực sự là thầy thuốc, nên muốn giữ ông ở lại chữa bệnh cho mọi người trên núi.

Sơn Đại Vương vốn không quan tâm đến thầy thuốc nên nói: “Bổn Đại Vương ta tráng kiện như thế này, làm sao lại có nhiều bệnh được?” Tuy nhiên, Tôn Tư Mạc nói: “Ngài có phải hay bị đầy hơi tức ngực, tức bụng, phân khô, đi tiểu nhiều lần, mất ngủ thường xuyên, sáng dậy miệng đắng, nướu răng chảy máu… ” Nghe xong, Sơn Đại Vương vô cùng sửng sốt và hiểu rằng đây không phải là một thầy thuốc bình thường.

Một người anh em kết nghĩa với Sơn Đại Vương bị bệnh nặng, nhưng thiếu một vị thuốc quan trọng là nhân sâm, trên sơn trại không có, phải xuống núi mua. Sau khi Tôn Tư Mạc giải thích với Sơn Đại Vương, hắn ra lệnh: “Đi cướp về”. Tôn Tư Mạc vội vàng nói cách này “không ổn”, trị bệnh cứu người sao có thể làm việc bất nhân được? Nhưng sơn trại ngân lượng không đủ để mua nhân sâm đắt tiền. Tôn Tư Mạc nói rằng nếu được phép xuống núi, ông có thể giải quyết suôn sẻ.

Sơn Đại Vương lo lắng Tôn Tư Mạc đi xuống núi sẽ không quay lại, bèn cho một người đi theo ông, thời hạn là sáu ngày. Tôn Tư Mạc nói rằng đây là việc trị bệnh cứu người và thề sẽ quay trở lại sơn trại.

Khi đến một tiệm thuốc dưới chân núi có bán nhân sâm, Tôn Tư Mạc đề nghị sẽ ngồi tại tiệm khám bệnh trong ba ngày, thù lao là ba lạng nhân sâm, như vậy là vừa đủ dùng. Chủ tiệm gọi một tiểu nhị đến kiểm tra y thuật của ông, Tôn Tư Mạc chẩn đoán người này bị lạnh bụng, trướng bụng đã ba năm rồi. Người chủ tiệm lập tức biết khả năng của ông, liền ra điều kiện là Tôn Tư Mạc phải ngồi khám bệnh tám ngày, nếu không thì không đổi nhân sâm. Tôn Tư Mạc nghĩ đến lời hứa sáu ngày nên đưa ra thêm điều kiện, ông có thể dốc sức làm trong sáu ngày, một ngày làm việc bằng hai ngày và hứa rằng sau này khi có thời gian ông sẽ quay lại lần nữa, quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy (ý là người quân tử đã nói lời thì không thể thu lại được).

Khi ông khám bệnh, ngày càng nhiều người tới khám. Sau ba ngày, số bệnh nhân mà Tôn Tư Mạc tiếp nhận đã vượt quá tổng số bệnh nhân mà hiệu thuốc đã khám trong nửa năm từ khi khai trương. Bệnh nhân nô nức kéo đến, tiệm thuốc đóng cửa rất muộn, Tôn Tư Mạc rất mệt mỏi nhưng ông vẫn kiên trì khám. Chủ tiệm thu được rất nhiều tiền tới mức phải dùng bao tải để đựng.

Sáu ngày sau, cuối cùng ông đã có được ba lạng nhân sâm. Khi trở về sơn trại, Sơn Đại Vương biết tình hình đã rất cảm kích, còn muốn ban thưởng cho Tôn Tư Mạc. Người trên sơn trại sau khi uống thuốc, bệnh tình lập tức chuyển biến tốt. Tôn Tư Mạc tiếp nhận lòng tốt của Sơn Đại Vương, nhưng từ chối phần thưởng, chỉ đưa ra một yêu cầu được xuống núi để thăm nguyên Thái thú Cửu Giang. Sơn Đại Vương cảm động trước y đức, nhất ngôn cửu đỉnh (giữ lời hứa) của Tôn Tư Mạc nên đã vui vẻ đồng ý.

Vào những năm cuối triều đại nhà Tùy, hôn quân Dương Quảng cầm quyền, dân chúng lầm than. Trong hoàn cảnh như vậy, tâm của Tôn Tư Mạc vẫn tĩnh như nước, cứu tử phù thương (cứu sống người hấp hối, chăm sóc người bị thương), trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng đều lấy tâm thuần thiện đối đãi với mọi người, không phân biệt địa vị giàu nghèo, khiến ai gặp ông cũng cảm động bởi sự thiện lương của ông, quả thực câu nói “Thầy thuốc nhân đức, mạng người quan trọng” càng đúng đắn trong thời loạn thế này.

