Thiển ngộ về chữ “Tuyển” (選)

[Chanhkien.org]

Liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, trên mạng Chanhkien.org đã có đồng tu thông qua việc phân tích Hán tự chữ “Tuyển” (選) mà lý giải hàm nghĩa ẩn tàng trong đó, tiết lộ sự thực về việc cuộc bầu cử lần này là đang bị chủ nghĩa cộng sản tà ác khống chế, cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của bài viết này. Tuy nhiên hôm nay tôi muốn từ một góc độ khác mà bàn đến nhận thức của mình về cuộc “đại tuyển” lần này, đây cũng chỉ là sở ngộ của bản thân, xin gửi các đồng tu cùng tham khảo.

Tôi cho rằng, bản thân chữ “Tuyển” (選) bao gồm trong đó cả hai nhân tố chính và phụ, đây chính là thế sự đang diễn ra trước mắt, cũng sẽ là kết quả sẽ có được từ sự lựa chọn của nhân loại.

Tuyển (選) – Bị cộng sản tà ác thao túng

Bài viết trên Chanhkien.org của đồng tu đã phân tích rất rõ rồi, ở đây tôi xin được trích dẫn lại. Trong bài viết: “Thiên cơ trong chữ Tuyển (選)” của tác giả Tâm Thăng có đề cập rằng: trong chữ “Tuyển” (選) có hai chữ Tỵ (巳), trong 12 con giáp thì Tỵ là chỉ về rắn. Mà trong văn hóa của Kitô giáo thì rắn chính là đại diện cho sự mê hoặc, ma quỷ, lựa chọn nó cũng đồng thời là đang lựa chọn con đường chết. Ngoài ra, trong chữ Tuyển (選) còn có một chữ Cộng (共), chữ Cộng này là chỉ tà linh cộng sản. Phía trên chữ Cộng (共) có hai chữ Tỵ (巳), chính là chỉ nhị quỷ (hai con quỷ) Mác Lê (Marx và Lenin). Hơn nữa, trong chữ Tuyển (選) lại có thêm một chữ Xước (辶) chỉ sự đi lại, con đường đi. Điều này nên được giải thích là: con người lựa chọn con đường nào, nếu lựa chọn đi trên con đường của chủ nghĩa cộng sản tà ác thì chắc chắn sẽ là con đường dẫn đến cái chết.

Hy vọng chính diện

Ngoài ra, trong chữ Tuyển (選) đồng thời còn đem theo một hy vọng chính diện.

Đầu tiên, bàn về chữ Tỵ (巳). Vào thời kì cổ đại, chữ Tỵ còn dùng để chỉ thai nhi. Trong “Thuyết văn thông huấn định thanh” có ghi: “Vị xuất sinh tại phụ vi Kỵ”, tức là đứa trẻ khi chưa được sinh ra, vẫn còn trong bụng mẹ thì gọi là Tỵ (巳). Trong “Phổ thư • Lạc chí thượng” có viết: “Kỵ giả, khởi dã, vật chí thử thời tất tận nhi khởi dã” (Kỵ cũng có nghĩa là Khởi, một sự vật tới một thời điểm nhất định thì sẽ tất yếu phải xuất hiện). Chữ Tỵ (巳) lại đồng âm với chữ Tự (嗣) (cùng có âm đọc là “sì”) biểu thị sự tiếp tục; lại đồng âm với một chữ Tự khác có cách viết là 祀 , biểu thị sự cầu nguyện với Thần linh. Từ đó chữ Tỵ (巳) mới có hàm nghĩa biểu thị một điều được lưu truyền từ đời này qua đời khác, biểu thị một hy vọng đang được ấp ủ, biểu thị một sự thay đổi to lớn mà nhất định sẽ phải xuất hiện. Trong thời khắc này, “thai nhi” còn đang ở trong bụng mẹ, con mắt thế nhân vẫn không thể nhìn thấy diện mạo chân thực của nó, hơn nữa lại còn có những sự tình nguy hiểm sẽ có thể xuất hiện trong lúc một “hài nhi” được sinh ra, tuy nhiên hy vọng vẫn cứ là hy vọng.

