Chân trời tìm Pháp: Tiên nhưỡng hoài cung

Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Có bài thơ viết rằng:

Lý Bạch cử bôi lai yêu nguyệt
Tô Thức bả tửu vấn thanh thiên
Nồng nồng tửu hương khoa thiên tải
Kim triều yếu khai kỳ trung duyên

Thơ (tạm dịch):

Lý Bạch nâng cốc để mời trăng
Tô Thức đem rượu hỏi ông trời
Hương rượu thơm nồng nghìn năm toả
Đời này tiết lộ những nguyên do

Trong nền văn hóa truyền thống năm nghìn năm của Trung Hoa, văn hoá [về] rượu là một bộ phận không thể tách rời. Trước kia khi viết bài tôi vẫn luôn tránh viết về chủ đề này, mãi cho đến gần đây khi cô bạn thân Trung Lan đem chuyện công ty yêu cầu cô chào hàng rượu kể tôi nghe, tôi đã cười thầm vì cuối cùng chủ đề này đã tìm đến mình, bèn cất bút viết một chút. Khi cơ duyên đến, nếu lại né tránh thì quả thật là không nên.

Nghe nói rằng mặc dù ở nơi làm việc Trung Lan là người có năng lực và kỹ năng chuyên môn rất tốt nhưng điểm yếu lớn nhất của cô là không uống được rượu. Lúc còn trẻ khi đang làm giáo viên, Trung Lan chỉ mới uống nửa ly rượu nhỏ mà đầu óc đã trở nên mơ màng, nếu bảo cô ấy đi bán rượu cao cấp thì quả như đã tìm nhầm người. Khi cô ấy đem chuyện này kể với tôi, tôi chợt nhớ lại hai câu thơ của Âu Dương Tu tiên sinh thời nhà Tống đã viết trong “Tuý Ông Đình Ký”: “Túy Ông chi ý bất tại tửu. Nhi tại vu sơn thủy chi gian” (Tuý ông ý chẳng say về rượu, Say vì đâu, nước thẳm với non cao) [1]. Nói cách khác không thể nghĩ rằng việc lãnh đạo để cho một người duy nhất trong đơn vị không biết uống rượu đi tiếp thị rượu là việc làm thiếu cân nhắc và không thực tế, bởi vì Trung Lan cần thông qua việc bán rượu để kết duyên với những người đang chờ đợi để kết duyên với cô ấy.

Nói đến việc kết duyên phận, đó cũng chính là chủ đề của bài viết này.

Kỳ thực nói đến rượu đã có truyền thuyết rằng thiên thượng an bài cho Tửu Kỳ Tinh (Tửu Tinh) tạo ra rượu. Trong “Thiên Văn Chí Thượng – Tấn thư” [2] có ghi chép như sau: “Hiên Viên hữu giác nam tam tinh viết tửu kỳ. Tửu quan chi kỳ dã. Chủ yến hưởng ẩm thực. Ngũ tinh thủ tửu kỳ. Thiên hạ đại bộ”. Ý nghĩa là Tửu Kỳ Tam Tinh là 3 ngôi sao nằm tại phía bắc của chòm sao Liễu (Liễu Tú), mà chòm sao này lại nằm ở phía góc phải của quần tinh Hiên Viên. Hiên Viên tinh là tên gọi của một chòm sao của Trung Quốc cổ đại. Quần tinh Hiên Viên có tất cả 17 ngôi sao, trong đó có 12 ngôi sao thuộc chòm sao Sư tử. Tử Kỳ Tam Tinh xếp thành hình chữ nhất 一, ngay sát phía nam của 3 ngôi sao này là 8 ngôi sao Liễu Tú. Ngoài đó ra còn có cách nói Đỗ Khang và Nghi Địch [3] tạo ra rượu, v.v…

Ban đầu rượu được sản xuất bằng quá trình lên men thực phẩm tự nhiên, và đó cũng là sản vật tất yếu của quy luật tuần hoàn vật chất mà Thần an bài cho nhân gian con người. Sau này người ta phát hiện rằng loại chất lỏng này uống rất ngon, và dần dần nghiên cứu ra quy trình sản xuất ra nó. Do đặc tính của nước và khí hậu mỗi nơi khác nhau nên hương vị của rượu được nấu ra cũng khác nhau. Con người vốn nhận thức rằng kỹ thuật chưng cất rượu có vẻ là do chính con người phát minh ra, nhưng thực chất kỹ thuật này chính là do Thần đã hữu ý truyền cấp cho con người. Và đây cũng là ý nghĩa thực sự của từ “tiên nhưỡng” (“nhưỡng” có nghĩa là nấu rượu, chưng cất rượu).

