Y Sơn dạ thoại (16): Nhịp điệu của sinh mệnh

Tác giả: Thạch Ngọc Khôn / Ngọc Minh

[ChanhKien.org]

Chúng ta đều biết rằng âm nhạc có nhịp điệu, vậy thì cuộc sống cũng có nhịp điệu không? Trước tiên, chúng ta xem một thí nghiệm: Đưa một người ở trong một căn phòng, để người ấy làm những gì mà anh ta thích, nhưng không cho bất cứ dấu hiệu nào để tham chiếu thời gian: không có đồng hồ, việc cung cấp bữa ăn cũng không theo quy luật, kết quả là sau một tháng người bị nhốt ấy đã phát điên. Điều này cho thấy rằng thời gian chính là nhịp điệu, khi nhịp điệu bị đảo lộn, sinh mệnh cũng bị rối loạn.

Cơ thể con người có quy luật thời gian, “đồng hồ sinh học của cơ thể người” này chạy đến đâu và cơ thể nên làm gì thì thân thể sẽ tự biết. Vì vậy, việc ăn uống, ngủ nghỉ và bài tiết thông thường đều có quy luật. “Đồng hồ” này không những sẽ mách cho con người biết khi nào cần làm gì, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục vi phạm chỉ dẫn của nó thì nó sẽ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, “chìa khóa” của chiếc đồng hồ này không nằm trong tay của chính bản thân người đó. Trong vô hình, có một vị Thần đang âm thầm trông coi và kiểm soát nghiêm ngặt tất cả những việc này.

Vậy giữa “đồng hồ” này của cơ thể con người này và đồng hồ đo thời gian trong cuộc sống hàng ngày có mối quan hệ gì?

Chúng được kết nối và tương thông chặt chẽ với nhau.

Khí huyết là thứ tinh hoa, vi diệu trong cơ thể người và nó có tính lưu động nhất định. Người xưa cho rằng khí huyết lưu thông theo kinh mạch đến khắp các bộ phận trên cơ thể, đưa các chất dinh dưỡng đến phủ tạng và bách mạch của tứ chi. Sự lưu thông máu đến các cơ quan nội tạng này có cùng nhịp điệu thời gian với sự lên xuống của thủy triều. Trong một canh giờ nào đó, khi khí huyết lưu thông vào kinh mạnh của một phủ tạng thì công năng của nơi đó sẽ cường thịnh, ngược lại thì là lúc công năng của nơi đó sẽ suy giảm; Trong một canh giờ nào đó, khi một phủ tạng nào đó không được khí huyết lưu thông đầy đủ thì công năng của nó đang ở thời điểm suy nhược nhất. Đây là nhịp điệu của 12 canh giờ.

“12 canh giờ” này chia ngày và đêm thành 12 khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian được đặt tên theo 12 địa chi. Các bạn có thể đã biết mối quan hệ tương ứng giữa “12 canh giờ” và 24 giờ hiện tại như sau: Bắt đầu từ giờ Tý lúc 23 giờ, cứ hai giờ đồng hồ là một canh giờ, được gọi là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Mỗi canh giờ đều có một kinh mạch tương ứng, chủ tuyến của nó là: từ 1-3 giờ sáng, bắt đầu từ kinh mạch của phổi, sau đó tuần tự mỗi 2 giờ, đường kinh mạch của đại tràng 3-5 giờ, dạ dày 5-7 giờ, lá lách 7-9 giờ, tim 9-11 giờ, ruột non 11-13 giờ, bàng quang 13-15 giờ, thận 15-17 giờ, màng tim 17-19 giờ, tam tiêu (cách gọi của Đông Y, thượng tiêu là lưỡi, thực quản, tim phổi; trung tiêu là dạ dày; hạ tiêu là ruột non, ruột già, thận và bàng quang) 19-21 giờ, túi mật 21-23 giờ, gan 23 giờ đêm -1 giờ sáng. Mỗi kinh mạch có một canh giờ tương ứng. Vì vậy, với tạng phủ bị bệnh nặng nhất, thì thường là vào những canh giờ mà sinh mệnh đi đến bộ phận đó kinh mạch sẽ dừng ở đó không chạy tiếp được nữa.

Người tu Đạo trong quá khứ hiểu được quy luật lưu thông tuần hoàn của kinh lạc và khí huyết. Cho nên, dân gian có phương pháp gọi là điểm huyệt, tức là căn cứ theo hướng đi của đồng hồ sinh mệnh của cơ thể người, khi khí cơ huyết mạch của một người đến một huyệt đặc định của một kinh lạc nào đó, thì điểm vào đó, nó có thể làm cho bạn đứng yên không thể cử động được hoặc cũng có thể làm cho bạn nằm xuống không thể dậy, sau một vài giờ nó sẽ tự động được mở ra. “Người ngoài cuộc thấy hay ho, người trong cuộc mới thấy được thực chất”, người biết mạch khí có thể chỉ tay một cái là có thể giải khai.

Trên đây là nhịp điệu của 12 canh giờ và dòng chảy của các đường kinh mạch của cơ thể người. Tiếp theo là nói về nhịp điệu của sinh mệnh, ảnh hưởng của trạng thái tròn – khuyết của mặt trăng đối với cơ thể con người.

