Luân hồi ký sự: Gian khổ tìm Pháp (phần 18) – Nhật trăn hoạ cảnh

Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Trung Quốc đại lục

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 17

Bài viết này kể về câu chuyện tìm Pháp đời trước của một hoạ sĩ.

Người họa sĩ này kiếp trước chuyển sinh ở Tô Châu vào thời nhà Minh, từ nhỏ đã thích vẽ tranh và cũng rất có thiên phú, những thứ anh ấy vẽ đều sống động như thật. Người cha thấy anh là người có tài nên đưa anh đến nơi có phong cảnh đẹp để tập vẽ cảnh thực.

Anh bắt đầu vẽ những khu vườn, vẽ cảnh non nước, trong quá trình vẽ anh rất vất vả, không những phải vẽ giống cảnh thật mà quan trọng hơn là cần phải thể hiện ra được đặc điểm phong cách hội họa riêng của bản thân.

Có lần cha anh ốm nặng, khiến anh rất vất vả, lúc này những bức tranh anh vẽ đều thể hiện tâm trạng u uất, nhưng qua vài ngày sau cha anh khỏi bệnh, lúc vẽ lại những bức tranh có nội dung như trước, vì tâm thái trở nên vui vẻ nên những bức tranh sau này mang đến cho người ta cảm giác hướng đến sự lạc quan vui vẻ.

Thuận theo thời gian, anh đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng trong vùng, nhưng anh vẫn không hài lòng với trình độ hội họa của mình hiện tại, vì vậy anh quyết định chọn một nơi có phong cảnh đặc sắc để vẽ một mình.

Anh ấy đã đến Tây Hồ, núi Nhạn Đãng, núi Vũ Di, và thậm chí cả Tung Sơn, và anh đã vẽ nên một số tác phẩm rất ý nghĩa.

Một lần, khi đang đi dạo trên phố, anh nhìn thấy một quán rượu rất đặc sắc bèn tìm một nhà nghỉ gần đó để ở lại và vẽ các khung cảnh khác nhau của quán rượu. Anh vẽ quán rượu lúc khai trương vào sáng sớm, lúc đóng cửa vào buổi tối, cảnh người đông đúc trong quán và cảnh quán rượu trong mưa, mỗi ý cảnh đều mang những dư vị khác nhau.

Bức tranh của anh được một thanh niên nhìn thấy, người thanh niên này trước tiên  thừa nhận năng khiếu hội họa của anh, sau đó nói: “Có muốn vẽ đá không?”

Anh ấy có chút khó hiểu, theo bản năng liền hỏi: “Tại sao phải vẽ đá?” Người thanh niên cười: “Nếu như vẽ đá tốt, mới có thể vẽ Thần”. Anh nghe cảm giác thấy dường như cậu thanh niên này có chút lai lịch liền gật đầu đồng ý.

Người thanh niên dẫn anh đến một lối vào của một ngọn núi sâu với một tảng đá lớn nhiều mặt. Nhìn từ các góc độ khác nhau, hình dạng của đá cũng khác nhau, ngoài ra do sự thay đổi của thời gian, dưới sự thay đổi của ánh sáng mặt trời, viên đá lớn có sự tương phản sáng tối khác nhau.

Người thanh niên nói: “Ngươi ở đây vẽ, sau mười lăm năm, nếu ngươi vẽ tốt, ta sẽ dạy ngươi vẽ Thần.”

Khi nghe điều này, anh cảm thấy rằng dù tảng đá có nhiều góc cạnh bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không cần đến 15 năm cũng có thể vẽ xong, anh ta có chút không phục, nhưng cũng không tiện nói được gì.

Anh ta ở đây chỉ để vẽ tảng đá lớn này, và ở đó mười lăm năm. Lúc đầu anh nghĩ rằng việc vẽ tảng đá lớn là một việc rất đơn giản, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ rằng, dù là một mặt bên thì trong quá trình vẽ cũng phải rất vất vả mới có thể vẽ đẹp được. Từ khâu phác thảo đến làm sao để trở nên giống một chút cho tới giống hoàn toàn với vật mẫu, quá trình này vô cùng gian nan. Đồng thời trong quá trình vẽ tranh còn có rất nhiều can nhiễu từ các loại nhân tâm và quan niệm va chạm với nhau. Nhiều lần, anh cảm thấy rằng đã vẽ nó vô cùng hoàn mỹ, nhưng không cẩn thận làm văng một ít màu sơn lên đó mà thất bại trong gang tấc. Khi anh vẽ lại thì lại mang tâm nôn nóng, nét họa lung tung và trở nên sai chệch. Mặt này của khối đá khi trời mưa, trời âm u, trời đầy nắng sẽ như thế nào v.v.., các loại nhân tố khác nhau đều chế ước anh ấy.