Khi mô tả thế nào là cảnh giới cao thượng, cổ nhân thường dùng câu “tận thiện tận mỹ”, tức là làm sự việc nào đó đạt đến sự hoàn mỹ mà không tiếc phải trả giá, thì phải làm tận tâm, tận ý, tận lực, đạt đến mức độ quên cả bản thân mình, đó quả thực là một mỹ đức khiến bất cứ ai cũng đều ca ngợi!

Tôn Tư Mạc dùng đức dưỡng tính, dùng đức dưỡng thân, ông đã viết trong “Đại y Tinh Thành”: “Phàm là đại y trị bệnh, tất phải an thần định chí, vô dục vô cầu, trước tiên phải khởi tâm từ bi trắc ẩn, thề nguyện cứu khổ cho mọi sinh linh”. Ông còn viết: “Mạng người rất quan trọng, đáng giá ngàn vàng. Nếu có thể dùng một phương thuốc mà cứu người, thì công đức còn hơn cản ngàn vàng. Vì vậy, tất cả các tác phẩm của ông đều được đặt tên với hai chữ “thiên kim” (ngàn vàng). Ông dùng đức tu thân, lấy mình làm gương, khắc ghi những bài thuốc chữa bệnh thông thường trên bia đá, dựng bên vệ đường, để mọi người tự mình theo phương thuốc đó mà chữa trị, không lấy một xu nào.

Các bạn biết không? Dược Vương Tôn Tư Mạc kỳ thực là một người tu luyện đã đắc Đạo.

Các vị Thần Tiên ở các tầng khác nhau có thể biết được một số thời không mà con người không thể nhìn thấy. Cuộc đời Tôn Tư Mạc cũng thể hiện điều này, ông có công năng túc mệnh thông mà người thế gian vẫn công nhận. Thời Tùy Văn đế, ông biết rằng 50 năm sau sẽ có thánh nhân xuất hiện, lúc đó ông sẽ giúp Ngài cứu nhân độ thế. Ngụy Trưng và những người khác thời nhà Đường được lệnh biên soạn lịch sử của thời Ngũ Đại Tề, Lương, Chu, Tùy, e rằng có thiếu sót nên đã nhiều lần hỏi ý kiến của Tôn Tư Mạc. Ông đã dùng cách dạy khẩu truyền để kể lại những sự kiện lịch sử này, chân thực như thể được tận mắt chứng kiến, khiến mọi người đều cảm thấy rất kỳ lạ. Tôn Xử Ước là quan thị lang của Đông Thái, từng đưa năm người con trai của mình là Tôn Đĩnh, Tôn Cảnh, Tôn Tuấn, Tôn Hựu và Tôn Thuyên đến bái kiến Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc nói: Tôn Tuấn nên hiển quý trước; Tôn Hựu nên hiển đạt muộn hơn; Tôn Đĩnh là người có địa vị cao nhất, tai họa nằm ở việc nắm giữ binh quyền”.

Về sau tất cả đã trở thành sự thật như lời ông nói. Thái tử Chiêm Sự Lư Tề Khanh khi còn nhỏ đã hỏi Tôn Tư Mạc về mối quan hệ nhân luân, Tôn Tư Mạc nói: 50 năm sau, ông sẽ làm người đứng đầu một phương chư hầu, cháu trai của tôi sẽ trở thành thuộc hạ của ông, vậy ông phải tự ước chế tự trọng mới được”. Lư Tề Khanh sau đó làm thứ sử Từ Châu, Tôn Phổ cháu trai của Tôn Tư Mạc quả thực là huyện lệnh của huyện Tiêu, Từ Châu. Lúc đó khi ông nói điều này với Lư Tề Khanh, cháu trai của ông vẫn chưa được sinh ra, ông đã biết trước về chuyện cháu nội Tôn Phổ của mình. Có thể thấy rằng Tôn Tư Mạc có khả năng tiên tri. Ông thông hiểu kim cổ, cả đời chuyên cần tu Đạo, giỏi tính toán lịch pháp thiên văn, có thể biết trước nhiều sự việc chưa xảy ra, và có rất nhiều điều thần kỳ đã xảy ra với ông.