Ngoài ra, chữ Cộng (共) vốn dĩ không phải chỉ dành để chỉ riêng cho cộng sản tà ác, mà còn có nghĩa chỉ nền “Cộng hòa”. Nền cộng hòa của dân tộc Trung Hoa bởi họa loạn của cộng sản tà ác mà đã “chết” từ khi còn đang ở trong bụng mẹ. Nền cộng hòa của nước Mỹ đã trải qua hơn hai trăm năm giờ cũng đang vì sự phá hoại của cộng sản tà ác mà lâm vào tình cảnh nguy cấp. Bởi thế cho nên, bên trên chữ Cộng (共) có hai chữ Tỵ (巳) là biểu thị hy vọng về sự ra đời của một nền cộng hòa mới, nung nấu trong đó một cuộc biến chuyển to lớn.

Vì thế, chỉ xét riêng về chữ Tuyển (選) thì đã bao gồm hai hàm ý: một là con đường xã hội chủ nghĩa bị chủ nghĩa cộng sản tà ác thao túng mà không thể vãn hồi; hai là hy vọng về một con đường sẽ được kiến lập trên một quốc gia cộng hòa chân chính, hồi quy tín ngưỡng chân chính về Thần và các giá trị truyền thống.

Bài học từ lịch sử

Nói về hai chữ “Cộng hòa” chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ qua về một thời đoạn trong lịch sử Trung Quốc. Đường Thái Tông từng nói: “Dĩ sử vi giám, khả dĩ tri hưng thế” (nhìn vào tấm gương lịch sử có thể biết được sự thay đổi thịnh suy). Chúng ta sẽ kinh ngạc mà phát hiện ra rằng, nền cộng hòa sớm nhất được ra đời trên thế giới là có những điểm tương đồng với cuộc bầu cử lần này tại xã hội Mỹ.

Năm 841 (TCN) vương triều nhà Chu ở Trung Quốc xảy ra một cuộc bạo động lưu danh sử sách có tên “Bạo động quốc nhân”. Cuộc bạo động này đã thúc đẩy việc sản sinh ra nền “Cộng hòa” đầu tiên trên thế giới. Quá trình sự việc này diễn ra như sau: đầu tiên cần nói đến là Chu Thiên Tử (tức Chu Lệ Vương) khi đó là kẻ tham tiền hám lợi, muốn dựa vào chức phận quân vương mà mưu đồ độc chiếm tài sản quốc gia. Hành vi này kỳ thực rất giống với việc Trung cộng ỷ vào danh nghĩa quốc gia mà chiếm đoạt sở hữu công, cũng giống hệt việc “Chính phủ ngầm” của Mỹ thao túng xã hội Mỹ đương thời mà muốn biến nước Mỹ thành một xã hội cộng sản kiểu mới.

