Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 21)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Các đế vương thời cổ đại đặt định, tuân thủ lễ nghĩa, định ra các quy tắc, mục đích là để duy trì bảo hộ đạo nghĩa và luân lý con người, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đây là một trong những nghĩa vụ trọng đại của đế vương. Có nghĩa là, ở vị trí quân vương, họ phải có trách nhiệm lấy mình làm gương, duy trì bảo hộ đạo lý làm người, định ra lễ chế, giáo hóa bách tính. Vì thế chúng ta thấy rằng, chương “Luận về Lễ nhạc” không đặt trọng điểm vào ghi chép lại nội dung cụ thể về chế độ lễ nghĩa của nhà Đường, mà tập trung ghi chép lại tường tận toàn bộ quá trình quân thần Đường Thái Tông thảo luận và phân tích nguyên do định ra lễ nghĩa đó, qua đó đã nhận thức thấu triệt về Lễ. Trước tiên chúng ta hãy xem xét Đường Thái Tông với vai trò là vua của một nước nhìn nhận thế nào đối với Lễ và ông đã quy chính nó như thế nào.

Học sách vở kinh điển để thông hiểu về tình và lý, ngăn chặn tận gốc cực đoan

Chương “Luận về Lễ nhạc” bắt đầu bằng việc Đường Thái Tông luận bàn về lễ tránh tên húy của các đế vương. Đoạn mở đầu này không những đã cho thấy Thái Tông hiểu rõ trách nhiệm quy chính lễ nghĩa của mình, mà ông còn lấy thân làm gương, tuân theo tôn chỉ, dựa vào sách vở kinh điển của thánh hiền, không vì bản thân là đế vương mà có thể mặc sức làm bừa, tự cho mình là nhất, tùy tiện định ra lễ. Đồng thời qua đó chúng ta cũng có thể thấy được kiến thức anh minh thông hiểu tình và lý của Thái Tông, ông không bị lạc vào những giáo điều cổ hủ. Việc làm của Thái Tông quả là đã khiến mọi người tâm phục.

Đường Thái Tông khi mới lên ngôi, nói với các thị thần: “Theo ‘Chu lễ’, tên của đế vương, đến khi chết mới tránh húy, để bày tỏ sự tôn kính. Nhưng dù là các đế vương ngày xưa cũng không tránh phạm húy tên mình khi còn sống, vì thế tuy Chu Văn Vương tên Xương nhưng trong ‘Chu thi’ của Nhà Chu cũng chưa từng tránh dùng chữ Xương, vẫn có câu thơ rằng “Công khắc cơ xương chi hậu”. Thời Xuân thu, Lỗ Trang Công tên Đồng, năm Trang Công thứ 16 trong ‘Kinh Xuân Thu’ có câu rằng: “Tề Hầu, Tống Công kết đồng minh ở đất U” (ý là chữ đồng minh trong câu có tên của Lỗ Trang Công. Cũng không phải vì Lỗ Trang Công tên Đồng mà tránh phạm húy chữ đồng, cần phải thay đổi những lề thói cổ hủ). Chỉ có sau này, đế vương cận đại giải thích sai kinh điển, tự cho mình là nhất, mới thêm bừa các hạn chế, cấm kỵ không hợp tình hợp lý, cực kỳ cực đoan, hạ lệnh tránh húy tên của đế vương khi còn sống. Ta cho rằng những đạo lý chưa thông đạt như thế này thì không nên cho phép lưu hành, cần có sự thay đổi. Do đó xuống chiếu rằng: Theo sách ‘Kinh Lễ’, trong các văn tự hai chữ trong tên vua chỉ cần không xuất hiện liền nhau, thì không cần phải nhất nhất tránh húy. Khổng Tử là bậc thánh nhân thông hiểu sự lý, không phải không có chỉ bảo. Gần đây, người đời giải thích sai những chỉ dạy của Khổng tử, biến thành những giáo điều cực đoan, thêm vào nhiều hạn chế không hợp lý, tránh húy từng chữ một trong hai chữ, làm ra nhiều tránh húy, tùy tiện làm như vậy là vi phạm chỉ dạy của ‘Kinh Lễ’. Nay cần căn cứ theo kinh điển, cần phải lược bỏ, học theo thánh nhân thời trước, hoàn nguyên và quy chính nghĩa vốn có của lễ, để lại phép tắc cho hậu thế. Từ nay về sau, trong văn thư điển tịch công tư, tên người và tên xưng hô của của quan viên, chỉ cần hai chữ “Thế” và “Dân” trong tên ta không đọc liền với nhau đều không phải tránh húy.”

