Chân trời tìm Pháp: Tam Nguy kim quang

Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Trong bài viết trước, chúng ta đã đề cập đến việc vào năm 366, một vị hòa thượng có tên là Nhạc Tôn đã vân du đến khu vực núi Tam Nguy. Đúng vào lúc sẩm tối, hòa thượng Nhạc Tôn nhìn thấy phía núi Tam Nguy có kim quang (ánh sáng vàng) đại hiển, cảnh tượng tựa như có hàng nghìn vị Phật đang chuyển động, vì vậy ông đã quyết định chọn lấy hang động nơi đây để làm nơi tu hành.

Liên quan tới ẩn đố “Tam Nguy hiển kim quang”, rất nhiều học giả thời nay đã dựa vào thuyết vô thần làm cơ sở và đứng từ góc độ vật lý học hiện đại mà cho rằng đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Kỳ thực, đó là cách giải thích gượng ép và lừa gạt của những “người theo thuyết vô Thần”.

Trước đây, tôi từng xem một cuốn sách miêu tả tình huống đương thời của một nhà nghiên cứu trứ danh về hang đá Đôn Hoàng khi bà đã được tận mắt chứng kiến cảnh tượng kim quang đại hiển. Trong sách có đoạn viết: “Đó là vào một buổi chiều mùa hè năm 1995, sau một trận mưa, sông Đãng Tuyền ở trước hang Mạc Cao đột nhiên xuất hiện lũ lớn. Để bảo vệ cho hang động, tôi đã dẫn chiến sĩ đội cảnh vệ cùng nhau chống lũ ở bờ sông Đãng Tuyền. Trong quá trình đắp bao cát, bỗng thấy trên không phía đông của sông xuất hiện một vầng sáng kim quang chói lọi, những ngọn núi mà kim quang không chiếu đến được thì đều biến thành màu đen. Sau một hồi, không thấy kim quang đâu nữa, lúc đó trên bầu trời xanh lại xuất hiện cảnh tượng hai chiếc cầu vồng giao nhau. Đây là cảnh tượng thần kỳ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Loại Phật quang này đại khái giống như hòa thượng Nhạc Tôn đã từng thấy trước đó. Cũng kể từ đó mà tôi phát sinh tín tâm vô hạn đối với việc tu thiền. Phật quang như vậy rất nhiều người cả đời cũng không được thấy và tôi cũng chỉ thấy được lần ấy là lần duy nhất”. [1] Từ đó có thể thấy rằng, việc hòa thượng Nhạc Tôn bắt gặp được hiện tượng “kim quang” ở núi Tam Nguy không phải là do người đời sau biên tạo nên, mà xác thực là có tồn tại sự việc như vậy.

Bởi vì khi hòa thượng Nhạc Tôn đến núi Tam Nguy thì đã được Thần Phật dùng Phật quang điểm hóa, do vậy việc này đối với sự mở mang sau này của hang Mạc Cao mà nói thì đã khởi được tác dụng trong nhiều thời đại kế tiếp. Ngày hôm nay chúng ta hãy cùng nhau nói một chút về vị hòa thượng này cùng với câu chuyện Phật quang đại hiển ở núi Tam Nguy.

(Ảnh 1: Hang số 263, tranh Tam Phật thuyết pháp, thời Bắc Nguỵ; nguồn: xem thuyết minh, bên dưới cũng vậy)

(Ảnh 2: Bên trong hang 286, thời Bắc Lương)

