Tu tốt bản thân, cân bằng tốt việc học ở trường và mối quan hệ thầy trò

Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Đài Loan

[ChanhKien.org]

Con xin kính chào Sư phụ!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi. Hiện tại tôi đang học thạc sĩ ở thành phố Đài Nam. Từ năm tôi học lớp 3, mẹ đã đưa hai anh em tôi đến với Pháp Luân Đại Pháp, chúng tôi thường học Pháp và luyện công cùng nhau. Trước đây, tính khí của tôi không tốt, dễ nổi nóng và thường xuyên giận dữ. Nhưng lực lượng của Đại Pháp thật kỳ diệu. Sau mỗi lần học Pháp, những cảm giác bực tức khó chịu trong tôi biến mất và tôi cảm thấy thật vui vẻ dễ chịu. Vậy nên tôi đã tiếp tục tu luyện. Cho đến hôm nay, tu luyện Đại Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của xã hội người thường, đặc biệt trong thời gian dài học tập ở trường học, thật không may là tôi đã tiếp thụ rất nhiều quan niệm khoa học hiện đại biến dị vốn không phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Pháp. Thêm nữa ngộ tính ban đầu của tôi không tốt lắm, thế nên việc lý giải Pháp và đề cao tâm tính bản thân bị hạn chế trong một thời gian dài.

Sau đây tôi muốn chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân trong việc học tập ở trường đại học và mối quan hệ với giáo sư hướng dẫn trong ba năm vừa qua, cũng như cách tôi đã vượt quan thông qua việc học thuộc Pháp và hướng nội.

Khi còn nhỏ, dù không hề có khái niệm về điểm số cao hay danh lợi, nhưng tôi luôn học hành chăm chỉ. Tuy nhiên với sự ảnh hưởng từ các bạn học, tôi dần quan tâm nhiều hơn đến điểm số của mình, thứ hạng và những nhận xét của giáo viên, v.v. Sau này, khi học trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, tôi luôn coi trọng việc học ở trường và dành rất nhiều thời gian cho việc học tập và nghiên cứu. Vì có thành tích xuất sắc trong lớp, tôi đã được nhận vào một phòng nghiên cứu sớm hơn nhiều so với các sinh viên khác và tham gia hỗ trợ giáo sư. Tuy nhiên, tôi đã không nhận ra những chấp trước của bản thân như tâm hoan hỷ, tâm hiển thị, tâm tật đố, tâm tranh đấu và tâm danh lợi. Tôi bắt đầu cho rằng mình giỏi hơn các bạn học khác và không thể chịu nổi việc bị người khác vượt mặt. Vì những chấp trước này, biểu hiện trên bề mặt là tôi rất được giáo sư trọng dụng và tôi cũng có khả năng làm thêm rất nhiều nghiên cứu ngoài giờ học chính khóa. Nhưng thực chất, những nhiệm vụ được giao thêm ngoài giờ này lại là một gánh nặng đối với tôi, chúng thậm chí còn chiếm dụng cả thời gian dành cho việc học chính khóa và làm chậm tiến độ những hạng mục Đại Pháp mà tôi chịu trách nhiệm. Tôi đã không nhận ra rằng mình đang đi theo con đường cựu thế lực an bài và cứ giữ nhịp sống bận rộn như vậy trong suốt những năm học cử nhân và qua đến cả giai đoạn học thạc sĩ.

Khi tôi bắt đầu học chương trình thạc sĩ, giáo sư thậm chí còn đặt kỳ vọng cao hơn nữa vào tôi. Tôi không thể chịu đựng nổi nhịp độ làm việc và áp lực này nữa. Khi không thể cân bằng thời gian giữa làm ba việc của đệ tử Đại Pháp và công tác ở phòng nghiên cứu, thì dù tôi có cố gắng đến đâu, mọi thứ vẫn luôn không có kết quả tốt như mong đợi. Tôi trở nên chán nản, thất vọng và thường bật khóc mỗi đêm. Khi tình trạng trở nên tệ hơn, hầu như ngày nào tôi cũng khóc và thân thể ngày một gầy đi. Thậm chí tôi còn tự hỏi liệu có phải mình đã mắc chứng trầm cảm như người thường không. Mặc dù vẫn học Pháp hàng ngày, trạng thái của tôi đôi lúc tốt lên một chút nhưng rồi lại trở nên xấu đi, vẫn không có cải thiện từ căn bản. Việc này tiếp diễn trong hơn một năm. Trong khoảng thời gian đó, có lúc tôi ra nước ngoài trong một vài tháng. Thoát ly hoàn cảnh ở trường đại học giúp tôi tạm thời thoát khỏi tình trạng tồi tệ này, nhưng một khi quay lại trường, những mâu thuẫn đó lại tiếp tục dày vò tôi. Tôi biết rằng đã đến lúc tôi cần phải đối mặt với những chấp trước căn bản của mình.

