Bạch U Cầu

Chu Nguyệt Minh chỉnh lý

[Chanhkien.org]

Năm Chân Nguyên thứ mười một đời Đường, tú tài Bạch U Cầu đã nhiều năm đi thi không đỗ. Năm ấy đi thi lại rớt bảng vàng, sau bèn theo vương tử Tân La vượt biển ngao du, lúc ở đảo Đại Tạ Công, ban đêm gặp gió to, thuyền của anh ta và mười mấy bạn đồng hành bị đẩy đi nhanh như tuấn mã, trôi hai ngày hai đêm về phía nam, cũng không biết được đã đi mấy ngàn dặm hay mấy vạn dặm nữa. Gió nhỏ đi, thuyền cũng chậm lại, thấy có núi rừng, bèn cho thuyền tiến vào.

Đợi khi đến bên chân núi, thấy núi cao 7-8 vạn thước, trên sườn núi phía nam có tường thành, đền đài nhà cửa đều rất nguy nga tráng lệ. Bạch U Cầu buộc thuyền lại rồi leo lên, đến chỗ cách thành còn có một hai dặm thì thấy có long hổ ngồi thành hàng ở hai bên đường. Thấy Bạch U Cầu đến chúng bèn giương mắt chằm chằm nhìn anh ta. Đường đi trước mặt khiến Bạch U Cầu sợ hãi, không biết làm thế nào bèn chỉ biết quanh quẩn ở dưới gốc cây lớn. Cành cây bị gió thổi động, cọ sát vào nhau phát ra âm thanh, giống như có người tụng thơ. Bạch U Cầu chú ý lắng nghe, thì nghe thấy rằng: “Ngọc tràng tuyên bích hư, thử nãi chân nhân cư. Bồi hồi nhưng vị tiến, tà tỉnh do nan trừ.” (Núi ngọc miên man biêng biếc hư ảo, là chỗ chân nhân ở. Luẩn quẩn không tiến vào, thì vẫn chưa trừ được tà ngộ). Bạch U Cầu sau khi nghe xong, vẫn do dự không dám tiến về phía trước. Một hồi sau, có một người mặc y phục màu đỏ từ cửa thành đi ra, truyền đạt chỉ lệnh: “Tây Nhạc Chân Quân đến chơi.” Bầy long hổ đều cúi phục trên mặt đất nói: “Còn chưa tới.” Bạch U Cầu nhân cơ hội chạy mau về phía trước, chỉ thấy người áo đỏ không ngoái đầu lại mà đã đi vào trong. Bạch U Cầu tiến thoái lưỡng nan, bầy long hổ ở hai bên cứ nhìn anh ta không ngớt.

Đột nhiên, từ trong cửa có mười mấy người đi ra, cưỡi long hổ chạy xuống núi. Bạch U Cầu liền đi theo bọn họ. Đến nơi Bạch U Cầu buộc thuyền, những người cưỡi long hổ này đều đạp trên mặt nước biển mà đi, chỉ chốc lát sau, đã khuất trong màu xanh của biển. Bạch U Cầu không biết nên đi đâu nữa. Đang lúc Bạch U Cầu ăn cơm trên thuyền, bỗng nhiên thấy từ phía tây tới một đội cờ xí, gần một nghìn người. Có loan hạc và thanh điểu (chim xanh, chim sứ giả) bay dẫn đường phía trước, những người này có người cưỡi rồng cưỡi hổ, cưỡi rùa cưỡi cá đủ cả, trong đó có một người cưỡi ngựa bờm đỏ, mặc áo tử vân nhật nguyệt (áo thêu mặt trăng, mặt trời, mây tía), trên đầu che lọng xanh, phóng nhanh như gió mà tới. Bạch U Cầu chỉ biết phủ phục trên mặt đất, không dám động đậy. Tới khi đội ngũ đó đi vào cửa thành, Bạch U Cầu mới ở phía sau mà nhìn. Bầy long hổ đã đứng về vị trí cũ, và cây cối hoa cỏ chim chóc đều theo nhịp điệu mà xoay lượn tiến lùi, giống như đang nhảy múa. Bạch U Cầu cũng không kìm được cũng hoa tay múa chân theo.

