Chính Pháp chi hành (11): Kỳ duyên đắc Pháp thời thiếu niên

Tác giả: Văn Thiện

[ChanhKien.org]

(13) Đệ tử toàn quốc lần lượt đến Bắc Kinh

Tháng 8 năm đó, cơ quan hữu quan ở Bắc Kinh từ việc thống kê số lượng bánh bao được tiêu thụ hàng ngày mà tính toán được rằng ở Bắc Kinh vào thời điểm đó có ít nhất 2 triệu học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, con số này so với số lượng của học viên chúng ta trên toàn quốc thì là quá nhỏ. Nhóm người chúng tôi cứ kiên trì ở lại Bắc Kinh từ ngày này qua ngày khác. Vào lúc đó, có một bộ phận học viên đều ở trong nhà không hành động, một số thì chỉ đến Bắc Kinh vài ngày rồi vội rời đi. Chỉ có nhóm người chúng tôi là mỗi ngày đều bị cảnh sát bắt đi không ít. Nhưng thời điểm đó, cơ hội trốn thoát ra bên ngoài cũng rất nhiều. Đầu tháng 8, khi cảnh sát bắt được học viên, rất nhiều người bị cảnh sát tống lên xe lửa. Cảnh sát mua cho họ vé rồi vứt lên xe lửa mà không để ý gì đến họ nữa. Nhưng đến khoảng giữa tháng 8, thì cảnh sát khi bắt được các học viên, liền cho xe áp giải học viên giao về cho cảnh sát khu vực mà học viên từ nơi đó đến Bắc Kinh. Lúc đó, chỗ chúng tôi khi cảnh sát bắt người, đều tống giam vào khu vực giam giữ, nửa tháng sau mới thả về địa phương. Thế nhưng đến thời điểm tháng 9, thì họ không thả người nữa, mà tiếp tục chuyển đi đến những nơi khác để giam giữ. Lúc đó, có những học viên bị bắt đến 9 lần thì trốn thoát cả 9 lần. Thời điểm đó, ở Bắc Kinh chỉ có nhóm học viên chúng tôi là cứ kiên trì ở lại mãi. Vào thời điểm tháng 9, rất nhiều học viên đã cảm nhận được sự điểm hoá của Sư phụ và thể ngộ được từ đoạn Pháp mà Sư phụ giảng trong nửa tiếng đồng hồ, vì vậy đã về địa khu của mình động viên các học viên khác cùng bước ra. Vào giữa tháng 9 năm đó, học viên từ các nơi trên toàn quốc lần lượt tới Bắc Kinh.

Một hôm, có một nam đồng tu đến từ Lương Hương gọi tôi đến khu vực trước tòa nhà Bộ Giao thông để tìm chỗ trú chân. Khi tôi đến đó thì đã thấy có gần 10 đồng tu khác đang ở đó rồi. Tôi nghe các đồng tu kể lại rằng vào ngày 25 tháng 04 có tới hơn 80 đồng tu từ khắp nơi trên cả nước đều tập trung quanh khu vực này. Vào ngày thứ hai, gần 10 đồng tu muốn bộ hành một quãng đường hơn 100 km để đến khu vực Thập Tam Lăng. Thời điểm đó, có rất nhiều đồng tu trong số chúng tôi đã ngộ rằng cần đi bộ thay vì ngồi xe di chuyển. Tuy nhiên, chân tôi vì đi bộ quá nhiều đã nổi lên những bọng nước khiến tôi không thể tham gia bộ hành cùng các đồng tu ấy được. Lúc đó nam đồng tu đến từ Lương Hương kia cũng không thấy đâu nữa. Bởi vậy, tôi chỉ biết một mình đi bộ đến chiếc ghế đá trong công viên. Lúc này, dây giày của tôi tuột ra ngoài. Khi đó, tôi ngộ ra rằng tôi không nên đi bộ nữa, tôi nên ngồi tại đây. Khi tôi vừa ngồi xuống, thì nam đồng tu Lương Hương kia liền dẫn theo nữ đồng tu lớn tuổi đến từ Trường Xuân cùng đến tìm tôi. Ngoài ra, nữ đồng tu còn dẫn theo con gái của mình, năm nay 18 tuổi, tên là Tiểu Bảo.