Thái Tông quy chính Lễ, quay lại bản chất của Lễ

Từ đoạn văn trên, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, khi Thái Tông luận bàn về Lễ, định ra Lễ, đầu tiên lấy bản thân làm gương, hoàn toàn không vì bản thân là đế vương mà muốn sao làm vậy, tự cho mình là nhất. Ông muốn quy chính ý nghĩa nguyên bản của Lễ, quay lại hàm nghĩa chân thực của kinh sách và những lời dạy của Khổng Tử. Ông đã dùng nó để làm gương cho người trong thiên hạ, dạy bảo cho muôn dân, để lại phép tắc cho hậu thế, trở thành căn cứ chính xác để người đời sau hiểu rõ về lễ.

Cũng có nghĩa là, thân làm đế vương, ông hoàn toàn hiểu rằng việc tuân theo Lễ, định ra Lễ phải bắt đầu từ việc quy chính bản thân mình, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của đế vương. Lễ có rõ ràng và chính xác hay không, không chỉ ảnh hưởng đến Lễ tiết của triều đình, mà còn liên quan đến phong tục lề thói của hậu thế. Nếu ông lý giải không đúng, vậy thì chế độ lễ nghĩa được chế định ra tất nhiên sẽ gây hại đến toàn xã hội, hơn nữa còn ảnh hưởng đến hậu thế, tạo nên những giáo điều cổ hủ cho đời sau, thậm chí đi ngược lại kinh sách, trở thành việc không phù hợp với đạo nghĩa. Như thế, Lễ sẽ mất đi tác dụng vốn có của nó, trở thành không thấu tình đạt lý, chỉ dùng để duy trì bảo hộ cho thể diện và địa vị của đế vương. Nếu như thế, trên làm sao dưới sẽ làm vậy, vậy thì mất đi ý nghĩa vốn có của lễ là duy trì bảo hộ đạo đức luân lý của con người.

Vì thế, khi ông lên ngôi không lâu, ông đã bắt đầu quy chính lại những vấn đề do giải thích sai lệch về tôn ti, thứ bậc trong lễ nghĩa, ông phát hiện ra một số cách làm sai của các đế vương thời cận đại xuất phát từ việc giải thích sai kinh sách và những lời dạy của Khổng Tử. Thái Tông nhìn nhận, đế vương là địa vị tôn quý, bách tính và đại thần theo lẽ cần theo danh phận tương ứng mà có sự tôn kính thích đáng với người trên, vì vậy, theo đạo đức luân lý về đạo nhân nghĩa của con người, cần phải có lễ nghĩa với bậc trưởng bối, vậy đối với bậc đế vương lại càng cần phải tôn kính hơn. Nhưng không thể vì thế mà có thể theo lẽ tư mà làm bừa, một mực duy hộ thể diện của đế vương một cách không hợp lý, tự cho bản thân mình là nhất, giải thích sai ý nghĩa nguyên gốc của Lễ và kinh sách, để rồi tránh phạm tên húy đến mức cực đoan, dẫn đến cuộc sống, công việc, viết văn đều trở nên rất bất tiện. Thái Tông đã nhìn ra tính nguy hại do nhận thức sai lầm này.

Thực ra bất cứ thời đại nào cũng có một bộ phận người xuất hiện những hiện tượng cực đoan, cũng sẽ xuất hiện những người đọc sách máy móc, rập khuôn, giáo điều hủ bại (Bộ phận những hiện tượng không tốt này bị Trung cộng phóng đại một cách thâm hiểm, lợi dụng đó để bẻ cong văn hóa, lịch sử thời cổ đại). Nhưng vẫn luôn có người nhận thức ra và không ngừng quy chính nó. Một chút nhận thức của thiểu số những văn nhân hủ bại đó không thể đại diện cho toàn bộ dòng chảy chính, không thể vì thế mà coi trọng những hiện tượng ngắn ngủi tạm thời này, không thấy được sự vĩ đại của toàn bộ văn hóa Trung Hoa, không tìm được sự tự tôn của dân tộc mình. Lễ thực chất là để duy trì, bảo hộ đạo nhân nghĩa, chứ không phải để duy trì, bảo hộ tư tình cá nhân.