Trước khi đi vào nội dung chính của bài viết, chúng ta có thể xem qua bích hoạ và tượng màu trong thời kỳ đầu của hang Mạc Cao. Khoảng thời gian này là thời điểm trước thời Tùy Đường (thời điểm được thể hiện trong 2 bức ảnh trích dẫn này là Bắc Nguỵ: năm 386-534; Bắc Lương: năm 397-439). Trong bức ảnh thứ nhất, chúng ta có thể thấy được, lúc Phật giáo vừa mới truyền nhập nơi đây, nhận thức của con người bấy giờ đều cho rằng không chỉ có một vị Phật thuyết pháp, hơn nữa hình tượng Phật cũng không mang dáng vẻ tròn trịa đầy đặn như thời kỳ Tùy Đường, mà lại mang theo những nét đặc trưng của thời đại bấy giờ. Trong xã hội ngày nay, có những kẻ “lưu manh tôn giáo” cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Phật duy nhất thuyết pháp, điều ấy không tránh khỏi việc phải xem xét lại. Từ hai bức ảnh bên trên (đặc biệt trong bức vẽ thứ hai) chúng ta đều có thể nhận ra được phong cách và dấu ấn hội họa cổ Ấn Độ và Tây Vực vào lúc Phật pháp vừa mới truyền nhập vào nơi đây. Người họa sĩ khi vẽ về Thần Phật, thì ngoài việc cần thể hiện được một cách chân thực nhất dáng vẻ và thần thái của Thần cùng với khung cảnh tráng lệ xung quanh thì không thể tránh được việc sẽ bị xen lẫn vào đó một vài yếu tố cá nhân mang phong cách hội họa của bản thân và biểu hiện của tự thân người họa sĩ đó, đây cũng là điều tất yếu. Đương thời, vào lúc vùng Trung Nguyên (chỉ Trung Quốc) lâm vào thời kỳ loạn lạc thì những yếu tố ngoại lai (các yếu tố văn hóa bên ngoài Trung Quốc bấy giờ) đã chiếm thế thượng phong. Bản thân tôi cho rằng đây vốn dĩ cũng không phải là điều ngẫu nhiên mà là thiên thượng đã hữu ý an bài như vậy. Sự dung hợp kỹ pháp cổ Hy Lạp với phong cách hội họa cổ Ấn Độ cùng với phong cách ngoại tộc Tây Vực trong các bức bích họa và tượng màu vào thời sơ kỳ tại hang Mạc Cao, không chỉ có mục đích nhằm lưu lại một kiến chứng lịch sử cho con người hiện đại, mà còn là một loại triển hiện trạng thái của Thần. Vì mục đích của những điều đó vốn đều là để dùng vào lúc Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian. Bởi vì chúng Thần khắp trời và ngoại tộc (bất kể là dân tộc và chủng tộc nào) đều là đối tượng cần được Đại Pháp cứu độ tại thời kỳ Chính Pháp của Sáng Thế Chủ.

Bởi vì các tác phẩm điêu khắc và tượng màu trong hang Mạc Cao phần lớn tập trung vào việc triển hiện cảnh giới và trạng thái tín ngưỡng của người dân trong toàn bộ nền văn hóa Trung Nguyên, cho nên các dân tộc khác nhau cũng có những triển hiện khác nhau của dân tộc mình, có như vậy mới tạo ra được sự phong phú và bao dung trong nội hàm của tín ngưỡng. Hơn nữa, trải qua triều đại khác nhau, nội hàm văn hóa mà các Thần ban cho con người cũng sẽ có sự khác biệt rất lớn. Kỳ thực, tại Trung Nguyên, mỗi lần có sự thay đổi giữa các triều đại thì đều dẫn tới điều này, ở các nước Tây Vực cũng vậy: trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, nội hàm văn hóa được Thần ban cho cũng không hoàn toàn tương đồng.

Nói đến điều này, chúng ta hãy nói một chút về hòa thượng Nhạc Tôn và ánh Phật quang phát ra ở núi Tam Nguy được nhắc tới ở bên trên.

