Học Pháp, thuộc Pháp và thăng hoa trong tu luyện

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ở Washington

[ChanhKien.org]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Kính chào các bạn đồng tu!

Năm 1996 tôi đắc Pháp, trước thời điểm đó căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã hành hạ tôi trong đau đớn. Tôi không dám bế đứa con hai tuổi của mình. Mỗi khi cúi xuống hay đứng thẳng thì lưng tôi cảm giác như sắp bị gãy vậy. Mặc dù đã liên tục điều trị nhưng không có hiệu quả. Trong vòng vài ngày sau khi tu luyện Pháp Luân Công, lưng tôi đột nhiên hết đau. Toàn bộ thân thể của tôi trở nên khỏe mạnh và tôi còn có thể làm những công việc nặng nhọc. Tôi đã thực sự trải nghiệm trạng thái vô bệnh là như thế nào.

Lúc đầu khi tôi đắc Pháp, tôi chỉ có mục đích là muốn cho mọi người thấy được sự kỳ diệu của Đại Pháp. Khi tiếp xúc với mọi người, tôi luôn đối đãi họ với thiện tâm tràn đầy. Tuy nhiên, bởi vì không coi trọng việc tu luyện cá nhân nên khi ở nhà tôi đã có hành xử y hệt như trước khi tôi đắc Pháp.

Là con út trong gia đình nên tôi không bao giờ làm việc nhà một cách hết lòng. Khi tôi chia sẻ với anh trai về Pháp Luân Công, anh ấy đã phản đối tôi. Anh ấy nói: “Em làm việc nhà còn chẳng ra gì thì làm sao anh chấp nhận Pháp Luân Công là tốt?” Tôi còn hay tranh cãi với các thành viên khác trong gia đình.

Sau khi trường kỳ học Pháp, tôi nhận ra rằng chỉ khi tôi thực sự tu luyện tâm tính, tôi mới có thể truyền tải sự kỳ diệu của Đại Pháp thông qua lời nói và hành động của mình. Dù ở trong nhà hay khi ra bên ngoài, tôi nên quan tâm đến nhu cầu của người khác bất cứ lúc nào và hướng nội mỗi khi mâu thuẫn nảy sinh. Sau đó, tôi hết lòng chăm sóc bố mẹ khi họ ốm đau, cố gắng làm thêm công việc nhà và ít than thở. Bởi vì người nhà thấy được sự chuyển biến tâm tính rõ rệt của tôi nên khi tôi giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp, mọi người đã không tranh luận với tôi nữa. Mối quan hệ của tôi với gia đình cũng trở nên hòa thuận.

Giai đoạn đầu khi đắc Pháp, tôi chỉ có thể ngồi song bàn trong mười phút. Nếu tôi chỉ ngồi thêm dù chỉ một phút thì sẽ đau đớn vô cùng. Đến năm 1999, tôi có thể song bàn được khoảng 50 phút. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có nhận thức thâm sâu về ý nghĩa của từ “tu luyện”. Tôi đã coi việc luyện công quan trọng hơn tu luyện. Ngoài ra, tôi còn có rất nhiều chấp trước chưa thể buông bỏ. Khi tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào năm 1999, tôi đã bị bắt giữ trái phép rồi bị bỏ tù và bị bức hại trong gần 10 năm.

Khi bị giam giữ tôi đã bị bức hại nghiêm trọng. Tôi vẫn tiếp tục nhẩm học thuộc Pháp và chiểu theo Pháp trong mọi việc tôi làm. Miễn là chúng ta giữ được chính niệm, chúng ta có thể thanh trừ hết thảy những nhân tố tà ác. Tôi đã buông bỏ được tâm sợ hãi và giảng chân tướng cho các lãnh đạo trại giam, đội trưởng, người điều phối, cảnh sát. Sau khi vài cảnh sát hiểu được chân tướng, họ đã hỗ trợ tôi giảng chân tướng cho các tù nhân khác.

Một thành viên trong gia đình của đội trưởng trại tẩy não bị tai nạn xe hơi. Trước khi trở về nhà, anh đã nói với tôi “Sau khi tôi rời khỏi, tôi mong bạn vẫn có thể nói cho mọi người về Chân Thiện Nhẫn.” Thời điểm đó đã có rất nhiều hỗn loạn xảy ra ở trong tù. Khi tôi liên tục giảng chân tướng, các tù nhân thích ở cạnh tôi, và tình thế trong trại giam cũng tốt hơn.

