Những suy nghĩ về công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại (Phần 1) [Bài viết nhân dịp 20 năm Chánh Kiến Net]

Tác giả: Thiền Tâm

[ChanhKien.org]

[Ghi chú của Ban biên tập] Cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng tu, sau khi đăng tải bài “Thông tri kêu gọi gửi bài nhân dịp 20 năm Chánh Kiến Net”, chúng tôi liên tục nhận được bài viết của các đồng tu gửi đến. Thời hạn cuối cùng nhận bài là ngày 31 tháng 12 năm 2021, do vậy chúng tôi đã lựa chọn ngày 13 tháng 5, ngày sinh của Sư phụ và cũng là ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, để bắt đầu đăng các bài viết. Cũng hy vọng rằng các đồng tu chưa đóng góp có thể nỗ lực viết ra những chính kiến của mình trong tu luyện Đại Pháp về nhân thể, sinh mệnh, vũ trụ và vạn sự vạn vật

Công nghệ biến đổi gen, công nghệ lai nhân tạo và công nghệ tạo giống bằng bức xạ hạt nhân là ba trụ cột lớn của công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại, nhưng những thực phẩm được tạo ra từ công nghệ này từ lâu vẫn luôn gây tranh cãi trong xã hội. Người ta lo lắng rằng những loài sinh vật nhân tạo mới này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người, đồng thời nhìn chung mọi người đều cảm thấy các loại trái cây, rau củ và lương thực hiện nay dường như không còn ngọt như trước, đã mất đi hương vị đặc trưng của giống loài ban đầu. Đã có rất nhiều phân tích và thảo luận từ góc độ khoa học và hiểu biết hiện đại được thực hiện, nhưng nhìn chung là vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, chưa đi đến ý kiến thống nhất. Vậy người tu luyện chúng ta nhận thức vấn đề này từ góc độ văn hóa truyền thống (văn hóa bán Thần) như thế nào? Làm thế nào để thoát khỏi những hiểu lầm của khoa học công nghệ hiện đại để trở về với nền văn minh chân chính vốn nên thuộc về con ngươi?

Chúng ta biết rằng trong các xã hội cổ đại không có khái niệm về công nghệ sinh học hiện đại (ở đây chỉ nói đến nhân loại thời kỳ này, trong thời kỳ tiền sử xa xưa có nhiều lần khoa học công nghệ của nhân loại phát triển hơn nhiều so với con người hiện đại). Thời đó sự sinh sản của động vật và thực vật chủ yếu phụ thuộc vào phương thức sinh sản tự nhiên, tất nhiên con người cũng biết chọn những hạt giống mẩy chắc và các cá thể khỏe mạnh, nhưng về cơ bản không có lai giống nhân tạo với mục tiêu rõ ràng như con người hiện nay, càng không có nhân giống biến đổi gen và nhân giống bức xạ. Nói cách khác, công nghệ lai nhân tạo, biến đổi gen và nhân giống bức xạ là sản phẩm của công nghệ hiện đại. Vậy giữa lai giống nhân tạo và nhân giống tự nhiên hay nhân giống tự phối có gì khác nhau? Biến đổi gen và nhân giống bức xạ là gì? Có gì khác biệt với lai giống?

Như mọi người đã biết, việc lựa chọn bố mẹ trong lai nhân tạo sẽ dựa trên các tiêu chí là các loại này có sự khác biệt lớn về tính trạng, có tính bổ sung mạnh và quan hệ huyết thống phải tương đối xa. Trong điều kiện bình thường thì tỷ lệ lai tự nhiên của các giống loài này đều rất thấp, thậm chí bằng không; vì vậy chỉ có thể đạt được kết quả thông qua can thiệp cưỡng chế nhân tạo, chẳng hạn như phương pháp “lai ba dòng” và phương pháp cắt hoa đực thụ phấn nhân tạo ở thực vật, cũng như thụ tinh nhân tạo ở động vật. Ở một mức độ nhất định, việc làm này đã dẫn đến hậu quả phá vỡ chu kỳ sinh sản tự nhiên của giống loài, tạo ra những giống lai nhân tạo mới, không còn là giống loài ban đầu trong thế giới tự nhiên nữa.

