Hồng Kông – Nơi khơi dậy tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn

Tác giả: Ngưỡng Nhạc


[Chanhkien.org] Hồng Kông là một nơi đặc thù, ngoài việc là trung tâm cảng biển và tài chính trọng yếu của khu vực Đông Á, sau năm 1949, nơi đây và Đài Loan cùng trở thành nơi tiền tuyến của cuộc giao chiến tại Đông Á giữa phe Chủ nghĩa Cộng sản và thế giới tự do. Tuy vậy, rất ít người biết nó đồng thời cũng là nơi khơi dậy tư tưởng cách mạng của ông Tôn Trung Sơn, quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc.

Câu chuyện kinh điển, Newton đục lỗ cho mèo

Năm 1884, ông Tôn Trung Sơn học xong trung học ở Học viện Trung ương Hồng Kông, sau đó lại đi học ở Học viện Tây y Người Hoa, và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc ngoại lệ. 

Trong thời gian ở trường, ngoài việc dụng tâm đọc sách, ông còn được nghe rất nhiều câu chuyện nhỏ, một là khi ở trong lớp thầy giáo kể câu chuyện vui về nhà khoa học thiên tài phương Tây Newton đục lỗ cho mèo: 

Newton nuôi hai con mèo (có người kể là một con mèo và một con chó), một to một nhỏ. Lúc đó cứ đến lúc ông đang làm thí nghiệm thì chúng muốn đi chơi, Newton đành phải ngừng thí nghiệm lại, giúp mèo mở cửa để bọn chúng đi ra, cứ thế mãi khiến ông không chịu được nữa. Để thuận tiện cho mèo chạy ra, Newton tìm một ông thợ đục hai cái lỗ trên cửa, một to một nhỏ, để tiện cho hai con mèo ra vào. Nhưng việc này lại khiến cho bạn bè đến chơi phải buồn cười, nói rằng đục một lỗ to để hai con mèo cùng đi ra là được rồi, đâu cần phải đục hai lỗ?

Sau này khi Ông Tôn Trung Sơn diễn giảng cũng hay đưa ra ví dụ này, ông nó: “người thông minh làm ra việc ngốc nghếch”, ý là cần học tập mặt tốt của học vấn phương Tây, nhưng không thể mù quáng mà mê tín vào cái danh học giả quyền quý. 

Gậy tre và vé xổ số

Khi ông Tôn Trung Sơn đi ra ngoài vào lúc nhàn rỗi, thường gặp một nhóm người lao động nặng nhọc, ông thông thường hay nói chuyện với họ và quan tâm đến cuộc sống của họ, có một lần ông nghe được một câu chuyện về một người lao động bị bệnh tâm thần.

Người lao động này mỗi ngày đều làm việc vất vả, chẳng dễ dàng gì mà kiếm được 5 đồng mua một vé xổ số. Vì không có nhà nên đành phải ngủ dưới ban công, ông giấu vé xổ số trong cái gậy tre dùng để làm việc hàng ngày, rồi học thuộc số vé xổ số, đợi đến ngày mở thưởng, ông biết được rằng mình trúng giải nhất.

Lần này ông vui mừng tột độ, cho rằng mình sẽ không còn phải dựa vào cái gậy tre này để giúp người ta gánh đồ kiếm sống nữa, thế là đi đến bờ biển vứt cây gậy đi, sau đó ông chạy đến chỗ lĩnh thưởng, mới biết cần phải lấy cái vé số đến ngân hàng mới lấy được giải thưởng. Lúc đó ông mới nhớ ra là giấu trong cái gậy tre, chạy đến bờ biển để tìm, thì đã không thấy cái gậy tre đâu, mà ông cũng bị kích động quá mạnh vì việc này, rồi mắc bệnh tâm thần, không cách nào làm việc được nữa.

