Từ chuyện của Khương Tử Nha và Thân Công Báo thiển đàm về mối nguy hại của tâm tật đố

Tác giả: Nhân Như

[ChanhKien.org]

Nhân vật Thân Công Báo trong truyện “Phong Thần diễn nghĩa” là sư đệ của Khương Tử Nha, vì ỷ mình có bản lĩnh cao cường nên chẳng coi ông lão già yếu sư huynh Khương Tử Nha ra gì, cái tâm tranh đấu và tâm tật đố mạnh mẽ này dễ khiến ông ta lầm đường lạc lối. Về điểm này thì Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã sớm nhìn rõ, còn Khương Tử Nha bản tính hiền lành đôn hậu lại gánh vác thiên mệnh giúp sư phụ phong Thần, vậy nên Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã phái Khương Tử Nha theo thiên mệnh xuống núi Côn Luân phò nhà Chu diệt vua Trụ, hoàn thành việc ấy cũng chính là hoàn thành xong sứ mệnh trợ sư phong Thần. Bản thân Thân Công Báo không thể nào hiểu được nguyên do của sự an bài ấy, lại tự cho mình có bản sự mạnh hơn Khương Tử Nha gấp trăm lần, vì sao sư phụ lại phái sư huynh vừa già vừa không có bản sự gì đi chủ trì việc phong Thần mà không phái ông ta đi? Từ đó trong lòng thấy căm phẫn bất bình, thậm chí còn oán trách sư phụ thiên vị.

Thân Công Báo ghen tức mãi không thôi việc Khương Tử Nha được nắm quyền phong Thần, hơn nữa còn tự khiến bản thân bước sang đường bất chính, đánh mất trí huệ của người tu Đạo, cuối cùng ông ta đã đi kích động một toán cao nhân đến đối phó với Khương Tử Nha, gây ra khó nạn lớn cản trở việc Võ vương phạt vua Trụ, không những làm ngược lại ý của sư phụ (ý của sư phụ ông là thuận theo thiên ý) mà còn làm ngược lại với lời hứa của mình, cuối cùng vì tội ác chất chồng nên bị Nguyên Thuỷ Thiên Tôn ném thân xác vào mắt biển Bắc Hải mà bỏ mạng, quả thật là quá ư ngu muội. Điều này cho thấy tâm tật đố gây nguy hại rất lớn cho con người, nó khiến người ta dễ mất lý tính và tâm trí, thậm chí đánh mất cả lương tri, thế nên nhất định phải tu bỏ ác tâm này. Giới tu luyện còn quy định rõ:

“…rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Chuyển Pháp Luân)

Tâm tật đố của Thân Công Báo biểu hiện rất rõ ràng và mãnh liệt. Truyện Phong Thần diễn nghĩa hồi 37 có đoạn:

– Tử Nha từ giã ôm bảng phong thần đi đến núi Kỳ Lân toan độn thổ mà đi, xảy nghe có tiếng gọi cheo chéo sau lưng: Bớ Khương Tử Nha!

– …… Hoá ra là sư đệ Thân Công Báo.

– Thân Công Báo nói: “Sau này anh tính phò ai?”

– Tử Nha cười nói: “…… Nay Võ Vương ân đức cao dày sánh với bậc Nghiêu, Thuấn; cơ nghiệp Thành Thang tối tăm, chỉ truyền được một đời nầy nữa là đứt, há sư đệ không biết hay sao?”

– Thân Công Báo nói: “Anh bảo là khí số nhà Thương đã dứt, vậy hôm nay tôi xuống núi bảo vệ cơ nghiệp Thành Thang, phò tá vua Trụ. Anh cứ xuống phò Châu, tôi sẽ quấy nhiễu anh thử thế nào cho biết”.

– Tử Nha nói: “Sao sự đệ lại nói bừa như vậy? Lệnh của Sư Tôn lẽ nào dám cãi?”… “Sư đệ có ý như vậy, nhưng tôi không thể trái lời thầy. Vả lại lúc nào tôi cũng phục tùng thiên mệnh”.

