Cách Trung y chữa táo bón cho trẻ nhỏ

Tác giả: Thầy thuốc Trung y Lê Kha

[ChanhKien.org]

Đây là bức tranh “song long hí châu” thời cổ đại. Trong bức tranh là con rồng được vẽ đầu và đuôi đối với nhau, như vòng tràng hạt, trong thăng có giáng, trong giáng có thăng, giống như một vòng tuần hoàn lưu chuyển khí.

Sự tuần hoàn lưu chuyển khí cơ trong cơ thể con người cũng tương tự như vậy: “thăng giáng xuất nhập, vô khí bất hữu” (Hoàng đế nội kinh). Mấu chốt của trị bệnh là điều tiết sự thăng giáng xuất nhập (lên xuống, vào ra) của khí cơ. Một đại y học gia cho rằng: “đa phần chữa tạp bệnh trước tiên cần điều khí của nó, sau mới đến chữa chứng bệnh”.

Tháng 3 năm 2020, có một cậu bé 6 tuổi họ Trương đến khám bệnh. Cậu mắc chứng táo bón lâu ngày, hỏa dễ bốc lên.

Tục ngũ có câu: Lục phủ lấy giáng làm thuận, lấy thông làm dụng. Lục phủ là tên gọi chung của: mật (đảm), dạ dày (vị), ruột non (tiểu tràng), ruột già (đại tràng), bàng quang, tam tiêu (thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu), sáu cơ quan này là đường truyền hóa vật (đưa vào, bài xuất ra) của con người. Cơ thể người có bài tiết, thì mới có thể ăn vào, khí cơ là giáng trước rồi mới thăng sau.

Bé Trương bị táo bón từ khi sinh ra đến nay. Lúc thường thì ba ngày đại tiện một lần, khi nặng thì 10 ngày đại tiện một lần. Trước đó thì đại tiện ra phân cứng, sau đó mẹ cậu điều chỉnh ăn uống, phân trở nên mềm nhưng vẫn phải mấy ngày mới đi được một lần. Cậu đã được đưa đi khám Tây y, bác sỹ làm các xét nghiệm chụp chiếu kiểm tra kết luận rằng đường ruột của cậu quá dài, tích tụ nhiều phân, khuyên nên làm phẫu thuật hoặc đợi cậu lớn hơn một chút rồi làm phẫu thuật cắt ngắn đại tràng đi (Điều này quả là chưa từng nghe thấy!!!). Mẹ cậu không đành lòng.

Mấy ngày trước xem chương trình truyền hình “Thầy thuốc thích cay” của Đài Loan, mẹ cậu thấy có thông tin hiện nay nữ giới bị táo bón nhiều, đặc biệt là phụ nữ trong giới văn phòng, có những trường hợp cần làm phẫu thuật.

Kỳ thực, con người sống là nhờ vào một cỗ khí, nhờ vào sự thăng giáng xuất nhập của vòng tuần hoàn lưu chuyển khí. Việc này cũng tương tự như vòng tuần hoàn xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng của đất trời. Chúng ta sống trong thế giới này, cơ thể con người là tương thông với tự nhiên và vũ trụ. Bệnh táo bón của bé Trương chính là do hữu giáng xuất hiện vấn đề (Trung y có câu ‘tả thăng, hữu giáng’ để mô tả sự thăng giáng trong cơ thể người).