Chân dung thời trẻ của Tôn Trung Sơn- quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc. (Chung Nguyên Phan chụp/Epoch Times)

Khi đó đúng vào cuối thời nhà Thanh, chính phủ Mãn Thanh hủ bại đối diện với một loạt các nguy cơ cả trong lẫn ngoài đan xen, các học giả Hồ Thích, Trần Độc Tú, Lỗ Tấn dẫn đầu phát động cuộc vận động văn hóa mới “phản truyền thống, phản nho gia, phản văn cổ”, rồi các học thuyết Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Thế giới phương Tây du nhập vào Trung Quốc, rất nhiều thanh niên sùng bái các chủ nghĩa của thế giới phương Tây và phản đối chủ nghĩa dân tộc, Tôn Trung Sơn thường dùng câu chuyện trên để cho thấy sự trọng yếu của chủ nghĩa dân tộc, ông từng nói: 

“Chủ nghĩa thế giới có thể phát đại tài giống như vé xổ số, gậy tre thì giống như chủ nghĩa dân tộc, là công cụ mưu sinh. Nếu như không cần chủ nghĩa dân tộc nữa, thì cũng giống như không muốn gậy tre nữa vậy, không chỉ không thể trở thành nhân vật chính của thế giới, cuối cùng có lẽ đến gia sản của bản thân mình cũng chẳng giữ được”. 

Khởi phát của tư tưởng cách mạng

Sau khi Tôn Trung Sơn tốt nghiệp, vốn dĩ có thể nhờ vào tiến cử của giáo sư mà làm quan, nhưng ông bỏ qua cơ hội này, mà dấn thân vào sự nghiệp cách mạng. Trong đó có một nguyên nhân là lúc đó Hồng Kông là thuộc địa của Anh, khi còn đi học, ông tản bộ trên đường phố Hồng Kông, nhìn thấy đường bố trật tự chỉnh tề và các nhà cửa hoa mỹ, so với quê hương Quảng Châu của mình thì khác nhau một trời một vực, ngoài ra, trị an ở Hồng Kông rất tốt, còn ở Quảng Châu, thì phải luôn mang theo vũ khí bên mình để đề phòng giặc cướp.

Lúc đó cũng đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Pháp, người Hoa ở Hồng Kông dám đứng ra ngăn cản nước Pháp, thậm chí dựa vào các hành động như bãi công, bãi thị v.v. để biểu đạt yêu cầu, tinh thần dân tộc đó biểu hiện ra, rõ ràng là đối lập cực lớn với chính phủ Mãn Thanh hủ bại, từ đó mà khởi phát tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn. 

Từ trái sang: Dương Hạc Linh, Tôn Trung Sơn, Trần Thiếu Bạch, Uông Lệ; người đứng sau là Quan Cảnh Lương. Chụp tại Học viện Tây y người Hoa Hồng Kông. (do Yeenosaurus/Wikimedia commons cung cấp) 

Năm 1895, ở Hồng Kông Tôn Trung Sơn tập hợp các bạn cũ như Trần Thiếu Bạch, Dương Hạc Linh, Uông Lệ, Lục Hạo Đông, Trịnh Sĩ Lương, Trình Khuê Quang, và còn hợp nhất với Phụ Nhân Văn Xã của Dương Cù Vân, thành lập Tổng hội của Hưng Trung Hội, phòng làm việc đặt tại Trung Hoàn – Hồng Kông, lấy tên thương hiệu kinh doanh là “Cán Hanh Hành”.

Ông hiểu rõ tính trọng yếu của truyền thông trong việc truyền bá cách mạng, năm 1899 ông cùng Trần Thiếu Bạch sáng lập “Trung Quốc Nhật Báo”, trở thành công cụ hữu hiệu để tuyên truyền cách mạng, đồng thời lấy Hồng Kông làm trung tâm cho Quỹ trù bị ở hải ngoại, lại thiết lập tổ chức cách mạng, phát động khởi nghĩa, nhằm mục đích dùng Hồng Kông làm bàn đạp, từ đó đánh chiếm Quảng Châu.


Đầu năm 1912, quốc phụ Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhận chức Đại tổng thống lâm thời. (Ảnh: Chung Nguyên Phan/Epoch Times)

Mặc dù lúc đầu nhiều lần khởi nghĩa đều kết thúc thất bại, nhưng trong thời gian này, người dân Hồng Kông cũng quyên góp một cách rất nhiệt tình, ủng hộ cách mạng, đặt một cơ sở tốt để cho cuộc khởi nghĩa Vũ Xương lật đổ Mãn Thanh. 