Văn hóa về rượu đã xuyên suốt trong dòng chảy văn hóa truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc Trung Hoa. Từ thời thượng cổ Hiên Viên hoàng đế đến hôm nay, văn hóa ấy vẫn chưa từng bị gián đoạn. Ban đầu rượu chủ yếu chỉ được dùng để cúng tế tổ tiên. Trong thời kỳ thượng cổ, khi tiêu chuẩn đạo đức của con người còn rất cao, người ta đều rất chú trọng đến việc cúng tế tổ tiên. Lãng quên nguồn cội [4] là một tội rất lớn, sẽ bị người đời lên án.

Kỳ thực việc cúng tế tổ tiên không chỉ đơn giản là tưởng nhớ những người đã khuất. Bởi vì Thần đã an bài cho con người phương thức sinh tồn có tính truyền thừa và phát triển như thế, mục đích chủ yếu vẫn là chờ đợi Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp. Người ta trải qua đời đời vẫn đang tìm kiếm và chờ đợi.

Sau này trong khi cúng tế tổ tiên người ta cũng dần dần đưa rượu vào trong cuộc sống hàng ngày, thế nên việc uống rượu là việc chưa từng bị gián đoạn [trong suốt chiều dài lịch sử]. Bậc đế vương thì có cung đình ngự tửu (rượu cho vua ở trong cung đình), người dân thường thì có lò nấu rượu, bất luận là trong thời bình hay thời chiến, trong công việc kinh doanh buôn bán hay trong cuộc sống hằng ngày, con người đều không tách rời khỏi rượu. Văn nhân Lý Bạch đã tạo nên kỳ tích “đấu tửu thi bách thiên” (uống một đấu rượu xuất ra trăm bài thơ) và câu thơ “Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam nhân” (nghĩa là: nâng ly mời trăng sáng, cùng với bóng nữa là ba người) trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” [5] đã trở thành câu nói vang danh thiên cổ. Thực ra Lý Bạch không chỉ đơn thuần là một kiếm khách hay một vị thi nhân như mọi người vẫn nghĩ. Từ những câu thơ ông viết, người ta có thể cảm nhận được rằng tư duy của Lý Bạch có thể thông thiên, nghĩa là ông có thể đối thoại với trời đất và vạn vật. Năng lực thông thiên ấy cũng không phải chỉ dùng cái gọi là “chủ nghĩa lãng mạn” là có thể khái quát được. Người ta thường nói “Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên” (Lý Bạch uống một đấu rượu xuất ra trăm bài thơ), nhưng người ta rất ít khi nghĩ đến tại vì sao lại như vậy. Kỳ thực Lý Bạch không phải là người ham uống rượu, mà là ông mượn rượu để làm mê chủ ý thức (giới tu luyện gọi là chủ nguyên thần) của mình. Khi chủ ý thức không đóng vai trò chính, tức là chủ ý thức sau khi bị mê mờ, thì cái ý thức bình thường không khởi tác dụng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng (giới tu luyện gọi đây là phó nguyên thần). Đó là nguyên nhân vì sao chúng ta được thưởng thức những áng văn chương đẹp đẽ và đầy hoa lệ của thi tiên Lý Bạch. Nhà thơ Tô Thức (Tô Đông Pha) cũng là một trường hợp như vậy. Bài thơ lưu danh thiên cổ “Thủy điệu ca đầu” của ông được viết ra không chỉ đơn thuần là dùng để bày tỏ nỗi nhớ về người em trai của mình. Trong phần ghi chú của bài thơ ông có viết rằng: “Trung thu năm Bính Thìn uống rượu say tới sáng, làm bài thơ này cũng là để nhớ đến Tử Do” (Bính Thìn trung thu, hoan ẩm đạt đán, đại túy. Tác thử thiên, kiêm hoài Tử Do) [6]. Một chữ “kiêm” cũng đã đủ để nói rõ ra dụng ý chân thực của tác giả. Nhưng hậu nhân lại không để ý đến sự hoài niệm và sự tìm kiếm của Tô Thức đối với “cung điện trên thiên thượng” (mời quý độc giả xem lại các câu thơ: “Minh nguyệt kỷ thời hữu, Bả tửu vấn thanh thiên, Bất tri thiên thượng cung khuyết, Kim tịch thị hà niên”, dịch thơ: Vầng trăng sáng có tự khi nào, Nâng chén rượu lên hỏi trời cao, Chẳng biết cung điện trên chốn ấy, Đêm nay đã là đêm năm nào?). Vì vậy người đời sau chỉ coi bài thơ này chủ yếu là viết để hoài niệm về người em trai Tử Do của Tô Đông Pha. Cách lý giải này có thể xem là bỏ gốc lấy ngọn, cũng là sự phản ánh và lý giải tất yếu của người ta khi ngày càng không tin sự tồn tại của Thần và thiên cung.