– Thân Công Báo nổi giận nói: “Tử Nha, ngươi tu luyện có 40 năm, công lực bao nhiêu mà dám phò Châu. … Ngươi chẳng qua học thông thuật ngũ độn và phép di sơn đảo hải mà thôi, sánh với ta sao được. Ta chặt thủ cấp liệng lên trời, đi chơi muôn dặm rồi mây đỏ chở thủ cấp đem ráp lại như thường, vậy mới đáng công học đạo. Chớ như ngươi tài phép gì mà phò Chu diệt vua Trụ!”

– Tử Nha nghe Thân Công Báo nói thế, nghĩ thầm: “Đầu người thứ đứng đầu lục dương, lẽ nào lại có thể cắt đầu quăng lên trời cho bay một hồi rồi lắp lại được? Thật là hiếm thấy!”…

– Bấy giờ Nam Cực tiên ông, sau khi đưa Tử Nha ra khỏi cửa, thơ thẩn mãi chưa vào cung, thấy Thân Công Báo cưỡi hổ chạy theo Tử Nha đến núi Kỳ Lân lại múa tay múa chân mà nói chuyện. Lại thấy đầu của Thân Công Báo bay qua bay lại trên trời. Nam Cực tiên ông nghĩ rằng: “Tử Nha tánh tình thật thà e lầm mưu gian trá”. Liền gọi Bạch Hạc đồng tử nói: “Ngươi hãy hiện nguyên hình, tha đầu Thân Công Báo đem qua Nam Hải cho ta”….

Nam Cực tiên ông hiện đến vỗ vào lưng Tử Nha một cái… Nam Cực tiên ông chỉ Tử Nha nói: “Ngươi ngốc hay sao mà tin nhảm như vậy. Thân Công Báo là tả đạo, dùng huyễn thuật (ảo thuật), ngươi tưởng thật à? Chỉ nội trong một giờ ba khắc mà không ráp đầu được, nó sẽ tuôn máu ra mà chết. Thầy dặn ngươi không được nói chuyện với ai, sao ngươi không tuân lời. Nó sẽ kêu 36 đạo binh đến đánh ngươi đó. Lúc trước ta ở trước cung Ngọc Hư nghe ngươi giao ước với nó đốt bảng phong thần xuống Triều Ca phò vua Trụ, ngươi tưởng bảng Phong Thần dễ đốt lắm sao? …. Ta thấy vậy nên sai Bạch Hạc tha đầu nó quăng xuống Nam Hải đặng quá giờ nó chết cho rồi. Hễ nó chết là ngươi khỏi lo”.

– Tử Nha nói: “Xin tha cho hắn một phen. Lòng đạo ai cũng lấy từ bi làm trọng. Thân Công Báo tu luyện đã lâu năm, chẳng lẽ vì biểu diễn công lực cho bạn bè xem mà hại nó như vậy?” – Nam Cực tiên ông nói: “Ngươi có tình thương đối với nó, nhưng nó không có tình thương đối với ngươi đâu. Ngày nay tha nó, ngày sau có 36 đạo binh đến đánh ngươi, ngươi đừng than thở!”

Tử Nha nói: “Sau này có 36 đạo binh tìm tới, tôi sẽ không từ bi nữa, nay làm thế là bất nhân bất nghĩa”.

Còn Thân Công Báo bị Bạch Hạc tha đầu không thể lắp vào thân thể, trong lòng sốt ruột, Tử Nha cầu xin Tiên ông tha cho sư đệ, Tiên ông phất tay lệnh cho Bạch Hạc đồng tử tha đầu về thả xuống, cái đầu rớt nhầm chỗ mà trở mặt ra sau lưng. Thân Công Báo đưa tay sửa lại, mở con mắt ra, nhìn Nam Cực Tiên ông chứa đầy thù hận, Nam Cực tiên ông hét lớn: “Ngươi là yêu nghiệt, theo cám dỗ Tử Nha, bảo đốt bảng Phong thần bỏ Chu phò Trụ? Lẽ ra ta bắt ngươi dẫn đến cung Ngọc Hư cho thầy ta trị tội!” Rồi bảo Thân Công Báo: “Đi đi!”

