Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (18)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

我周公(1),作周禮(2),

著(3)六官(4),存(5)治體(6)。

大小戴(7),注(8)禮記(9),

述(10)聖言(11),禮樂(12)備(13)。

Bính âm

我(wǒ) 周(zhōu) 公(gōng), 作(zuò) 周(zhōu) 禮(lǐ),

著(zhù) 六(liù) 官(guān), 存(cún) 治(zhì) 體(tǐ)。

大(dà) 小(xiǎo) 戴(dài), 注(zhù) 禮(lǐ) 記(jì),

述(shù) 聖(shèng) 言(yán), 禮(lǐ) 樂(yuè) 備(bèi)。

Chú âm

我(ㄨㄛˇ) 周(ㄓㄡ) 公(ㄍㄨㄥ),

作(ㄗㄨㄛˋ) 周(ㄓㄡ) 禮(ㄌ一ˇ),

著(ㄓㄨˋ) 六(ㄌ一ㄡˋ) 官(ㄍㄨㄢ),

存(ㄘㄨㄣˊ) 治(ㄓˋ) 體(ㄊ一ˇ)。

大(ㄉㄚˋ) 小(ㄒ一ㄠˇ) 戴(ㄉㄞˋ),

注(ㄓㄨˋ) 禮(ㄌ一ˇ) 記(ㄐ一ˋ),

述(ㄕㄨˋ) 聖(ㄕㄥˋ) 言(一ㄢˊ),

禮(ㄌ一ˇ) 樂(ㄩㄝˋ) 備(ㄅㄟˋ)。

Âm Hán Việt

Ngã Chu Công, Tác Chu Lễ,
Trứ lục quan, Tồn trị thể.
Đại tiểu Đới, Chú Lễ Ký,
Thuật thánh ngôn, Lễ nhạc bị.

Tạm dịch:

Chu Công ta, soạn Chu Lễ,
Đặt sáu loại quan, giữ gìn trị thể.
Đại Đới tiểu Đới chú thích Lễ Ký,
Thuật lời thánh nhân, đầy đủ lễ nhạc.

Từ vựng

(1)Chu Công (周公): Họ Cơ, tên Đán, cũng gọi là Thúc Đán, là con trai thứ tư của Chu Văn Vương. Bởi vì ông được phong đất tại nước Chu (nay là phía bắc Kỳ Sơn, Thiểm Tây, Trung Quốc) nên được gọi là Chu Công hay Chu Công Đán.

(2)Chu Lễ (周體): Tên sách do Chu Công viết, ghi chép lại các chế độ chức quan của các ban ngành chính phủ thời cổ đại, vậy nên còn được gọi là Chu Quan.

(3)Trứ (著):Sáng tác, viết sách tự thuật.

(4)Lục quan (六官): Sáu chức quan thời nhà Chu. Gồm có: 1. Thiên quan mông tể, 2. Địa quan tư đồ, 3. Xuân quan tông bách, 4. Hạ quan tư mã, 5. Thu quan tư khấu, 6. Đông quan tư không.

(5)Tồn (存): Vẫn còn, tồn tại.

(6)Trị thể (治體): Thể chế cai quản quốc gia.

(7)Đại Tiểu Đới (大小戴): chỉ học giả Đới Đức và Đới Thánh thời Tây Hán. Hai người là chú cháu với nhau nên còn được gọi là Đại Đới và Tiểu Đới.

(8)Chú (注): chú thích, giải thích.

(9)Thuật (述): kể ra, nói ra, trình bày.

(10)Thánh ngôn (聖言): những lời bàn của Thánh hiền.

(11)Lễ nhạc (禮樂): các loại lễ nghi và các chế độ, âm nhạc dùng để phối hợp trong các điển lễ.

(12)Bị (備): Đầy đủ, hoàn mỹ.

Dịch nghĩa tham khảo

Chu Công soạn sách “Chu Lễ” để ghi lại sáu loại chế độ quan chức của triều đại nhà Chu, bảo tồn thể chế trị quốc.

Các học giả Đới Đức và Đới Thánh thời Tây Hán đã lần lượt chú thích cuốn “Lễ Ký”, trong đó trình bày rất đầy đủ những lời bàn luận của các bậc thánh hiền và các loại chế độ lễ nghi liên quan đến lễ nhạc.

Đọc sách luận bút

Chu Công sở dĩ soạn ra lễ chế cho lục quan, không gì khác ngoài việc muốn quân thần trên dưới đều phải tuân thủ chức trách thân phận của mình, không được hành xử vượt qua lễ chế. Dùng cách của ngày nay mà nói thì chính là một bộ thể chế cho quan viên, dùng để quản lý quốc gia. Trẻ em có thể lý giải lễ chế này từ những việc chúng trải qua trong cuộc đời.