Sau một khoảng thời gian chừng một bữa cơm, có người mặc áo đỏ tay cầm một công văn, nói với long hổ: “Đến Thủy Phủ Chân Quân.” Long hổ không tiến lên. Người áo đỏ bèn nhìn Bạch U Cầu, ý bảo anh ta tiếp thụ công văn, Bạch U Cầu không biết đi chỗ nào. Người áo đỏ nói: “Đi sứ thủy phủ.” Người áo đỏ dùng tay chỉ phía trước, Bạch U Cầu theo người áo đỏ chỉ, thân thể tựa như cưỡi gió, xuống núi tiến nhập đáy biển. Tuy rằng tiến nhập trong nước, lại cảm giác không đi ở trong nước, cũng có cây cối hoa cỏ, chạm vào chúng thì phát ra tiếng ngọc bội. Rất nhanh, đi tới một tòa thành, trong thành có cung điện hùng vĩ. Người canh cổng giật mình nhìn, sau đó phủ phục ở bên đường. Chỉ chốc lát sau, có mười mấy người, đều là đầu rồng thân lân, tay cầm kỳ trượng, dẫn đường cho Bạch U Cầu tiến nhập thủy phủ. Chân Quân ở đại điện phía bắc tiếp nhận công văn. Bạch U Cầu tham bái xong đứng lên đi ra cửa, lúc này đã có sẵn long hổ để cưỡi, lại còn có tùy tùng đi theo, Bạch U Cầu nghiêm trang bước ra.

Trong nháy mắt trở lại chỗ cũ, Bạch U Cầu đến cửa, còn không dám đi vào. Anh ta tuy rằng chưa ăn gì, cũng không cảm thấy đói quá. Một hồi, có người tìm kiếm sứ giả thủy phủ, Bạch U Cầu vừa đánh tiếng vừa đi vào, đầu tiên tham bái ở trước điện, sau đó được dẫn xuống hành lang phía Tây, ngồi cùng các vị sứ giả khác. Thức ăn đều không phải hương vị của nhân gian.

Bạch U Cầu hỏi một sứ giả, đây là nơi nào. Được trả lời rằng: “Đây là đài du xuân của các vị Chân quân. Chủ nhân là Đông Nhạc Chân Quân, xuân hạ thu đông vị trí không giống nhau, họ đều có phương vị của riêng mình, chủ nhân cũng dựa theo địa phương của từng người mà tiến hành bố trí.” Dưới hiên nhà ở đông điện, sắp hàng mấy trăm ngọc nữ, đang tấu nhạc. Hòa theo ca nhạc huyền diệu, bạch hạc khổng tước nhảy múa tung tăng, đến tối mới rời khỏi điện.

Ở phía Đông và Tây núi là điện nghênh trăng, ngoài ra có một cung để dùng vào ngày rằm. Đến giờ Thân, trăng sáng xuất hiện, các vị Chân quân làm các bài thơ nghênh trăng, một vị Chân quân làm thơ rằng: “Nhật lạc yên thủy ảm, ly châu sắc khởi hôn. Hàn quang xạ vạn lý, sương cảo biến thiên môn.” (Mặt trời lặn khói nước mờ, sắc của ngọc há lại hôn ám, ánh sáng chiếu vạn lý, trải khắp nghìn nhà). Lại có một vị Chân quân làm thơ rằng: “Ngọc phách đông phương khai, Thường Nga trục ảnh lai. Tẩy tâm kiêm địch mục, quang ảnh du xuân thai.” (Khí ngọc bắt đầu từ phương đông, đuổi theo hình bóng Hằng Nga mà tới. Gột rửa cho tâm và mắt, chiếu sáng đài du xuân). Còn có một vị Chân quân làm thơ rằng: “Thanh ba thao bích ô, thiên tàng ảm thảm liên. Nhị nghi bất biện xử, hốt thổ thanh quang.” (Sóng trong sáng cuộn qua đêm biếc, trời giấu đi sự tối tăm. Hai bên không phân biệt rõ, đột nhiên nhả ra hình tròn sáng). Lại một vị Chân quân có thơ rằng: “Ô trầm hải tây ngạn, thiềm thổ thiên đông đầu.” (Mặt trời xuống phía Tây biển, mặt trăng ló ra phía đông). Bạch U Cầu quên mất câu thơ tiếp theo, các bài thơ của các vị Chân quân khác cũng quên mất.

