Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 5)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 4.

Sở dĩ Nhật Bản từ xưa coi Trinh Quán Chính Yếu là cuốn sách giáo khoa của bậc đế vương, không chỉ bởi vì cuốn sách giảng cụ thể về rất nhiều yếu lĩnh trị quốc trong thời kỳ giữ gìn thành quả, mà quan trọng hơn là cuốn sách luôn xoay quanh “đạo làm vua” mà phát triển ra các phương diện cụ thể một cách rất hệ thống và đầy đủ. Cũng tức là nói, cuốn sách này không chỉ giảng giải chi tiết việc xử lý triều chính của quân vương, mà còn giải thích tại sao Thái Tông lại ra phán quyết và xử lý việc chính sự như vậy. Điều này không chỉ có tác dụng bồi dưỡng cho các lãnh đạo cấp cao, mà cũng có lợi ích to lớn trong giáo dục cách giao tiếp, ứng xử, cách xử lý công việc.

Giáo dục đế vương có quan hệ đến vận mệnh của bách tính muôn dân

Vào thời cổ đại, dù ở phương Đông hay phương Tây đều coi giáo dục đế vương là việc cực kỳ quan trọng, nguyên nhân rất đơn giản, là vì lời nói, hành vi của họ có liên quan đến sựu an nguy của cả quốc gia và người dân. Vận mệnh của dân chúng trong nước gần như đều nằm trong tay họ, vì thế người Trung Quốc nói rằng đế vương không có việc riêng, họ được đặt yêu cầu cực cao, họ sẽ không được phép làm việc tùy hứng như người ngày nay nói. Ví dụ Tống Huy Tông sở dĩ bị nước Kim bắt đi, không phải vì cá nhân ông ta tàn bạo ra sao. Ngược lại nếu ông chỉ là một người dân bình thường, hay là một tài tử tài hoa, một nhà văn có tài thơ ca…, thì lịch sử sẽ đánh giá ông là người tinh thông âm luật và thư họa, rất có tài về nghệ thuật. Nếu như ông chỉ là một văn nhân bình thường, chỉ làm những việc theo sở trường của mình thì cũng không sao. Nhưng triều Tống vì thế mà nghèo đói, yếu nhược, đây không phải nói bản thân âm luật hay thư họa có tội, mà là nói làm đế vương thì không thể coi những việc này làm trọng được.

Đế vương là thiên tử phụng lệnh Trời chăm lo cho quốc dân, vậy nên thực hiện tốt lệnh Trời, chăm lo việc triều chính, lo nghĩ việc đại sự của thiên hạ, đó mới là việc chính của thiên tử. Còn Tống Huy Tông lại chìm đắm trong âm luật và thư họa (chỉ coi tập luyện âm nhạc như một kỹ năng để tiêu khiển, mà bỏ qua tác dụng chính của âm nhạc là dùng nghệ thuật để tu dưỡng đạo đức và trị quốc theo cách mà các thánh vương thời cổ đại đã sử dụng), không dụng tâm vào việc đại sự tuyển hiền tài, dẫn đến gian thần gây họa, tiểu nhân đắc chí, vua bị bịt mắt che tai, mới dẫn quốc gia và dân chúng đến cảnh lầm than, ngoại tộc xâm phạm. Gian thần dù rằng có tội, nhưng dù sao trách nhiệm cuối cùng vẫn là bản thân Tống Huy Tông, tự mình không phân rõ trung thần với gian thần, nên mới tạo ra cơ hội cho tiểu nhân làm điều ác. Nhạc Phi về sau bị gian thần Tần Cối hãm hại, dân chúng bị ức hiếp, đó chính là hậu quả của việc gian thần cầm quyền.

Nhìn từ ý nghĩa này, nếu đứng trên cương vị đế vương mà không hoàn thành trọng trách của đế vương, dù là một người dân bình thường, ở phương diện kỹ năng khác dẫu có ưu tú và xuất chúng thế nào, thì cũng đã phạm đại tội. Sở thích và nhân cách của đế vương quyết định đường hướng của quốc gia, cho nên đế vương là đối tượng đầu tiên phải được giáo dục nghiêm khắc, không chỉ cần được giáo dục kiến thức cơ bản, mà còn phải được giáo dục về bổn phận và trọng trách của bản thân, tự mình thực hiện đạo nhân nghĩa để trở thành đế vương, nếu không thì hậu quả khó mà lường được.

