Thành ngữ điển cổ: “Hoa phong tam chúc”

Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Xuất xứ điển cố thành ngữ này là từ ghi chép trong cuốn Thiên địa của Trang Tử về Thánh vương Đường Nghiêu thời thượng cổ, Đường Nghiêu chính là vua Nghiêu trong “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang”, khi ông đi tuần tới Hóa Châu (nay là huyện Hóa, Thiểm Tây và phụ cận). Có một “phong nhân” nhìn thấy ông. “Phong nhân” là tên một chức quan cổ đại, chưởng quản việc xây dựng gò đất và trồng cây làm giới mốc bốn phía quanh kinh đô, đất phong và thái ấp. Vị Phong nhân này bày tỏ sự tôn kính với Đường Nghiêu và chúc: “Xin chúc thánh nhân, chúc ngài giàu có, chúc ngài trường thọ, chúc ngài nhiều con trai”, ý tứ chính là xin Trời ban phúc cho Thánh vương Đường Nghiêu, cho ông nhiều của cải, sống lâu, nhiều con cái.

Không ngờ Đường Nghiêu lập tức từ chối: “xin không nên cầu khấn Trời như vậy”. Phong nhân không rõ liền hỏi: “Giàu có, trường thọ, đông con đều là điều mọi người hy vọng, vì sao ngài lại một mực không thích?” Đường Nghiêu đáp: “Con trai nhiều thì lắm lo sợ; giàu có thì lắm phiền phức; sống lâu thì chịu lắm thứ nhục nhã. Ba thứ đó đều không dùng để dưỡng đức của con người, nên từ chối vậy”. Đoạn ghi chép này tuy rằng giản đơn, lại ẩn chứa đạo lý rất sâu sắc, tư tưởng của Thánh vương Đường Nghiêu cùng vị phong nhân kia rõ ràng không ở cùng một cảnh giới, điều Đường Nghiêu quan tâm là “dưỡng đức”, vị phong nhân lại cầu mong những lợi ích thế gian mà người đời vẫn hay mong cầu như giàu có, sống lâu v.v… Tuy rằng Đường Nghiêu đặt chí hướng ở đạo đức, nhưng cũng không cấm đoán những khát vọng giàu có, sống lâu, đông con của vị phong nhân. Dần dà về sau, câu nói “hoa phong tam chúc” {vốn âm ban đầu là Hóa, âm Hoa là người sau này đọc} trở thành thành ngữ với ý nghĩa là chúc cho người khác có thể đạt được những nguyện vọng tốt đẹp ở nhân gian như giàu có, sống lâu, đông con v.v…

Tỷ như thời cuối Nguyên đầu Minh thi nhân Dương Duy Trinh đã vận dụng điển cố này viết câu thơ “Nguyện hiệu Hoa phong trần kính chúc” (dịch nghĩa: xin được học theo chuyện Hoa phong xưa mà kính chúc). Ngoài ra hội họa cũng dựa theo điển cố này, về sau trở thành một trong những hình vẽ cát tường truyền thống của Trung Quốc. Thông thường dùng hình ảnh cây trúc đồng âm với chữ “chúc”, kết hợp với thêm hai loại hoa cỏ cát tường khác, vẽ sao cho có số lượng là ba để diễn tả ngụ ý “tam chúc”; hoặc vẽ ba cây trúc, ngụ ý “tam chúc”, tỷ như văn nhân Trịnh Bản Kiều đời Thanh từng đề thơ trong tranh: “Tả lai tam chúc nãi tam trúc, họa xuất hoa phong thị lưỡng phong” – “Viết tam chúc thành ba cây trúc, vẽ ra hoa phong thành hai ngọn núi”.

Ngoài ra, trong điển cổ này có thể thấy được Đường Nghiêu là vị Thánh nhân xem trọng đức hạnh. Ông cũng là một trong những Thánh nhân đặt nền móng cho văn hóa Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa từ buổi ban đầu đã chính là văn hóa coi trọng đạo đức. Đương nhiên nếu là người thường không làm chuyện xấu, với tiền đề là không làm tổn đức, thì truy cầu lợi ích nhân gian cũng không có gì là sai, “Quân tử ái tài thủ chi hữu đạo” (nghĩa là người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý). Còn Trung Cộng ở đây lại hoàn toàn tương phản, nó mang tới thuyết vô thần làm cho con người không kính Trời, không tin Thần, khiến cho người ta đánh mất đi sự kính sợ đối với Thần linh cũng như đạo đức, sau đó lại lợi dụng việc con người truy cầu đối với lợi ích thế gian, khiến người ta dùng tiền bạc để đo lường mọi việc, trong mắt chỉ toàn là tiền, vì tiền vì lợi ích mà không việc ác nào không làm, cuối cùng hủy diệt triệt để đạo đức của con người. Có thể thấy Trung Cộng là tổ chức tà ác hoàn toàn đi ngược lại văn minh Trung Hoa.

Dịch từ: http://zhengjian.org/node/255830