Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 4)

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 4. Bàn Cổ khai thiên tịch địa

Theo những sách cổ “Tam ngũ lịch ký”, “Ngũ vận lịch niên kỷ” và “Thuật dị ký” ghi chép:

Vào thời vô cùng xa xưa trước đây, vũ trụ mà nhân loại chúng ta hiện đang sinh sống còn chưa sinh ra, khi đó chưa có nhân loại, cũng chưa có thiên địa vạn vật, chỉ có một khối hỗn độn. Tựa như trong quả trứng gà thai nghén ra sinh mệnh, trải qua năm tháng rất dài lâu, trong khối hỗn độn thai nghén ra một sinh mệnh khổng lồ, ông chính là Bàn Cổ.

Cùng với sự thai nghén và ra đời của Bàn Cổ, thiên địa vạn vật cũng ra đời. Trong quá trình này, dương khí thăng lên, âm khí hạ xuống, trong hỗn độn phân ra âm dương; âm dương tương sinh, thái cực vận chuyển, sinh ra tầng tầng thiên địa và vạn vật. Thân thể của Bàn Cổ mỗi ngày một sinh trưởng, thiên địa vạn vật sinh trưởng cùng với Bàn Cổ và là một bộ phận trong thân thể to lớn của ông. Bàn Cổ ở trong thiên địa biến hóa vô tận, Ông ở trên trời làm Thần, ở dưới đất làm Thánh, là một thể với thiên địa vạn vật, trong mênh mang mà làm chủ tất cả. Trải qua năm tháng rất dài lâu, thân thể Bàn Cổ trở nên to lớn vô hạn, cùng với sự trưởng thành của thân thể ông, thiên địa vũ trụ cũng dần hoàn thành.

Bàn Cổ đem thân thể mình hóa thành vũ trụ tự nhiên, Trái Đất của chúng ta và vô số thiên hà cũng chỉ là một bộ phận trong thân thể ông, điều này nghe có vẻ huyền hoặc, khó tin. Ngay từ 2500 năm trước, Phật Đà đã giảng rằng: Trong một hạt cát có 3000 đại thiên thế giới. Một thế giới có mặt trăng mặt trời chiếu rọi gọi là một tiểu thế giới, 3000 đại thiên thế giới tương đương với một tỷ tiểu thế giới, tương đương với một thiên hà khổng lồ!

Trong bộ phim điện ảnh “Cuộc đời của Pi” có một trích đoạn nhỏ, tuy rằng chỉ rất ít lời thoại nhưng lại trở thành điểm nhấn cho cả bộ phim, khiến khán giả khắc sâu ấn tượng: khi nhân vật chính “Pi” còn nhỏ, mẹ cậu kể cho cậu câu chuyện về Krishna. Krishna từ nhỏ rất nghịch ngợm và thích ăn đất, trong một lần ăn đất bị mẹ phát hiện, bà liền kiểm tra trong miệng của Krishna thì thấy trong đó có toàn bộ vũ trụ…

Liên quan tới câu chuyện về Krishna, trong các sử thi của Ấn Độ thời thượng cổ như “Mahabharata”, “Bhagavata Purana”, “Gita Govinda”… đều ghi chép rằng ông là một hóa thân của Thần Vishnu ở nhân gian. Vishnu là Thần hộ mệnh trong ba vị Thần chính ở Ấn Độ, theo thỉnh cầu của Nữ Thần Mặt Đất, ông hạ phàm để giúp con người trừ bỏ bạo quân, khôi phục an bình chốn nhân gian. Krishna khi còn bé rất nghịch ngợm, một lần cậu gây mâu thuẫn náo loạn với đám mục đồng, mục đồng liền chạy tới mẹ nuôi của cậu là Yashoda phàn nàn, nói rằng Krishna lại nằm ở trên mặt đất ăn bùn đất. Yashoda tìm được Krishna, trách cứ cậu không nên ăn đất, Krishna liền giải thích rằng cậu không ăn đất. Yashoda bảo Krishna há miệng để kiểm tra và rồi giật mình sửng sốt. Bà nhìn thấy trong miệng của Krishna có mặt trời, mặt trăng và bầu trời đầy sao lấp lánh, ánh sáng của các tinh cầu rộng lớn xuyên thấu qua tầng tầng các lớp tinh vân vũ trụ. Bà nhìn thấy toàn bộ vũ trụ trong miệng của Krishna! Cảnh tượng trước mắt khiến bà chấn động đến nỗi trong nháy mắt mất đi ý thức.