Mặc dù vậy, bất kể là lai xa hay lai gần thì về cơ bản đều là lai trong cùng loài với nhau. Nhưng công nghệ biến đổi gen thì lại đi quá xa rồi, hoàn toàn vượt quá ranh giới của một chủng loài, người ta có thể tuỳ ý trộn lẫn gen của các loài động vật, thực vật và vi sinh vật với nhau. Về công nghệ nhân giống bức xạ thì người ta sẽ chiếu một lượng nhất định bức xạ hạt nhân năng lượng cao vào hạt giống hoặc phôi, để tạo nên đột biến gen từ đó sàng lọc ra các giống mới đáp ứng nhu cầu của con người. Về bản chất, cả ba phương pháp trên đều làm biến đổi thông tin di truyền của loài ban đầu ở cấp độ gen, làm biến dị vật chất di truyền của loài ban đầu, khiến chúng không còn thuần chủng nữa. Thực chất các loài này đều là chủng loài do con người tạo ra chứ không còn là loài sinh vật tự nhiên ban đầu nữa.

Khi thảo luận vấn đề tính an toàn của các loài lai và biến đổi gen, từ quan điểm của khoa học và công nghệ hiện đại, người ta thường chỉ giới hạn ở việc các chất chuyển hoá gen mới được tổ hợp thành có tiềm ẩn độc tính hay vấn đề an toàn sinh học không. Hơn nữa, tất cả các phương pháp kiểm tra và quan sát hiện nay chỉ là những phương pháp mà con người làm chủ được, còn với những nhân tố mà con người chưa nhận thức được hoặc không thể tìm hiểu sâu được thì cũng rất khó kiểm chứng. Rõ ràng, những phương pháp kiểm chứng này quá nhỏ bé trước hệ thống sinh học phức tạp và huyền bí. Ví dụ như loại đậu nành biến đổi gen kháng thuốc diệt cỏ, mọi người lo lắng liệu dầu đậu nành biến đổi gen có chứa các thành phần gây hại cho con người hay không. Các nhà khoa học giải thích rằng: “Khi đưa những đoạn gen đã được biến đổi vào cơ thể người thì có thể nói là hoàn toàn không ảnh hưởng tới gen của con người. Bởi vì nếu các đoạn gen này có thể ảnh hưởng đến gen của người, vậy thì các gen thông thường trong thực phẩm cũng sẽ ảnh hưởng đến con người. Hai loại gen này đều là các gen ngoại lai với cơ thể con người nên chúng không có sự khác biệt. Từ góc độ sinh lý, con người chỉ có thể hấp thụ các phân tử nhỏ, khi các phân tử lớn DNA bị đường tiêu hóa phân giải thành các phân tử nucleotide nhỏ độc lập thì chúng cũng mất đi chức năng mang thông tin di truyền của gen”.

Về vấn đề tồn dư thuốc diệt cỏ, các nhà khoa học giải thích rằng: “Trước hết, không chỉ cây trồng biến đổi gen mới sử dụng thuốc diệt cỏ. Vấn đề dư lượng thuốc diệt cỏ trong thực phẩm được kiểm tra theo quy định về an toàn thực phẩm liên quan, do vậy không cần phải lo lắng về điều này”. (Trích từ trang web “Bách khoa toàn thư – Baidu”) Lập luận này về cơ bản đại diện cho nhận thức điển hình của khoa học hiện đại về vấn đề này. Từ logic lập luận và giọng điệu đó, hiển nhiên có chút hẹp hòi và tự phụ giống như người mù sờ voi.

Chúng ta biết rằng hàng trăm năm trước, con người vẫn chưa biết di truyền là gì, sau đó dần dần biết được rằng tế bào là thành phần cấu tạo nên các sinh vật. Sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng, sự phân chia tế bào tạo thành sự sinh trưởng và phát triển. Sau đó người ta biết rằng vật chất di truyền chính trong tế bào là nhiễm sắc thể nằm trong nhân của tế bào, các đoạn DNA trên nhiễm sắc thể – gen – là đơn vị cơ bản quyết định các tính trạng của sinh vật. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng các gen được xác định bởi một số mã sắp xếp các bazơ nitơ (base nitơ hay còn gọi là nucleobase) khác nhau, các bazơ nitơ khác nhau này sẽ lại có cấu trúc phân tử khác nhau, chỉ cần có một chút thay đổi về các nguyên tố và cấu trúc của phân tử thì có thể dẫn đến thay đổi hoàn toàn về tính trạng bề ngoài và chức năng của loài.

Truy tìm xuống nữa, các phân tử được tạo thành từ các nguyên tử, các nguyên tử được tạo thành từ các electron, neutron và proton, xuống dưới nữa còn có các hạt quark và neutrino v.v., cứ như thế cho đến mức nhỏ vô hạn nhỏ vô hạn. Hiện nay con người chỉ nhận thức rằng gen là đơn vị cơ bản mang thông tin di truyền, chứ không biết được những thay đổi tinh vi trong cấu trúc của các hạt nhỏ hơn gen, như phân tử, nguyên tử và electron v.v. của bazơ nitơ hoặc những hạt nhỏ hơn bazơ, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến biểu đạt thông tin di truyền.