Nếu như nói rằng các đệ tử trực tiếp nghe Pháp vào thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giê-su, Lão Tử, còn tại thế và tham dự vào quá trình hoằng pháp của các Giác Giả này, là những người có tầm quan trọng vô cùng to lớn trong việc giúp cho tín ngưỡng đó được truyền bá sâu rộng về sau, thì đối với các đệ tử thuộc các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là đối với các tăng nhân mà bản thân họ đã vượt qua sự bất đồng văn hóa giữa các quốc gia để thực hiện sứ mệnh hoằng dương Phật pháp, thì điều này lại càng hiếm có và đáng quý hơn. Bởi trước tiên họ phải khắc phục được những gian khổ trên đường đi, lại còn phải khắc phục sự can nhiễu và bức hại của các thế lực bảo thủ và những tín ngưỡng mang tính địa phương luôn nhắm tới họ. Như vậy đối với những cá nhân được Thần tuyển chọn để thực hiện sứ mệnh đó mà nói thì họ cần phải mang trên mình trí huệ và dũng khí hết sức to lớn thì mới thực hiện được sứ mệnh của mình. Nhạc Tôn là người mang theo trách nhiệm trọng đại trải đường cho tín ngưỡng về Thần Phật được lưu truyền cả ngàn năm về sau trong hang Mạc Cao. Bởi thế cho nên khi thiên thượng tuyển chọn ông chính là đã trải qua một thời gian tương đối lâu dài mới chọn ra được.

Theo tôi được biết, Nhạc Tôn ở trên trời là một sinh mệnh chưởng quản trạng thái của [các vị] Thần ở một tầng thứ kia. Những sinh mệnh ở nơi này có hình dạng giống như những quân cờ vây lớn nhỏ trong trạng thái chín màu lấp lánh, nhìn qua thì cũng không có gì vui mắt lắm, thế nhưng không có Nhạc Tôn làm chưởng quản thì cũng bằng như không có Thần ở cảnh giới đó. Bình thường Nhạc Tôn cũng không quản chuyện gì. Bởi vì hết thảy mọi điều trong cảnh giới cao đều là mỹ hảo và thần thánh vô tỷ, thông thường sẽ không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, thuận theo năm tháng cực kỳ lâu dài trôi qua, hoặc là xuất hiện sự kiện đột phát với xác suất vô cùng nhỏ thì sẽ khiến các vị Thần nơi đây thay đổi trong trạng thái của mình. Nhạc Tôn vốn dĩ là sinh mệnh chưởng quản trạng thái của Thần tại nơi này (vốn là thần, chỉ có điều chủng loại Thần này và những Thần khác là có khác biệt rất lớn) cho nên ông cũng không thể không quản những điều đó, do vậy Nhạc Tôn đã âm thầm thi triển Pháp lực để khiến cho các chúng Thần nơi đó dần dần khôi phục về trạng thái vốn có từ trước của họ. Nhưng khi loại hiện tượng này liên tiếp xuất hiện, ông phát hiện ra rằng năng lực của mình cũng có những hạn chế nhất định. Chính tại thời điểm này, trên thiên giới có truyền đến thanh âm rằng: “Sáng Thế Chủ muốn đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp, sẽ cải biến trạng thái của những Thần đã xuất hiện biến dị và bại hoại từ căn bản”. Nhạc Tôn nghe vậy liền rất muốn đến nhân gian cùng Sáng Thế Chủ. Do đó, ông đã ở tại cảnh giới đó để đợi chờ Sáng Thế Chủ giáng lâm. Năm tháng cứ dần dần trôi qua, chúng Thần và chúng sinh của một tầng thứ kia cũng rất sốt ruột, họ đang trong trạng thái không ngừng biến dị mà chờ đợi Sáng Thế Chủ giáng lâm. Mặc dù một trong số đó đã biến dị rất ghê gớm, nhưng họ vẫn luôn bảo trì một niệm chờ đợi Sáng Thế Chủ đến để cứu độ họ. Điểm này đối với chúng Thần mà nói thì là vô cùng đáng quý.