Những nhà Nho học thời cổ đại, sở dĩ được triều đình mời làm thầy của đế vương, nghiêm khắc dạy dỗ các hoàng tử, chính là vì lý do này. Giáo dục thời cổ đại ngay từ đầu vốn là giáo dục cho các quý tộc và hoàng tộc, cũng chính vì nguyên nhân này. Địa vị càng cao, trách nhiệm càng lớn, tầm ảnh hưởng càng lớn thì yêu cầu đối với những người này cũng càng cao, đây chính là nguyên nhân vì sao chương đầu tiên trong bộ sách kinh điển Luận Ngữ nêu rõ trọng điểm cơ bản của học tập chính là để mai sau trở thành người quân tử có nhân đức, chương thứ hai mới là “Vi chính” (cầm quyền).

Giá trị của kinh điển: Khai tôn minh nghĩa – Khuông phù chính đạo

Như vậy đối với người cai trị quốc gia, những vua quan quản lý đất nước, ảnh hưởng tới vận mệnh của dân chúng và quốc gia, Khổng Tử đã định hướng và giáo dục họ thế nào? Có phải rất phức tạp, khó hiểu chăng? Có phải rất cao thâm khiến người bình thường không thể hiểu được chăng? Hoàn toàn không phải.

Cổ nhân viết sách có một đặc điểm là khai tôn minh nghĩa (ngay từ đầu đã giảng rõ ý nghĩa chủ đạo), chỉ sợ không thể giảng thật rõ những đạo lý mà mình muốn lưu lại cho người đời sau. Cho nên ai xem cũng có thể hiểu được, lập tức có thể ứng dụng vào thức tiễn, mục đích của việc viết sách vốn dĩ không phải để khoe khoang bản thân mình nắm được bao nhiêu từ ngữ hoa mỹ, thâm sâu, khó hiểu, khiến người ta cảm thấy mơ hồ, mà là làm chính lại tư tưởng của con người, tạo phúc cho đời sau. Chỉ có điều ngôn ngữ của thời cổ đại là ngôn ngữ cổ, đương nhiên đối với con người hiện tại mà nói thì rất khó hiểu, thực ra ngôn ngữ này đối với con người thời đó lại rất bình thường, thực sự không khó hiểu. Tuy nhiên mấy nghìn năm qua, những vấn đề phiền não và nan giải mà con người sống trên thế gian gặp phải không hề có sự thay đổi về bản chất, chúng đều giống nhau, chỉ là ngôn ngữ biểu đạt khác nhau mà thôi.

Cho nên, chúng ta thấy tể tướng khai quốc nhà Tống là Triệu Phổ chỉ dùng bộ Luận Ngữ này của Khổng Tử mà có thể phò tá Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống, khai sáng và cai trị thiên hạ. Tại sao như vậy? Chính vì những lời dạy của Khổng Tử được ghi trong Luận Ngữ đều là những đạo lý được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, đều khai tôn minh nghĩa, ai cũng có thể dễ dàng học và hiểu. Vậy thì tác giả của Trinh Quán Chính Yếu cũng không vượt khỏi nguyên tắc này, chẳng phải ông cũng là Nho sinh sao? Ông đương nhiên hiểu được nhiệm vụ chính và mục đích viết sách của Nho sinh là dẫn dắt quốc gia theo con đường đúng đắn. Ông tất nhiên cũng hiểu rõ việc ghi chép những việc xử lý triều chính của vua quan Thái Tôn nhằm mục đích gì, đó chính là nhắm vào những người làm quan, đặc biệt là quân vương, giảng rõ đạo của quân vương, vậy nên tất cả nội dung ghi chép, chỉnh lý đều xoay quanh đạo quân vương. Ông kỳ vọng cuốn sách sẽ trở thành tấm gương và bài học tốt nhất của các bậc đế vương đời sau, đó không đơn giản là ghi chép sự thực lịch sử hàng ngày. Vì lý do đó mà chương mở đầu của Trinh Quán Chính Yếu là “Đạo làm vua”.

Vậy thì quay trở lại vấn đề chính, xem xem rốt cuộc trong chương “Vi chính” Khổng Tử giảng “Vi chính yếu đạo” là như thế nào. Khi đã hiểu được yếu đạo này thì xem lại Trinh Quán Chính Yếu sẽ trở nên vô cùng đơn giản.