Sau đó, Chu Lệ Vương bèn đưa nịnh thần Vinh Di Công tham chính, khiến cho chính sự quốc gia trở nên hỗn loạn. Về phương diện kinh tế thì y thi hành chính sách sở hữu công, về phương diện chính trị thì thực hiện chế độ chuyên chế bạo ngược. Điều này rất giống với những gì mà chủ nghĩa cộng sản các nước đã thực hiện trên thế giới trong thế kỷ qua. Đương nhiên, cách hành xử này của Lệ Vương đã khiến cho bách tính trong nước vô cùng oán hận, dân chúng truyền đi những lời đồn không tốt về nhà vua. Sau khi những điều này được truyền đến tai Lệ Vương, y không những không hối cải mà còn cho mời thầy phù thủy đến hòng kiểm soát chặt ngôn luận của người dân, hễ như phát hiện người nào có lời phê bình thì liền bắt đem giết ngay khiến cho bách tính không dám hé răng nửa lời, khi nhìn thấy nhau trên đường cũng không dám chào hỏi, chỉ đưa ánh mắt đá qua đá lại ra hiệu rồi dời đi. Hiện tại, cái gọi là “truyền thông dòng chính” của nước Mỹ đã đồng loạt nghiêng về cánh tả, bức bách dư luận, không cho phép bất kỳ người dân nào đứng ra vạch rõ sự gian lận trong bầu cử lần này, thậm chí đến cả Twitter của Tổng thống cũng bị kiểm duyệt, điều này khiến cho người ta cảm tưởng như thời đại này lại trở về thời kỳ của Chu Lệ Vương hơn 2800 năm về trước! Điều khiến cho người ta càng không thể tin được đó là trước và sau khi cuộc bầu cử diễn ra đã xuất hiện một loạt các hoạt động cầu cúng yểm bùa của các “pháp sư” nhằm nhắm vào Tổng thống Trump, đồng thời trợ giúp cho chủ nghĩa cộng sản tà ác đánh đổ nền cộng hòa. Việc này so với việc năm xưa Chu Lệ Vương chọn dùng các thầy phù thủy thì có khác nhau là mấy. Trong “Trung dung” có viết: “Quốc chi tương vong, tất hữu yêu nghiệt”! Mỗi lần trong lịch sử có những đại sự biến động lớn, thì đằng sau đó đều là “đại chiến của Thần và Ma”, xã hội nước Mỹ cũng chính đang là như vậy. Đâu là những gì đang được tà ma yểm trợ và đâu là những gì mà các chính Thần đang cố giữ lại cho con người? Ai chính ai tà chỉ nhìn qua là biết được.

Lại nói về nhà Chu, sau một loạt những chính sách bạo ngược của Lệ Vương, tình hình trong nước trở nên vô cùng căng thẳng. Vì vậy bách tính trong vùng Hạo Kinh liền nổi dậy khởi nghĩa, đem theo những khí cụ đơn giản xông vào kinh thành truy lùng Lệ Vương. Lệ Vương khi đó vội vàng điều động quân đội trấn áp, nhưng quân đội đã không nghe lệnh y mà bất động. Lúc đó có đại thần nói với Lệ Vương rằng: quân lính là từ dân chúng mà ra, dân chúng đều đã đứng lên khởi nghĩa rồi, vậy lính còn nghe lệnh nữa không? Lệ Vương khi đó đã mất đi quyền thế, bèn đem theo thân tín chạy đến đất Trệ, sống khổ sở ở đó trong 14 năm, sau đó lâm bệnh mà chết. Có một điều thú vị là: Trệ chính là chỉ con lợn, đường đường là quân vương một thời mà cuối cùng lại lưu lạc đến chốn chuồng heo này, đây có phải là ông Trời muốn nhắc nhở con người thế nhân rằng: khi bậc quân vương mà mất đi đạo nghĩa thì sẽ không xứng đáng làm người nữa. Mạnh Tử cũng từng nói: thất đạo chi quân bất tái thị quân, dữ thất phu vô dị (bậc quân vương vô đạo thì sẽ không còn là quân vương nữa, chẳng khác gì kẻ thất phu). Lệ Vương bỏ thân nơi đất Trệ không về được cố quốc, điều này tựa hồ như ông Trời đã kết án phạt vô thời hạn cho kẻ hành ác. Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng, hiện nay trong bầu cử Mỹ với những kẻ làm các việc xấu ác thì sẽ có kết cục chẳng khác gì Lệ Vương năm xưa.