Có nghĩa là chúng ta chỉ hiểu được một vài hiện tượng hết sức nhỏ bé trong chiều sâu rộng vô hạn. Như thế thì làm sao có thể tùy tiện đi đến kết luận rằng: “Con người chỉ có thể hấp thụ các phân tử nhỏ, khi các phân tử lớn DNA bị đường tiêu hóa phân hủy thành các phân tử nucleotide nhỏ độc lập thì chúng cũng mất chức năng mang thông tin di truyền của gen”. Sự hiểu biết khoa học của con người về các sinh mệnh hiện tại vô cùng nông cạn, còn rất nhiều những bí ẩn của nhiều vật chất cấu tạo sinh mệnh mà khoa học và công nghệ hiện đại vẫn chưa có cách nào nhận thức được.

Kỳ thực con người hiện đại cũng đã nhận ra một số vấn đề, chỉ là vì nhiều người vô ý hay hữu ý vẫn không dám hoặc không muốn động chạm đến chúng. Ví dụ liên quan đến sự hiểu biết về trường vật chất, nhiều người đã biết rằng các sinh mệnh vật chất lớn nhỏ khác nhau có tồn tại một trường riêng của nó, trường là một dạng tồn tại thông tin năng lượng của một loại vật chất. Lấy cơ thể con người làm ví dụ, có một trường tồn tại trong toàn bộ cơ thể con người, mỗi cơ quan của cơ thể con người cũng có tồn tại một trường riêng của nó, các tế bào lại có trường khác nhau, thông tin trường của các thành phần khác nhau của cùng một tế bào, chẳng hạn như plasmid, nhân tế bào, v.v., cũng khác nhau, ở mức vi quan hơn nữa, mọi gen, mọi cặp bazơ nitơ, mọi phân tử, mọi nguyên tử, electron, proton, neutron, quark, neutrino, v.v. đều có một trường thông tin năng lượng đặc định riêng.

Một sinh vật thuần khiết do trời sinh ra sẽ có một trường sinh vật nguyên chất, cũng chính cái mà người ta gọi là “hương vị ban đầu”. Sau khi lai nhân tạo, biến đổi gen và lai tạo bức xạ, thông tin sinh mệnh của các loài ngoại lai được trộn lẫn trong vi quan của sinh mệnh, như vậy tự nhiên cũng bị trộn lẫn và thay đổi về trường của hương vị ban đầu. Nguyên nhân chính gây ra sự bất thuần, biến dị và biến đổi hương vị là do nhân giống nhân tạo, sử dụng rộng rãi phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Tại sao các phương pháp canh tác tự nhiên không gây ra sự biến đổi và bất thuần chủng loài? Các gen ngoại lai thu được thông qua biến đổi gen và lai ghép, và các gen thu được thông qua nhân giống thông thường có thực sự là không có sự khác biệt nào đối với cơ thể con người không? Điều này sẽ được thảo luận ở phần sau.

Về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dường như các nhà khoa học vẫn lấy “quy định về an toàn thực phẩm” là tiêu chí để kiểm tra chân lý, nhưng hãy thử tưởng tượng hàng trăm năm trước, khi con người không biết gì về khái niệm DNA, gen, nucleotide, v.v., thì các quy định về thực phẩm tương tự mà mọi người cam kết sẽ như thế nào? Vào thời đó, phạm vi kiểm tra đo lường, chỉ số và phương pháp mà con người nhận định liệu theo quan điểm ngày nay có phải cẩu thả và nông cạn không? Tương tự như vậy, 100 năm sau, khi loài người hiểu rõ hơn về sinh mệnh vật chất nhỏ hơn neutrino, khi đó thì họ nhìn lại các quy định ngày nay sẽ cảm thấy như thế nào? Liệu có cảm thấy quá dốt nát và tắc trách không? Làm sao lại có thể đưa ra những khẳng định về sự thâm sâu, huyền diệu của vũ trụ, thời không và sinh mệnh một cách bừa bãi và hạn hẹp như vậy được?

Vậy nếu đứng từ một góc độ khác để nhìn văn hóa truyền thống, bức tranh sẽ như thế nào? Ở đây cần nói rõ văn hóa truyền thống đích thực không phải là sự pha trộn đơn giản các học thuyết của các trường phái tư tưởng Bách gia chư tử cổ đại, mà là nội hàm và tinh hoa ẩn chứa trong biểu tượng văn hóa, tức là văn hóa chính thống, chứ không phải là những thứ cặn bã, phụ diện.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/268974