Câu chuyện luân hồi: Dấu chân lưu lại trước tượng Tam Thế Phật

Tác giả: Hải Ngạn

[ChanhKien.org]

Khoảng chừng 5 năm trước, trong khi không ngừng tu luyện, tôi đã thấy được một tiền kiếp xa xưa hơn 2.000 năm trước của mình. Điều này đã khiến tôi hiểu ra được nguyên nhân của việc vì sao bản thân tôi trong kiếp này cứ luôn muốn tới vùng Đại Tây Nam sinh sống. Ngoài ra còn có một điều bất khả tư nghị khác là: Người con trai trong kiếp trước của tôi trong hiện tại chính là người thư ký làm việc trong văn phòng nơi tôi cũng đang làm việc tại đó. Anh ấy vẫn chưa mất đi huệ căn, kiếp này là một tín đồ Kitô ngoan đạo, nhưng tôn giáo đối với anh ấy chỉ là một niềm tin đơn thuần. Anh ấy không hiểu việc tu hành là gì và cũng không biết làm sao để tu lên. Anh ấy thích mời tôi đi ăn cơm cùng, ăn xong thì cùng nhau tản bộ, tôi cũng nói một chút chuyện tu luyện Phật gia với anh ấy. Anh ấy hỏi tôi: “Con người thực sự có thể loại bỏ các chủng nhân tâm và dục vọng sao?” Tôi nói: “Đương nhiên điều đó là có thể”. Anh ấy nói đây là bản tính con người rồi, làm sao có thể loại bỏ chúng được đây? Tôi nói cho anh ấy biết: Trong “Kinh Thánh” chẳng phải cũng có 10 điều răn của Moses hay sao? Chỉ tin vào Thần thì vẫn chưa đủ, cần chiểu theo giáo pháp của Thần mà thực hiện thì tự nhiên sẽ có thể vứt bỏ tất cả những điều đó, cuối cùng sẽ buông bỏ được tất cả các nhân tâm và chấp trước. Cho dù là thiên đường của Kitô giáo, hay thế giới Phật quốc của Phật gia, thì đều cực kỳ thánh khiết và tốt đẹp. Mang theo tư tưởng dơ bẩn, thậm chí là tà ác và thất tình lục dục thì làm sao tới được thế giới thiên quốc đây. Và cho dù có tới được đó đi chăng nữa thì cũng không thể ở lại được! (Ở đây tôi không nói thấu rõ được chuyện nhân quả kiếp trước cho anh ấy, vì tín đồ Kitô không tin vào luân hồi).

Lại nói về câu chuyện vào hơn 2.000 năm trước. Tại vùng núi sâu thuộc tỉnh Quý Châu ngày nay, trong kiếp đó, tôi là một tăng sĩ trong một tăng đoàn có ít người. Mọi người khi ấy còn tu hành chiểu theo lời dạy của Phật tổ, trên thân thì khoác tăng bào màu vàng đậm, hàng ngày chân trần đi khất thực. Trong tăng đoàn của tôi, đại sư huynh là người có đạo hạnh cao thâm và được mọi người tín nhiệm nhất. Tôi trong kiếp ấy cũng có vóc người cao lớn, đồng thời là người cao nhất trong tăng đoàn và lại có sức khỏe phi phàm. Có một ngày tôi cùng đại sư huynh, hai người chúng tôi đi vân du qua một vùng sơn lâm hoang dã thì giữa đường bỗng gặp phải 2 – 3 tên sơn tặc tìm đến chúng tôi để cướp bóc. Bọn chúng kề dao lên cổ hòng khiến cho chúng tôi sợ hãi. Đại sư huynh khi ấy mới bình thản nói rằng: “Chúng tôi là người xuất gia nên thứ gì cũng không có, hay là tôi lấy đầu của mình đem tặng cho các anh nhé!” Trong lúc vừa nói như vậy thì đại sư huynh đã âm thầm vận pháp lực, trong nháy mắt liền điều khiển cho thanh đao của tên cướp chém thẳng vào đầu mình (tay của tên cướp không tự điều khiển được), sau đó lấy tay cầm đầu mà giơ lên. Mấy tên cướp thấy vậy thì kinh hãi bỏ chạy. Kỳ thực đại sư huynh chỉ là đùa giỡn một chút, dùng thuật che mắt để hù dọa và giáo huấn cho chúng một trận mà thôi.