Đồng thời bởi vì xưa nay khi sứ giả đi lưu đày hoặc đi sứ thường mang rượu do hoàng đế ngự ban để đem tặng cho dân chúng hoặc nước láng giềng, hoặc là mang rượu ngon từ các nơi khác về cung đình dâng lên hoàng thượng để bày tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng đối với nhà vua. Đây chính là hàm ý bên trong [tinh thần nội tại] của hai chữ “hoài cung” và mối liên liên hệ của nó với các điển cố nơi nhân gian. Trên thực tế, ý nghĩa ban đầu mà Thần an bài cho hai chữ “hoài cung” này là thông qua sự tôn kính và yêu quý của mọi người đối với vua và quần thần để thể hiện ra sự hướng về thiên cung (thiên thượng). “Cung” trên bề mặt là cách gọi khác của cung đình, hoàng đế. Kỳ thực qua nghiên cứu thì thực chất không phải là thiên thượng đã lưu lại cho con người sự khao khát và tưởng nhớ đối với cung điện trên trời hay sao?

Hoàng đế Đường Huyền Tông sau khi say rượu đã được Thần tiên đưa lên cung trăng, sau đã lưu lại cho con người khúc “Nghê Thường vũ y khúc” lừng danh; Tào Tháo ngoài việc lưu lại hai câu thơ mang đầy tính cảm thán “Túy tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà” (Rượu say thì hát, đời người bao lâu?) [7], thì còn cùng Lưu Bị diễn xuất câu chuyện kinh điển “mơ xanh nấu rượu luận anh hùng” [8]. Đồng thời từ xưa đến nay liên quan đến những câu chuyện được lưu truyền về người tu Đạo thì chữ “tửu” (chỉ rượu) vẫn thường hay có mặt trong đó.

Văn hóa về rượu, kỳ thực nếu vận dụng không tốt sẽ tạo nên ảnh hưởng phụ diện, chính là uống rượu đến mức trở nên bị nghiện. Người ta vẫn thường nói là “quý rượu như mệnh”, điều ấy thật không tốt. Ví như vua Kiệt của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc ham thích uống rượu, cuối cùng lâm vào cảnh mất nước; Trụ vương của nhà Ân cho xây dựng Tửu Trì – Nhục Lâm xa hoa, cuối cùng cũng bị Châu Võ Vương tiêu diệt; Trương Phi thời Tam quốc sau khi uống rượu say đánh người, kết quả là bị người giết chết. Thế nên uống rượu thì cần nên uống có chừng mực.

Trong “Thủy Hử Truyện ” một mạch xuyên suốt từ đầu đến cuối đều có liên quan đến rượu. Thời bấy giờ rượu dường như đã trở thành một phương tiện cần thiết giúp thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện. Khi chúng ta suy ngẫm một chút về tiến trình phát triển của Trung Hoa năm nghìn năm thì thấy có rất nhiều chuyện đều liên quan đến rượu. Tuỳ theo cách sử dụng của con người mà rượu có thể trở thành một chất độc làm hại đến sinh mệnh, hoặc cũng có thể là loại chất xúc tác góp phần làm tăng ý chí chiến đấu cũng như linh cảm của con người.

Để giúp mọi người hiểu sâu hơn về rượu, tôi xin mượn câu chuyện tìm Pháp bên dưới để nói về chủ đề này.

Từ tư liệu tìm được trên mạng chúng ta có thể biết rằng tỉnh Quý Châu vốn nổi tiếng với rượu Mao Đài, hơn nữa điều kiện địa lý của thị trấn Mao Đài cũng rất độc đáo: địa tầng được cấu tạo bởi đá trầm tích, độ pH trung tính, tính thẩm thấu tốt, hơn nữa đất ở đây có điểm đặc biệt là có chứa nguyên tố khoáng chất hoà tan có ích cho cơ thể con người, trong điều kiện tự nhiên như vậy nên nước suối nơi đây cũng trở nên vô cùng thanh khiết.