Trải qua khoảng thời gian chờ đợi rất lâu dài, Sáng Thế Chủ cuối cùng cũng đi qua cảnh giới này, Nhạc Tôn khi đó cũng thỏa nguyện được gặp Sáng Thế Chủ. Về sau trong quá trình đi xuống, Sáng Thế Chủ cũng đưa Nhạc Tôn theo cùng. Ông đã chuyển sinh thành vị tăng lữ đầu tiên lĩnh ngộ được khải thị của Thần: là cần khai phá hang động ở Mạc Cao, sau đó dùng phương thức hội họa và đúc tượng màu để triển hiện tín ngưỡng về Thần của nhiều triều đại cùng các dân tộc thiểu số khác nhau trên toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa. (Điều này so với khái niệm về người Phật tử đầu tiên khai mở hang Mạc Cao là hoàn toàn khác nhau).

Do Nhạc Tôn có trách nhiệm to lớn đến vậy, nên quá trình từ trên thiên thượng cho đến nhân gian đều cần phải an bài cho ông rất nhiều các nhân tố trên phương diện chịu khổ và gia cường trí huệ cùng các phương diện khác nữa. Đồng thời, còn cần phải để Nhạc Tôn kết duyên với rất nhiều các chư Thần khác nhau.

Không phải tất cả Thần đều từ bi như chúng ta tưởng tượng. Khi các chư Thần đều thấy rằng nhân tố của bản thân mình đều cần phải được triển hiện ít nhiều trong hang Mạc Cao để góp phần tạo nên một tiền đề phong phú cho Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian, thì giữa họ đã sản sinh ra một số chia rẽ nhất định. Vì Nhạc Tôn vốn là vị Thần có trí huệ rất cao nên ông đã sắp đặt và dàn xếp ổn thỏa những điều này. Sự việc đó đã khiến cho các chúng Thần đều vô cùng bội phục.

Để chuẩn bị cho quá trình tạo các bức tượng trong hang Mạc Cao được tốt hơn, Sáng Thế Chủ đã đích thân cấp cho ông rất nhiều trí huệ và cả năng lực chịu khổ v.v. Đồng thời, Sáng Thế Chủ còn an bài các chủng Thần Tiên trợ giúp khi Nhạc Tôn gặp khó khăn.

Trên thiên giới, ở tại một nơi có khoảng cách rất gần với tam giới, Sáng Thế Chủ đã an bài Nhạc Tôn làm chưởng quản một chút việc, để ông trở nên thành thục trong việc nên quản lý các sinh mệnh ở nơi ấy như thế nào. Vào thời kỳ hồng thủy hoành hành tại Trung Hoa, Nhạc Tôn đã trợ giúp Đại Vũ trị thủy, cứu vớt lê dân bách tính. Về sau, lại ở thời kỳ Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Nhạc Tôn được an bài chuyển sinh thành một vị nữ đệ tử của Phật. Khi Thế Tôn còn tại thế thuyết pháp, vị nữ đệ tử này tu hành rất tinh tấn và tỏ ra là người có khả năng chịu khổ rất lớn, đồng thời bà còn có trí huệ và năng lực siêu phàm. Đương thời Xá Lợi Phất và Duy Ma Cật đều được mệnh danh là những bậc hết sức có trí huệ. Vị nữ đệ tử này tuy rằng vốn cũng có trí huệ rất lớn, nhưng Phật Thích Ca căn dặn bà không nên thể hiện điều đó ra quá nhiều, trí huệ đó nên giành để lưu lại cho sau này sử dụng. Vì vậy lịch sử cũng không có ghi chép về bà. Trên bề mặt, vị nữ đệ tử này chỉ như một đệ tử rất đỗi bình thường. Sau khi Phật Thích Ca niết bàn không lâu, rất nhiều đệ tử chịu sự mê hoặc của Bà La Môn giáo cùng với các tín ngưỡng nguyên thủy khác, đồng thời một số yếu tố của ngoại đạo đã bắt đầu xen vào trong Phật giáo, dẫn đến Pháp của Phật Thích Ca càng ngày càng trở nên bất thuần. Lúc này vị nữ đệ kia – chỉ Nhạc Tôn (lại một lần nữa chuyển sinh thành thân người nữ) đã đứng ra nghiêm khắc chống lại những điều biến dị này nhằm duy hộ tính thuần khiết của Pháp. Thế nhưng những nỗ lực của bà lại không khởi được tác dụng rõ rệt. Về sau, Thiên thượng nhìn thấy được sự kiên định duy hộ Phật pháp của bà nên đã để bà chuyển sinh tới Trung Thổ. Ở thời kỳ Đông Hán, bà đã chuyển sinh làm một đại tướng, lập ra nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến với quân Hung Nô.