Ví dụ như sự phân công khác nhau về các thành viên hoặc ban cán sự trong một lớp học, chẳng hạn: lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó phụ trách đời sống, v.v. mọi người đều làm đúng trách nhiệm của mình và thống nhất tuân theo sự điều phối của lớp trưởng. Lớp trưởng được ví như vị vua trong một vương quốc, các tổ trưởng hoặc lớp phó tựa như quan viên các cấp, cần phải làm tốt chức trách của mình thì mới có thể quản lý tốt mọi việc trong lớp học. Nếu không có các quy định trong quản lý và quy tắc xử lý sự việc, từng cá nhân không làm tốt bổn phận của mình, hoặc gây can nhiễu ảnh hưởng lẫn nhau, làm phát sinh mâu thuẫn, như vậy thì lớp học sẽ trở nên lộn xộn. Nếu những việc đã được bên trên quyết định mà không cách nào truyền đạt xuống cho bên dưới thực hiện, còn vấn đề xuất hiện ở bên dưới lại không cách nào đưa lên, thì lớp học sẽ giống như một nắm cát rời rạc, bầu không khí sẽ ra sao thì có thể tưởng tượng được.

Như đã nói, tư tưởng của Khổng Tử là muốn lấy đức để giáo hóa thiên hạ. Sự giáo dục của ông cuối cùng cũng là hy vọng có thể bồi dưỡng ra các quân tử, để họ có thể gánh vác sự nghiệp quốc gia, để các môn đồ của ông có chí hướng tâm hoài thiên hạ, lấy đạo đức cao thượng tạo phúc lợi cho bách tính, khiến thiên hạ thái bình. Bởi vậy, mấy ngàn năm nay, tư tưởng của Nho gia là đứng tại góc độ vì nước vì dân mà lo lắng, và đứng ở góc độ nhân ái tâm hoài thiên hạ mà đào tạo nhân tài, vậy nên tất nhiên liên quan đến học tập thể chế quốc gia. Chu Lễ và Lễ Ký là kinh điển cần phải học bởi vì nếu chỉ có nhiệt huyết với đất nước và lo cho dân nhưng lại không có tài năng học từ Lục kinh – những kiến thức nhất định cần phải có để chuẩn bị cho việc tương lai quản lý quốc gia, sẽ không thể gánh vác được chức vụ của quan viên.

Vì vậy, sau khi đã thông hiểu “Dịch Kinh” và Thượng Thư”, còn phải hiểu thể chế quản lý, thông hiểu các loại lễ nghi và lễ nhạc. Như vậy, bổn phận cá nhân và các đãi ngộ sẽ rất rõ ràng, thưởng phạt có căn cứ, tiến thoái đúng nghi lễ, đúng thứ tự. Thậm chí đối với cả nhà vua cũng có quy định về mức chi tiêu rõ ràng trong việc hiếu hỷ, như vậy dù là đấng quân vương cũng không được tùy ý làm bừa.

Chính vì vậy, các nho sĩ Trung Quốc đều coi thiên hạ dân sinh làm nhiệm vụ của bản thân, để thiên hạ thái bình, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, thẳng thắn góp ý, khuyên ngăn nếu nhà vua không ứng xử theo lẽ phải. Các bậc đế vương sợ nhất là lưu lại tiếng xấu muôn đời, bởi vậy tất cả cần phải có căn cứ, có chế độ lễ nghi trị quốc của tổ tiên để lại thì ai cũng không dám tự ý muốn gì thì làm nấy.

Sở dĩ Trung Cộng đã giết hàng loạt phần tử tri thức, phá hủy tất cả các văn vật và điển tịch, thực hiện đại Cách mạng Văn hóa một cách triệt để, mục đích là để người đời sau mất đi những nhận thức cơ bản này, để Trung Cộng tùy ý thực hiện độc tài theo lối lưu manh thổ phỉ, bịt miệng hết thảy người trong thiên hạ. Khiến cho người dân biến thành những kẻ tiểu nhân không còn dám hé răng nói đến chỗ được, mất của chính sách, không dám chỉnh lại việc nước.

Chiều sâu của “Tam Tự Kinh” đến đây đã dần dần hiển lộ. Ai đã từng đọc “Tam Tự Kinh” đều xuất tâm mong muốn trị quốc cứu dân, suy nghĩ sâu xa về trách nhiệm và giá trị nhân sinh của bản thân, sẽ tự nhiên muốn tiếp nối các bậc thánh hiền, trở thành đấng quân tử chân chính. Từ ý nghĩa này, “Tam Tự Kinh” là một quyển sách khai sáng chí hướng cho đời người, khai sáng việc học tập như thế nào, nên học tập cái gì.