Mao Đài là một thị trấn nhỏ nằm trong khe núi Dục Để, nằm bên bờ sông Xích Thủy, địa thế thấp trũng. Dãy núi Đại Lâu bao bọc quanh sông Mao Đài có độ cao 1000m so với mực nước biển, nhưng riêng đoạn ở khe núi Mao Đài chỉ cao 400m. Về mặt khí hậu thì nơi đây khá oi bức, ít gió, điều đó đã khiến quần thể sinh vật nơi đây dễ sinh trưởng và khó bị hoang hoá, góp phần to lớn vào việc sản xuất rượu Mao Đài. Điều kiện khí hậu đặc biệt với cấp gió thấp, mùa đông ấm, mùa hè nóng, ít gió, ít mưa, hết sức có lợi cho sự sinh trưởng của vi sinh vật trong men rượu.

Ngày nay ở thị trấn Mao Đài có rất nhiều xí nghiệp sản xuất rượu đã được dựng lên, trong đó có một số doanh nghiệp tạo được thương hiệu rất tốt trên thị trường.

Vùng đất Quý Châu này trong lịch sử rất nổi tiếng với nghề nấu rượu. Trong “Sử ký – Tây Nam Di Liệt Truyện” có ghi chép rằng vương quốc Dạ Lang sản xuất ra một loại rượu gọi là “kỷ tương tửu”, rượu này được bán sang tận các nước xa xôi như Nam Việt và Ba Thục, cuối cùng được các quan viên nhà Hán chú ý đến. Mà vương quốc Dạ Lang này nằm ở khu vực Tang Ca Giang (nay là sông Bắc Bàn). Thời ấy vương quốc Dạ Lang là nước tôn chủ [nước lớn nhất] của các nước nhỏ xung quanh, nay là thuộc địa phận Tây Nam tỉnh Quý Châu.

Vào triều nhà Minh ở thị trấn Mao Đài có một gia đình mà cha mẹ và con cái sinh sống bên nhau rất hoà thuận, phụ từ tử hiếu nhưng họ luôn phải sống trong cảnh chật vật qua ngày, bất kể làm việc gì cũng phải chịu cảnh thua lỗ. Có một lần nọ, cả hai vợ chồng họ đều bị nhiễm bệnh sau đó qua đời, bỏ lại hai người con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Cả hai anh em đều là người nhân nghĩa, tuy họ đã thử qua rất nhiều các công việc mua bán khác nhau nhưng cuối cùng họ vẫn không thành công. Hoàn cảnh gia đình của họ ngày càng trở nên túng quẫn.

Một hôm trong lúc hai anh em họ đang đi ra ngoài để giải trừ bớt tâm trạng phiền muộn, khi đi ngang qua một ngọn núi nhỏ thì tại đây họ bắt gặp một cô gái trẻ hết sức xấu xí đang ôm một cô em gái trông nhỏ hơn vài tuổi (cô em trông dường như còn hơi xấu hơn cô chị một chút) đang khóc, cô vừa khóc vừa kể cho những người đứng xem xung quanh về hoàn cảnh thê thảm của mình. Chuyện là hai cô gái từ nhỏ đã bị bắt cóc bán đến đây làm người hầu, sau đó chủ nhân của họ chết đi, hai cô gái lớn lên lại trông xấu xí nên không ai muốn đón nhận họ cả, hiện cô em đang bị bệnh không tiền chạy chữa, có lẽ giờ sắp không qua khỏi… Hoàn cảnh của họ quả thật rất bi thảm.

Hai anh em nọ chứng kiến cảnh ấy thì mủi lòng thương xót, vì vậy họ bèn kêu gọi những người đang đứng xem xung quanh đó giúp đỡ, sau đó hai anh em đưa hai chị em họ về nhà mình, ngoài ra họ còn tìm một thầy thuốc giỏi để chữa trị cho cô em.

Vị thầy thuốc đến xem bệnh thì thấy cô em vốn không phải mắc bệnh gì nặng lắm, chỉ cần kê qua mấy thang thuốc là khỏi. Trong quá trình gặp gỡ với hai chị em, hai anh em cũng không hề tỏ ý chê bai vẻ ngoài xấu xí của họ mà còn quan tâm chăm sóc họ rất chu đáo. Khi cô em tỉnh lại, hai chị em họ đã quyết định ở lại làm người hầu để cảm tạ ân tình của hai anh em.

Kỳ thực phải nói thực rằng khi hai anh em đưa hai chị em cô gái về nhà là xuất phát từ sự đồng cảm chứ không có ý gì khác, tuy không chê bai vẻ ngoài xấu xí của họ nhưng xem họ là nàng dâu thì hai người cũng không cam tâm. Đối với người nam nếu có thêm phụ nữ giúp việc trong nhà thì gia đình sẽ có sự thay đổi lớn, tâm tình cũng trở nên tốt hơn. Hai anh em nhà họ vốn thích kết giao bằng hữu, mà hai chị em nấu ăn cũng rất ngon, lại rất hiểu chuyện. Thế là hai anh em bèn giao hết chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà cho hai chị em kia quán xuyến.

