Tu khẩu là biểu hiện đề cao cảnh giới của người tu luyện

Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[ChanhKien.org] Tôi là người tính cách hướng ngoại và hay nói nhiều, chuyện gì cũng thích bình luận hay dở, vì vậy trong vấn đề tu khẩu mãi vẫn không có tiến triển gì. Gần đây tôi đột nhiên cảm thấy dường như có một cơ chế đang khống chế tôi, có lúc tôi muốn nói nhưng không thể mở được miệng ra, trong đầu dường như có một cái máy phân tách những lời mà tôi muốn nói ra, giống như là bày những thứ ra đất để tôi xem, trong nháy mắt tôi có thể phân biệt được cái nào là hữu dụng, cái nào là rác rưởi, tự nhiên không muốn nói ra những lời nói vô dụng nữa. Sau đó, tôi có một giấc mơ: Trong giấc mơ tôi đi xem một buổi tập kịch, bước vào phòng, tôi chủ động ngồi vào ghế giám khảo, một diễn viên tên là Lý Quý Diễm (李貴艳) không muốn tôi ngồi chỗ đó, tôi nói: “Không được, dượng ([姨夫] di phu) của cô bảo tôi ngồi ở đây.” Tôi còn nhìn thấy ở góc tường có nhiều chai rượu rỗng không có nắp, tôi mang những chai rượu đó đi. Tỉnh lại tôi nghĩ: Đây là điểm hóa về vấn đề tu khẩu của mình. Bình thường tôi đến đâu cũng thích làm giám khảo, trong trường hợp nào cũng muốn nói mấy câu. Tu luyện đến bước cuối cùng rồi, cần phải dùng Pháp lý (chữ Lý [李] đồng âm với chữ lý trong ‘Pháp lý’) cao hơn mà yêu cầu bản thân, quy chính (chữ Quý [貴] đồng âm với chữ quy trong ‘quy chính’) từng hành động và lời nói của mình, nghiêm khắc (chữ Diễn [艳] phát âm gần giống với chữ nghiêm trong ‘nghiêm khắc’) với bản thân mình, tu đến trạng thái thành thục, vững chắc. Tại sao bình thường tôi lại không thể giữ được mồm miệng? Thích (chữ di [姨] phát âm gần giống với chữ ‘hỉ’) bình luận chuyện của người khác, đó là do bị nhân tố phụ diện (chữ Phu [夫] đồng âm với chữ phụ trong ‘phụ diện’) khống chế phía sau, những lời nói ra mà không tu khẩu này giống như những chai rượu rỗng không có nắp (những lời bình luận sáo rỗng), đều là những thứ phế thải cần phải bỏ đi.

Tại sao trước đây vấn đề tu khẩu của tôi không có sự đột phá? Đó là do bản thân còn nhiều nhân tâm, quan niệm, những vấn đề về gia đình, người thân, đồng tu… việc gì cũng muốn nghĩ đến, tâm can bứt rứt, nghe nói ai có tình trạng không tốt cũng lo lắng không thôi, khi gặp mặt đồng tu cũng quan tâm, nhắc nhở vài câu: “Đừng buông lơi, hãy tu luyện cho tốt”.  Đồng tu có mâu thuẫn với nhau, tôi cũng bình luận về họ mấy câu, cứ như là người khác không tốt bằng mình vậy, ở trong tự ngã của mình mà không biết đâu là tự ngã, cứ quanh quẩn trong những trạng thái này mà không thoát ra được. Do không chú ý tu khẩu nên mấy năm nay tôi đã tạo không ít nghiệp lực, chiêu mời nhiều phiền toái. Như có một lần, con của một đồng tu sắp kết hôn, việc này vốn không liên quan đến tôi, vậy mà khi đến nhà đồng tu khác, tôi lại nói với cô ấy: “Con của đồng tu X sắp kết hôn, cô có đi không?” Cô ấy nói: “Chị ấy chưa nói với tôi”. Tôi nói “Các chị rất thân thiết, đến lúc đó chắc chị ấy sẽ nói với cô thôi, vậy có thể không đi được sao?”. Mấy hôm sau tôi đến nhà một đồng tu khác, đồng tu nói với tôi: “Con của X kết hôn mà sao anh lại đem chuyện này ra kể với đồng tu khác? Cô ấy đang khổ tâm về chuyện tiền bạc, không muốn tham gia, giờ đang rất buồn vì anh đó”. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, tôi đã làm việc gì vậy? Việc này vốn không liên quan đến tôi, cái miệng này sao lại nhiều chuyện đến vậy?

