Câu chuyện Phật gia: Giai thoại của Hòa thượng Đế Huy

Tác giả: Đức Huệ

[Chanhkien.org]

Vào đời nhà Thanh, trong chùa Linh Ẩn có một vị tăng nhân trụ trì, pháp danh “Tuệ Lộ”, tự là “Đế Huy” (“諦輝”, cũng có tư liệu ghi là “諦暉”). Ông sinh vào năm Thiên Khải thứ 7 (năm 1627) triều Minh, đến thời thiếu niên thì xuất gia vào chùa Linh Ẩn tu luyện, năm Ung Chính thứ 3 thời Thanh (năm 1725) thì viên tịch, thọ 98 tuổi (tuổi mụ 99). Vào thời nhà Thanh, Thánh Tổ Khang Hy Đại Đế tuần du phương Nam, có ban tấm biển “Thúy hoa trọng lâm” cho chùa Linh Ẩn của Hòa thượng Đế Huy, ngoài ra còn ban ngự thư bốn chữ “Thiền môn pháp kỷ”, cùng các loại bảo vật, tượng Phật v.v.. Về việc Đế Huy đối mặt với ân thưởng của vua, theo “Tân tục cao tăng truyện” ghi chép: tâm thái “vô đắc vô xả” (không được không mất), có thể nói là cao tăng một thuở. Sau đây là một ít giai thoại về hòa thượng Đế Huy.

Tiếp đón vua Khang Hy đến thăm, được Thanh Thánh Tổ ban cho tấm biển “Vân Lâm Thiền Tự”

Trên điện Thiên Vương chùa Linh Ẩn có một tấm biển đề bốn chữ lớn “Vân Lâm Thiền Tự”, chính là do Khang Hy Đại Đế đề tặng, theo ghi chép của chùa Linh Ẩn, năm Khang Hy hai mươi tám (năm 1689), Thanh Thánh Tổ Khang Hy Đại Đế tuần du phương Nam tới chùa Linh Ẩn. Vào một buổi sáng sớm hòa thượng Đế Huy cùng vua leo lên Bắc Cao Phong, chỉ thấy chùa Linh Ẩn bao phủ ở trong một màn sương mù, cảnh rừng và mây hòa quyện với nhau. Khi trở lại dưới chân núi, hòa thượng thỉnh vua Khang Hy chắp bút viết lưu niệm cho chùa, Khang Hy Đại Đế tức cảnh bèn đề tựa bốn chữ: “Vân Lâm Thiền Tự” cho chùa Linh Ẩn, nhưng cái tên chùa Linh Ẩn lúc đó đã nổi danh thiên hạ, nên mọi người vẫn gọi Vân Lâm Thiền Tự là chùa Linh Ẩn như trước.

Hiện nay nhiều trang web Đại Lục khi bàn về vấn đề vì sao vua Khang Hy lại ban cho chùa Linh Ẩn tấm biển “Vân Lâm Thiền Tự” thì luận giải đại khái kiểu như: Khang Hy ở chùa Linh Ẩn uống rượu say, viết chữ “Linh” phồn thể (靈), thì viết bộ “Vũ” (雨) bên trên lớn quá, không viết được ba chữ “Khẩu” (口) cùng với chữ “Vu” (巫) ở dưới, bất đắc dĩ phải đổi thành “Vân Lâm Thiền Tự” . Tôi thấy lý giải này không đáng tin cậy: thứ nhất, không phù hợp ghi chép của chùa Linh Ẩn; thứ hai, Khang Hy là một hoàng đế tôn kính Phật, uống rượu ở trong chùa rõ ràng không phù hợp quy phạm hành vi cơ bản của người kính Phật. Xuất phát điểm của loại lý giải này có thể bắt nguồn từ nguồn dã sử vô danh, thậm chí là do những cây bút của Trung cộng trực tiếp tạo ra. Trong văn hóa đảng của Trung cộng, bậc quan tướng và đế vương cổ đại đều là đối tượng bị bôi nhọ và bóp méo một cách hệ thống. Ở Đại Lục những việc tương tự còn có rất nhiều, ví như: Nhạc Phi không phải anh hùng, mà là quân phiệt; Tần Cối là người tốt v.v đều là nhằm làm điên đảo lịch sử Trung Hoa, phá hoại văn hóa Trung Quốc nên Trung cộng tự chế tạo ra hoặc nhắm mắt làm ngơ cho những ý kiến đó nảy sinh. “Muốn cho nước nào mất, trước tiên phải diệt lịch sử nước đó” – Trung cộng chính là đang dùng Trung cộng để thay thế Trung Quốc, dùng văn hóa đảng thay thế văn hóa Trung Hoa chân chính.