Biểu hiện rõ ràng nhất về sự ảnh hưởng của sự thay đổi chu kỳ của mặt trăng đối với con người chính là chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày của phụ nữ, vừa hay lại nằm giữa chu kỳ “hằng tinh nguyệt” 27 ngày (chu kỳ tự quay của mặt trăng) và chu kỳ “sóc vọng nguyệt” 29 ngày (tháng âm lịch, còn gọi là pha mặt trăng), độ dài của hai chu kỳ là bằng nhau. Chu kỳ mặt trăng cũng có mối quan hệ tương hỗ với thời gian sinh nở của con người, tuyệt đại đa số sản phụ sinh con sau ngày trăng tròn.

Sự thay đổi tròn khuyết của mặt trăng cũng liên quan đến những thay đổi trong trạng thái tinh thần của con người. Người Babylon cổ đại gọi bệnh nhân tâm thần là “Lulatic”, nghĩa là một căn bệnh bị ảnh hưởng bởi mặt trăng. Hiện nay người Mỹ cũng thường sử dụng thuật ngữ này. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tâm thần thực sự dễ phát bệnh khi trăng tròn.

Sự thay đổi trạng thái tinh thần của con người cũng liên quan đến mặt trăng. Trăng tròn có thể khiến mọi người cảm thấy bất an, căng thẳng, buồn bực và mơ mộng viển vông. Khi trăng tròn có thể gợi cho con người sự hồi tưởng về nỗi buồn, sự u uất và phiền muộn trong quá khứ, khiến các nhà thơ phải viết lên những câu thơ tuyệt tác.

Trong sách Hoàng đế nội kinh, chương Tố vấn – Bát chính thần minh luận có viết rằng: sự mạnh yếu của sức khỏe, khí huyết, cơ bắp, kinh mạch trong cơ thể người tương ứng với sự tròn khuyết của mặt trăng. (Khi trăng bắt đầu mọc thì khí huyết bắt đầu được tinh luyện, vệ khí bắt đầu vận động; khi trăng tròn thì khí huyết sung mãn, cơ bắp săn chắc; trăng khuyết thì kinh lạc yếu, vệ khí mất).

Trăng tròn hay khuyết cũng liên quan đến cái chết của con người. Trong số những người chết vì bệnh mãn tính và suy kiệt, hầu hết đều chết trong thời kỳ thủy triều rút và thủy triều thấp, tức là vào nửa cuối của tháng. Bệnh nhân tai biến mạch máu não, xuất huyết đột quỵ v.v. tử vong trong nửa đầu của tháng. Bệnh lao phổi ho ra máu hầu hết xảy ra vào bảy ngày trước trăng tròn. Vào những ngày giữa tháng trước và sau ngày 15, tỷ lệ phát bệnh xuất huyết đường tiêu hóa cao nhất. Những người sống ven biển sẽ thấy rõ rằng vết thương bị chảy máu có liên quan đến sự lên xuống của thủy triều, khi thủy triều lên thì chảy máu nhiều hơn. Điều này nói lên rằng sự tròn khuyết của mặt trăng cũng có liên quan tới sự chảy máu của cơ thể con người.

Mặt trăng tròn khuyết, bốn mùa nóng lạnh giao thoa, các hành tinh tự chuyển động và chuyển động quanh hành tinh khác, tất cả đều có nhịp điệu riêng.

Nơi nào có sự sống thì nơi đó có nhịp điệu, mặt trời mọc và lặn, thủy triều lên và xuống, có gì khác biệt với với nhịp tim và nhịp thở của chúng ta không?

Có nhiều loại cây trồng cũng có nhịp điệu, ví dụ cây ăn quả có năm đậu quả nhiều, có năm đậu quả ít, hai năm là một chu kỳ, đất cũng có nhịp điệu.

Một bác sĩ người Đức đã từng nói chuyện với tôi về âm nhạc của Beethoven trên bàn ăn tối. Anh ấy dùng tay gõ lên bàn, vỗ nhẹ theo tiết tấu “Bản giao hưởng định mệnh” và nói: “Tiếng gõ cửa của định mệnh này cũng giống như nhịp đập của trái tim”. Có thể thấy rằng cảm xúc được phản ánh bởi tiết tấu của âm nhạc có liên quan mật thiết đến nhịp điệu của cơ thể con người chúng ta.

Trong thần thoại Hy Lạp, có một vị Thần thời gian tên là Orpheus, rất thích âm nhạc. Mỗi ngày, khi ông đánh đàn thì mặt trời nhảy khỏi mặt đất theo tiếng hát của ông và lặn vào dãy núi phía Tây cùng với tiếng hát của ông. Nơi nào có thời gian thì nơi đó có nhịp điệu.

Nếu các đường kinh mạch không còn lưu chuyển theo chu kỳ, thì nó giống như hành tinh đã ngừng chuyển động; nếu thủy triều không lên xuống theo chu kỳ thì giống như trời đất đã ngừng nhịp đập, nơi nào không có nhịp điệu thì không có sinh mệnh, giống như nước không có gợn sóng là nước chết.

Loạt bài về “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người, hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/262800