Về sau, tăng đoàn chúng tôi xuất nguyện muốn xây dựng tượng Tam Thế Phật (vị Phật quá khứ là Nhiên Đăng Cổ Phật, vị Phật hiện tại là Thích Ca Mâu Ni và vị Phật tương lai là Di Lặc Phật) trên sườn núi. Nhưng có một điểm hạn chế là đương thời vùng núi Vân Quý nơi ấy rất nghèo nàn lạc hậu, kỹ thuật chế tác đá còn rất thô sơ. Không phải là chúng tôi sẽ thực hiện việc điêu khắc đá trực tiếp trên vách núi, mà là dùng các tảng đá lớn xếp chồng lên nhau tạo thành phần thân của tượng Phật. Sau đó trên phiến đá lớn đặt trên cùng, thì chỉ tạc qua một vài nét chính của khuôn mặt để tạo thành phần đầu của tượng Phật mà thôi. Mọi người trong tăng đoàn cùng nhau mang vác các tảng đá lớn từ chân núi lên khu vực sườn núi. Trong số đó có cả những phiến đá vừa nặng vừa dài, ba bốn sư đệ chúng tôi mỗi người khiêng một góc, mồ hôi đầm đìa khắp người, phải gắng hết sức mới đưa được chúng lên sườn núi. Thấy vậy tôi liền nói với mọi người rằng: “Các sư đệ hãy nghỉ ngơi một chút, để huynh làm cho”. Mọi người nghe xong thì bước sang một bên nghỉ ngơi. Tôi dùng một tay nhẹ nhàng bê khối đá lớn lên và bình thản bước đi, đem khối đá chuyển tới nơi xây dựng tượng Phật. Thực ra, hai chân tôi cố ý chạm xuống đất là để các sư đệ tưởng rằng tôi đang bước đi trên mặt đất, kỳ thực hai chân tôi căn bản là không chạm xuống mặt đất. Vốn dĩ là do tôi vận dụng thần thông đi lơ lửng trên không. Chút thần thông ấy vốn không đáng kể gì. Vị cao tăng thời Dân quốc là lão hòa thượng Hư Vân thường xuyên đi đường trong trời mưa mà chân không dính bùn, nhiều lần đệ tử của ông phát hiện và tỏ ra vô cùng kinh ngạc.

Sau khi tượng Tam Thế Phật được tạo xong, tôi bèn muốn lưu lại dấu chân của mình ở trước tượng Phật, cũng là lấy đó để làm minh chứng cho ý chí tu luyện của mình, tại đó mà phát đại nguyện rằng: “Sau này bản thân cần kiên định tu hành tới nơi tới chốn!” Nghĩ vậy tôi liền vươn chân trái ra phía trước, thầm vận thần thông gắng hết sức đạp một cái xuống nền đá bên dưới, trên nền đá liền xuất hiện một dấu chân được in xuống thật sâu, ngay phía trước vị trí ba bức tượng Phật đang ngồi. Toàn bộ chân trái của tôi khi ấy lún vào trong phần đá ước chừng 2 – 3 thốn (khoảng 4 – 6 cm). Khi rút ra, dấu chân có diện tích gấp chừng 3 lần diện tích bàn chân thực của tôi khi đó. Bởi vì cả cơ thể tôi là dùng thần lực mà ấn xuống đồng thời nên ngay cả chân phải cũng lún vào trong đá một chút, chỉ là phần trước chân phải ấn vào tảng đá sâu hơn một chút so với phần phía sau. Chớp mắt đã hơn 2.000 năm trôi qua, vết chân tôi đạp xuống thuở xưa đến nay vẫn còn. Mấy năm trước, nhiều kênh truyền thông trong nước đã đưa tin về phát hiện này. (Có thể tìm trên Baidu về vết chân lớn tại núi Minh Lượng, tỉnh Quý Châu). Vết chân thuở xưa so với tin tức được đưa lên truyền hình không sai khác nhiều, nhưng mà so với hình ảnh trên tin tức thì vết chân khi trước vốn dĩ sâu hơn. Trải qua hơn 2.000 năm, đất đá nơi ấy đã phong hóa ít nhiều, vết chân vì vậy cũng bị thay đổi nên đã trở nên nông hơn, tuy nhiên một phần dấu chân của phần trước chân phải vẫn còn được lưu lại (xem ảnh dưới). (Trên trang mạng Sohu cũng có bài viết về thông tin này, xem tại: http://www.sohu.com/a/118229332_157537)