Sau đó khi ông đảm nhận chức Đại tổng thống, cũng từng đến diễn thuyết ở đại học Hồng Kông, ông nói: 30 năm trước tôi đi học ở Hồng Kông, lúc nhàn rỗi đi bộ trên đường, thấy trật tự chỉnh tề, kiến trúc to đẹp, công việc tiến bộ không ngừng, trong đầu có một ấn tượng rất sâu sắc. …Trung Quốc lại không có một chính phủ tốt, cả hơn trăm năm nay chỉ có một chính phủ ác làm bại hoại tất cả. Vì vậy sau khi tôi tốt nghiệp đại học, tư tưởng cách mạng của tôi hoàn toàn có từ Hồng Kông vậy (diễn thuyết ngày 20/2/1923).

Dự ngôn lúc lâm chung về kẻ địch cuối cùng

Sau khi ông Tôn Trung Sơn và các nhân vật trong đảng cách mạng trải qua hàng chục năm nỗ lực, cuối cùng đã thành công lật đổ nhà Thanh, thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Tuy vậy chính quyền mới thành lập lại phải đối mặt với rất nhiều các thách thức trong ngoài. Trải qua các sự kiện đánh Viên Thế Khải và Đoàn Kỳ Thụy, Trương Huấn phục bích v.v., dưới tình thế hiện thực quốc tế, ông Tôn Trung Sơn suy xét tới việc hợp tác với nước Nga. Với mục đích cẩn trọng, năm 1923, Tôn Trung Sơn phái Tưởng Giới Thạch đến Matxcơva để khảo sát. Sau khi Tưởng Giới Thạch về nước, tổng kết báo cáo: Trước khi tôi đến Liên Xô, tin tưởng 10 phần rằng sự viện trợ của Cộng sản Liên xô đối với Cách mạng Quốc dân của chúng ta, là xuất phát từ sự chân thành công bằng đối đãi chúng ta, mà không có tư tâm ác ý gì. Nhưng khi tôi vừa đến Nga thì kết quả khảo sát, khiến lý tưởng và niềm tin của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi cho rằng chính sách “liên Nga dung Cộng” (liên kết với Nga, dung chứa Cộng sản) của chúng ta tuy có thể nhất thời đối kháng với thực dân phương Tây, nhưng quyết không thể đạt đến mục đích quốc gia độc lập tự do; lại càng cảm thấy cái gọi là sách lược và mục đích “Cách mạng thế giới” của Nga so với Chủ nghĩa Thực dân Tây phương còn nguy hiểm hơn cho cuộc vận động độc lập dân tộc của chúng ta.

…..

Phương châm duy nhất của nước Nga Cộng sản chính là giúp cho ĐCSTQ trở thành chính thống, tôi tuyệt không tin đảng ta có thể hợp tác với họ. Cái mà họ nói là Chủ nghĩa Quốc tế và Cách mạng Thế giới, đều là Chủ nghĩa Đế quốc, chỉ là đổi danh xưng, khiến người ta bị mê hoặc vào đó mà thôi.

Quốc phụ Tôn Trung Sơn phê phán gay gắt đối với Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa vô chính phủ vào năm đầu của Dân Quốc.

Ông Tôn Trung Sơn đề xuất nguyên tắc với đại biểu của Nga – Adolph Abrammovic Joffe:

Giữ vững Cách mạng Quốc dân Trung Quốc, phản đối Cách mạng Cộng sản Thế giới, phản đối việc du nhập tổ chức cộng sản và chế độ Xô-viết vào Trung Quốc…

Đồng thời, yêu cầu nước Nga đảm bảo bốn điều: Không áp dụng Chủ nghĩa Cộng sản với Trung Quốc, nước Nga Xô viết phải bãi bỏ những hiệp ước ký vào thời nước Nga Sa Hoàng, tạm hoãn bàn về vấn đề đường sắt Trung Đông, nước Nga Xô viết phải thừa nhận không có dã tâm gì với khu vực Ngoại Mông Cổ.