Thân Công Báo chỉ vào Khương Tử Nha nói: “Huynh đi đi! Trong chốc lát ta sẽ biến Tây Kỳ thành biển máu, xương trắng chất như núi cho huynh xem!” Nói rồi Thân Công Báo hậm hực rời đi.

Khương Thượng (Tử Nha) 32 tuổi mới lên núi Côn Luân theo thầy Nguyên Thuỷ Thiên Tôn tu Đạo, tu được 40 năm rồi sư phụ liền bảo ông xuống núi lo việc phong Thần, Tử Nha một lòng muốn tu Đạo thành Tiên, đối với phú quý quyền thế nơi nhân gian đã sớm chẳng truy cầu, dẫu rằng sư phụ nói ông từ nhỏ đã bạc mệnh, đạo Tiên khó thành, chỉ có thể lấy công phu mấy chục năm tu luyện đổi lấy phúc báo công danh tại nhân gian mà thôi, ngay cả khi ông phát nguyện chịu khổ hạnh, cầu xin sư phụ ở lại thì sư phụ vẫn chiểu theo thiên mệnh bảo ông lập tức xuống núi. Thân Công Báo tuy rằng bản lĩnh cao cường hơn Khương Tử Nha rất nhiều, nhưng vì tâm tính bất hảo (tâm tranh đấu và tâm tật đố quá mạnh mẽ, lại còn tham luyến công danh lợi lộc chốn nhân gian) nên không được sư phụ giao phó chuyện phong Thần; từ một góc độ khác mà xét, bản lĩnh cao cường của Thân Công Báo trong con mắt chư Thần chỉ là chút ảo thuật nhỏ nhoi, có thể mê hoặc thế nhân nhưng không được tiên giới xem trọng, điều trên thiên thượng xem trọng là tâm tính một người cao thấp ra sao: người tâm tính tốt (ví như không ghen ghét đố kỵ, không thù hận, có thể suy nghĩ cho người khác, thành tín trung thực…) thì có thể được hưởng phúc phận ở nhân gian, lúc sinh thời được bái tướng phong hầu, khi chết đi thì được thiên thượng ghi tên trong bảng phong Thần; còn người tâm tính bất hảo (tâm đố kỵ mạnh mẽ, không muốn thấy người khác hơn mình, vì mình hại người, trợ Trụ vi ngược…) có thể lúc sinh thời may mắn được công thành danh toại, nhưng nếu một mực buông lơi bản thân, vì tư dục mà làm hại người khác thì sẽ thành hại chính mình, trường hợp này thì Thân Công Báo là một ví dụ điển hình. Bậc trí giả có câu: “Thiện ác đều là do tự mình lựa chọn” Người gieo mầm thiện sẽ được thiên thượng ban cho điều tốt (có thể là khi còn tại thế, cũng có thể là sau khi chết, mỗi người đều có nhân duyên khác nhau), kẻ hành ác kỳ thực là đang đào hố chôn mình, dương dương tự đắc mà không biết, điều đó chẳng phải đáng thương lắm hay sao?