Tại thời điểm đó, tôi tham gia nhóm học Pháp một ngày ở địa khu phía Nam. Mọi người được yêu cầu học thuộc bài kinh văn “Càng về cuối càng tinh tấn” trong cuốn Tinh Tấn Yếu Chỉ III. Đó là lần đầu tiên tôi học thuộc kinh văn của Sư phụ. Trong quá trình học thuộc, tôi đã rất chấn động khi phát hiện ra những quan niệm thâm căn cố đế của mình giống như Sư phụ đã giảng:

“Vì thống khổ làm con người khó chịu, từ đó con người, dù tự nhận ra hay không tự nhận ra, đều sẽ đối kháng với khổ nạn; mục đích là mong muốn được sống hạnh phúc hơn một chút; vậy nên khi truy cầu hạnh phúc, con người sẽ hình thành [ý tưởng] làm sao cho bản thân không phải chịu thiệt thòi, sống tốt ra sao, thế nào mới có thể vươn lên hàng đầu ‘công thành danh toại’ trong xã hội này, làm sao để hưởng thụ được nhiều, làm sao để trở thành kẻ mạnh hơn, v.v. Vì thế, cùng với lúc có được một số kinh nghiệm, thì cũng hình thành những quan niệm nhân sinh; kinh nghiệm qua thực tế lại còn khiến quan niệm trở nên ngoan cố hơn.” (“Càng về cuối càng tinh tấn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Chỉ sau khi học thuộc đoạn Pháp này, tôi mới thật sự nhận ra những quan niệm con người của mình còn quá nặng và chúng đã trường kỳ can nhiễu đến sự lý giải của tôi đối với Pháp mà Sư phụ giảng. Tôi quyết định học thuộc một trang Chuyển Pháp Luân mỗi ngày. Tôi muốn đầu não của mình mang chứa Pháp, chứ không phải những quan niệm khoa học. Tôi sẽ đi theo con đường mà Sư phụ an bài, chứ không phải con đường mà giáo sư an bài.

Sau khi bắt đầu học thuộc Pháp, mỗi khi tôi gặp bất cứ sự việc gì thì sẽ luôn có một câu Pháp xuất hiện trong đầu tôi. Điều này cho phép tôi đối chiếu lời nói và việc làm của mình theo tiêu chuẩn của Pháp được tốt hơn. Tôi cũng có thể tìm ra những chấp trước ẩn giấu sau những mâu thuẫn xảy ra ở phòng nghiên cứu, ví như tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm hoan hỷ, tâm hiển thị cũng như tâm truy cầu danh lợi ngấm sâu vào xương tủy. Thật kì diệu, khi dần dần buông bỏ những chấp trước này, tôi bắt đầu nhận thấy những thay đổi nhỏ từ những người xung quanh mình. Điều này khiến tôi càng thấy rõ ràng rằng những mâu thuẫn phát sinh trong phòng nghiên cứu đều là nhắm vào chấp trước của tôi mà đến và cách duy nhất để giải quyết chúng là chân chính hướng nội tìm.

