Nhận thức thế nào mới là chính xác

Tác giả: Thức Tỉnh

[ChanhKien.org]

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thể hiện quan điểm về các sự vật, những điều này được gọi là “nhận thức” của con người. Người ta cũng thường dùng những câu kiểu như “tôi nhận thức được …” để biểu đạt tâm thái và cách nhìn của bản thân đối với thế giới bên ngoài. Cho nên, có thể nói “nhận thức” là sự miêu tả nội tâm của con người đối với sự vật. Vậy thì đương nhiên “nhận thức” của con người phải chịu sự khống chế bởi ý muốn chủ quan của bản thân người đó. Nhưng nhận thức như thế nào mới đúng với sự thật khách quan nhất?

Chữ ‘nhận’ [认] nguyên được viết là [認], gồm chữ ‘ngôn’ [言] kết hợp với chữ ‘nhẫn’ [忍]. Theo nội hàm của chữ Hán, chữ này có nghĩa là yêu cầu con người khi nói phải biết kiểm soát cảm xúc của mình mới gọi là nhận [認] (nhận thức). Ngẫm ra thì đúng là như vậy. Con người vốn dễ bị xúc cảm chi phối, khi nhận thức về một sự vật, người ta thường bị ảnh hưởng bởi những quan niệm hậu thiên của bản thân, chứ không xuất phát từ những suy nghĩ chân thực, vô tư. Người xưa nói rằng: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tức là chân ngã của con người vốn thuần khiết, nhưng do ảnh hưởng lâu dài của các nhân tố ô nhiễm khác nhau trong xã hội, bao gồm cả giáo dục, thông tin, kinh nghiệm sống, tính cách v.v.. đã hình thành nên những quan niệm hậu thiên của con người. Hầu hết các quan niệm hậu thiên này đều mang tính chủ quan nhất định và bản chất vị tư của con người, do đó nó thiếu tính khách quan lẽ ra nên có. Vậy nên, con người khi không khắc chế tính chủ quan của mình mà đưa ra “nhận thức” về sự vật thì liệu có thể chính xác được không?

Ví dụ như khi xảy ra mâu thuẫn giữa người với người, người ta đều thích nhận thức xấu về đối phương, thậm chí nói ra những lời rất độc ác, họ gắn cho đối phương nhiều tiếng xấu. Nhưng người bị đánh giá là xấu kia có thực là rất xấu xa không? Thực ra không phải như vậy. Con người cũng vì để bảo vệ bản thân mình không bị tổn thương, hy vọng chiếm ưu thế trong tranh đấu, cho nên mới có xu hướng chỉ trích, hạ thấp đối phương.

Một ví dụ khác, năm 1999, đảng cộng sản Trung Quốc và Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, nhiều người sợ rằng lợi ích của họ bị tổn hại nên đã làm trái với lương tâm. Người ta nói sao thì họ nói vậy, họ không nghe, không xem cũng không tìm hiểu sự thực về Pháp Luân Công, họ lấy cái gọi là “theo trào lưu” để thể hiện nhận thức của mình. Họ không có can đảm đối mặt với sự thật, đó cũng là bảo vệ cho sự “ích kỷ” của bản thân.

Vậy làm thế nào mới có thể ước thúc được những ham muốn ích kỷ và cảm xúc để có được sự hiểu biết khách quan và chính xác? Hãy lấy Khổng Tử làm ví dụ. Chuyện kể rằng khi Khổng Tử và các môn đệ đi chu du khắp Trung Hoa, có một năm mất mùa đói kém, lương thực rất đắt đỏ. Một hôm, Nhan Hồi đang nấu cơm ở nhà bếp, Khổng Tử vừa hay đi qua, ông nhìn thấy Nhan Hồi đang bốc một nắm cơm cho vào miệng. Lúc đó Khổng Tử rời đi và không nói gì. Nhưng khi đi ra khỏi nhà bếp, Không Tử trong bụng đầy hoài nghi: “Nhan Hồi là người chính trực chân thành nhất, tại sao anh ta lại có thể làm một việc như vậy được?” Đến giờ ăn Không tử giả bộ như không có chuyện gì nói: “Cảm tạ ân đức của thiên thượng, chúng ta hãy mang cơm này cúng thần linh trước”. Lúc đó Nhan Hồi vội vàng ngăn lại nói rằng không được, vì cơm này anh ta đã ăn trước rồi. Khổng Tử hỏi nguyên do, Nhan Hồi kể rằng khi nấu cơm có tro rơi vào nồi làm bẩn cơm, nhưng lại thấy vứt cơm đi thì tiếc, nên anh đã ăn hết chỗ cơm bẩn. Nghe xong câu chuyện của Nhan Hồi, Khổng tử cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Chỉ vì một hiện tượng mà ông đã nghi ngờ người học trò xuất sắc của mình. May thay lúc đó ông đã kiềm chế được cảm xúc của mình, không lập tức đưa ra phán quyết mà dùng một phương thức tuyệt diệu để chứng minh sự thật, từ đó mà có nhận thức chính xác và khách quan.

Khổng tử được vinh danh là thánh nhân. Thánh nhân sở dĩ được gọi là thánh nhân vì họ biết cách kiềm chế ham muốn và cảm xúc của bản thân, để bản tính thiện niệm đóng vai trò chủ đạo. Nếu là người thường thì họ sẽ chỉ trích Nhan Hồi ngay tại chỗ vì họ thường “nhìn thấy là tin”. Nhưng hậu quả để lại là bản thân không những không có được hiểu biết khách quan và chính xác, mà còn làm tổn thương người khác, kích động mâu thuẫn. Do đó, con người phải hiểu được nhẫn, phải học cách ước thúc quan niệm bản thân, để cho tính bản thiện của con người làm chủ, như vậy mới có thể “nhận thức” được đúng nhất bản chất sự vật.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/156402