Về sau, đợi đến sau khi con đường tơ lụa được khai thông, Đôn Hoàng dần dần trở thành một vùng đất phồn hoa đô hội, chuông lạc đà ngày ngày kêu vang khắp vùng trời Tây Vực, lúc này cũng là lúc mà Nhạc Tôn cần bắt đầu đặt định văn hóa tối hậu sau cùng: đó là chuyển sinh làm tăng lữ trong thành cổ Lâu Lan để nắm rõ được phương thức sinh hoạt và cách thức hành khất của các tăng nhân đương thời. Có một ngày, ông đến dưới chân núi Côn Lôn, tại đây ông bắt gặp một nhóm “người” đặc biệt. Bọn họ nhìn qua thì rất giống với con người, nhưng thân thể của họ rất nhẹ, phục sức thoạt nhìn thì rất giống với phục sức của con người trên nhân gian nhưng lại tinh tế và đẹp đẽ hơn nhiều. Lúc này, Nhạc Tôn bắt đầu dùng công năng để nhìn thì mới biết rằng nguyên lai những “người” này là Thần. Họ so với Thần Phật bình thường là khác nhau, họ cũng có thể gọi là “Thần”, nhưng công việc mà họ phụ trách chính là triển hiện thần tích. Khi nơi nào đó cần để lại nội hàm văn hóa dưới sự an bài của Thần, những Thần này sẽ xuất hiện để triển hiện thần tích ở nơi đó. Ví như việc: làm xuất hiện các quầng ánh sáng chói lọi và triển hiện các trạng thái của Thần. Họ có tác dụng đưa đến khải ngộ và dẫn dắt con người tin vào sự tồn tại của Thần, ngoài ra thì không có tác dụng gì khác.

Khi những Thần này thấy Nhạc Tôn, họ cũng tỏ ra rất đỗi vui mừng. Họ nói với ông rằng: “Sau này khi ông chuyển sinh làm sa môn thì nhất định phải đi vân du tới Đôn Hoàng, ở nơi ấy có một ngọn núi tên là Tam Nguy, tới đó ông sẽ bắt gặp được một kỳ duyên đang chờ đợi mình. Trên đường đi nhất định sẽ có rất nhiều hiểm trở, nhưng ông nhất định phải dùng dũng khí và trí huệ của mình để khắc phục và vượt qua những trở ngại đó”. Nhạc Tôn đồng ý với những lời khải thị đó của Thần và nghĩ rằng: “Có người nói núi Côn Lôn là nơi Tây Vương Mẫu ở, còn núi Tam Nguy nếu dựa theo ghi chép trong “Sơn Hải Kinh” thì đó chính là nơi cư ngụ của Tam Thanh Điểu (một linh vật của Tây Vương Mẫu, có nhiệm vụ tìm kiếm thức ăn). Giờ đây ta nhận được điểm hóa như vậy, chắc hẳn ở trong đó cũng sẽ chứa đựng rất nhiều nhân duyên”. Lúc này một vị Thần trong số đó thấy được tình huống như vậy thì liền cười mà nói rằng: “Núi Côn Lôn là ngọn núi của Thần Tiên, bình thường là nơi các vị Thần Tiên của Đạo gia cư ngụ, mà ông và tôi gặp nhau ở nơi đây kỳ thực đã làm rõ một điểm rằng: dưới sự phối hợp của ông và chúng tôi thì hang Mạc Cao sẽ bắt đầu hưng thịnh. Nhưng trải qua quá trình ngàn năm về sau thì sẽ có một giai đoạn thời kỳ mà nơi đây sẽ trở nên suy tàn, cuối cùng sẽ do người của Đạo gia khiến nó trở nên huy hoàng trở lại. Đồng thời cũng bởi vì Phật, Đạo là không thể tu luyện lẫn lộn, vậy nên những điều được cất giấu trong hang Mạc Cao thì cũng đều sẽ phải trải qua một phen ma nạn.”