Đối xử thế nào với thiếu sót của đồng tu? Đây là vấn đề khó nắm bắt nhất về phương diện tu khẩu, về vấn đề này tôi vẫn luôn làm không tốt, tôi thường nhắm vào thiếu sót của đồng tu mà không buông, thích đàm luận về thiếu sót của người khác, không bao dung và từ bi trước thiếu sót của đồng tu. Từ Pháp tôi hiểu rằng khi chúng ta hạ xuống từng tầng, sinh mệnh của chúng ta trong quá trình luân hồi đã hình thành rất nhiều quan niệm và chấp trước của con người, những thứ ấy phải được quy chính trong Pháp, quá trình quy chính này cũng là quá trình quy chính lại vũ trụ đối ứng với bản thân mình, cũng là quá trình quy chính lại thiên thể đại biểu cho bản thân mình, nếu không thì không đạt đến tiêu chuẩn sinh mệnh của vũ trụ mới. Như vậy tu khẩu xem ra không chỉ thể hiện ở vấn đề nói ít hay nói nhiều, mà còn có nội hàm thâm sâu hơn, nó là biểu hiện của việc đề cao cảnh giới.

Trước đây tôi có rất nhiều thiếu sót trong tu khẩu nhưng lại không mấy chú ý đến vấn đề này, vậy cũng bằng với tu mà như không. Một lần tôi đến nhà một đồng tu, đồng tu hỏi cháu ngoại mình: “Chú này và cậu của con ai tốt hơn?” Cô bé đang làm bài tập, nhìn tôi một cái rồi nói: “Chú ấy không vững vàng và thông minh bằng cậu hai”. Cậu hai của cô bé là một người bình thường, lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Có lúc tôi nghĩ: Tại sao mình lại nói nhiều như thế? Người thường đều biết rằng người nói nhiều thường là nông nổi, chưa trưởng thành, lâu dần sẽ không ai coi trọng người đó. Người tu luyện phải cao hơn người thường, cần phải có tâm thái từ bi, nghiêm túc. Đối với người thường, một học sinh tiểu học mà nói nhiều thì mọi người sẽ bảo là đáng yêu, học sinh trung học mà nói nhiều thì mọi người cho là hoạt bát, học sinh cấp ba mà nói nhiều thì hiển nhiên mọi người sẽ coi là ấu trĩ, sinh viên đại học mà nói nhiều thì mọi người cho rằng chưa trưởng thành, đến trung niên mà vẫn còn thao thao bất tuyệt sẽ khiến mọi người cảm thấy phiền phức. Người tu luyện phải cao hơn người thường, phải tu bỏ đi những thứ ô nhiễm nơi trần thế, phải thật sự bỏ công phu. Lời chúng ta nói ra đều có mang năng lượng, không thể tùy ý đàm luận về người khác, có lúc không chú ý mà bình luận này khác thì sẽ làm tăng thêm ma nạn ngoài ý muốn cho bản thân, khiến cho Sư phụ phải lo lắng rất nhiều vì chúng ta. Sư Phụ đã giảng:

Trong lúc chư vị bàn luận ai tốt ai xấu, chư Thần không dùng ánh mắt chính diện mà nhìn chư vị. (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [2004])

Không cải biến được vấn đề tu khẩu còn có nguyên nhân đằng sau là do cựu thế lực an bài rất tỉ mỉ đối với mỗi đệ tử Đại Pháp, tỉ mỉ đến mức độ nào? Chúng an bài chúng ta mỗi ngày nói những gì, nói với ai, những lời nói này mang đến phiền phức gì cho bản thân, gây gián cách gì cho đồng tu, chúng đều an bài một bộ cơ chế của chúng, cơ chế này vận chuyển không ngừng, chúng ta đều bị chúng thao túng. Tại sao có những lời không cần phải nói mà chúng ta vẫn không nhịn được phải nói ra? Chính là vì có nhân tố đằng sau can nhiễu đến chúng ta, những cơ chế này cũng đều có năng lượng, nếu chúng ta có chính niệm mạnh thì có thể khắc chế được chúng, nếu chính niệm không mạnh thì sẽ bị chúng dẫn động. Vì sao có những lúc chúng ta không khắc chế được? Khi phát chính niệm, chúng ta cần triệt để giải thể những cơ chế thao túng lời nói của chúng ta! Triệt để phủ định an bài của cựu thế lực! Dùng Đại Pháp quy chính lại mỗi lời nói, hành động của bản thân để chân chính đạt đến trạng thái của Thần.

Một chút thiển kiến của cá nhân, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều còn thiếu sót.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/244540