Sáng sớm dậy, miệng cậu có mùi hôi, ra nhiều rỉ mắt, sắc mặt vàng, ngoài ra, cậu thường dễ bị nhiệt miệng. Các triệu chứng trên cho thấy rằng người cậu có hỏa. Bởi đại tiện không thông suốt, tích lại gây ra sinh nhiệt, dẫn đến hỏa và độc sẽ bốc lên trên. Điều 180 trong sách “Thương hàn luận” có viết: “Dương minh chi vi bệnh, vị gia thực thị dã” (Nghĩa là: Bệnh của kinh dương minh là ở nơi dạ dày thực là đúng). Sách “Linh khu – Quyển thứ 2” có viết: “Đại trường thuộc thượng, tiểu trường thuộc hạ, kinh túc dương minh vị mạch dã. Đại trường tiểu trường giai thuộc vu vị, thị túc dương minh dã.” (Nghĩa là: Đại trường thuộc trên, tiểu trường thuộc dưới, kinh túc dương minh là mạch của dạ dày. Đại trường tiểu trường đều thuộc về dạ dạy, là thuộc kinh túc dương minh). Đặc điểm bệnh của kinh dương minh: Tân dịch (là một loại dịch trong cơ thể) bị mất, thành chứng táo bón.

Bé Trương ăn cơm chậm, không có cảm giác đói, ăn được ít, hơi gầy, chiều cao vẫn bình thường.

Sách “Tố vấn – Chương luận về Ngũ tạng” có nói: “Lục phủ giả, truyền hóa vật nhi bất tàng, cố thực nhi bất năng mãn dã. Sở dĩ nhiên giả, thủy cốc nhập khẩu, tắc vị thực nhi trường hư, thực hạ tắc trường thực nhi vị hư.” (Nghĩa là: Lục Phủ là cơ quan vận chuyển mà không chứa đựng cất giữ, vì thế mà không thể đầy. Cho nên nước và thức ăn từ miệng nào, nếu vào đến dạ dày (thực) thì ruột rỗng đi (hư), nếu vào đến ruột (thực) thì dạ dày rỗng đi (hư)). Lục phủ truyền hóa đồ ăn thức uống, đẩy thanh khí của thức ăn vào ngũ tạng, đưa cặn bã bài tiết ra ngoài cơ thể mà không tích chứa lại, do đó gọi là “thực nhi bất mãn dã”. Mỗi phủ đều có một thời giờ phù hợp để bài tiết chất cặn bã bên trong, nhờ thế mới có thể đảm bảo lục phủ thông suốt, chức năng được vận hành nhịp nhàng, vì lẽ đó mới có câu: “lục phủ dĩ giáng vi thuận, dĩ thông vi dụng”. Qua đó, nhấn mạnh vào hai chữ “thông”, “giáng”, nếu việc thông và giáng này bị thái quá hay không kịp thì đều thuộc vào trạng thái bệnh.

Phủ tràng của bé Trương thường bị đầy, vì lẽ đó phủ vị (dạ dày) của cậu làm sao có thể thụ nạp thêm đồ ăn được. Giống như mọi người thường nói là “Nuốt không trôi”. Trẻ nhỏ không biết biểu đạt rõ, bé chắc hẳn thường hay trướng bụng.

Về ăn uống, bé Trương thích ăn mì nước, uống nhiều nước, thích nước ấm, thích ăn thịt và thịt kho tàu. Bên trong có ‘nhu’ thì tất bên ngoài có ‘cầu’, điều đó nói lên rằng rõ tinh (tinh trong tinh-khí-thần) và dịch trong cơ thể cậu đều không đủ.

Thích ăn thịt và thịt kho tàu, có phải là tinh bất túc không? Quả đúng là như vậy! Thông thường khi chúng ta ở độ tuổi thanh niên, đa số không thích ăn thịt mỡ, da lợn, nhưng sau khi có tuổi thì lại thích những thức ăn dính dính keo keo, cũng bởi vì người đã già thì tinh huyết đã không còn đầy đủ.

Sắc mặt bé hơi vàng tối và sáng bóng, môi cũng không hồng, thích nằm sấp ngủ, uống nước ấm. Màu vàng này vốn là màu của Tỳ (lá lách). Cậu bé táo bón lâu ngày, ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng, tất nhiên sắc mặt không tốt. Chứng thích nằm sấp ngủ, uống nước ấm nói rõ lên rằng Tỳ và Vị của cậu bị hư hàn.