Một vị khác trong số đó nói: “Vốn dĩ là chúng tôi muốn đi Lâu Lan tìm ông, kết quả lại gặp được ông ở nơi này (dưới chân núi Côn Lôn), coi như đây cũng là kiếp số của hang Mạc Cao. Nhưng ông cũng đừng quá bi quan, bởi vì Phật, Đạo tu luyện đều là chính pháp môn, cho nên đối với những gì của hang Mạc Cao mặc dù là có kiếp nạn rất lớn, nhưng sau khi con người nhận thức đến được giá trị của nó thì sẽ trân trọng gấp bội phần”. Vị thần đứng đầu trong số các chúng Thần ban nãy lại nói: “Kỳ thực sự tình sau này không phải như ông ấy nói giản đơn như vậy, ở đây còn có một số an bài của một số vị Thần bất hảo khác…” Nhạc Tôn đứng tại nơi đó nghe có cái hiểu cái không, chỉ trong chốc lát những vị Thần kia đều biến mất, ông cũng đã về tới Lâu Lan. Trở về không lâu thì chùa của Nhạc Tôn gặp biến cố, ông cũng hết thọ mệnh ở kiếp đó, do tường chùa bị sập nên đã bị đè chết.

Trong thời kỳ Ngũ Hồ loạn Hoa, Nhạc Tôn chuyển sinh thành một nhà tu hành và tu luyện trong một ngôi chùa ở địa khu Kashmir. Trong lúc tu hành tại nơi đây, ông đã nhận được điểm hóa của Thần rằng phải tìm đến nơi vùng biên duyên (biên giới) xa xôi nơi có ngành sản xuất tơ lụa đang thịnh hành ở phía Đông Bắc để tiếp nối kỳ duyên của mình tại nơi đó. Bởi vậy, nên Nhạc Tôn đã bắt đầu lên đường đi về phía Đông của phương Bắc. Khi đi qua sa mạc ở nơi này, rất nhiều lần ông lâm vào tình cảnh không có nước uống, bị bão cát tấn công, xem ra tựa như đã đến nơi tuyệt địa, thế nhưng hết lần này đến lần khác ông đều sống sót và vượt qua được một cách thần kỳ. Sau khi trải qua những khảo nghiệm sinh tử đó, ông càng thêm kiên định vào mục tiêu của bản thân mình.

(Ảnh 3: Hang số 285, Thiền tu đồ, thời Tây Nguỵ )