Thận chung truy viễn, quy chính theo đạo, còn gì anh minh hơn thế!

Từ đoạn văn này chúng ta nhìn ra được thêm một điểm, chỉ cần có sách vở kinh điển của tổ tiên để lại, thì dù văn nhân hay đế vương đời sau có xuất hiện bao nhiêu sai lầm hay chệch hướng thế nào cũng sẽ bị người ta phát hiện ra. Giống như chuyện của Thái Tông ở trên, nhờ đọc sách vở kinh điển tìm ra căn cứ nên ông có thể có suy nghĩ độc lập, xuất phát từ kinh điển nguyên gốc, xuất phát từ những lời dạy bảo của Thánh nhân Khổng Tử, dựa trên cách làm và chỉ dạy của tổ tiên tam đại (Hạ, Thượng, Chu) thời thượng cổ mà ông đã phát hiện ra chỗ không đúng ở thời cận đại để quy chính nó. Ông có thể từ trong biển sách mênh mông của các thời kỳ lịch sử, từ trong lời lẽ của các gia các phái để tìm được đầu mối mà hình thành được kiến thức, lý lẽ đúng đắn và đưa ra những phán quyết chính xác.

Sở dĩ Nhật Bản được như ngày nay là do sự hưng khởi của đế vương học, họ nghiên cứu “Trinh Quán chính yếu”, nghiên cứu các sách vở kinh điển của Khổng Tử, nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Họ chưa từng bôi nhọ hay cắt đứt với văn hóa chính thống thời cổ đại và những đạo lý truyền thống về cách làm người, đó là sự tôn kính của họ với truyền thống. Chỉ là trong trào lưu phát triển kinh tế, giới trẻ của họ đã bắt đầu quên mất những điều này, một bộ phận người chỉ vì lợi trước mắt, dẫn đến chính trị, kinh tế và giáo dục đã xuất hiện những hiện tượng vô đạo đức, người ta cảm thấy nguy hiểm và kinh sợ bèn vội vã kêu gọi trở về với đạo đức truyền thống, học tập lời dạy của tổ tiên. Tức là, chỉ cần trong tâm còn có lòng kính ngưỡng với sách vở kinh điển và thánh hiền thời xưa, còn có sách vở kinh điển và những thực tiễn của tổ tiên làm tham chiếu và căn cứ, thì cho dù nhất thời mê mờ đi lệch cũng có thể quy chính lại.

Đáng sợ là Trung Quốc hiện nay đã trải qua thời Cách mạng văn hóa, các sách vở kinh điển của Nho gia đều bị phê phán và cười nhạo, giá trị quan của tổ tiên và giá trị quan lịch sử đã bị vứt bỏ, không còn kinh sách để chỉ đường nữa. Việc này không chỉ làm người ta khi gặp vấn đề sẽ không thể nào đưa ra được phán đoán chính xác, mà còn có thể khiến bè phái tiểu nhân thâm hiểm hoành hành, khiến cho tiểu thuyết, kịch của các nhà văn, các tác phẩm điện ảnh tùy ý giải thích sai về lễ giáo văn hóa, tư tưởng trung nghĩa của Trung Quốc; khiến người Trung Quốc giải thích sai rằng họ là những kẻ ngụy quân tử ra vẻ đạo mạo, không biết đúng sai, mang những diễn xuất hạ lưu vô sỉ đó đổ lên đầu người xưa. Những điều này khiến cho người Trung Quốc cười nhạo tổ tiên, đạo đức bại hoại, mất đi căn cứ và trí tuệ để quy chính những điều sai lầm.

Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử có câu “Thận chung truy viễn, dân đức hậu quy”, nghĩa là dạy bảo [người lãnh đạo] cần tuân theo tổ tiên thời xa xưa, từ đầu đến cuối đừng quên nghĩa nguyên gốc của kinh sách, theo đó mà học cách làm người và dạy bảo người dân trăm họ, thì đó cũng chính là quy chính phong tục tập quán và đạo đức của người dân rồi đó. Thái Tông hiểu sâu sắc lời dạy của Khổng Tử, dựa vào kinh sách để quy chính lễ chế, thu được kiến thức anh minh quyết đoán. Nhờ thế Đại Đường mới trở thành Lễ nghĩa chi bang, huy hoàng thiên cổ, được cả thế giới kính trọng và ngưỡng mộ.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/249381