Có một tù nhân rất sẵn lòng nghe tôi nhẩm đọc Pháp. Vì anh cũng muốn học Pháp cùng nên tôi đã viết lại đoạn Pháp trong Luận Ngữ và đọc Hồng Ngâm cho anh ấy. Sau đó, một cảnh sát đã nói với anh ấy rằng: “Nếu anh muốn theo những học viên Pháp Luân Công thì tôi không thể giảm án cho anh được.” Anh trả lời: “Tôi thà không nhận giảm án bởi vì tôi muốn học Pháp Luân Công”. Người cảnh sát cảm thấy lo lắng và nói với anh ấy rằng “Xin đừng học Pháp Luân Công, tôi sẽ cho anh thêm điểm để anh có thể về nhà sớm hơn”. Nếu đạt được một điểm có thể giảm được một ngày trong án tù, nhưng cũng rất khó để có được một điểm. Ngạc nhiên thay, án phạt của tù nhân đó được rút ngắn còn năm tháng, cuối cùng là sáu tháng. Anh đã có thể ra tù sớm hơn một tháng.

Để có thể cứu chúng sinh, trong cuộc sống và công việc hàng ngày tôi cố gắng không để mâu thuẫn với ai. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các đồng tu thì lại rất dễ nảy sinh.

Năm ngoái, một đồng tu bị mất đồ và nói rằng tôi đã ăn trộm nó. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không làm thế nhưng cô ấy đã không tin tôi. Cô cũng không muốn tôi mua lại cho cô ấy một món đồ mới hay đền tiền. Tôi đã không thể hiểu vì sao cô ấy lại đối xử với tôi như vậy và đã rất bực mình. Sau đó, tôi đã chiểu theo Pháp để xem xét bản thân mình trong việc này.

Sư phụ đã giảng trong Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011:

“Gặp việc không vui, gặp việc khiến chư vị tức giận, gặp lúc lợi ích cá nhân hoặc ‘cái tôi’ bị va chạm, chư vị có thể nhìn vào trong, tu bản thân mình, tìm chỗ sơ sót của mình, trong mâu thuẫn chư vị không lầm lỗi thì cũng có thể thế này: ‘A, mình minh bạch rồi, mình nhất định chỗ nào đó chưa tốt, mà thật sự không sai, thì có thể là nợ nghiệp trước đây, mình sẽ làm nó cho tốt, cái gì cần hoàn trả thì trả’.”

Tôi ngộ ra rằng có lẽ tôi đang trả nợ người đồng tu đó. Không có gì là ngẫu nhiên cả.

Nhờ học Pháp mà tôi có thể giữ vững bản thân trong mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi việc không tốt xảy ra, tôi vẫn muốn biện giải. Đó là vì tôi vẫn còn đang ôm giữ chấp trước về ích kỉ và tư lợi. Làm một người tu luyện, tôi không cần phải giải thích.

Sư phụ đã giảng trong Hồng Ngâm III:

Thiểu biện
Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến.

Tạm dịch:

Thiểu biện
Gặp thời xảo biện hãy lặng im
Tu luyện ắt phải hướng nội tìm
Càng giải thích nhiều tâm càng nặng
Cởi chấp mở lòng sáng trong tim.

Sau khi đại dịch virus corona bùng phát vào năm 2020, tôi lên nền tảng RTC để gọi điện về Trung Quốc. Tôi đã học thuộc Pháp và chia sẻ thể ngộ của mình với các đồng tu trên đó hàng ngày. Sau nhiều tháng học thuộc Pháp, tôi ngộ ra rằng khi tôi đặt Pháp lên hàng đầu, Pháp có thể trừ bỏ mọi thống khổ, can nhiễu hay chấp trước.

Sư phụ khải thị:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài Trừ Can Nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Sư phụ yêu cầu chúng ta phải tu đạt đến vô tư vô ngã, và chỉ khi làm được như vậy chúng ta mới có thể thành Thần. Tôi cần phải loại bỏ tâm ích kỷ và cố gắng để hòa hợp với chỉnh thể tu luyện. Nếu có thời gian, tôi cố gắng tham gia vào các hạng mục Đại Pháp. Miễn là khả thi, tôi đều làm hết sức để phối hợp với các đồng tu. Chấp trước vào cái tôi là một loại ích kỷ và cần phải loại bỏ trong quá trình tu luyện.

Xin vui lòng chỉ rõ nếu có điều gì không phù hợp.

Cảm tạ Sư phụ tôn kính!

Cảm ơn các bạn đồng tu!

Hợp thập!

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7645

http://www.zhengjian.org/node/265234