Tiếp sau đó là sự đản sinh của nền cộng hòa. Bởi vì vương triều Chu Vương không có thiên tử, nhưng quốc sự triều chính không thể đình trệ cho nên hai người Chu Công và Chiêu Công đã đứng ra chủ trì việc triều chính, những sự vụ cụ thể lại do lục khanh đứng ra lo liệu. Việc này kéo dài trong suốt 14 năm, mãi cho tới khi Lệ Vương qua đời, một vương quân khác lên thay, các đại thần và những người công thần trước đây có công duy trì triều chính trong 14 năm đều được ban phong đất đai, sau đó họ đều lui về hậu trường không tham gia chính trị nữa. Đoạn thời gian này trong lịch sử được gọi là “nền cộng hòa”. Trong thời gian này, người trên kẻ dưới đều nhất lòng, không ai vì lợi ích riêng, không có tranh đoạt quyền bính, không hề có chuyện thừa nước đục thả câu hay mượn gió bẻ măng. Mọi người đều đem một tấm lòng công tâm hòa ái cùng nhau xử lý các sự vụ quốc gia, sau khi tân vương chủ trở lại thì những công thần đều lặng lẽ rút về, không tham luyến chức vị. 14 năm cộng hòa vượt xa hết thảy những năm cầm quyền của Lệ Vương. Có thể nói rằng, cũng từ đó hai chữ “cộng hòa” đã đặt định nên một nội hàm tinh thần tích cực. Nhìn vào lịch sử hơn 200 năm về trước vào thời kỳ đầu khi nhóm lập quốc Hoa Kỳ lập quốc, chẳng phải họ cũng dựa vào những giá trị tinh thần như: sự kiên trinh vào tín ngưỡng, công chính, vô tư, hết lòng vì dân, không tham luyến quyền lực mà kiến lập nên một nền cộng hòa vĩ đại hay sao? Nền “cộng hòa’ đản sinh vào năm 841 TCN rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có sự tồn tại của một nền cộng hòa hơn nữa lại được sử sách ghi chép lại một cách hết sức chân thực. Sau này khi thể chế cộng hòa từ phương Tây du nhập vào Trung Quốc, vào lúc cần đem khái niệm này dịch ra tiếng Hán, các học giả đã lật giở từ trong ghi chép lịch sử của Trung Quốc mà lấy ra hai chữ “cộng hòa”.

Hôm nay khi tôi xem chương trình của Giang Phong, có nhắc đến một mẩu chuyện được đăng trên tạp chí “Luận đàn quốc gia”(National Tribune) vào năm 1880 (hiện nay tập báo này vẫn được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội tại Mỹ), trong đó kể rằng khi tướng quân Washington ở trong doanh trại của Ngài tại vùng Valley Forge, có một lần Ngài được một vị nữ thần điểm hoá, nữ thần đã triển hiện cho Washington thấy được trong tương lai nước Mỹ sẽ có ba lần phải đối mặt với nguy nan. Điều làm tôi rất xúc động đó là, trong văn hóa phương Tây, thông thường những người có thành tựu đều sẽ được gọi là “Phụ”, nhưng trong câu chuyện này, nữ thần lại gọi tướng quân Washington là “Cộng hòa quốc chi tử” (đứa con của nước cộng hòa). Trong chữ Tuyển (選), nếu như chữ Cộng (共) dùng để chỉ Cộng hòa, chữ Tỵ (巳) dùng để chỉ đứa con, chỉ sự hy vọng, vậy thì người Mỹ hiện nay nên lựa chọn người tổng thống, người mà có thể duy hộ thể chế cộng hòa, người mà có cùng tinh thần và sự kiên trinh vào tín ngưỡng, công chính vô tư, hết lòng vì dân, không tham đắm quyền lực giống như nhóm lập quốc Hoa Kỳ trong lịch sử. Người mà người dân Mỹ nên cần phải lựa chọn nên là “đứa con của nước cộng hòa”, một “đứa con cộng hòa” như vậy thì không chỉ có riêng mình tướng quân Washington.

Ngoài ra, nhớ câu “hoa nở hai bông mỗi bông một cành”, tôi tin rằng tinh thần cộng hòa không chỉ “nở hoa” ở nước Mỹ phía bờ bên kia của đại dương, đợi sau khi đại biến động qua đi thì “bông hoa cộng hòa” sẽ một lần nữa khai nở trên Trung Hoa đại địa, bởi vì thiên thượng đã vào thời rất xa xưa của lịch sử đã đem hạt giống cộng hòa “gieo xuống” nơi đây, sẽ đến lúc những giá trị của Chính Tín, Công Chính và Lương Tri sẽ quay trở lại trên mảnh đất Trung Hoa.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/263577