Nghĩa thực sự của “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần”

Chương 2 “Vi chính – phần 2” của Luận Ngữ vừa mở đầu đã đi thẳng vào vấn đề, mở cửa thấy núi, một lời nói chỉ ra thiên cơ, đó chính là bốn chữ “Vi chính dĩ đức”. Chẳng phải rất đơn giản, rất dễ hiểu sao? Điều mà Khổng Tử cả đời giảng chính là nhân đức, vi chính dĩ đức, chẳng phải là dùng nhân đức xử lý công việc quản lý đất nước sao? Nhân đức là gì, nhân đức không phải chính là đức của con người sao? Không phải là “đạo nhân nghĩa”, là tiêu chuẩn đạo đức làm người mà con người nên tuân theo hay sao? Là quân vương hay bầy tôi, nắm trong tay quyền lực, thì nhân nghĩa này không phải chính là thể hiện việc dùng quyền lực trong tay để yêu thương người dân, cai trị bằng nhân nghĩa sao? Tinh thần nhân đạo mà con người ngày nay nói chẳng phải chính là tinh thần nhân đạo này sao? Nhân giả (người nhân nghĩa), nhân dã (con người), hai từ này có thể ngẫu nhiên mà trùng hợp sao? Cho nên quyền lực trong tay đế vương không phải dùng cho bản thân, mà dùng để chăm lo cho người dân.

Có người có thể nói, nào có đơn giản vậy, sau “vi chính dĩ đức” chẳng phải còn những lời khác sao? Đúng vậy, chính những lời sau đó lại khiến con người ngày nay cảm thấy rất nghi hoặc, cho rằng lời mà Khổng Tử giảng có vẻ như chỉ muốn bảo vệ quyền lợi và địa vị của đế vương, muốn người dân phải hoàn toàn phục tùng đế vương mà không phân biệt đúng sai, đây là do người đời sau đã hiểu sai. Chúng ta hãy xem toàn bộ nguyên văn của câu này: Khổng Tử viết: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh cộng chi” (Cầm quyền phải giữ chữ đức, giống như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh).

Chúng ta thấy câu này thực sự rất đơn giản, theo ngôn ngữ ngày nay là: Khổng Tử nói, việc triều chính trị quốc, cần phải trọng đức, trọng đức như thế nào? Thí dụ như Bắc Thần —chính là sao Bắc Đẩu— đứng ở trung tâm, bất biến bất động, rất nhiều ngôi sao khác đều phải xoay quanh sao Bắc Đẩu, lấy Bắc Đẩu làm trung tâm mà vận động theo.

Ở đây có chữ nào nhắc đến quyền lực, địa vị không? Không có, “thí như Bắc Thần” rõ ràng là một phép so sánh, dùng hình ảnh so sánh để giúp hiểu “vi chính dĩ đức” là thế nào, để mọi người hiểu hơn cụ thể dùng đức trị nước là thế nào, đức chính là trọng tâm triển khai và chấp hành việc triều chính, bất cứ việc triều chính nào đều phải xoay quanh đức giống như ngôi sao Bắc Đẩu, lấy đó làm tiêu chuẩn. Lấy đức làm trung tâm, đức giống như sao Bắc Đẩu, là phương hướng, chuẩn tắc và tôn chỉ cho những người trị quốc, luôn bất biến bất động.

Thật không hiểu rốt cuộc tại sao người đời sau lại bẻ cong ý nghĩa câu này thành quyền lực và địa vị, giải thích thành nhấn mạnh quyền lực tối cao vô thượng của đế vương, không thể làm trái mà phải tuyệt đối phục tùng. Câu này rõ ràng giảng rằng phải lấy đạo đức làm trung tâm, giáo dục đế vương phải coi đức như sao Bắc Đẩu, không thể dao động, thế nhưng câu này đã bị giải thích méo mó ở Trung Quốc đại lục và trên phim ảnh.

Shibusawa Eiichi, cha đẻ của nền kinh tế Nhật Bản cũng giải thích rất rõ về đạo lý này, ông cũng nói, Khổng Tử dạy chúng ta phải coi đức như sao Bắc Đẩu, là nguyên tắc bất biến động, tất cả mọi hành vi, hành động đều phải lấy đức làm trung tâm, xoay quanh đức mà triển khai. Vậy cụ thể thế nào, chúng ta sẽ bàn tiếp về sau, xem xem rốt cuộc tôn chỉ thi hành chính sự của người xưa có mối liên hệ gì về bản chất và có gợi mở gì cho cuộc sống ngày nay của mỗi chúng ta hay không.

 

Xem tiếp phần 6.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247449