Có một lần hai anh em hợp tác làm ăn buôn bán với người khác lại bị thua lỗ, họ quay về nhà thở dài thất vọng. Cô chị nghe được bèn bước ra nói: “Chỗ của thân sinh tôi (ở vùng Tuân Nghĩa) có một người nấu rượu rất nổi tiếng, khi tôi sinh ra ông ấy đã đem công thức nấu rượu và bình rượu mẫu chôn ở một nơi không ai biết, sau này phụ thân đã nói cho tôi vị trí nơi bình rượu được cất giấu. Sau này ngay cả khi chị em tôi bị bắt cóc 15 năm rồi tôi vẫn chưa quên câu chuyện đó.”

Hai anh em nghe vậy thấy rất đỗi vui mừng, ngay lập tức họ theo hai chị em lên đường đến chỗ lấy bí quyết nấu rượu. Nhưng người chị nói: “Lúc ấy phụ thân có nói với tôi rằng, sau này nếu có người đến muốn lấy công thức nấu rượu và bình rượu mẫu thì phải có một điều kiện, vì ông biết trong mệnh ông không có con trai. Điều kiện đó là: ai muốn lấy công thức rượu thì phải cưới hai cô con gái ông, một người cưới một cô, vị chi là cần hai người, bất kể là hai cô sau này có xấu đẹp ra sao”. Hai anh em nọ bèn suy ngẫm rằng trong thời gian kể từ lúc gặp gỡ đến giờ họ đã chung sống hoà thuận với hai cô gái, tuy họ có hơi xấu xí một chút nhưng các phương diện khác thì đều rất hiền huệ. Nghĩ vậy nên hai anh em đã đồng ý. Cuối cùng họ quyết định nếu việc buôn bán rượu thành công thì mỗi người sẽ cưới một nàng làm vợ.

Nhóm 4 người họ bèn đến nhà của hai chị em ở Tuân Nghĩa, khi họ đến thì nghe rằng cha mẹ của hai cô gái đã qua đời từ lâu, cả người thân cũng đã chuyển đi nơi khác, căn phòng trước kia của hai chị em giờ chỉ còn lại một vách tường xiêu đổ trông rất thê lương.

Hai chị em lần theo trí nhớ của mình để tìm ra chỗ cất giấu bí mật và lấy được công thức nấu rượu cũng như bình rượu mẫu. Đúng lúc ấy có một bà lão tóc bạc phơ đi ngang qua, bà cười nói với hai chị em rằng: “Đồ nhi của ta, các con hãy giúp phu quân tương lai của mình cùng nhau thông qua việc nấu rượu mà tìm được Sáng Thế Chủ, bởi vì tương lai sau này Sáng Thế Chủ sẽ đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp khiến sinh mệnh có thể thật sự được đắc cứu”. Đồng thời bà lão còn dùng phương pháp truyền cảm tư duy để nói cho hai cô gái biết sau này dùng cách nào có thể tìm được Sáng Thế Chủ.

Lúc này hai anh em bỗng thấy đầu óc mình có phần trở nên mơ hồ, họ cảm giác rằng lai lịch của hai cô gái dường như thần bí hơn sự tưởng tượng của họ.

Chúng ta hãy nói ngắn gọn một chút, hai anh em họ mở xưởng nấu rượu, rượu nấu ra rất được mọi người hoan nghênh, hai anh em cũng thực hiện lời hứa của mình, mỗi người cưới một cô gái (theo thứ tự người anh cưới cô chị và người em cưới cô em).

Cùng với việc kinh doanh rượu ngày càng phát đạt thì rất nhiều nhân vật có địa vị trong vùng cũng đến khuyên hai anh em nên nạp thiếp (lấy thêm vợ lẽ), lý do là hai người vợ của họ vô cùng xấu xí, phải cưới thêm những cô gái nhan sắc mỹ lệ xuất chúng mới xứng với địa vị và danh vọng của họ lúc này. Nhưng bất luận là mọi người có dùng lý do gì để khuyên nhủ đi chăng nữa thì hai anh em họ đều cự tuyệt không làm theo.

Hai chị em khi thấy hai người hành xử như vậy thì tỏ ra rất an tâm và vui vẻ. Một buổi tối nọ người chị gọi hai anh em và cô em gái đến, cô chị nói với hai anh: “Muội xét thấy hai anh em huynh thật sự có nhân phẩm rất tốt, xem ra đã đến lúc chị em muội nên tiết lộ thân phận và dung mạo thật sự của mình rồi”. Thế là họ bèn để hai anh em ra ngoài trước.