Bàn Cổ khai thiên tịch địa, đem thân thể của mình tạo thành tiểu vũ trụ nơi nhân loại chúng ta, hệ Ngân Hà và vô số thiên hà khổng lồ vận chuyển trong cơ thể của ông, chưa từng có cảnh tượng tương tự như vậy.

Đạo gia phương Đông và các nhà hiền triết Hi Lạp cổ đại trong lịch sử đều nói cho nhân loại rằng: Nhân thể là một tiểu vũ trụ. Thân thể con người và vũ trụ là đối ứng, chỉ là thân thể người ở vi mô còn vũ trụ ở vĩ mô.

Khoa học hiện đại cũng phát hiện: Nếu đem phóng đại vô hạn tầng bề mặt nhục thể của con người, sẽ thấy cơ thể xác thịt của chúng ta là do vô số tế bào cấu thành, tế bào lại do vô số phân tử cấu thành, phân tử là do nguyên tử cấu thành, nguyên tử do hạt nhân nguyên tử và electron cấu thành… cứ chia nhỏ xuống nữa thì vô cùng vô tận. Hơn nữa các nhà vật lý học đã phát hiện rằng electron chuyển động quanh hạt nhân nguyên tử tuân theo ba định luật chuyển động của hành tinh quay xung quanh ngôi sao (mặt trời), phương thức chuyển động và tồn tại của chúng rất giống nhau, chỉ là electron tồn tại ở thế giới vi mô, còn hành tinh tồn tại ở thế giới vĩ mô. Nếu đem phóng đại electron lớn đến mức như tinh cầu, như thế, nhân thể chẳng phải là một vũ trụ khổng lồ vô tận? Bên trong phải chăng có vô số sinh mệnh vi mô sinh tồn ở đó?

Xét ngược lại, nếu thu nhỏ vũ trụ nơi nhân loại chúng ta vô hạn lần, sẽ thấy Trái Đất và 8 hành tinh lớn quay xung quanh mặt trời tạo thành Hệ Mặt Trời, vô số nhóm hành tinh giống như Hệ Mặt trời này tập hợp thành Hệ Ngân Hà, vô số thiên hà giống như Hệ Ngân Hà cấu thành nên Nhóm Thiên hà, Nhóm Thiên hà lại cấu thành Nhóm Thiên hà địa phương, cụm siêu Thiên hà địa phương… Cuối cùng thu nhỏ vô hạn xuống, có thể sẽ phát hiện tất cả chỉ là một tế bào, lại thu nhỏ vô hạn, có thể nhìn thấy hình dáng Thần Bàn Cổ hay không? Sẽ phát hiện tất cả đây đều là thân thể Thần Bàn Cổ, chúng ta chỉ bất quá tồn tại ở trên một lạp tử nhỏ bé trong thân thể Ông?

Bất thức Lư Sơn chân diện mục, chỉ duyên sinh tại thử sơn trung” (Không biết hình dáng chân thực núi Lư Sơn, chỉ vì thân đang ở trong núi này). Trí tuệ và nhận thức của nhân loại chúng ta thực sự quá nhỏ hẹp, cho nên Thần từ hơn hai ngàn năm trước đã nói cho Socrate, Socrate lại nói cho thế nhân: Con người là không có trí tuệ, con người biết mình vô tri mới là trí tuệ. Đối với vũ trụ, tự nhiên, nhân loại vĩnh viễn chỉ có thể ôm một tâm kính sợ, tuyệt đối không thể tự cao tự đại, nếu không sẽ đi trên con đường tự hủy diệt.

