Y Sơn dạ thoại (35): Thần y dân gian (2): Các phương pháp điều trị dân gian, hiệu quả đáng kinh ngạc

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp/ Trịnh Văn

[ChanhKien.org]

Tiếp theo bài trước, bài này chúng ta sẽ tiếp tục đến với những câu chuyện về các Thần y dân gian. Sau đây là câu chuyện mà tác giả bài viết nghe bà nội kể từ khi còn nhỏ, câu chuyện kể về một thầy thuốc họ Lưu có thể khám bệnh cùng lúc cho năm người, ông có y thuật tinh thâm và trí nhớ tuyệt vời. Mỗi ngày khi mở cửa, có hàng trăm bệnh nhân xếp hàng. Thầy thuốc Lưu khám bệnh rất kỳ lạ, năm bệnh nhân vào cùng một lúc, mỗi người lần lượt nói về tình trạng bệnh của mình, thầy thuốc Lưu không bắt mạch, chỉ quan sát thần sắc một chút, rồi bắt đầu lần lượt nói cho bệnh nhân biết các chứng bệnh của họ, nói không sai một chút nào, và cuối cùng là kê đơn thuốc trị bệnh. Trong khoảng nửa giờ, bệnh của năm người đã được chẩn đoán xong.

Trung Y thường dùng phương pháp bắt mạch, thầy thuốc Lưu cũng biết bắt mạch nhưng thường không sử dụng phương pháp này, ông chỉ dựa vào thần sắc và lời kể của bệnh nhân là có thể biết được chứng bệnh, hơn nữa nắm bắt bệnh không sai chút nào. Nhiều thầy thuốc cùng thời với ông đều nói rằng thầy thuốc Lưu thực sự có thiên nhãn (là thiên mục mà chúng ta thường nói). Chúng ta thấy trong truyện Tây Du Ký Tôn Ngộ Không cũng khám bệnh cho quốc vương như thế, vì Ngộ Không đã nhìn thấy được một cách đích xác tình trạng bệnh thật sự. Kỳ thực rất nhiều ngự y Trung Quốc đều có thiên nhãn, vì vậy khi họ xem bệnh cho thái hậu, phi tần và công chúa, họ dùng cách chẩn mạch qua sợi tơ chỉ là hình thức che mắt bề ngoài, hầu hết họ đều sử dụng thiên mục. Vì thời đó người ta không thể nhìn thấy dung mạo thật của những người phụ nữ này, nên dùng thiên mục thì về lý là có thể biết hết về bệnh, nhưng lại không thể nói rõ ra, chính vì vậy mà trong một số ghi chép về trị bệnh cũng không dám nhắc tới chuyện thiên mục.

Tôi còn biết rằng có một Thần y họ La có thể loại bỏ chất độc. Có một bệnh nhân mặt mày xanh xao vàng vọt, Thần y La đã kê đơn thuốc cho ông ấy, sau khi uống hơn chục thang thì đại tiện ra rất nhiều thứ rất cứng và to như quả câu kỷ tử. Bệnh nhân rất xúc động, tìm đến thầy thuốc để cảm ơn. Nhưng La Thần y nói: “Vẫn còn sớm, còn phải tiếp tục bài xuất nữa”. Thế là lại kê đơn thuốc cho ông ấy.

Sau một vài ngày, bệnh nhân trở lại và nói: “Bác sĩ La, những gì tôi bài xuất ra hôm nay đều là những thứ rất cứng và to như con tính trên bàn tính”. Sau khi nghe điều này Thần y La nói với vẻ hài lòng: “Lần này ổn rồi, tôi sẽ kê một ít thuốc bổ cho ông, dần dần sẽ khỏi”. Một tháng sau, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Ngoài ra còn có thầy thuốc Lý có thể phá vỡ khối u nhọt. Một lần có người mọc một cái nhọt, muốn nhờ ông điều trị cho. Ông chẩn bệnh xong và kê một số loại thuốc rồi bảo bệnh nhân về uống.

Vài ngày sau, bệnh nhân quay lại và nói: “Thưa bác sĩ, khối u của tôi lớn hơn, phải làm sao đây?” Thầy thuốc Lý nói: “Không sao, cứ tiếp tục đi, không sao đâu”.

Khoảng một tháng sau, khối u trở nên rất lớn, bệnh nhân tìm đến thầy thuốc Lý và nói: “Bác sĩ, ông xem bây giờ làm thế nào?” Thầy thuốc Lý nói: “Gần được rồi, đến ngày mốt tôi sẽ kê đơn thuốc cho anh và bệnh sẽ khỏi hoàn toàn”.