Vậy nên khi gặp phải người (hoặc chuyện) bất nhân bất nghĩa hoặc tuỳ tiện làm hại chúng ta, thì ta không cần oán trách trời cao bất nhân, không trừng trị mà ngược lại còn để kẻ ác ngang ngược hoành hành. Bởi chúng ta cần nhớ rằng thiện ác cuối cùng cũng sẽ báo, hết thảy những việc con người đã làm đều không qua được mắt chư Thần, lẽ nào một người có thể thoát khỏi báo ứng cho được? Hết thảy mọi kết cục đều là con người tự chọn lấy mà thôi! Chúng ta cần minh bạch đạo lý này, cần dùng thái độ khoan dung mà đối đãi với hết thảy cảnh ngộ nhân sinh một cách lý tính, không cho phép nghịch cảnh khiến ta nảy sinh cảm giác phẫn uất quá khích, cần thời thời khắc khắc lấy tấm gương Thân Công Báo để cảnh giác và tự răn mình. Chớ vì chút tiểu năng tiểu thuật mà kiêu căng tự mãn, ghen ghét vì người khác hơn mình mà thốt ra những lời phỉ báng, thậm chí vì tranh đấu thắng thua mà đánh mất bản tính thiện lương của chính mình. Kỳ thực những thứ có được từ sự tranh giành sẽ không thuộc về chúng ta vĩnh viễn, ngược lại cái tâm lo sợ mất đi những thứ đó sẽ khiến chúng ta hãm trong hiểm cảnh, người được thiên thượng chiếu cố ắt hẳn là người có đức tính tốt, những người mà đời này được hưởng đại phú đại quý hoặc có trí tuệ hơn người đều là đã tích được đại đức từ tiền kiếp.

Người ta thông thường hay chịu ảnh hưởng của câu nói sai lầm “hảo nhân bất trường thọ, hoạ hại di thiên niên” (người tốt thì thường không sống lâu nhưng tai hoạ lại kéo dài từ đời này sang đời khác), cho rằng kẻ ác đường hoàng bệ vệ không những không chịu ác báo mà còn vì tính kế hại người khác mà được hết thảy những điều tốt. Kỳ thực họ là đang hưởng tận số phúc đức tích được từ tiền kiếp, không biết hối cải vẫn khăng khăng hành ác, đến khi phúc đức dùng cạn sẽ chịu nhận ác báo (có thể là chết vì tai nạn, chết do bệnh hiểm nghèo, thậm chí chết rồi vẫn bị hành hạ đến không ngừng nghỉ…). Lại thấy người tốt ở đời này thường chịu ức hiếp, chịu đủ loại khổ nạn thậm chí phải chết oan ức, nên cho rằng kẻ ác được hưởng phúc còn người tốt ngược lại phải chịu nhận ác báo. Thật ra đó cũng là vì đời trước họ đã từng gieo mầm ác và kết oán với người nên mới chịu kiếp nạn (đời này là họ người tốt, nhưng trong tiền kiếp đã làm việc ác và kết oán với người mà gây nợ nghiệp, nên phải hoàn trả món nợ cũ). Đạo của trời đất xưa nay vận hành công chính không thiên lệch, thiên thượng nhất định sẽ không vô cớ khiến ai phải chịu kiếp nạn hay chịu tội, một người bình thường vốn không nhìn rõ nhân duyên quan hệ đằng sau sẽ dễ bị oai lý tà thuyết dẫn dắt. Thật ra hết thảy mọi thứ con người phải hứng chịu đều là do tự mình tạo nên, chính như câu nói của người xưa: “Muốn biết nhân đời trước, cứ xem quả đời này; muốn xem quả đời sau, xem nhân đời này tạo”. Chúng ta khi chịu tội nghiệp hoặc gặp phải những sự tình không như mong muốn thì không nên oán trách trời cao không thương xót, mà nên dũng cảm đón nhận cũng như đối đãi với hết thảy những gì mình gặp phải một cách khoan dung độ lượng, và càng nên nhớ rằng truyện Phong Thần diễn nghĩa đã cho con người một gợi mở: mắt Thần như điện, thiện ác đều do tự mình lựa chọn, chớ thấy việc ác nhỏ mà xem thường, trong tâm thường mang thiện niệm thì sẽ được trời cao phù hộ!

Ghi chú: xế trửu nghĩa là cản tay, ví như ngăn cản ai làm gì đó. Khiên chế kỳ trửu là để người khác làm nhưng cố ý gây khó dễ để ngăn cản.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/110615