Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 8)

Tác giả: Lưu Như

Tiếp theo Phần 7

[ChanhKien.org] Trong các phần trước chúng ta đã bàn luận rằng Khổng Tử lưu lại cho chúng ta tôn chỉ cầm quyền phải coi trọng đức, đó là trí tuệ quản lý tối cao mà con người có thể hiểu được, đồng thời cũng có thể vận dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng rất nhiều người vẫn cho rằng những đạo lý thánh hiền này không thực tế, chúng ta cần quan tâm tới những điều thực tế hơn, vì thế họ cứ luôn cảm thấy việc làm người phải trọng đức không liên quan đến mình, miễn là không phạm pháp, học những thủ thuật kinh doanh có thể nhìn thấy được mới càng thực tế. Vì sao cứ nhất thiết phải hiểu rằng làm việc gì cũng phải có tôn chỉ cao thượng nào đó?

Lý do rất đơn giản, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể tự tin làm chủ cuộc sống của mình, căn bản thoát khỏi tình huống khó khăn do con người và sự việc gây nên. Sở dĩ cần phải đứng từ góc độ đế vương học là vì khi đứng ở vị trí rất cao để học cách xử lý vấn đề thì sự việc sẽ trở nên cực kỳ đơn giản.

Bàn về việc chữa bệnh mất đi tôn chỉ truyền thống

Con người ngày nay nhìn nhận vấn đề rất phức tạp, làm việc gì cũng luôn bị hãm vào giải quyết sự việc cụ thể, kết quả là càng xử lý càng xuất hiện nhiều vấn đề, không thấy được căn nguyên của vấn đề, nên không thể giải quyết tận gốc, bao gồm cả cuộc sống của mình. Ví dụ chúng ta hãy nói về chủ đề sức khỏe mà mọi người hay quan tâm nhất. Có lẽ thông qua suy ngẫm về y học hiện đại chúng ta sẽ hiểu ra tôn chỉ đúng đắn đóng vai trò then chốt như thế nào. Đạo lý ở đây tương tự như vậy.

Dù có học ngành y hay không, chúng ta đều có một băn khoăn, đó là vì sao y học hiện đại ngày càng nghiên cứu ra nhiều loại thuốc mới, nhưng những căn bệnh không có thuốc chữa cũng ngày càng nhiều, cả về tinh thần lẫn thân thể. Các loại bệnh kỳ quái càng chữa càng nhiều, càng chữa càng phức tạp, y học đã khiến con người cảm thấy tuyệt vọng. Rất nhiều bác sỹ Tây y đã thể hiện quan điểm thẳng thắn chỉ trích, lên án phương pháp chữa bệnh của y học hiện đại. Các bác sỹ hiện nay phân chia cơ thể con người thành các bộ phận, bị sốt thì hạ sốt, bị dị ứng cũng không để cho cơ thể phát huy cơ chế phòng vệ đối với những chất có hại, biện pháp này khiến những cơ chế của cơ thể người mất đi tác dụng. Khi bạn bị đau, bác sỹ sẽ khiến năng lực cảm nhận cơn đau của bạn bị ức chế lại, nên bạn không cảm nhận được triệu chứng bệnh, bề ngoài là nhanh chóng thoải mái hơn, nhưng nguyên nhân tạo thành bệnh lại không được chú ý đến, do vậy căn bệnh này tồn tại trong thời gian dài, dẫn đến lại phải uống thuốc trong thời gian dài. Mà thuốc cũng là chất độc, cơ thể con người nhanh chóng trở nên ngày càng suy yếu, độc tố vào cơ thể ngày càng nhiều, chức năng của các cơ quan nội tạng bắt đầu bị bệnh, các loại bệnh kết hợp liền đến, mà bệnh đến thì làm thế nào, chỗ này đau, chỗ kia đau, bác sỹ cũng không phân tích rõ được nữa, không có biện pháp nào khác, đành phải tiếp tục kê thuốc. Thuốc đang dùng không đủ liều lượng để ứng phó với chứng bệnh mới, thế thì lại tiếp tục nghiên cứu, bào chế ra các loại thuốc để không cho những chứng bệnh kỳ quái đó xuất hiện, tiếp tục ức chế chức năng của cơ thể. Tóm lại là không tìm ra nguyên nhân của bệnh, bệnh cũng không chữa khỏi được, nhưng tạm thời lại làm cho các chức năng của cơ thể bị tê liệt, cứ uống thuốc vào lại cảm thấy không đau đớn khó chịu nữa, liều lượng uống cũng ngày càng nhiều, cuối cùng chức năng của cơ thể người hoàn toàn rối loạn và bác sĩ thông báo rằng không thể cứu chữa được nữa. Cũng có nghĩa là, con người ngày nay ai ai cũng có thể rơi vào tình trạng uống thuốc suốt đời, bệnh nào cũng có thể trở thành căn bệnh không có thuốc chữa.