(14) Kỳ duyên đắc Pháp thời thiếu niên

Chúng tôi cùng đi đến công viên Ngọc Uyên Đàm, rồi đi tới hàng ghế dài tại Phục Hưng Môn và ngồi xuống ở đó nghỉ ngơi. Tôi và Tiểu Bảo đi đến khu vực phía xa để lấy nước, lúc này chúng tôi nhìn thấy một cậu bé đang giặt đồ tại đó. Cậu bé này vừa mỉm cười vừa ngước nhìn chúng tôi. Ngày thứ hai, khi chúng tôi đến Phục Hưng Môn thì lại bắt gặp cậu bé ấy. Tiểu Bảo thấy vậy liền cầm một cuốn Chuyển Pháp Luân đưa cho cậu bé xem. Nơi cậu bé sống rất bẩn, cậu bé ngủ trên một tấm sắt lớn. Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ ở bên ngoài cánh rừng, Tiểu Hạ nói với chúng tôi về thân thế của cậu ấy. Cậu ấy là người Ninh Hạ, bố là huyện trưởng, mẹ là bác sĩ. Một ngày kia, cậu ấy muốn đến Thiếu Lâm Tự để học võ. Tiểu Hạ khi đó liền cầm theo một chiếc hộp làm bằng da và một vạn tệ, lái xe máy đến trước ga tàu và bỏ lại xe ở đó, lên đường đến Thiếu Lâm Tự. Nhưng không ngờ rằng Thiếu Lâm Tự khi đó dừng việc thu nhận đệ tử. Trên đường trở về, Tiểu Hạ bị lừa mất một vạn tệ và tất cả đồ đạc trên người, sau đó bị bán cho một người lái buôn và phải làm việc cho họ trong mấy tháng liền. Sau đó Tiểu Hạ thân một mình lưu lạc đến Bắc Kinh, trong người không có bất cứ giấy tờ gì, không tìm được nơi ăn chốn ở, phải đi đến khắp các tiệm cơm lượm cơm thừa để ăn. Bởi vì thường xuyên sống ở bên ngoài nên thường bị bảo vệ bắt giữ. Bất luận là bị đánh đập nhưng thế nào, Tiểu Hạ vẫn cứ mỉm cười. Tiểu Hạ nói với tôi rằng cậu ấy lớn đến chừng này, chỉ có một lần duy nhất do răng đau quá mà khóc, chứ từ khi sinh ra đã biết cười rồi.

Những con đường Tiểu Hạ đã đi qua đều là những nơi mà các đệ tử Đại Pháp đều đã đặt chân đến, có Thiên An Môn, Phục Hưng Môn, công viên, trạm xe lửa Tây Khách,v.v… Những nơi này thường xuyên nhìn thấy hình bóng của Tiểu Hạ, cũng là những nơi mà cảnh sát bắt đi từng nhóm từng nhóm đệ tử Đại Pháp. Hôm gặp tôi, cậu ấy nói rằng đã gặp tôi trong một giấc mơ vào năm 1992. Năm đó trong giấc mơ, tôi cũng mặc bộ đồ y như hôm nay. Từ nhỏ, thiên mục của Tiểu Hạ đã khai mở, hơn nữa cậu ấy thường xuyên ngồi xếp bằng, thường tự nói chuyện một mình. Mỗi khi Tiểu Hạ muốn nói cho mẹ mình biết về một số sự tình ở không gian khác, thì thường cảm thấy toàn thân khó chịu như có một luồng điện chạy qua. Tiểu Hạ biết rằng mình không nên nói chuyện này ra, từ đó không nhắc về chuyện này với người thường nữa. Nhưng Tiểu Hạ lại có thể nói về điều đó một cách hết sức tự nhiên với những người tu luyện chúng tôi. Hôm Tiểu Hạ ở cùng chúng tôi trong cánh rừng khu Phục Hưng Môn, cậu ấy nói chuyện với chúng tôi đến tận khuya. Cậu ấy nhìn mọi vật trong đêm tối sáng rõ như ban ngày. Đêm ấy, cậu ấy còn xem Chuyển Pháp Luân tới khuya mới đi ngủ. Tiểu Hạ nói rằng lúc ở đây một mình, cậu ấy nhìn thấy trong khu rừng này toàn là những cáo, chồn, quỷ, rắn, rất đáng sợ. Nhưng khi ở cùng chúng tôi thì cả đêm đều không nhìn thấy những thứ đó nữa. Hơn nữa, vào lúc hơn 2h sáng đêm hôm đó, Tiểu Hạ nói với chúng tôi rằng cậu ấy nhìn thấy một con rồng vàng rất lớn. Tôi ngộ ra rằng: chúng tôi đi đến đâu thì Sư phụ đều thanh lý hoàn cảnh nơi đó, chỉ nhìn xem tâm chúng tôi đối với Pháp như thế nào mà thôi.