Thế nhưng, bức tượng Tam Thế Phật mà tăng đoàn chúng tôi thuở xưa vất vả xây cất nên thì từ lâu đã không còn thấy dấu vết nào nữa. Vùng núi Vân Quý là khu vực thường xuyên xảy ra địa chấn. Mấy thập niên vừa qua thường có báo cáo về địa chấn phát hiện tại nơi này. Hơn 2.000 năm qua, ở đây không biết đã phát sinh bao nhiêu lần địa chấn lớn nhỏ, những tảng đá của bức tượng Tam Thế Phật đã không còn cũng là điều không khó lý giải. Thế nhưng, hình thái và dung mạo tượng Tam Thế Phật mà thuở xưa bản thân tăng đoàn chúng tôi vất vả xây dựng nên thì đến nay vẫn còn được lưu lại vô cùng rõ ràng trong tầng sâu ký ức của tôi. Hơn 2.000 năm đã trôi qua, giờ đây tôi ngộ ra được một điều rằng: Vì sao đến tận ngày nay tôi vẫn có thể nhớ rõ ràng như thế về tượng Tam Thế Phật trong vùng núi sâu Quý Châu? Ấy chính là do tác dụng của đại lực khi phát nguyện lúc tôi lưu vết chân lại trước tượng Phật thuở xưa. Có thể chính là “vị Phật” ở trong tâm qua đời đời kiếp kiếp đã dẫn lối cho tôi gặp được Sư phụ trong đời này.

Lúc mới tu luyện, tôi luôn muốn biết kiếp trước mình là ai. Trong hơn một năm qua trở lại đây, tôi không còn quá mong muốn nhìn lại kiếp trước của mình nữa. Tôi thường nhớ tới lời của Sư phụ giảng:

“Chư vị trong lục đạo luân hồi, mẹ của chư vị là người, không là người, [số ấy] không đếm được. Con cái của bao đời chư vị hỏi có bao nhiêu; cũng không đếm được. Ai là mẹ chư vị, ai là con chư vị, một khi hai mắt kia khép lại [tạ thế] thì ai còn nhận ra ai nữa; nghiệp mà chư vị nợ vẫn theo đó mà hoàn trả.” (Chuyển Pháp Luân)

Như vậy đời đời kiếp kiếp của mình, đời này là người, lại một đời là động vật, đời nào là bản thân thực sự của mình đây? Kỳ thực, mỗi một đời đều là một giấc mộng, mỗi một giấc mộng đều là không, chúng ta còn chấp trước những thứ này để làm gì? Trong khi đả tọa nhập định, hình ảnh trong những đời trước của tôi không biết lóe lên bao nhiêu lần. Một hồi là hòa thượng, một hồi là nữ nhân, lại một hồi mặc triều phục của quan viên trong triều,v.v.. Gần nửa năm qua, để bài trừ những can nhiễu này, trước mỗi lần đả tọa, tôi phát ra một niệm rằng: “Mỗi một đời đều là một giấc mộng, mỗi một giấc mộng đều không được can nhiễu việc ta nhập định, đặc biệt hiện giấc mộng trong đời này”. Kết quả là tôi qua đó đã dễ dàng tĩnh lại và lại có thể nhập định được.

Thuyết minh phụ kèm:

Lúc đó trong tăng đoàn, mọi người gọi nhau là sư huynh, sư đệ. Đại sư huynh có thể coi là người đứng đầu trong tăng đoàn của chúng tôi. Kỳ thực đại sư huynh về cơ bản là đã đạt được hoặc tiếp cận quả vị La Hán. Khi đại sư huynh không ở đó thì mọi người coi tôi là người đứng đầu, tôi được gọi là nhị sư huynh. Mặc dù khi đó tôi cũng có chút thần thông, nhưng so với quả vị chứng ngộ đạt được của mình thì còn cách quá xa. Cũng chính vì nguyên nhân này mà khi đó tôi đã đứng trước tượng Tam Thế Phật mà lưu lại dấu chân của mình và phát nguyện trong tương lai sẽ tiếp tục kiên định tu hành. Thuở đó trong tăng đoàn, mọi người đối với nhau chính là quan hệ đồng tu như vậy, đều là bình đẳng, không giống như hiện nay trong chùa có các thân phận khác nhau và khái niệm đẳng cấp như sa di, hòa thượng, đại hòa thượng, giám tự, phương trượng, trụ trì v.v… Cũng không có chùa chiền như bây giờ. Các tăng đoàn tu luyện đều ở trong núi sâu tu hành, bởi vì ở đó đã có sẵn sơn động có thể tránh gió, tránh mưa.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267031