Trải qua 5 năm, cuối cùng anh đã vẽ xong tất cả các mặt của tảng đá một cách hoàn hảo. Anh rất vui và cảm thấy nhiệm vụ có thể hoàn thành sớm hơn mười năm. Nhưng khi anh lại gần tảng đá, anh thấy một mảnh đã rơi ra, tuy không lớn nhưng hình dạng của tảng đá ban đầu đã bị thay đổi đồng thời tăng thêm hình dạng của khối đá nhỏ kia. Anh lại bắt đầu vẽ lại.

Sau một năm, bức tranh hoàn thành, nhưng anh thấy tảng đá bị rơi ra năm miếng nữa, và anh lại vẽ lại … Mỗi khi vẽ xong, tảng đá lại tách ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn và anh lại phải vẽ lại.

Bây giờ anh cảm thấy người thanh niên kia không phải là người bình thường.

Cuối cùng tảng đá bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, và anh vẫn hoàn thành bức tranh vào năm thứ mười lăm như lời người thanh niên đã nói trước đây.

Người thanh niên đến như đã hẹn, lúc này đã là một người đàn ông trung niên trạc bốn mươi, nhưng trông vẫn trẻ trung như 15 năm về trước.

Người thanh niên mỉm cười khi nhìn thấy anh: “Ta để ngươi vẽ một tảng đá tĩnh. Mục đích là để ngươi bắt đầu từ một mặt của tảng đá mà tùy thuận theo theo các nhân tố bên ngoài và việc bản thân tảng đá tiếp tục tách ra, ngươi sẽ học được các cách thay đổi và biến hóa khác nhau. Chỉ khi có được điều này ngươi mới có thể chấp bút vẽ nên thần vận của Thần”.

Anh nghi vấn hỏi rằng: “Tại sao lại cần vẽ Thần?”. “Thần đã ban cho con người tất cả, đương nhiên con người phải ca tụng Thần, đồng thời cũng phải để cho nhiều người hơn nữa kính ngưỡng và truy tìm Thần. Chỉ có như vậy nhân gian mới duy trì được đạo đức lâu dài.” Người thanh niên trả lời một cách nghiêm túc.

Nói xong, người thanh niên đưa anh ấy đi vào sâu bên trong một đỉnh núi không ai biết đến. Ở trong đó có một đại điện, trên đại điện có thờ cúng những vị Thần tiên bên Đạo gia.

Người thanh niên nói: “Trước tiên ngươi vẽ đại điện và các bức tượng ở bên trong, sau khi vẽ giống rồi ta sẽ đưa ngươi đi vẽ Thần.”

Anh ấy đã ở đó dùng ba năm mới vẽ xong. Lúc này anh đã cảm nhận được lực lượng (sức mạnh) của Thần.

Khi vừa vẽ xong, người thanh niên liền xuất hiện, chỉ thấy khi người thanh niên phất tay một cái, đại điện vốn có ban đầu hoàn toàn biến mất, sau đó người thanh niên rời đi. Cảnh tượng này khiến anh ấy vô cùng kinh ngạc.

Đồng thời anh cảm thấy rằng người thanh niên kia không phải là một người tầm thường, lại nghĩ: “Thần mà ta muốn vẽ đang ở đâu?”

Đang nghĩ đến đây liền có một bà lão chống gậy xuất hiện trên một bãi đất trống.

Anh thấy bà cụ đã già lắm rồi, có thể lúc trẻ ngoại hình không ưa nhìn nên càng già ngoại hình bà lão lại càng khó coi hơn. Bà lão muốn anh vẽ lại chân dung của mình và nói rằng bà muốn giữ nó làm kỷ niệm.

Trong đầu anh nảy ra ý nghĩ không muốn vẽ, nhưng nghĩ lại thì thấy không đúng, Thần là có thể biến hóa. Anh ấy nhíu mày nảy ra ý kiến hay: “Để con vẽ cho bà, có thể được, nhưng có một điều kiện. Bà phải cho con gặp được một Giác giả có thể giúp con thoát khỏi biển khổ hồng trần này.”