“Sơn Hải kinh” – cuốn sách cổ xưa và thần bí ẩn của Trung Quốc, gồm ba phần: Sơn kinh, Hải kinh và  Đại hoang kinh. Trong đó “Sơn kinh” gọi là “Ngũ tàng sơn kinh”, chia làm năm khu vực lớn Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung tâm. Ngũ tàng tại thời cổ là chỉ ngũ tạng, tức là ngũ tạng của Trái đất. Trong năm khu vực lớn của “Ngũ tàng sơn kinh”, có tổng cộng 26 dãy núi. Mà mạch lạc có chứa các huyệt chính trên của nhân thể người cũng tổng cộng là 26 mạch, gồm 12 chính kinh (tả hữu đối xứng) cộng thêm hai mạch Nhâm Đốc.

Lý giải ở tầng thứ cá nhân của người viết: Trái đất và nhân thể là giống nhau, đều là do Thần tạo ra, cũng là đa chiều, ngoại trừ thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy này ra, thì tại các chiều không gian khác mà chúng ta nhìn không thấy, sờ không được, thì cũng tồn tại các thế giới khác. Giống như long mạch, thủy mạch trên đất, chúng kéo dài đến Trái Đất ở chiều không gian cao hơn. Trong “Sơn Hải kinh” ghi chép rất nhiều quốc gia kỳ lạ cổ quái, Bán Thần, quái thú, Thần núi…, cũng là tồn tại ở các chiều không gian cao hơn Trái Đất. Người hiện đại đã đi nhầm phương hướng khi giải mã “Sơn Hải kinh”, bởi vì đây không phải là thời – không nơi nhân loại.

Ở phần cuối của “Ngũ tàng sơn kinh”, có một câu tổng kết nói như sau: “Đại Vũ nói, (Ta trị thủy) trải qua tổng cộng 5.370 ngọn núi nổi danh trong thiên hạ, dài 64.056 dặm, phân bố tại các phương trên đại địa, gọi là đại địa ngũ tạng, còn lại vô số núi nhỏ đều không nhớ nổi”.

Trong thuật luyện nội đan của Đạo gia cũng coi thân thể người là một vũ trụ, một thế giới tự nhiên. Trong bức tranh “Nội Kinh đồ” cũng gọi là “Nội cảnh đồ”, người xưa đã vẽ hình ảnh thân thể con người được nhìn thấy trong quá trình tu luyện Đạo gia. Trong bức tranh, cơ thể con người có núi cao nước chảy, có nhật nguyệt tinh tú và vạn vật tự nhiên, giống như một thế giới, một tiểu vũ trụ, khiến cho người ta được mở rộng tầm mắt. Đây là điều mà người tu luyện trong quá trình tu luyện dùng “thiên mục” nhìn vào bên trong mà thấy được, là sự đối ứng và triển hiện của nhân thể với tự nhiên ở chiều không gian khác.

Mới đây, các nhà thiên văn học và vật lý học đã phát hiện rằng, lỗ đen không chỉ nuốt chửng mọi vật chất, mà còn liên tục phun ra một lượng lớn vật chất mới sau khi trải qua “hấp thụ và tiêu hóa”, điều này tương tự như hệ tiêu hóa của sinh mệnh vậy. Khoa học hiện đại thừa nhận rằng trong vũ trụ của chúng ta có một lượng lớn vật chất tối và năng lượng tối, theo dữ liệu quan sát của vệ tinh Planck, vật chất tối trong vũ trụ của chúng ta chiếm 26,8%, năng lượng tối chiếm 68,3% và vật chất thông thường chỉ có 4,9 %.

Chúng ta có thể tưởng tượng một chút rằng: Năng lượng và vật chất đến từ ​​vũ trụ trong không gian nhiều chiều thông qua sự kết nối của lỗ đen chảy vào Hệ Ngân Hà và các Thiên hà lớn khác. Năng lượng tiến vào Thiên hà, rồi lại thông qua kinh mạch trong các không gian nhiều chiều truyền tới Hệ Mặt Trời và tất cả các hành tinh. Năng lượng tiến vào Hệ Mặt Trời rồi lại thông qua vòng tuần hoàn đại chu thiên của trời đất, từ không gian nhiều chiều tầng tầng truyền xuống Trái Đất, rồi thông qua long mạch trải rộng trên Trái Đất phân bố khắp toàn bộ tự nhiên, sau đó đối ứng chảy vào vạn vật tự nhiên, thúc đẩy sự vận chuyển của sinh mệnh và tuần hoàn của tự nhiên?