Hai chị em vào phòng thay đổi y phục và dùng thần thông khôi phục lại dung mạo ban đầu của mình, khi hai anh em bước vào phòng thì họ đều mở to hai mắt dường như không tin vào mắt mình nữa, quả thật là:

Phiêu phiêu tiên tử lai hạ phàm
Cử thủ đầu túc tư diệu mạn
Khinh sa như vân thăng kính ý
Tịnh triệt ngưng mâu hoài cửu thiên

Dịch nghĩa:

Tiên tử phiêu phiêu hạ xuống phàm trần
Từng cái giơ tay từng cái nhấc chân đều hết sức mỹ diệu
Bộ trang phục lụa bồng bềnh như mây làm tăng thêm ý kính trọng
Ánh mắt của nàng như bao hàm chín tầng trời trong đó

(Ý của câu thơ cuối là ánh mắt của hai vị tiên tử đã hàm chứa cả năng lực và trí huệ của cảnh giới chín tầng trời trong đó)

Thơ (tạm dịch):

Phiêu phiêu tiên tử hạ xuống trần
Dáng quỳnh tha thướt muôn phần đẹp xinh
Lụa mây nâng ý kính thêm
Mắt nàng có chín tầng thiên trùng trùng

Khi thấy hai anh em đang đứng trân mắt ra nhìn, cô chị nói: “Hai chị em tôi cho hai huynh nhìn thấy hình dạng thực của mình. Bởi vì giữa chúng ta còn có một đoạn duyên trần chưa đi hết, nên bình thường chúng tôi không thể dùng cách này triển hiện cho con người thế gian thấy được”. Thế là các vị tiên tử bèn ẩn bớt hào quang của tiên nhân, chỉ đủ sao cho so với dung mạo xấu xí ban đầu đã trở nên dễ nhìn hơn rất nhiều, trở nên hết sức hết sức xinh đẹp.

Hai anh em bèn giải thích với người ngoài là dung mạo của hai chị em ban đầu vốn rất xinh đẹp, nhưng sau khi họ mắc một trận bệnh nặng thì trở nên vô cùng xấu xí. Hai anh đã dùng rượu được ủ kỹ để giải trừ đi độc tố trong thân thể hai họ, khiến họ trở lại xinh đẹp như xưa. Về sau chuyện này được truyền ra bên ngoài khiến cho rượu của họ lại càng bán đắt hơn nữa.

Trong quá trình ấy hai chị em vẫn không quên lời giao phó của bà lão tóc bạc khi xưa, đó là giúp hai anh em trong khi nấu và bán rượu thì vẫn bảo trì một tâm thái thiện lương, để kết thiện duyên rộng rãi và khắp nơi xa gần đều truyền tai nhau rằng tương lai sẽ có việc Sáng Thế Chủ truyền Pháp hay không.

Bởi vì rượu do bốn người họ sản xuất đã trở nên rất nổi tiếng nên họ bèn xây dựng một tửu quán trước nhà để khách đến thưởng thức rượu. Thi thoảng có những người nghèo khổ đến uống rượu thì hai cặp vợ chồng họ vẫn tiếp đãi những người này bằng nụ cười nồng hậu của họ.

Một hôm có một vị thư sinh tầm 30 tuổi đi ngang qua nơi này. Khi vừa vào tới quán vị thư sinh này đã đòi một vò rượu lớn, sau đó liền lập tức mở nắp vò rượu và thả vào trong vò một số viên thuốc màu trắng. Kế đến bỗng nhiên từ trong vò rượu xuất hiện một loại âm nhạc mỹ diệu, cùng với sự xuất hiện của khúc nhạc thì có một nhóm tiên nhân cũng bay ra, tiên nhân lượn qua lượn lại trong quán rượu của họ. Mọi người chứng kiến khi ấy đều ngẩn người ra xem. Lúc này từ trong vò rượu lại hiện ra cảnh tượng của một thiên cung vô cùng tráng lệ, quả thật là:

Ngọc vũ quỳnh lâu bỉ thánh thù
Tiên nhạc quản huyền thần cảnh xuất
Diêm linh tương hòa phi hạc hiển
Khuyến nhân nhập thánh xuất phàm ốc

Diễn nghĩa:

Nhà ngọc lầu quỳnh cảnh thù thắng
Khúc tiên nhạc cất lên, cảnh Thần tiên xuất hiện
Tiếng chuông treo trên mái hiên ngân vang làm chim hạc hiện ra
Khuyên con người nhập vào cõi thánh xuất khỏi chốn phàm trần

Thơ (tạm dịch):

Nhà ngọc lầu quỳnh cảnh thắng thù
Quản huyền tiên nhạc, thần cảnh mơ
Chuông ngân hiên mái, chim hạc lướt
Khuyên người nhập thánh xuất phàm nhơ

Xem ra cơ duyên đã đến, hai chị em họ không để lỡ mất thời cơ bèn nói với hai anh em rằng: “Xem ra lai lịch của người thanh niên này quả thực bất phàm, hai anh hãy đi hỏi cậu ấy xem có biết khi nào Sáng Thế Chủ sẽ đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp hay không?”

Hai anh em nghe vậy bèn bước đến thi lễ rồi hỏi: “Nhìn cử chỉ của huynh xem ra huynh không phải là người phàm, huynh có thể cho chúng tôi biết tương lai khi nào Sáng Thế Chủ sẽ đến hồng truyền Đại Pháp cứu độ sinh mệnh không?”

Người thanh niên nghe xong cười bảo: “Tương lai Sáng Thế Chủ sẽ đến đây. Còn nói về việc đó là thời điểm khi nào, thì chính là khi mà rượu nơi đây trở nên nổi tiếng, vang danh khắp thiên hạ.”

Nói xong người thanh niên liền đưa tay vào trong vò rượu, lấy mấy viên thuốc màu trắng ra, gói ghém cẩn thận rồi chuẩn bị rời đi.

Hai anh em thấy như vậy bèn bước tới, hy vọng người thanh niên có thể để lại cho họ vài viên thuốc để họ có nhiều cơ hội chứng kiến thần tích hơn. Người thanh niên thấy hai anh em rất chân thành nên đã đồng ý.

Trước khi ra khỏi cửa người thanh niên đã quay sang nói với những người đang đứng chật khắp trong nhà lúc ấy rằng: “Rượu là vật phẩm trong cảnh giới này, con người dùng rượu để tế tự cũng như bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên và những người đã khuất. Trong giao tiếp thì đó là thức uống mang tính lễ nghi, không có gì thái quá cả, đó là phương thức sinh tồn của con người, nhưng nếu uống rượu nhiều quá, thậm chí đến mức loạn tính thì rất không tốt, đó là điều không nên. Do đó rượu có thể thành vật trung gian làm cầu nối gắn kết duyên phận giữa người với người, nhưng không thể lấy đó làm lý do để quý rượu như mệnh! Hơn nữa khi Thần an bài rượu và văn hoá rượu cho con người thì mục đích của việc này chính là để con người trong khi chú trọng lễ tiết thì bảo trì cho mình đầu óc thanh tỉnh, từ đó mà thật sự có thể tìm được con đường trở về nhà của mình. Người ta thường nói uống nhiều quá rồi thì chẳng còn biết tìm nhà mình ở hướng nào nữa. Bình thường ngay cả khi người ta không uống rượu nhưng do ngửi quen hơi nhìn quen mắt cũng sẽ bị đủ các loại ‘rượu’ rót vào đến mức chẳng còn biết tìm đường về nhà, hoặc là không muốn tìm đường về nhà nữa, uống say quên cả trời đất, đó là đi ngược với ý nghĩa và mục đích ban đầu khi Thần an bài để con người hiểu về rượu và văn hoá rượu, chính là việc làm ngược với ý chỉ của Thần. Sau này, mọi người nhất định phải chú ý phương diện này, đặc biệt là đến tương lai sau này khi rượu sản xuất từ nơi đây được các quốc gia tiếp nhận, thì đó chính là lúc Sáng Thế Chủ đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp; nhưng đó cũng là thời điểm hồng trần loạn nhất, đủ loại tửu quán mọc lên làm người ta trở nên mê mờ, ai mà có thể tỉnh khỏi cơn say thì người ấy có thể theo Sáng Thế Chủ trở về gia viên thực sự của mình, đó là gia viên thù thắng vô tỉ, mỹ diệu vô vàn.”

Khi người thanh niên nói đến đây thì bà lão tóc bạc phơ [năm xưa] cũng xuất hiện, bà nói với hai chị em: “Duyên trần giữa các con và hai anh em nhà họ đã hết, đã đến lúc hai con nên rời đi rồi.” Thế là hai chị em biến thành hai nàng tiên hết sức xinh đẹp rồi cùng bà lão tóc bạc và người thanh niên rời đi.