Ví dụ, tôi luôn là người phát biểu ý kiến nhiều nhất trong các cuộc họp ở phòng nghiên cứu và những ý kiến của tôi luôn được giáo sư tán đồng. Một ngày nọ, chúng tôi cần báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ nhóm. Những sinh viên khác không đủ tự tin để thuyết trình, do đó như thường lệ tôi là người đầu tiên phát biểu. Tuy nhiên, lần này giáo sư đã yêu cầu tôi dừng lại và nhường cơ hội cho các bạn khác. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy chạnh lòng và có chút hụt hẫng. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình đã luôn thích thể hiện suy nghĩ của bản thân và muốn thu hút sự chú ý của mọi người. Thực ra đây chính là tâm hiển thị rất mạnh mẽ. Ngoài ra, mỗi khi họp hay thảo luận cùng các sinh viên khác, tôi luôn nghĩ rằng mình phải lập luận thật chặt chẽ và làm mọi cách để biểu đạt quan điểm của bản thân thật minh xác. Thậm chí tôi còn phê bình và cố gắng truy ra những thiếu sót trong lập luận của người khác. Tôi đã không nhận ra cách nói chuyện này rất gay gắt và có thể làm người khác bị tổn thương. Một số bạn cùng lớp vì thế đã coi tôi là kẻ cố chấp và khó giao tiếp. Trong một thời gian dài, tôi không hiểu được vì sao các bạn lại nghĩ về mình như thế, vì tôi cảm thấy tôi không có áp đặt người khác phải nghe theo mình. Về sau, khi đọc một bài chia sẻ trên trang web Minh Huệ có đề cập rằng tâm tranh đấu ở không gian khác chính là một con tiểu quỷ tranh đấu. Lúc này tôi mới nhận ra, đằng sau quan niệm muốn phát biểu ý kiến và tranh luận lý lẽ kia là tâm tranh đấu mạnh mẽ. Sau đó, tôi dần cảm thấy mình không còn chấp trước vào việc muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân như thế nữa và có thể bình tĩnh hơn để lắng nghe ý kiến của người khác.

Trước đây, tôi luôn đặt công việc ở phòng nghiên cứu lên ưu tiên hàng đầu. Ngay cả khi có hoạt động của Đại Pháp, tôi vẫn sẽ làm xong công việc nghiên cứu rồi mới tham gia. Tôi cho rằng làm như thế thì người thường sẽ nghĩ tôi làm việc chăm chỉ và giáo sư sẽ không nghĩ rằng tôi tốn quá nhiều thời gian cho các hạng mục Đại Pháp. Sau một thời gian dài, tôi dần nhận ra điều này không đúng, như thể tôi đang để giáo sư an bài con đường đời cho mình thay vì chiểu theo sự an bài của Sư phụ. Vậy nên tôi đã điều chỉnh lại việc phân bổ thời gian và đặt các hoạt động Đại Pháp lên hàng đầu. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đến vị trí của tôi trong phòng nghiên cứu và giáo sư cũng không còn đánh giá cao tôi như trước nữa. Thậm chí ông còn chỉ định các sinh viên mới làm nhóm trưởng của các đồ án nghiên cứu, còn tôi trở thành trợ lý của họ. Mặc dù tôi hiểu sự sắp xếp này là hợp lý và biết như vậy sẽ tốt hơn cho tu luyện của bản thân nhưng đôi khi nó vẫn khuấy động chấp trước tật đố và hiển thị của tôi. Thông qua việc học và ghi nhớ Pháp liên tục, tôi dần nhận ra, ẩn đằng sau những chấp trước đó là tâm truy cầu danh lợi và tâm tranh đấu mà tôi vẫn chưa buông bỏ trong một thời gian dài. Sau khi minh bạch ra điều này, tôi đã có thể cân bằng tốt hơn mối quan hệ với giáo sư. Có lẽ ở lại phòng nghiên cứu làm việc cho giáo sư như các sinh viên khác không phải là sứ mệnh của tôi. Tôi có con đường khác mà bản thân cần đi.

Tôi học cách hướng nội tìm bên trong mỗi khi có điều gì đó khiến mình khó chịu, cố gắng đối mặt và buông bỏ những chấp trước ấy một cách thản nhiên. Từng chút một, những mâu thuẫn phức tạp giữa tôi và giáo sư đã dần được hóa giải. Điều ngạc nhiên là, trước đây giáo sư luôn giao cho tôi rất nhiều việc trọng yếu và nghĩ rằng chỉ tôi mới đảm nhận được những công việc này, nhưng dần dần ông đã bắt đầu giao nhiệm vụ cho những sinh viên khác và thậm chí còn quên cả việc thảo luận với tôi về kế hoạch cần làm. Nhờ đó tôi có thêm thời gian học Pháp và luyện công thường xuyên hơn. Những sinh viên khác cũng hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Tôi cảm thấy rằng Sư phụ đã an bài mọi việc cho tôi, những công việc lớn mà giáo sư ban đầu yêu cầu tôi làm đã bị hủy bỏ hoặc được chuyển giao cho người khác. Vì vậy, trong năm thứ hai của chương trình thạc sĩ, tôi đã có thể sắp xếp tốt thời gian viết luận văn thạc sĩ và làm ba việc một cách chính thường.