Cẩn thận ngôn từ, ức chế tâm tranh đấu

Lúc đó còn có một vị tăng nhân nổi danh khác, cùng thời với Đế Huy là Thiền sư Thạch Quỹ, vị hòa thượng này có công năng, chiểu theo tuổi tác thân phận thì ông là sư huynh của Đế Huy. Theo ghi chép “Thạch Quỹ ở chùa Thiên Trúc, trì chú cầu mưa, có rồng đen bay đến làm mưa, mọi người cùng chứng kiến, đều xem ông ta là thần”, nhưng mà danh tiếng chùa Linh Ẩn lớn hơn chùa Thiên Trúc, Thạch Quỹ muốn lấy chức vị trụ trì chùa Linh Ẩn. Đế Huy nghe biết vậy liền rời đi, ẩn cư ở chỗ vắng vẻ nhất của Vân Tê, nhường vị trí trụ trì cho Thạch Quỹ.

Thạch Quỹ từng viện trợ cho một vị tài tử tên Thẩm Cận Tư; vừa khéo Đế Huy cũng bang trợ một vị tài tử tên Uẩn Thọ Bình. Uẩn Thọ Bình là họa sĩ vang danh một thời, đương thời Uẩn Thọ Bình cùng với Vương Thì Mẫn, Vương Giám, Vương Huy, Vương Nguyên Kỳ và Ngô Lịch được xưng tụng là “Lục gia thời Thanh”, vẽ tranh sơn thủy, hoa lá, chim chóc đều rất tinh mỹ, văn thơ thì càng kỳ diệu thoát tục, rất được người đương thời hâm mộ. Có người hỏi Đế Huy: “Uẩn Thọ Bình với Thẩm Cận Tư hai người đó người nào ưu tú hơn?” Đế Huy nói: “Thẩm Cận Tư học Nho mà không thoát khỏi cái tổ Châu – Trình – Trương – Chu. Uẩn Thọ Bình học họa mà có thể ra khỏi phạm vi Văn – Thẩm – Đường – Cừu. Theo như tôi thấy, Uẩn Thọ Bình tương đối ưu tú.” Lời vừa dứt, ông vội vàng dùng thước tự đánh lên cổ của mình rồi nói: “Lại tranh thắng với Thạch Quỹ! Không được không được!”.

Đối với người bình thường mà nhìn nhận thì Thạch Quỹ muốn đoạt chức vị trụ trì, Đế Huy sau khi biết thì thoái vị tránh đi chứ không tranh chấp với Thạch Quỹ, về mặt tài năng thì đúng là Uẩn Thọ Bình vượt quá Thẩm Cận Tư, lời nói và hành động của Đế Huy không hề sai. Thế nhưng Đế Huy lại chủ động phát hiện tâm tranh đấu ở bên trong mình mà ức chế nó, qua đó mới thấy Đế Huy đúng là cao tăng biết giữ gìn tâm tính.

Thi triển thần thông, tích trượng chế ngự đạo tặc

Vào năm Khang Hy, trong một buổi tối ngày nọ, hòa thượng Đế Huy đột nhiên nói với người thị giả của mình rằng: “Hãy đem tích trượng của ta đặt ở cửa Hoành Sơn, tối nay sẽ có kẻ ác đến, cần cẩn thận!”. Quả nhiên sau đó đến buổi tối canh ba, đêm khuya vắng người, có hơn mười tên cường đạo cầm hung khí hò hét kéo đến, âm mưu cướp đoạt chùa Linh Ẩn, các tăng nhân nghe được tình hình, trong lòng kinh sợ không thôi. Lúc này đột nhiên thấy tích trượng của hòa thượng Đế Huy múa lượn trên không, đám cường đạo sợ hãi liền thoái lui ra khỏi cửa chùa để tránh né, nhưng trong chốc lát cường đạo chưa từ bỏ ý định, lại xông đến, tích trượng lần thứ hai múa lượn trên không. Lặp đi lặp lại ba lần, trời dần sáng, đám cường đạo đành phải rút lui, từ đấy về sau cũng không dám đến mạo phạm chùa Linh Ẩn nữa. Trải qua việc này, mọi người mới biết được Đế Huy lão hòa thượng là Thần tăng đã tu thành.

Nguồn: “Lý Viên Tùng Thoại”, “Tử Bất Ngữ”

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/255600