Đường Thái Tông ca ngợi Tôn Tư Mạc là người “khai phá mở đường, đứng đầu trong các đại danh y. Cùng hàng với Tam Thánh, điều hòa tứ thời. Hàng long phục hổ, cứu suy cứu nguy. Khí phách sừng sững, bậc thầy của muôn đời”.

Lý luận dưỡng sinh của Tôn Tư Mạc là gì? Hãy xem nó có lợi ích gì với chúng ta không: Tôn Tư Mạc tinh thông  về kinh điển của Đạo gia và Phật gia, ông đã từng chuyên tâm tu Đạo ở núi Thái Bạch, là một người thực hành khí công dưỡng sinh. Ông tin rằng: “Dưỡng sinh cần phải dưỡng tính, tính tức là thiện, thì bên trong và bên ngoài đều không có bệnh”. Nói cách khác, muốn sống khỏe trường thọ, con người cần phải tu thân dưỡng tính, có tấm lòng thiện lương, nếu tâm tính không thiện thì dù có uống linh đan diệu dược cũng không thể trường thọ. Bản thân ông là một người có phẩm đức cao thượng. Ông chữa bệnh cứu người không phân biệt giàu nghèo, đều coi họ như người thân của mình, khi bệnh nhân đến cầu thầy thuốc khám bệnh thì ông đều đích thân đến cứu chữa, không kể ngày đêm nóng lạnh.

Phương pháp lấy tính dưỡng sinh này coi việc tu thân dưỡng tính quan trọng hơn dưỡng sinh trừ bệnh. Nếu con người rơi vào vòng danh lợi thế gian, vì nội tâm hỷ nộ mà bất an, trầm mê trong sắc dục, đắm chìm trong ăn uống, thì không thể giữ được nội tâm thanh tịnh, hiển nhiên khó mà dưỡng thân; Nếu người ta có thể xem nhẹ danh, lợi, tình, sắc, dục này, thì trong lòng sẽ đạt được vô vi thanh tịnh, đây cũng là đại tự tại.

Tôn Tư Mạc than thở rằng thói đời trượt xuống hàng ngày, người thế tục truy cầu danh lợi, xảo trá cưỡng đoạt, lòng tham không đáy, cuối cùng phóng túng bản thân mà tự chuốc lấy diệt vong. Tôn Tư Mạc nói rằng chỉ có tu dưỡng “đạo đức”, không cầu thiện báo mà tự được phúc báo, không cầu trường thọ mà tự kéo dài tuổi thọ.

Năm Vĩnh Huy thứ ba, Tôn Tư Mạc đã hơn 100 tuổi. Một hôm sau khi đi tắm, ông mặc quần áo đội mũ vào nhà nói với con cháu: “Hôm nay ta sẽ rời khỏi nơi này để chu du đến miền đất hư vô”. Không lâu sau, Tôn Tư Mạc qua đời. Nhưng thi thể ông trông vẫn hồng hào sau hơn một tháng. Khi đưa vào quan tài để chôn cất, thì phát hiện trong quan tài chỉ còn lại quần áo.

Khi Đường Huyền Tông lánh nạn ở nước Thục, một ngày nọ ông nằm mơ thấy Tôn Tư Mạc muốn ông lấy vị thuốc hùng hoàng ở Vũ Đô, vì vậy ông ra lệnh cho người mang mười cân hùng hoàng lên đỉnh núi Nga Mi. Khi sứ giả đi đến lưng chừng núi, thì thấy một người râu tóc bạc phơ, đầu đội khăn vuông, mình mặc áo vải, theo sau có hai đồng tử áo xanh. Người ấy chỉ vào một tảng đá lớn và nói: “Ngươi có thể đặt thuốc ở đây. Trên phiến đá là lời cảm ơn được viết cho hoàng đế”. Sứ giả xem thì thấy có khoảng 100 chữ lớn trên đó. Sau đó sứ giả đã chép lại nguyên văn, ông chép xong chữ nào thì chữ ấy trên phiến đá biến mất. Sau khi sao chép xong, thì không còn một chữ nào trên phiến đá nữa. Trong nháy mắt, một luồng khí trắng bay lên, ngay cả người đến lấy thuốc cũng biến mất.

Kỳ thực Tôn Tư Mạc đã tu luyện đắc Đạo, phản bổn quy chân.

Chuyện về Tôn Tư Mạc xin kết thúc ở đây. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/268115