Buổi làm thơ kết thúc, một vị Chân quân lệnh biểu diễn dạ hí. Trong chốc lát, hơn ba mươi đồng nam ngọc nữ, có người ngồi trên không, có người đi lại trên mặt biển, đàn ca sáo nhị vang lên, cùng nhau hòa tấu. Còn có ca hát, tất cả không dưới mấy trăm người. Bạch U Cầu nhớ kỹ trong đó một ca khúc có ca từ là: “Phượng hoàng tam thập lục, bích thiên cao thái thanh, nguyên quân phu nhân đạp vân ngữ, lãnh phong táp táp xuy nga sanh.” (Phượng hoàng ba mươi sáu, trời biếc cao rất xanh, Nguyên Quân Phu Nhân đạp mây nói, gió lạnh ào ào thổi ống sáo). Đến lúc trời sang canh tư, có một người mặc đồ đỏ đi tới, cúi người quỳ gối nói: “Trời gần sáng.”

Các vị Chân quân khởi giá đi nghỉ ngơi. Ngày thứ hai, người áo đỏ hôm qua quỳ gối nói với các vị Chân Quân: “Bạch U Cầu đã phụng mệnh đi sứ thủy phủ, có công lao.” Các vị Chân quân bàn rằng: “Để anh ta quét dọn đài du xuân.” Bạch U Cầu phiền não bất an, quỳ lạy khẩn cầu xin về cố hương. Một vị Chân quân nói: “Nhà ngươi ở nơi nào?” Bạch U Cầu đáp: “Ở Tần Trung.” Chân quân còn nói: “Ngươi vì sao phải lưu luyến?” Bạch U Cầu không trả lời. Chân quân lại nói: “Để anh ta đi theo ta.” Người áo đỏ chỉ vào Tây Nhạc Chân Quân bảo cho Bạch U Cầu đi theo. Các vị Chân quân cũng lần lượt xuống núi, đều có long hổ loan phượng, ngựa bờm đỏ, rùa cá và cờ xí các loại. Mỗi vị Chân quân đều có tùy tùng hơn một ngàn người, đạp trên mặt biển mà đi.

Bạch U Cầu cưỡi thuyền theo sau Tây Nhạc Chân Quân, thuận gió, thuyền chạy nhanh như chớp. Lúc trời sáng rõ, đến một đảo nhỏ, chỉ thấy Tây Nhạc Chân Quân bay lên trời đi mất, Bạch U Cầu bởi vì thuyền vướng víu, chỉ đành bỏ thuyền lên đảo. Nhìn theo Tây Nhạc Chân Quân đi xa, Bạch U Cầu mới hối hận khóc lớn, nhưng đã quá muộn. Đi thời gian rất lâu trên đảo, Bạch U Cầu mới nhìn thấy có dân cư, tiến đến hỏi đây là nơi nào, người ta nói rằng đây là Minh Châu. Bạch U Cầu rất vui mừng lại được trở về cố quốc.

Từ đó về sau, Bạch U Cầu không hề ăn lương thực, mà hằng ngày dùng nấm phục linh, thích du sơn ngoạn thủy, hơn phân nửa thời gian là ở vùng Ngũ Nhạc, vĩnh viễn đoạn tuyệt dục vọng làm quan.

(Xuất xứ 《 Bác dị chí 》)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/23321