Dọc đường đi, ông gặp một số người, ông cũng thường giới thiệu Phật pháp đến những người này. Trong số họ có người rất tin tưởng ông, ngược lại cũng có vài người vì còn coi trọng việc làm ăn, buôn bán, sinh tồn nơi người thường, nên họ thậm chí còn khuyên ông hoàn tục,… Khi đối mặt với những điều này, ông thực sự cảm thấy thương cảm cho những người đang còn mê ở trong trần thế. Về sau, ông cũng tới được Đôn Hoàng. Khi ở giữa núi Tam Nguy và núi Minh Sa, đúng lúc trời đã bắt đầu sẩm tối, khi đó ông đang nghĩ tìm chỗ nào đó để tá túc qua đêm thì lúc này có một luồng tư tưởng đả nhập vào đầu não của ông, luồng tư tưởng đó là: “Sẽ có một vài vị Thần sẽ triển hiện thần tích ở nơi đây!” Bởi vậy, Nhạc Tôn liền quay đầu nhìn lại thì liền bắt gặp một luồng kim quang lớn đang dẫn theo vạn đường kim quang cùng nhau xuất hiện, tiếp theo một hình tượng Phật bắt đầu xuất hiện trên không trung. Trông thấy cảnh tượng như vậy, Nhạc Tôn muôn phần kích động, hai đầu gối quỳ rạp tại nơi đó và tiếp thu chỉ ý của Thần rằng: tại nơi này cần tìm người khai mở hang động. Đương thời Nhạc Tôn khai phá hang động với mục đích giản đơn chỉ là dùng vào việc tu hành. Sau khi xác lập mục tiêu đơn giản như vậy, Nhạc Tôn kể cho mọi người quanh vùng về cảnh tượng mình đã nhìn thấy, đồng thời tuyên giảng cho họ một vài lý luận Phật pháp. Bởi vì rất nhiều người quanh vùng cũng đều đã thấy cảnh tượng thần kỳ đó, cho nên khi Nhạc Tôn nhắc tới điều đó thì họ đều cho rằng hang Mạc Cao là nơi thánh địa. Mọi người góp tiền của và công sức cùng bang trợ Nhạc Tôn khai phá ra hang động tại nơi đây.

Trong quá trình khai phá hang động, họ phát hiện ra một viên đá hình quả trứng. Các công nhân thợ đá cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng vì không mấy để tâm nên họ liền đem vứt nó ra bên ngoài. Buổi tối một ngày nọ, khi Nhạc Tôn đả tọa gần chỗ viên đá, trong lúc vô ý mở hai mắt ra, thì thấy ở trên viên đá này tựa hồ hiển hiện ra từng cảnh tượng trong hành trình sinh mệnh của ông từ trước tới giờ. Qua một hồi lâu những hình ảnh này mới từ từ biến mất. Từ đó Nhạc Tôn đã hoàn toàn minh bạch về quá khứ trước đây và sứ mệnh lịch sử mà mình đang mang theo. Một thời gian sau, khi mọi người tìm kiếm lại viên đá kia, thì lúc này mới phát hiện ra nó đã tự hành hóa thành bột phấn rồi.

Về quá trình khai phá hang động, ở đây chúng ta sẽ không nói tỉ mỉ nữa, chúng ta chỉ nói đến việc khi hang động được khai phá hoàn tất, sau khi cát đá đều được thanh lý sạch sẽ, Nhạc Tôn lại một mình ở tại nơi này mà nhập định tu hành. Lúc đó, trong hang động nơi ông tu luyện không có đặt tượng Phật cũng như những hình ảnh có liên quan đến Phật gia, mà lúc này ông chủ trương vào việc “hướng nội tu”, dựa vào lý giải của bản thân đối với Phật pháp mà tu tâm, không dựa vào các hình thức và biểu hiện bên ngoài. Đây là đặc điểm của hang tu thiền vào thời ban đầu của hang Mạc Cao.

Có một lần, sau khi Nhạc Tôn nhập định không lâu, Thần quản lý hang Mạc Cao nói với ông: “Ông phải ở nơi này tu thiền cho tốt, tương lai nơi này sẽ trải qua một quá trình xây dựng và tôn tạo trong cả ngàn năm để triển hiện trạng thái của Thần Phật. Tên của ông sẽ được hậu nhân ghi chép, cho nên ông phải một mực bảo trì tốt trạng thái tu luyện của mình. Hết thảy những điều này là để chuẩn bị sử dụng cho thời khắc cuối cùng khi Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp tại nhân gian. Tương lai đệ tử của Sáng Thế Chủ sẽ đem những tư liệu của Đôn Hoàng lên sân khấu biểu diễn để dẫn dắt mọi người trở về với những giá trị văn hóa truyền thống”.