Chúng ta hãy nhìn lại nhân thể: Nhân thể hấp thu đồ ăn thông qua hệ tiêu hoá và lục phủ ngũ tạng, chuyển hóa thành khí và chất dinh dưỡng, thông qua kinh mạch và hệ tuần hoàn máu chảy khắp nhân thể, tiến vào từng tế bào của thân thể và thân thể trong các chiều không gian khác, nuôi dưỡng nhân thể, duy trì sinh mệnh.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta rất nhiều thiên cơ về vũ trụ cao tầng, đối với nhận thức về kết cấu của vũ trụ, người viết chỉ đứng tại tầng thứ cá nhân nông cạn để viết ra lĩnh ngộ đối với pháp lý mà Sư phụ đã giảng. Cho nên lý giải cá nhân không nhất định chính xác, nếu như muốn biết nội hàm thâm sâu hơn, quý độc giả có thể tìm hiểu các bài giảng pháp của Sư phụ Lý để tự mình lĩnh ngộ.

Lĩnh ngộ ở tầng thứ cá nhân: Không chỉ con người là có sinh mệnh, Trái đất cũng là sinh mệnh, vũ trụ cũng là sinh mệnh, là cơ thể sống khổng lồ. Nhân thể có linh hồn (nguyên thần) làm chủ thể, cùng với nhân thể thân – linh hợp nhất. Tự nhiên, vũ trụ cũng có sinh mệnh cao tầng (Thần) làm chủ thể, Thần ở tầng cấp khác nhau và tự nhiên vũ trụ hợp làm một thể, không điều gì không thể làm được, phi thường và vĩ đại!

Sinh vật học hiện đại còn phát hiện: Mỗi một tế bào trong nhân thể đều đối ứng với toàn bộ thân thể, trong mỗi tế bào của cơ thể con người đều chứa tất cả thông tin và đặc trưng của nhân thể, bất cứ tế bào nào trong thân thể đều có thể nhân bản lên một thân thể giống hệt như vậy.

Nhà vật lý lượng tử nổi tiếng đương đại David Joseph Bohm trong cuốn sách “Tính toàn thể và trật tự ẩn” (Wholeness and the Implicate Order), đã đề cập đến một khái niệm nổi tiếng là “thuyết vũ trụ toàn ảnh”. Sau đó, ông được Gerard ‘t Hooft, người đoạt giải Nobel, và là giáo sư của Đại học Utrecht Hà Lan chính thức đưa ra vào năm 1993, và được giáo sư Leonard Susskind phát triển thêm.

Thuyết vũ trụ toàn ảnh cho rằng, vũ trụ là một thể thống nhất với các mối tương quan toàn ảnh giữa các bộ phận của nó. Trong toàn bộ vũ trụ, có sự đối ứng toàn ảnh giữa các bộ phận và toàn hệ thống, cũng như giữa các hệ thống và vũ trụ. Đối với tín tức tiềm ẩn, bộ phận chứa toàn bộ tín tức của hệ thống, và hệ thống chứa toàn bộ tín tức của vũ trụ. Đối với tín tức hiển lộ, bộ phận là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống, và hệ thống là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ.

Theo cách nói thông thường, mọi sự vật đều có tính toàn ảnh; giữa bộ phận và tổng thể của cùng một cá thể, giữa các sự vật ở cùng tầng thứ, giữa các sự vật không cùng tầng thứ và hệ thống, sự khởi đầu và kết thúc của một sự vật, quy mô phát triển của sự vật, thời gian và không gian, đều có mối quan hệ đối ứng toàn ảnh. Trong mỗi bộ phận đều chứa các bộ phận khác, đồng thời nó lại tồn tại trong các bộ phận khác… Đây là điều mà khoa học hiện đại đã có thể nhận thức đến.

Trong quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của văn hóa phương Đông, từ lâu đã bao hàm loại lý luận này, hơn nữa còn sâu xa và thâm thúy hơn nhiều.

Đây là lý giải ở tầng thứ cá nhân về truyền thuyết Bàn Cổ khai thiên tịch địa.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/258531



(còn tiếp)