“Nội kinh” có nói: trung khí bất túc sẽ làm đại tiểu tiện thay đổi, là nói rằng trung khí (khí của tỳ vị) hư nhược có thể dẫn tới nhị tiện bất thường. Chứng đó là do chính khí không đủ, làm phẫu thuật không thể giải quyết nổi vấn đề.

Bé Trương hỏa dễ bốc lên nhưng lại sợ lạnh. Đặc biệt là lúc giao mùa, mũi bị dị ứng, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, ho. Trời hơi chuyển lạnh thì chân tay lạnh. Điều này chứng tỏ rằng vệ khí bất túc.

“Dương minh chi thượng táo khí trị chi” (trên kinh dương minh chủ trị là táo khí). Dương minh phục nhiệt, dẫn đến tân dịch trong mạch khô thiểu, huyết nhiệt đầy trướng, vệ khí bên ngoài mạch không còn. Vệ khí bảo vệ bên ngoài cơ thể, giống như bộ quần áo của con người vậy.

Bé Trương ra mồ hôi nhiều, ngủ tốt. Buổi sáng dậy nước tiểu rất vàng. Chất lưỡi đỏ, ít rêu, phần lưỡi giữa hơi vàng, đầu lưỡi đỏ. Đây cũng là bằng chứng trong cơ thể cậu có hỏa, nhiệt, táo.

Bởi trẻ nhỏ là “trĩ âm trĩ dương chi thể”, “trĩ” có ý là còn nhỏ, còn non nớt, tạng phủ chưa đầy đủ, hành khí chưa thịnh. Vì thế dù là ăn uống, điều dưỡng hay điều trị bằng thuốc, thì đều phải rất thận trọng sử dụng những vị đắng mạnh, vị hàn mạnh, vị cay mạnh cũng như là sử dụng những thuốc công phạt, mãnh liệt, có độc đều nên phải thận trọng khi dùng, trung bệnh tức đình (khi có hiệu quả thì dừng để điều chỉnh thuốc). Khi dùng thuốc điều trị, từ đầu tới cuối cần bảo hộ cho tỳ vị.

Căn cứ phân tích bên trên, tôi đã kê ra phương thuốc “Ất vị giáp đảm phong hỏa” (phương thuốc dựa trên bài thuốc của lão thầy thuốc trung y Lý Khả truyền lại):

Bạch thược 30g, Chích cam thảo 30g, Bạch truật 50g, Phục linh 15g, cho thêm vị Kê nội kim 15g và Ô mai 6g. Cắt 3 thang, uống 3 ngày.

Sau 2 ngày uống thuốc, mẹ cậu giúp cậu xoa bóp vùng bụng, đại tiện ra 2 cục phân lớn. Ngày thứ 3 ở nhà trẻ lại đi ra một bãi phân lớn.

Hiệu bất canh phương (khi phương thuốc đã có hiệu quả thì không đổi): Ất vị giáp đảm phong hỏa phương thêm vị: Bạch thược 30g, Sinh cam thảo 15g, Chích cam thảo 15g, Bạch truật 50g, Phục linh 15g, cho thêm vị Kê nội kim 15g, Thái tử sâm 15g, hạt trái xoài 15g và Ô mai 6g. Cắt 3 thang uống 6 ngày.

Triệu chứng bệnh của đứa bé đó là táo bón, các loại thuốc tháo ra thường được dùng có thể kể đến như: Đại hoàng, Mang tiêu, Nhục thung dung, Đại ma tử, Bá tử nhân, v.v. đều không có tác dụng, nhưng [dùng phương thuốc trên] hiệu quả rất tốt.