Đến ngày mốt, bệnh nhân đến gặp thầy thuốc Lý, thấy thầy thuốc Lý đang mài một con dao rất lớn ở đó, bóng loáng và rất đáng sợ. Thầy thuốc Lý nói: “Con dao này để cắt bỏ khối u, sẽ ổn thôi”. Hai chân bệnh nhân run lên vì sợ hãi, anh ta rất tức giận, trong lòng nghĩ: “Tôi đến gặp ông là để khám bệnh, vậy mà ông lại cầm dao hù dọa tôi”. Khi anh ta tức giận thì da căng lên, khối u liền vỡ ra, thầy thuốc Lý nhanh chóng tìm cách xử lý vết thương cho anh, vài ngày sau bệnh nhân trở lại bình thường.

Kỳ thực, thầy thuốc Lý đã sử dụng một loại liệu pháp ám thị là khích tướng, bởi vì ông biết rằng phải đợi độc tố bài xuất ra hết, đến khi khối u dần dần lớn lên, sau đó nghĩ cách thanh lý hết vật chất xấu thì mới được. Vì vậy ông đã chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà không cần sử dụng các phương pháp phẫu thuật thông thường. Điều này rất giống với phương pháp nói khích mà Hoa Đà năm xưa dùng chữa bệnh cho một vị thái thú, đều có kết quả kỳ diệu như nhau.

Tôi vừa kể cho các bạn nghe câu chuyện về một số vị Thần y trong dân gian, qua đó chúng ta hiểu rõ rằng, kỳ thực y học cổ truyền Trung Quốc có lịch sử từ xa xưa, có nội hàm bác đại tinh thâm, bao hàm những công năng đặc dị vượt xa khoa học ngày nay, cũng vượt xa Tây Y hiện nay, là đường lối y học còn cao siêu hơn Tây Y rất nhiều.

Nói đến các thầy thuốc Trung Y dân gian, sau đây là những chuyện kể về y thuật thần kỳ của bà nội tôi.

Bà tôi chưa từng được đi học và cũng không biết đọc sách. Phụ thân của bà là chủ một hiệu thuốc, cụ đã dạy bà một số kỹ năng độc đáo, quả thật tay sờ vào thì bệnh hết không cần dùng thuốc. Lúc rảnh rỗi tôi thường xem bà nội cứu người, thấy cách của bà quả thật là lợi hại, chẳng hạn như tuyệt chiêu chữa ngất xỉu.

Khi tôi còn trẻ, mọi người ở quê hễ cãi nhau dữ dội hoặc có người gặp chuyện gì đó không nghĩ thông suốt liền ngất xỉu. Ngất xỉu chính là một ví dụ điển hình của khí huyết công tâm. Bà nội thường chỉ dùng một chiếc kim rất bình thường, hơ trên lửa hoặc nhúng vào rượu nặng để khử trùng, khi một người bị ngất xỉu, bà nội thường chỉ cần một tay ấn vào huyệt nhân trung, còn tay kia chích vào giữa nhân trung, một tia máu đen trào ra (có khi chỉ vài giọt máu), người bệnh từ từ hồi phục. Y thuật của bà không yêu cầu bất kỳ phương tiện chuyên dụng và dược liệu nào. Dựa vào từng tình huống khác nhau, bà nội còn chích máu ở đầu ngón tay, và chảy ra đều là máu đen. Bằng cách chích máu, bà còn có thể chữa được rất nhiều bệnh khác, vì đã quá lâu nên tôi đã quên hết rồi.