Điều này rốt cuộc là vì sao? Câu trả lời chính là việc xa rời tôn chỉ trị bệnh đúng đắn đã vứt bỏ những quan niệm căn bản của phương pháp chữa bệnh truyền thống: đó là tôn trọng thân thể, trân quý sinh mệnh, coi thân thể người là một thể thống nhất với trời đất vạn vật, là một tiểu vũ trụ hoàn mỹ. Y học hiện đại bỏ gốc lấy ngọn, không coi căn bệnh như cả cơ thể mắc bệnh, cũng không chú trọng đến nhân tố tinh thần, chỉ đứng trên bề mặt và phạm vi cục bộ rất nhỏ hẹp để xem xét bệnh tình, vì thế hoàn toàn không có cách nào tìm được nguồn gốc của bệnh. Vậy tất cả sự phát triển sẽ đi đến đường cùng. Có bác sỹ nào ý thức được điều này không, đương nhiên là có, ví dụ Hiromi Shinya là chuyên gia nội soi tiêu hóa nổi tiếng của Mỹ, ông không chỉ ý thức được điểm này, ông đã đứng trên quan điểm vũ trụ quan tự nhiên của y học cổ truyền Trung Quốc, coi toàn bộ thân thể người như một chỉnh thể mà chữa bệnh, chú trọng sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi của con người. Với phương pháp này, cùng với việc khéo léo vận dụng kỹ thuật chữa bệnh hiện đại, ông đã chữa trị thành công rất nhiều căn bệnh khó chữa, trở thành bác sỹ nổi tiếng thế giới.

Vì sao phương pháp chữa bệnh truyền thống rất cao minh

Nguyên lý chữa bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc rất đơn giản, nó bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ, bắt nguồn từ Hoàng đế nội kinh – cuốn sách do vua Hoàng Đế tu đạo hỏi đáp với sư phụ của ông mà viết ra. Đây chính là lý luận về âm dương thể hiện trên thân thể người. Nói một cách đơn giản, thân thể con người do hai mặt âm và dương cấu thành, khi âm dương điều hòa, thân thể con người ở trạng thái đúng đắn, thì sẽ không sinh ra bệnh, khi âm dương mất cân bằng thì sẽ khiến chức năng rối loạn, bệnh liền phát sinh, còn nếu âm dương tách rời nhau thì sinh mệnh sẽ chết. Cũng chính là nói, dù bạn là một bác sỹ giỏi châm cứu hay giỏi bốc thuốc, nếu không biết những tôn chỉ cốt lõi của cuốn sách kinh điển này chính là đưa thân thể con người về trạng thái âm dương hòa hợp, thì như vậy coi như bạn không biết bốc thuốc, không biết châm cứu; dù bạn hiểu rõ về các vị trí của kinh mạch và huyệt vị đến mấy, dù bạn hiểu rõ dược tính của các loại thuốc đến mấy, bạn vẫn không biết dùng. Vì thế học được kỹ thuật cũng không có nghĩa là bạn biết khám bệnh, bạn cần biết vì sao phải học những kiến thức về lục phủ ngũ tạng này, vì sao phải nắm vững kinh mạch và huyệt vị, dù học bất cứ kỹ thuật nào bạn cũng cần có quan điểm chữa bệnh đúng đắn. Tách rời quan niệm về âm dương thì sẽ không biết chữa bệnh, sẽ không thể vận dụng linh hoạt các kỹ thuật học được. Tất cả các kỹ năng đều chỉ có một mục đích là điều hòa đúng các vị trí âm dương của thân thể người về trạng thái cân bằng. Khi âm dương trở về cân bằng thì tất cả các chức năng của bộ phận thân thể và hệ thần kinh sẽ tự động trở lại bình thường, vì thế chứng bệnh dù phức tạp đến đâu cũng đột nhiên biến mất.

Có câu rằng, chữa bệnh cần điều chỉnh thân thể người cho đúng đắn, giúp thân thể người khôi phục chức năng vận động bình thường, y học hiện đại chẳng phải cũng bắt đầu hiểu ra vấn đề này rồi sao? Ngành miễn dịch học chẳng phải đã xuất hiện rồi sao? Nghiên cứu đi nghiên cứu lại, cuối cùng vẫn phải dựa vào chức năng của tế bào miễn dịch trong thân thể người, làm các thí nghiệm mô phỏng theo chức năng của cơ thể người để làm thế nào sản sinh ra tế bào miễn dịch. Người ta đã phát hiện rằng, hợp lý nhất, tiện lợi nhất và rẻ nhất, có năng lực lớn nhất vẫn là cơ thể người. Khả năng miễn dịch của thân thể người mới là thứ thuốc tốt nhất, mới có thể thực sự chống lại bệnh ung thư và các căn bệnh ác tính khác. Cơ chế hoàn hảo của thân thể người cho đến ngày nay vẫn không ai có thể sao chép được, trước nay vẫn luôn là một ẩn đố. Con người tại sao lại không tôn trọng và trân quý thân thể vô cùng huyền diệu này? Sao không khiêm tốn học theo tự nhiên và cấu tạo thân thể người, thuận theo tự nhiên mà đưa thân thể người về trạng thái đúng đắn? Nếu đã mất đi tôn chỉ chữa bệnh đúng đắn thì tất cả mọi nghiên cứu đều rơi vào mớ bòng bong, mất đi phương hướng, bỏ tiền sai chỗ, chi phí chữa bệnh tốn kém, thân thể lại bị làm hư hỏng khắp nơi, sinh ra bách bệnh, khó chịu khôn thấu. Đây chính là tình trạng chữa bệnh của y học hiện đại, mất đi tôn chỉ đúng đắn thì sẽ rơi vào đường cùng.