Bà lão tỏ ra rất ngạc nhiên liền nói: “Con muốn tu hành sao?” Anh ấy ngồi xuống và chậm rãi nói: “Qua ba năm vẽ tượng Thần và đại điện, con không chỉ phát khởi lòng tôn kính Thần, mà còn sản sinh ý muốn trở thành đệ tử của Thần, nguyện vọng cuối cùng là hướng đến Thần, vậy nên sinh ra suy nghĩ muốn tu luyện.”

Bà lão mỉm cười nhẹ nhàng đáp: “Nếu con có thể vẽ chân dung của ta vừa giống lại vừa đẹp, ta có thể nói cho con biết.”

Anh ấy nghe xong cảm thấy bà lão dường như muốn làm khó mình, bởi vì dung mạo của bà lão rất khó nhìn lại không chỉ muốn vẽ cho giống mà còn phải vẽ cho đẹp, điều này phải làm sao đây? Anh ấy vẫn không thể từ chối nên phải vừa vẽ vừa suy nghĩ, không biết làm thế nào để bà lão xấu xí này trở nên xinh đẹp.

Trong quá trình vẽ, anh ấy thấy hình dáng bên ngoài của bà lão khá xấu nhưng bên trong thì rất đẹp. Vì vậy, anh ấy đã sử dụng phương pháp vẽ nhiều lớp cảm xúc, bà lão nhìn bề ngoài là hình ảnh xấu xí mà anh ấy nhìn thấy, nhưng bên trong bà lão là một nữ thần vô cùng xinh đẹp. Các nét phác họa bên ngoài tuy khá nặng nề nhưng lớp mực bên trong lại rất trang nhã.

Sau khi vẽ xong, anh đưa bức tranh tới trước mặt bà lão, bà lão vui vẻ nói: “Con quả nhiên là người rất có ngộ tính. Thực ra từ khi con bắt đầu vẽ tảng đá lớn, Thần đã liên tục dẫn dắt con trên con đường tu luyện. Những việc sau này con gặp phải đều là Thần đang khảo nghiệm con, xem con có phải là một tài năng trên con đường tu luyện hay không. Trong tương lai, sẽ có một phương pháp tu luyện hoàn toàn mới được truyền xuất trong nhân gian, đến lúc đó rất nhiều người sẽ đến học. Như vậy sẽ có một vài người xấu và sinh mệnh bất hảo đến phá hoại, tạo thành ma nạn cho phương pháp tu luyện và người tu luyện, nếu con không sợ bị bức hại, tương lai chính là dùng nét bút của con triển hiện Thần và chính tín của người tu luyện.”

“Làm sao con có thể gặp được loại phương pháp tu luyện đó?”

“Nhật trăn họa cảnh” (日臻画境), nói xong bà lão liền biến mất.

Anh ấy suy nghĩ lời nói của bà lão, một ngày nọ chợt hiểu ra: “Chỉ cần ta dùng tâm vẽ Thần, cuối cùng nhất định sẽ được Thần rủ lòng thương, tương lai ta tự nhiên sẽ gặp được loại phương pháp tu luyện đó.”

Trong những ngày sau đó anh ấy gặp được các vị Thần dưới nhiều hình tượng khác nhau. Trong quá trình vẽ Thần tâm tính của anh ấy từng chút từng chút đạt được đề cao và thăng hoa, cuối cùng có một ngày anh ấy đã gặp vị Giác giả tương lai đến truyền Đại Pháp ở nhân gian. Vị Giác giả đó khai thị cho anh ấy rất nhiều đạo lý, đồng thời an bài cho anh ấy tương lai làm thế nào gặp được Pháp Luân Đại Pháp….

Đây chính là:

Nhật trăn họa cảnh lịch gian tân

Họa thạch họa Thần chủng tiền căn

Tâm hướng Thần cảnh mịch quy lộ

Kim triêu đề bút luyện chân kim! (Ghi chú)

Dịch nghĩa

Ngày ngày vẽ cảnh đẹp trải qua gian khổ

Vẽ đá vẽ Thần gieo căn nguyên tiền kiếp

Tâm hướng Thần tìm kiếm đường về

Hiện tại nâng bút luyện vàng thật!

Ghi chú: Ý của câu này là hôm nay dùng hội họa một mặt để tu luyện bản thân, mặt khác để vẽ chân dung của Thần, chính tín và chính hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp khi đối mặt với khổ nạn.

Trên thực tế, bản thân quá trình vẽ bất cứ cảnh vật, nhân vật nào cũng là một quá trình dung luyện, tái tạo nên người ta gọi là “luyện vàng thật”.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/239562