Thôi Thư Cầm, học giả chính trị nổi tiếng, tiến sĩ chính trị học viện nghiên cứu Harvard đã nói trong tác phẩm “Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa Cộng sản”: Nước Nga Xô-viết chỉ là một kế để thích hợp với hoàn cảnh, bị ép buộc bởi tình thế lúc bấy giờ, và cũng đã có rất nhiều biện pháp đề phòng, mà “dung Cộng” là vì lúc đó đã có quá nhiều người trẻ tuổi bị mê hoặc mà tham gia Đảng Cộng sản, dưới tình thế như vậy, để họ nhập vào Quốc dân Đảng, cùng với các đảng viên phấn đấu, cố gắng dẫn họ về chính đạo, đó mới là ý định ban đầu của ông Tôn Trung Sơn.

Tác phẩm “Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa Cộng sản” của Thôi Thư Cầm. (Ngưỡng Nhạc/Epoch Times)

Nhưng sau đó thì sự việc đã trái với ý định, Đảng Cộng sản — đã đi ngược với những hứa hẹn này, những người lãnh đạo chủ yếu của Trung Cộng là Mao Trạch Đông, Châu Ân Lai, Đàm Bình Sơn v.v. đã thành công thâm nhập đảng, quân đội, chính phủ Quốc dân rồi đảm nhận các chức vụ trọng yếu. Cuối năm 1924 khi Tôn Trung Sơn sắp đi Bắc Kinh để triệu tập Hội nghị Quốc dân, ông từng bí mật chỉ thị cho Hoàng Quý Lục, Tôn Khoa – Ủy viên Chấp hành Đảng bộ Thành phố Quảng Châu, chuẩn bị chế tài, thanh lọc đối với Đảng Cộng sản, đầu năm 1925 ông Tôn Trung Sơn bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, 1 tháng sau thì bệnh tình nguy kịch. Cuốn “Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa Cộng sản” cũng miêu tả lời hối hận của ông lúc lâm chung: 

Lúc đó vì bị bệnh mà Tôn Trung Sơn đến bệnh viện Hiệp Hòa ở Bắc Kinh, ngày 24/2, nhân viên chăm sóc báo với các đồng chí trong Quốc dân Đảng rằng: “Bệnh đã đến lúc cực nguy hiểm, nếu các vị không nói chuyện với ông ấy, thì sau này chắc sẽ khó đấy”. Thế là Uông Tinh Vệ, Tôn Khoa, Tốn Tử Văn… đều đến trước giường bệnh, hi vọng ông nói vài câu, hoặc ký tên trăng trối di chúc.

Di chúc của ông Tôn Trung Sơn (Zy26/Wikimedia commons cung cấp)

Ông Tôn Trung Sơn nói: “Được, tôi thấy các vị đang rất nguy hiểm, nếu tôi chết rồi, kẻ địch (Đảng cộng sản) sẽ đến lung lạc các vị. Nếu các vị không bị lung lạc, thì kẻ địch tất sẽ hãm hại các vị. Nếu các vị muốn tránh mối nguy hiểm từ kẻ địch, thì nhất định phải bị lung lạc, vậy thì tôi còn gì để nói đây?”

Trước lúc hấp hối ông còn nói: “hòa bình, phấn đấu, cứu Trung Quốc”, “nguy hiểm…kẻ địch…lung lạc… hãm hại…”

Tấm ảnh cuối cùng của Tôn Trung Sơn (Ngưỡng Nhạc chụp/ Epoch Times)

Các sách tham khảo: 

“Tôn Trung Sơn truyền kỳ” – Thạch Tĩnh Nghi – Nhà sách Khả Trúc – xuất bản năm 1990. 

“Trung Sơn cố sự” – Mã Mi Bá – Nhà xuất bản Thương Vụ xuất bản năm 1993. 

“Tôn Trung Sơn và Chủ nghĩa cộng sản” – Thôi Thư Cầm Bộ tác chiến – tổng chính trị – Bộ quốc phòng – Ấn hành. Xuất bản năm 1974.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259554