Truyền thuyết dân gian: Truyền thuyết về nàng tiên Hoa Cúc



Tác giả: Phúc Chính chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Ngày xửa ngày xưa, có một người nông dân lương thiện tên là A Ngưu sống bên bờ sông Đại Vận. Nhà A Ngưu rất nghèo, lên bảy tuổi anh đã mồ côi cha, phải sống dựa vào công việc dệt vải của mẹ qua ngày. Mẹ của A Ngưu vì chịu cảnh goá bụa, cuộc sống cơ hàn nên thường hay khóc, khóc nhiều đến nỗi mù cả mắt.

Vì để chữa bệnh cho mẹ, A Ngưu vừa đi làm thuê cho một phú ông, vừa dậy sớm cuốc đất trồng rau đem bán để kiếm một ít tiền mua thuốc cho mẹ. Nhưng dẫu có uống bao nhiêu thuốc thì bệnh tình của mẹ anh vẫn không thuyên giảm.

Một đêm nọ A Ngưu nằm mơ thấy một cô nương đến giúp anh trồng rau và nói với anh rằng: “Đi theo sông Đại Vận về phía Tây mấy chục dặm có một cái hồ nhiều hoa dại, trong hồ có một cây hoa cúc màu trắng có thể trị được bệnh mù lòa. Loài hoa này đến tết Trùng Dương ngày 9 tháng 9 (âm lịch) mới nở, đến lúc ấy anh hãy đem hoa cúc nấu thành canh cho mẹ ăn, bệnh mù lòa của bà chắc chắn sẽ được chữa khỏi”.

Đến ngày tết Trùng Dương, A Ngưu mang theo lương khô đến hồ Thiên Hoang tìm cây hoa cúc trắng. Hóa ra cái hồ hoang vắng cỏ dại um tùm này người ta gọi là hồ Thiên Hoang. Anh tìm quanh hồ rất lâu, chỉ thấy có hoa cúc vàng chứ không có hoa cúc trắng, tìm mãi đến chiều mới thấy trong bụi cỏ bên cạnh gò đất hoang có một cây cúc dại màu trắng. Cây cúc này mọc rất đặc biệt, một cây mà có đến chín cành, hiện chỉ có một bông hoa đã nở, tám bông còn lại đang ngậm nụ. A Ngưu đào cây hoa cúc mang về trồng cạnh nhà. Sau khi được anh tưới nước và chăm bón, chẳng bao lâu sau tám bông hoa còn lại đã nở, hoa cúc nở ra xinh đẹp và thơm ngát. Thế là mỗi ngày anh đều hái một bông hoa cúc và nấu canh cho mẹ ăn. Sau khi ăn đến bông cúc thứ bảy thì mắt của mẹ A Ngưu bắt đầu sáng lại.

Cô gái lại tiếp tục xuất hiện trong giấc mơ hướng dẫn cho A Ngưu cách trồng hoa cúc.

Cô gái nói: “Ta là tiên nữ Hoa Cúc trên trời, xuống đây để giúp anh, anh chỉ cần làm theo bài đồng dao “Trồng cúc” thì hoa cúc trắng nhất định sẽ sống được”. Rồi tiên nữ Hoa Cúc liền đọc: “Tam phân tứ bình đầu, ngũ nguyệt thủy lâm đầu, lục nguyệt suý liêu đầu, thất bát ô đôn đầu, cửu nguyệt cổn tú cầu”. Đọc xong thì biến mất.

A Ngưu về nhà cẩn thận suy ngẫm bài đồng dao “Trồng cúc” của tiên nữ Hoa Cúc, cuối cùng cũng ngộ ra được ý nghĩa của nó: Trồng hoa cúc trắng phải vào tháng ba cắt cây cúc trắng cũ đem giâm xuống đất, tháng tư bấm ngọn, tháng năm tưới nhiều nước, tháng sáu chăm chỉ bón phân, tháng bảy, tháng tám chăm sóc rễ chu đáo, như thế đến tháng chín hoa cúc sẽ nở to như quả tú cầu.

A Ngưu làm theo lời dạy của tiên nữ Hoa Cúc, sau đó từ rễ cúc cũ mọc lên rất nhiều cành cúc mới. Anh cắt những cành cúc mới ấy đem giâm xuống đất, rồi lại theo bài “Trồng cúc” mà vun bón, đến ngày 9 tháng 9 tết Trùng Dương năm sau những đoá hoa cúc trắng đã nở rộ toả hương thơm ngát.

Sau đó A Ngưu dạy những người dân nghèo trong làng cách trồng hoa cúc, trong vùng ngày càng có nhiều người trồng hoa cúc trắng. Vì A Ngưu đã tìm thấy cây hoa cúc trắng này vào ngày 9 tháng 9 nên sau này người ta gọi ngày 9 tháng 9 là ngày tết cúc hoa, và cũng tạo nên phong tục ngắm hoa cúc, uống trà hoa cúc, uống rượu hoa cúc…

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/33143



Ngày đăng: 23-12-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.