Đối mặt với tình trạng của xã hội và con người hiện đại

Xã hội ngày nay của chúng ta cũng như thế. Pháp luật ngày càng quy định nhiều, nhưng các hiện tượng rối loạn không thể xử lý được cũng ngày càng phát sinh, đương nhiên vấn đề gia đình, vấn đề hôn nhân, vấn đề con cái, vấn đề kinh tế và quản lý chính phủ, đa phần căn bản không thể giải quyết, mức độ phức tạp của nó cũng giống như các căn bệnh của con người, những căn bệnh không thể chữa được khiến người ta mệt mỏi, cuối cùng chỉ có thể dựa vào việc đặt ra quy định pháp luật để ước chế các hiện tượng, pháp luật nhiều đến mức khiến con người không biết phải sống thế nào. Tuy như vậy, nhưng mọi người vẫn không thấy có chút hy vọng nào, các học thuyết cũng rất nhiều, nhưng tất cả đều chỉ trị được ngọn mà không trị được gốc, cuối cùng mọi người đều trở nên mơ hồ, mông lung, không tìm được lối thoát.

Xem ra, rất nhiều việc không hề phức tạp, suy cho cùng nó là kết quả của việc vứt bỏ tôn chỉ trọng đức của giáo dục truyền thống, ỷ lại vào pháp luật mà không xử lý được bản chất của vấn đề, đảo lộn trắng đen. Nền giáo dục mà mọi người tiếp thụ là nền giáo dục không nhìn được toàn cục, không có tôn chỉ, vì thế dù học bất cứ điều gì, điều học được cũng chỉ là những kỹ năng và công việc cụ thể, học được cũng rất khó khăn, học cả một đời cũng không vận dụng được. Nguyên nhân chính là chúng ta ngay từ đầu đã không biết vì sao cần phải được giáo dục, vì sao cần làm nghề y, vì sao cần kinh doanh buôn bán, toàn bộ xã hội không ai hướng dẫn người ta làm thế nào để xác lập tôn chỉ sống đúng đắn, dựa theo tôn chỉ này làm thế nào xác lập được phương hướng và mục tiêu. Vì thế trẻ em không hề có mục tiêu, không hề nhiệt tình tiếp thu tri thức, học hành rất vất vả, khổ sở, người lớn chỉ biết nói với chúng rằng cần phải học để sinh tồn, để nở mày nở mặt, để kiếm tiền. Tóm lại muốn không ngừng vươn lên giai tầng cao trong xã hội thì phải trở nên thông minh hơn người khác, điều gì cũng biết, phải nhồi nhét tất cả những thông tin và kiến thức trong thiên hạ vào đầu não, phải rất bận rộn, phải học rất nhiều, phải theo kịp trào lưu và nhịp sống xã hội, nếu không sẽ bị xã hội đào thải. Từ tiểu học đến trung học, con cái chúng ta theo đuổi thứ hạng, theo đuổi điểm số cao, sợ phải tụt lại phía sau, tất cả đều chỉ để nhồi nhét vào não một lượng lớn những thông tin, những tri thức khoa học cũ và mới. Con cái của chúng ta cuối cùng sẽ trở thành một cái máy vi tính mang thân thể người.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, thân thể và tâm hồn của mọi người bị vắt kiệt sức lực, dần dần mất đi năng lực và kiến thức để làm chủ cuộc đời mình, không có tôn chỉ và trí tuệ để chỉ đạo bản thân, cho nên mới hoang mang như thế. Cho dù đời sống vật chất sung túc, hưởng thụ rất nhiều, nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi khôn nguôi, sống không cảm thấy hạnh phúc và có giá trị, thường xuyên bị các hiện tượng hỗn loạn quấy nhiễu không thanh tỉnh, sống trong tuyệt vọng mà suy tính thiệt hơn. Muốn xử lý tốt những thứ này thì chúng ta phải bắt đầu học theo tôn chỉ đúng đắn. Phải tìm con đường đi bắt đầu từ Đế vương học của người xưa.

Xem tiếp Phần 9

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247452