(Chú thích: Trong diễn xuất Thần Vận năm 2008 có môt phân đoạn “Tạo tượng” chính là lấy tài liệu từ hang Mạc Cao, Đôn Hoàng)

(Ảnh 4: Hình ảnh sân khấu diễn xuất Thần Vận; nguồn: trang web chính thức Đoàn Nghệ thuật Thần Vận)

Nhạc Tôn đã ở lại nơi đây trong một thời gian rất lâu. Trước khi viên tịch, bởi vì ông còn có một chút duyên phận chưa hoàn tất tại nơi thành Lâu Lan nên Nhạc Tôn đã vân du tới đó. Lúc này, khái niệm vân du đối với Nhạc Tôn không phải giống như việc dùng chân trần mà bước đi trên mặt đất nữa. Bởi vì lúc này ông đã có thần thông rất lớn nên nói “vân du” chỉ là một loại hình thức khái niệm nói ra để cho chúng ta dễ hình dung mà thôi. Thực tế, tuy rằng có những lúc ông dùng chân để bước đi, nhưng tốc độ lại vô cùng nhanh lẹ đến mức bão cát sa mạc dù lớn đến mấy cũng không cách nào chôn vùi được ông. Sau khi Nhạc Tôn đến Lâu Lan hoàn thành tiền duyên đã định được một thời gian không lâu thì viên tịch tại đó.

Nhạc Tôn đã hoàn thành sứ mệnh và lập nên công lớn, hơn nữa cá nhân ông lại có thành quả trong tu luyện nên ông đã được ở trên trời hầu cận Phật Thích Ca Mâu Ni một thời gian. Sau đó, khi thấy rằng hang Mạc Cao có thể sẽ bị chiến tranh tàn phá nên ông lại một lần nữa thỉnh cầu được đi xuống và trở thành một trong các Thần bảo hộ hang Mạc Cao. Ông đã ở đây mà tận lực cùng với các Thần khác ra sức bảo vệ hang động, bích họa và tượng màu. Trong giai đoạn mấy trăm năm từ thời Minh đến trước thời Mãn Thanh, ông dùng hết khả năng của mình bảo vệ hang Mạc Cao. Tại thời đại Sáng Thế Chủ đến nhân gian hồng truyền Đại Pháp, ông được thỏa nguyện chuyển sinh trở thành một Đệ tử Đại Pháp. Những việc này sẽ không nói tỉ mỉ nữa.

Đây chính là:

Trì giới tu hành lai Trung Thổ
Tam Nguy kim quang pháp duyên cố
Khai tạc động quật vi tu hành
Thiên niên Phật địa thụy thải thù

Tạm dịch:

Tu hành trì giới mà đến [được] Trung Thổ
Quay đầu nhìn thấy Pháp duyên Tam Nguy kim quang
Khai phá hang động để tu hành
Ngàn năm đất Phật sắc màu tốt lành thù thắng

[1]: Dẫn từ: “Nơi lòng tôi hướng về là Đôn Hoàng”, tự thuật của Phàn Cẩm Thi trang 067, nhà xuất bản Dịch Lâm xuất bản. Phàn Cẩm Thi: Nữ, sinh năm 1938, tốt nghiệp Khoa Khảo cổ Đại học Bắc Kinh. Năm 1963, bà tốt nghiệp và đến công tác tại Sở Nghiên cứu Văn vật Đôn Hoàng cho đến nay, từng đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, hiện giữ chức danh Viện trưởng danh dự Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, thành viên bảo tàng nghiên cứu. Đầu năm 1968 cha bà trong Cách mạng Văn hóa bị buộc nhảy lầu tự sát, bà trong Cách mạng Văn Hóa cũng đã bị bách hại rất nhiều.

Thuyết minh: Nguồn của các hình ảnh liên quan đến hang Mạc Cao, Đôn Hoàng trong series này, trừ trường hợp đặc biệt có ghi chú ra, đều lấy từ trong series sách “Trung Quốc Đôn Hoàng bích hoạ toàn tập”.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/263262