Thông qua việc thuộc Pháp, nhiều quan niệm người thường của tôi đã chuyển biến từ căn bản, tôi không còn sợ chịu khổ hay phải đối diện với mâu thuẫn. Tôi đã có thể đối đãi với mâu thuẫn dựa trên Pháp. Tôi cũng không còn muốn dùng những lý lẽ khoa học và logic để tranh luận với người khác như trước nữa. Tuy nhiên, vẫn có một khảo nghiệm tâm tính khá lớn xuất hiện nhắm thẳng vào tâm truy cầu danh lợi thâm căn cố đế của tôi. Đó là bởi vì tôi đã hình thành quan niệm về truy cầu danh lợi ngay từ khi còn rất nhỏ. Cách đây không lâu, một bài báo nghiên cứu mà tôi tham gia viết đã được xuất bản nhưng tên của tôi lại không được liệt kê trong danh sách tác giả. Điều này khiến tôi bực bội với giáo sư. Sau đó, nhờ liên tục học Pháp và chia sẻ cùng các đồng tu, tôi đã có thể bình tĩnh chấp nhận sự việc đã xảy ra.

Nhưng sau đó, tôi dần nhận thấy rằng giáo sư đang chỉ lấy đi những kết quả nghiên cứu của tôi mà không dạy tôi thêm điều gì mới. Tôi được yêu cầu đưa những dữ liệu chưa được công bố từ luận văn thạc sĩ của mình ra chia sẻ với những sinh viên khác. Điều này làm tôi rất khó xử và tôi hoàn toàn không thoải mái với việc này. Một hôm sau khi học Pháp xong, tôi tự hỏi điều gì đã khiến mình khó chịu đến vậy. Đột nhiên, một ý nghĩ về tín Sư tín Pháp lóe lên trong tôi. Nếu Sư phụ đã an bài giáo sư đến giúp tôi tu luyện tâm tính, vậy chắc chắn là có điều gì đó mà tôi cần đề cao. Tôi nhận ra đây chính là để tôi tu dưỡng tâm từ bi, ngay cả khi bị người khác làm tổn thương, chúng ta vẫn có thể vì họ mà phó xuất dù trong quá khứ họ đã đối xử với chúng ta ra sao. Sau khi buông bỏ oán hận, tôi đã có thể bĩnh tĩnh giải thích tình huống của mình với giáo sư, ông ấy cũng bày tỏ sự thông cảm và không yêu cầu tôi chia sẻ dữ liệu nữa.

Sau khi điều chỉnh trạng thái tu luyện, thay vì dành nhiều thời gian cho việc đọc tài liệu và nghiên cứu như trước, tôi dành nhiều thời gian hơn để tận sức làm tốt ba việc. Nghiên cứu luận văn thạc sĩ của tôi không vì thế mà bị ảnh hưởng, trái lại hiệu quả làm việc tăng lên rất nhiều một cách không tự biết và thường có những linh cảm mới xuất hiện. Tại phòng nghiên cứu, tôi không còn truy cầu những kiến thức khoa học mới hay sự công nhận từ các giáo sư như trước nữa, ngược lại, tôi đối chiếu những nghiên cứu của mình với Pháp lý. Điều này khiến trí huệ của tôi được khai mở và những quan điểm của tôi dễ dàng nhận được tán đồng từ các giáo sư. Luận văn thạc sĩ của tôi được hoàn thành một cách suôn sẻ.

Trong quá trình viết bài chia sẻ này, tôi cũng tìm thấy những tâm chấp trước khác, bao gồm cả tâm sợ hãi và tâm tự ti rằng mình tu luyện chưa đủ tốt. Có một hôm, người phụ trách hạng mục Đại Pháp mà tôi tham gia đã hỏi liệu có phải vì tôi quá cố gắng thể hiện bản thân trong việc học ở trường mà tôi đã không thể cải thiện chất lượng của hạng mục. Khi nghe điều đó, tôi sững lại trong giây lát, sau đó tôi nhận ra mình cần phải tiếp tục đề cao. Làm tốt các việc người thường thôi thì chưa đủ, tôi cần phải đề cao tâm tính bản thân và cải thiện năng lực của mình để có thể thật sự làm tốt trách nhiệm của một đệ tử Đại Pháp.

Trên đây chỉ là thể ngộ tại tầng thứ sở tại của tôi. Nếu có điều gì không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Con xin cảm ân Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu.

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7429

http://www.zhengjian.org/node/248115