Sau khi hai chị em rời đi còn lại hai anh em ở lại tiếp tục công việc buôn bán rượu, họ đã hiểu ra được tầm quan trọng của đức hạnh, hiểu được phải biết quý tiếc cơ duyên và ý nghĩa của việc tuỳ kỳ tự nhiên. Do đó mỗi khi có người hữu duyên hay có người trầm mê quá sâu trong hồng trần thì hai người họ đều dùng viên thuốc màu trắng mà người thư sinh để lại cho vào vò rượu để triển hiện cho những người đó cảnh tượng và âm nhạc nơi tiên giới. Chính bởi thế nên việc này thật sự đã giúp rất nhiều người thăng khởi chính niệm quay về thiên cung, họ đều nghĩ tưởng đến ngày đắc Pháp mà Sáng Thế Chủ hồng truyền ở nhân gian…

Ngày nay vào đầu thế kỷ 20 rượu Mao Đài đã vang danh toàn cầu, tiếng tăm của Mao Đài trấn cũng vì thế lan khắp Tây phương. Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, Pháp Luân Công bắt đầu được hồng truyền, và đích thân nhà sáng lập Pháp Luân Công đã tới Quý Châu truyền công giảng Pháp. Qua gần 30 năm, tuy Pháp Luân Công bị tà đảng Trung Cộng đàn áp hơn 20 năm nhưng Pháp Luân Công vẫn được hồng truyền ra khắp thế giới giúp hơn 100 triệu người được thân tâm thọ ích.

Ngày nay người chị trong câu chuyện kể trên đã chuyển sinh đến phương Bắc, vì mở công ty nên đã kết mối duyên phận rất sâu với rượu của trấn Mao Đài. Người em gái chuyển sinh đến phương Nam, chính là nhân vật Trung Lan được nhắc đến ở phần đầu bài viết.

Người anh trai trong câu chuyện thì chuyển sinh thành người chồng của cô chị, anh ấy rất thích trữ rượu Mao Đài và khả năng thử rượu của anh cũng rất xuất chúng. Về người em trai tôi sẽ không kể nhiều về anh ấy. Còn bà lão tóc bạc phơ kia đã chuyển sinh thành người mẹ của cô chị. Trong số họ, trừ người anh trai tuy không đắc Pháp nhưng rất hiểu và ủng hộ Đại Pháp ra thì ba người kia đều đã đắc Pháp. Còn người thư sinh kỳ thực chính là Sáng Thể Chủ đã hoá thân để cùng diễn xuất câu chuyện trên.

Đó chính là:

Tửu bất túy nhân nhân tự túy
Danh lợi tình hải lung trung thụy
Kim triều Pháp truyền nhân khoái tỉnh
Liễu khước trần duyên bả gia quy

Thơ (tạm dịch):

Rượu không làm say người, người tự say
Ngủ mê mờ trong biển danh lợi tình
Thời này truyền Pháp người mau tỉnh
Đoạn dứt trần duyên trở về nhà

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/260305

Chú thích theo hiểu biết của dịch giả:

[1] Nguyễn Khuyến dịch (theo thiven.net)

[2] Một bộ sử thư thời nhà Đường, nằm trong Nhị thập tứ sử

[3] Ngày xưa con gái của vua Thuấn tên là Nghi Địch có sở trường ủ rượu rất ngon. Nàng dâng tặng mỹ tửu lên cho vua Đại Vũ. Sau khi uống xong vua Vũ thấy mùi vị tuyệt ngon. Nhưng cũng từ đó mà xa lánh Nghi Địch, bỏ hẳn mỹ tửu và nói rằng: “Đời sau tất có kẻ vì rượu mà mất nước!”

Đỗ Khang còn được gọi là Thiếu Khang, sống vào cuối thời Tây Chu, tương truyền là người phát minh ra cách nấu rượu ở Trung Quốc.

[4] Nguyên văn là 数典忘祖 (sổ điển vong tổ) nghĩa là quên nguồn quên gốc

[5] Đây là hai câu thơ trong bài thơ Nguyệt hạ độc chước (Một mình uống rượu dưới trăng) của Lý Bạch rất nổi tiếng

[6] Tết trung thu năm Hy Ninh thứ 9 đời Tống Thần Tông (tức năm Bính Thìn 1076), Tô Thức uống rượu vui đến sáng, nhớ đến em là Tử Do (tức Tô Triệt), làm bài từ này. (theo thivien.net)

[7] Đây là hai câu thơ trong bài “Đoản ca hành” của Tào Tháo.

[8] Thanh mai chử tửu luận anh hùng, tức là mơ xanh nấu rượu luận anh hùng