Trong các sách cổ của Trung Quốc cũng có những ghi chép tương tự về việc chích máu để chữa bệnh. Vua Đường Cao Tông bị chứng hoa mắt chóng mặt thống khổ không chịu được, đầu váng mắt mờ không nhìn thấy gì. Cao Tông triệu ngự y Tần Minh Hạc đến chẩn bệnh cho ông, ngự y sau khi nhìn thấy nhà vua thì nói: “Đó là gió độc xông lên trên, chích một mũi vào đầu, chảy ra một ít máu là khỏi”. Hoàng hậu Võ Tắc Thiên ở sau bức màn tức giận nói: “Người này nên bị chém! Đầu của hoàng thượng làm sao có thể chảy máu được!” Ngự y Tần Minh Hạc quỳ xuống cầu xin tha tội. Cao Tông nói: “Người ta xem bệnh, bàn luận về bệnh tình, không nên trị tội, đầu ta nặng trĩu rất khó chịu, hầu như không thể chịu đựng nổi, chảy chút máu không nhất định là điều xấu. Hãy để ông ta làm thử coi”. Ngự y Tần Minh Hạc chích vào huyệt bách hội và huyệt não hộ của vua Đường Cao Tông, trên đầu chảy ra một vài giọt máu. Đường Cao Tông nói: “Mắt ta có thể nhìn thấy rồi”. Ông còn chưa nói xong, Võ Tắc Thiên đã cúi đầu sau bức màn, tạ lỗi với ngự y Tần Minh Hạc và nói: “Đây là Thần y mà thiên thượng đã ban tặng cho ta!” Sau đó đích thân Cao Tông ban tặng lụa gấm, châu báu cho vị ngự y.

Trong Trung Y có nhận thức về bệnh lý rằng khí huyết mà không thông thì sinh bệnh, các bệnh khác nhau có thể do khí huyết đình trệ ứ đọng ở các vị trí khác nhau, trực tiếp chích máu, bài xuất các thứ xấu (thông thường máu xuất ra đều là máu rất đen, đều là những thứ không tốt), thì bệnh tình sẽ thuyên giảm. Nếu ngất xỉu thì lúc ấy liền khỏi.

Trung Y và Tây Y khác nhau ở chỗ, Trung Y kết hợp một số điều về kinh mạch và thiên can địa chi, thời thần khác nhau bệnh tật sẽ khác nhau, vị trí phát bệnh khác nhau thì phương pháp trị liệu cũng khác nhau. Nhiều nhà y học cổ đại Trung Quốc đều có con mắt thứ ba trong truyền thuyết (thiên mục), có thể nhìn thấy được các đường lưu chuyển của kinh mạch và khí huyết, phương pháp điều trị là trực tiếp nhắm vào bệnh mà giải quyết, hiệu quả lại tốt hơn nhiều. Nguồn gốc về lý luận của Trung Y là siêu thường, cao hơn thời không này, là cảnh giới thiên nhân hợp nhất.

Cuốn sách Chuyển Pháp Luân được xuất bản bằng 40 thứ tiếng và phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có một đoạn mô tả rất sinh động về các phương pháp chữa bệnh dân gian truyền thống. Có một người dựng quầy ngoài phố để nhổ răng cho người ta, chỉ với một lọ thuốc nước nhỏ màu vàng và một que diêm, nhẹ nhàng không cần dùng sức mà khêu một cái là nhổ được chiếc răng sâu.

Trong sách có giảng:

Có người giảng rằng thuốc hiện đại như thế này như thế kia. Tôi nói rằng không hẳn thế, thảo dược của Trung Quốc cổ đại thật sự có thể ‘thuốc vào là bệnh hết’. Có rất nhiều điều đã thất truyền; có rất nhiều điều không thất truyền, đang lưu truyền trong dân gian. (Chuyển Pháp Luân, “Bài giảng thứ bảy)

Sau đây là một câu chuyện tương tự của tôi khi còn nhỏ.

Vào đầu năm 1999, trên má phải của tôi mọc một mụn cóc. Tôi đi khám bác sỹ, được cho biết phải điều trị bằng tia laser.

Khi tôi còn nhỏ, đám con trai hàng xóm láng giềng thường ẩu đả lẫn nhau, trên mặt có vết cào cấu của móng tay là chuyện rất bình thường. Sau khi người lớn nhìn thấy điều này, họ sẽ nói với mẹ của bọn trẻ: “Về nhà đắp một lớp mỏng lá hành lên mặt đứa trẻ, những vết xước đó sẽ tự nhiên biến mất”. Đến giờ tôi còn nhớ bài thuốc nhỏ này, nên tôi đã làm theo nó. Hàng ngày thay một lượt màng hành lá mới vào mỗi buổi sáng và tối, tôi nhớ lần đầu tiên phải tháo băng dính trên da xuống, lớp màng hành lá cũng bong ra, tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khi thấy những thay đổi của mụn cóc ở trên má. Tôi kinh ngạc thấy lớp màng của hành lá sao mà lợi hại đến vậy, có thể phân biệt ra thứ tốt và xấu trên má, phần xấu chính là cái mụn cóc, cứ để nó tự nhiên bong ra khỏi má; phần tốt chính là da trên má, chỉ cần mọc lên một chút thịt mịn mới là lành tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm, mỗi ngày chỉ thay đổi một chút, sự thay đổi xung quanh vẫn có thể nhìn thấy được, và không nhìn thấy chữa lành phần bên trong vì mụn cóc đã bao phủ. Nhưng tôi lại không lo lắng gì cả, biết rằng sẽ có ngày bình phục.