Tôi nói với Tiểu Hạ rằng hãy học Đại Pháp, nhưng cậu ấy lại muốn học đàn với bạn của mình là Ngô Công, không muốn đi cùng chúng tôi. Tiểu Hạ còn nói rằng cậu ấy còn nhìn thấy Thái Thượng Lão Quân ngồi trên chiếc ghế dài ở Phục Hưng Môn nhìn cậu ấy cười. Lúc đó Tiểu Hạ vẫn chưa ngộ ra rằng nên đi cùng chúng tôi. Tiểu Hạ còn nói rằng Tiểu Bảo là người ở cùng thế giới với cậu ấy. Có một hôm, tôi cùng với nữ đồng tu lớn tuổi đến từ Trường Xuân và Tiểu Bảo (con của nữ đồng tu lớn tuổi) giặt quần áo trong khu rừng, sau đó đợi để phơi quần áo lên cây cho khô. Lúc này, có một người phụ nữ xách một túi xách to đi tới. Trước đây, tôi đã gặp cô ấy trên băng ghế dài ở Phục Hưng Môn. Bởi vì tôi và cô ấy không câu thông được với nhau, tôi nhận định rằng người này không phải là học viên của chúng ta. Cô ấy sống ở bên ngoài và cũng giặt giũ phơi đồ ở bên ngoài. Khi cô ấy giặt xong quần áo, liền ra hiệu cho tôi và tiến về phía tôi để nói chuyện. Khi nhắc đến sự kiện ngày 25 tháng 04, cô ấy liền tức giận mà đứng phắt dậy, lớn tiếng hỏi tôi rằng chuyện này là như thế nào. Lúc này, tôi nghĩ cuối cùng thì cô ta cũng đã hiện nguyên hình. Tôi liền bắt đầu tranh luận với cô ta. Sau đó, cô ta tức giận bỏ đi. Một lát sau trời đổ mưa, tôi ngộ ra rằng không nên sống ở đây nữa nên liền rời đi nơi khác.