Trẻ nhỏ hỏa dễ bốc lên, tâm là quân hỏa, trong can đảm (gan và mật) tụ tướng hỏa. Cơ thể trẻ nhỏ là thuần dương, dương khí sung thịnh. Khi trẻ thức thì hay trèo leo hiếu động, không ngơi nghỉ chút nào, khó được yên tĩnh, là tượng của hỏa. Dương khí sung thịnh thì âm dịch dễ không đầy đủ, vì thế ta thường thấy chứng táo bón ở trẻ nhỏ, đặc điểm sinh lý này cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, không thể dùng thuốc sát phạt lực thăng phát của trẻ nhỏ – dương khí, không thể tùy tiện thanh hỏa. Cách làm chính xác là chuyển hóa [hỏa để cho] quy vị.

Trong “Thương hàn luận” có viết rằng, phương thuốc “Thược dược cam thảo thang” có thể giáng giáp đảm (trong trung y coi mật thuộc về đông phương giáp-ất, nên gọi là giáp đảm); Ô mai thu giáng tướng hỏa li vị; giải quyết việc ‘hữu giáng’.

Hai vị Sinh cam thảo và chích cam thảo mỗi thứ một nửa giải quyết vấn đề trung thổ (tỳ-vị) vừa hàn vừa nhiệt.

Bạch truật, Kê nội kim là đối dược, bậc thầy trung y Trương Tích Thuần cho rằng: “Bạch truật để kiện dương cho vị, làm cho nhuận động hữu lực” (tiêu hóa đồ ăn thức uống cũng dựa vào nhu động của dạ dày). Tỳ chuyển tân dịch cho vị, thang thuốc dùng lượng lớn Bạch truật giải quyết táo nhiệt của kinh dương minh. Kê nội kim là tỳ vị của gà, là thứ có thể tiêu hóa cả sứ, đá, sắt trong đó, lấy tỳ vị để bổ tỳ vị, ngoài ra còn dẫn lực của các vị thuốc bổ. Một vị có tác dụng bổ một vị có tác dụng tiêu, trong bổ lại có tác dụng khơi thông, kiện tỳ bổ vị.

Hạt trái xoài: Có công dụng loại bỏ chứng thấp, có lợi cho chứng táo, hỗ trợ thêm cho việc trị chứng táo thấp ở trung tiêu.

Trong phương thuốc có dùng đến Tứ quân tử thang, gồm: Sâm, Linh, Truật, Thảo, công năng cũng là kiện tỳ vị, làm vững và bảo vệ trung khí (khí của tỳ vị).

Giáp đảm hễ giáng xuống, tướng hỏa hạ xuống dẫn đến chứng bí, gốc của dương vững chắc, làm vững và bảo vệ căn khí (khí của thận).

Giáp đảm hễ giáng, ất mộc (khí của can, tức gan, gan thuộc hành mộc ở phương giáp ất nên gọi là ất mộc) sẽ tự thăng lên, làm vững và bảo vệ sự nảy nở xanh tốt.

Trung khí, căn khí, sự nảy nở xanh tốt, nói một cách đơn giản là khí của 3 tạng âm trong cơ thể là Tỳ, Thận, Can. Căn cơ của nguyên khí là ở Thận, có lực sinh trưởng; trung khí sinh ra từ nguyên khí, là gốc hậu thiên của cơ thể người; Can là tạng sinh ra nguyên khí. Lực sinh phát thủ thế đợi chờ phải chăng là rất mạnh, là một sinh cơ then chốt khác của con người. Trung y không phải là y học chủ trương thay thế, cắt bỏ, phương pháp trị bệnh của nó là phù [trợ] chính [để] khu [trừ] tà. Thứ trị bệnh chân chính là chính khí của bản thân cơ thể con người.

Sau khi vòng tuần hoàn lưu chuyển khí được khôi phục, bé Trương mỗi ngày đều đi đại tiện, ăn uống cũng dần dần cải thiện.

[Chú ý] Xin người đọc không nên tự ý sao chép phương thuốc trên để dùng, có bệnh xin hỏi ý kiến của thầy thuốc chuyên ngành.

[Tham khảo] Giáo sư Lữ Anh – “Trung khí và lâm sàng”.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/261260