Sau một hoặc hai tuần, mụn cóc hoàn toàn bong ra khỏi má, và nơi có mụn cóc thì mọc lên lớp da mới, màu da hơi trắng, nếu không nhìn kỹ, sẽ không thể biết rằng có thứ gì đó đã từng mọc ở đó, sau đó nó dần dần hòa lẫn với màu da ban đầu, tôi muốn tìm chỗ đó mà không tìm được. Tôi nhớ mình từng đọc trong sách chăm sóc sức khỏe y khoa thấy có người bị mụn cóc ở ngón chân bị chết vì xử lý không đúng cách, không ngờ phương pháp dân gian chữa bệnh rất đơn giản, dễ làm mà ngay cả sẹo cũng không để lại.

Một trải nghiệm khác, khi tôi học năm nhất sơ trung, tôi bị nổi mụn nước hình tròn ở bắp chân, có cái lớn và có cái nhỏ. Mẹ nghe thấy có cách hay gì đó nên làm thử, tôi nhớ là nhúng bút lông vào mực và vẽ những vòng tròn lên mụn nước. Sau đó nghe nói có bác sĩ Tây Y giỏi nên đưa tôi đi khám, bác sĩ lấy thuốc nước chà sạch những vòng tròng đen, sau đó dùng kéo nhỏ cắt thủng hết mụn nước, tôi nằm trên giường đau quá la hét ầm lên. Không bao lâu sau các mụn nước trên bắp chân lành lại, nhưng để lại những vết sẹo rõ ràng, đến nay vẫn còn. Hiệu quả của Tây Y có tốt không? Nhưng quá trình điều trị khiến người ta đau không chịu được, còn để lại sẹo cả đời; còn việc trị mụn bằng màng lá hành vốn là thực phẩm hàng ngày không những không để lại sẹo mà còn không đau chút nào.

Kỳ thực dân gian có rất nhiều phương pháp chữa bệnh đáng được coi trọng và khai thác, nhưng dưới ảnh hưởng của khoa học hiện đại, người ta không tin lắm vào tác dụng của nó, khi y học hiện đại dần nhận ra tính hạn chế của nó thì những cách chữa bệnh của dân gian cũng dần được mọi người coi trọng.

Trong sách Chuyển Pháp Luân giảng:

Trung Y thời Trung Quốc cổ đại rất phát triển, trình độ phát triển vượt siêu xuất so với y học hiện nay.

Trong sách cũng giảng:

“Khoa học của Trung Quốc cổ đại khác với khoa học hiện nay mà chúng ta học từ phương Tây, nó đi theo một con đường khác, có thể đưa đến trạng thái khác. Do đó không thể dùng phương pháp nhận thức của chúng ta hiện nay để nhận thức khoa học kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại, bởi vì khoa học Trung Quốc cổ đại là nhắm thẳng vào [thân] thể người, sinh mệnh, vũ trụ; nhắm trực tiếp vào những điều ấy mà nghiên cứu, do đó [nó] đi theo một con đường khác. Thời ấy người đi học, đều phải chú trọng đả toạ, khi ngồi cũng giảng [phải] có tư thế; khi cầm bút viết cũng giảng [phải] vận khí hô hấp; các ngành các nghề đều giảng [phải] tịnh tâm, điều tức; toàn bộ xã hội đều đặt trong trạng thái như thế.” (Chuyển Pháp Luân, “Bài giảng thứ bảy)

Trên đây là những luận thuật về Trung Y trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Từ đó chúng ta biết rằng trạng thái trị bệnh của Trung Y tương tự như trạng thái tu luyện, khi một người đột phá tầng thứ thấp nhất của người thường, đứng ở tầng thứ cao hơn người thường mà nhìn cái lý của người thường thì tự nhiên sẽ nhìn qua là biết. Vì vậy các thầy thuốc Trung Y chân chính xuất hiện là để tế thế độ nhân. Các nho sinh Trung Quốc cổ đại có một câu nói: “Bất vi lương tướng, tức vi lương y” (không làm tướng giỏi thì làm thầy thuốc giỏi).

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267187