Một buổi sáng nọ, Tiểu Bảo hẹn với Tiểu Hạ rằng 6 giờ tối hôm đó sẽ gặp nhau. Nhưng đợi mãi mà Tiểu Hạ không tới, Tiểu Bảo vì vậy đã khóc. Tối hôm đó, chúng tôi cùng đến trạm xe lửa Tây Khách tìm chỗ trú chân. Nửa đêm hôm đó, đột nhiên có cảnh sát lao tới gọi chúng tôi dậy, nói rằng muốn kiểm tra chứng minh thư của chúng tôi. Lúc này, cảnh sát dẫn theo hơn 30 người đã bị bắt đứng trước mặt chúng tôi. Sau khi cảnh sát đưa những người đó đi thì chúng tôi cũng rời khỏi trạm xe lửa Tây Khách, và tìm đến trú chân trên chiếc ghế dài ở Phục Hưng Môn. Lúc này Tiểu Bảo nói với tôi rằng muốn gặp Tiểu Hạ. Tôi nói với Tiểu Bảo rằng ngộ thế nào thì làm thế ấy. Vì vậy, Tiểu Bảo mới tìm đến khu rừng lần trước để tìm Tiểu Hạ. Một lúc sau, Tiểu Bảo chạy về nói với chúng tôi rằng Tiểu Hạ đã đồng ý đi cùng chúng tôi. Chúng tôi trở lại khu rừng để tìm Tiểu Hạ. Khi vừa thấy chúng tôi, Tiểu Hạ liền nói đêm qua cậu ấy thông qua thiên mục nhìn thấy Sư phụ ngồi trên toà sen. Sư phụ hỏi cậu ấy rằng: “Sao không đi cùng ta?” Tiểu Hạ trả lời rằng cậu ấy muốn ở lại để học đàn, sau này muốn nổi danh phát tài. Sư phụ liền triển hiện tương lai cho Tiểu Hạ xem, tương lai ấy vô cùng bi thảm. Vậy nên, Tiểu Hạ bèn hạ quyết tâm tu luyện Đại Pháp. Sau đó Tiểu Hạ còn nói thật may là đêm qua chúng tôi đã không ở lại đây. Đêm qua, có cảnh sát đến lục soát nơi này, suýt chút nữa thì cậu ấy cũng bị bắt đi.

Mấy bộ quần áo tôi đem theo đến Bắc Kinh đều không còn nữa. Có bộ trong lúc chạy trốn cảnh sát đã bỏ lại không kịp quay lại lấy. Có những bộ để lại Lương Hương bị cảnh sát lục soát đem đi mất. Còn một bộ nữa, giặt rồi phơi chưa khô, đồng tu lấy đi và nói rằng sau khi phơi khô sẽ đem trả lại cho tôi, mà đến bây giờ cũng không thấy nữa. Trong túi tôi lúc này chỉ có hơn 100 tệ. Khi tôi chuẩn bị đi mua quần áo thì có một nam học viên trước đây mấy ngày bị cảnh sát bắt đi. Hôm nay anh ấy thoát ra được. Khi gặp lại tôi, thì trên người không còn một đồng nào. Tôi nghe vậy, liền đưa cho anh ấy 50 tệ. Ngoài ra, còn có một nữ học viên Bắc Kinh khác đưa cho anh ấy 100 tệ. Trên đường đến Tuyên Vũ Môn mua quần áo, tôi gặp một vài đồng tu từ tỉnh thành khác đến. Khi họ nhìn thấy tôi, thì câu đầu tiên hỏi tôi chính là: còn đủ tiền để tiêu dùng không? Gần như tất cả các đồng tu mà tôi gặp, đều quan tâm nhau như vậy. Vì để tiết kiệm tiền, tôi chỉ mua một bộ y phục áo liền quần hết 20 tệ, cứ như vậy mà mặc cả ngày. Từ khi gặp Tiểu Hạ, sau đó cùng Tiểu Hạ đồng hành trong hai ngày, tôi phát hiện rằng mỗi khi chuẩn bị gặp khó khăn gì, cậu ấy đều có thể dự liệu trước sự tình sẽ xảy ra như thế nào. Tôi nghĩ rằng, như vậy thì chẳng còn gì phải ngộ nữa, không thấy có ý nghĩa lắm. Vì vậy, tôi muốn tách khỏi cậu ấy.

Chúng tôi đưa Tiểu Hạ đi mua dép. Trên đường đi, gặp một cảnh sát trẻ chừng hơn 20 tuổi chặn chúng tôi lại vặn hỏi. Tiểu Hạ ứng biến linh hoạt, cảnh sát trẻ nghe vậy liền bỏ đi. Một lúc sau, chúng tôi còn gặp một số đồng tu khác, các đồng tu này còn cho Tiểu Hạ tiền để cậu ấy mua thêm quần áo. Tiểu Hạ nhờ quen với chúng tôi mà đắc Pháp. Khi cậu ấy vừa xem được khoảng hơn 60 trang sách Chuyển Pháp Luân thì liền bị cảnh sát bắt đi.

(còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/22270