Người Trung Quốc thời cổ đại, khi được giáo dục Nho học, thì đều tăng thêm chí hướng mong muốn tương lai trở thành bậc quân tử, cho nên họ không coi trọng tiền tài, coi việc không giữ khí tiết là điều sỉ nhục cực lớn. Cái gọi là ‘bần cùng thì chỉ cần lo thân mình cho tốt, thành đạt thì thêm cả việc lo cho thiên hạ’. Đây quả là cái tâm cao thượng rộng lớn. Học tập không phải để hưởng vinh hoa phú quý, mà là để cống hiến cho nước cho dân.

Ngày nay mọi người rất hâm mộ Nhật Bản, kỳ thực quan niệm luân lý của Nhật Bản như trung nghĩa thành tín chính là kế thừa và biểu hiện ít nhiều của lý niệm Nho gia ở nước này. Sự mỹ hảo của Trung Quốc lễ nghi chi bang là không thể nghĩ bàn, đã được cả thế giới công nhận và ngưỡng mộ.

Cho nên, sau khi học xong “Tam Tự Kinh”, trẻ nhỏ sẽ lập chí, quan tâm đến bách tính thiên hạ hơn. Theo ý nghĩa này mà nói, thì đây là học tập về đạo quân thần, là sự khai sáng và gợi mở cho vương đạo trị quốc, là bắt đầu của đế vương học chính thống.

Vậy nên, nếu muốn triển khai một cách có hệ thống để hiểu rõ những kinh thư này, sẽ phải học tập thêm một bước nữa, giai đoạn ban đầu là phải hiểu rõ rằng có tồn tại những kinh thư này, và mục đích, tác dụng của việc học tập những kinh thư này là được rồi. Nhưng ý nghĩa của việc này là phi phàm.

Câu chuyện: Tăng Tử thay chiếu

Tăng Tử lâm bệnh nặng nằm trên giường, học trò của ông là Nhạc Chính và Tử Xuân ngồi bên dưới, con trai Tăng Nguyên và Tăng Thân ngồi ở chân giường. Một đồng tử (đứa trẻ) ngồi ở góc nhà cầm cây nến.

Đứa trẻ vô tình phát hiện Tăng Tử nằm trên tấm chiếu trúc hoa lệ và êm ái chỉ có quan lớn mới dùng. Nó liền thốt lên lời khen ngợi, Tử Xuân vội vàng ngăn không cho nó nói tiếp. Tăng Tử nghe vậy, kinh hoàng nói: “A, đúng rồi! Đây là quà của Quý Tôn đã tặng cho ta. Ta vẫn chưa thay. Nguyên, hãy đỡ ta dậy thay chiếu khác đi”.

Tăng Nguyên thưa: “Cha đang bệnh nặng, không nên chuyển động thân thể. Đợi đến khi trời sáng, con nhất định sẽ thay chiếu theo ý cha ạ”. Tăng Tử nói: “Con yêu thương ta không bằng đồng tử. Quân tử lấy đức để yêu người, tiểu nhân thì dùng nuông chiều cả nể để yêu người. Ta còn có gì để mong cầu nữa đây? Ta có thể đắc chính đạo mà chết là đủ lắm rồi”.

Thế là, họ bèn mau chóng thay chiếu cho ông. Thay chiếu xong, Tăng Tử nằm xuống chưa yên thì đã qua đời. Đây chính là câu chuyện “Tăng Tử thay chiếu”. (Theo “Lễ Ký – Đàn Cung Thượng”)

Từ câu chuyện này, mọi người sẽ thực sự hiểu được rằng, lý giải của Nho gia đối với quân tử là: tiết tháo còn hơn cả sinh mệnh, cái gọi là hy sinh vì nghĩa, chính là đạo lý này. Nho sinh rất xem trọng nhân nghĩa, sẽ không vì tiền tài, địa vị và sinh mệnh mà thay đổi nguyên tắc làm người của mình. Hơn nữa, chúng ta cũng hiểu được rằng, thế nào gọi là lấy đức để yêu người. Đối với vua thì can gián, thành thật khuyên răn, mới là yêu vua, mới là thật sự là bề tôi trung thành. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới chỉ lo làm vui lòng vua, hoặc chiều theo vô nguyên tắc, như vậy là ôm tư tâm.

Trong cuộc sống cũng vậy, quan hệ giữa các bậc quân tử với nhau mới thực sự là quan hệ bạn bè. Đưa lời khuyên chân thành mới là lòng nhân ái chân chính. Đó cũng là hàm nghĩa câu “Quân tử chi giao đạm như thủy” (Quân tử với nhau đạm bạc như nước), chính là nói về mối quan hệ đức hạnh trong sáng, không có mang theo tư dục (mong muốn cá nhân).

Video:

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245314