Loạt bài nhận thức về vũ trụ chân thực (3): Nhận thức về vũ trụ

[ChanhKien.org]

Vũ trụ hình thành như thế nào? Con người từ đâu đến? Vũ trụ phải chăng không có biên giới? Ngước nhìn lên bầu trời có vô vàn tinh tú, biết bao người đã từng tự hỏi bản thân như vậy. Nhưng dù có tra cứu tất cả các sách vở kinh điển, vẫn khó có thể tìm được đáp án đầy đủ. Đây đích thị là câu hỏi vĩnh viễn không có lời giải của nhân loại.

Từ trái đất là trung tâm của vũ trụ đến thuyết mặt trời là trung tâm của vũ trụ, từ thuyết Vụ nổ lớn Big bang đến thuyết Đa vũ trụ của Khoa học vũ trụ hiện đại, những phát hiện mới liên tục phủ định những nhận thức cũ. Phát hiện mới nhất cho thấy, vũ trụ của chúng ta có lẽ chỉ là một trong vô số các vũ trụ đan xen ngang dọc, thế giới ba chiều quen thuộc với chúng ta có lẽ chỉ là một thế giới hư ảo. Quá khứ, hiện tại, tương lai có lẽ cùng đồng thời tồn tại. Những nghiên cứu phát hiện này đã hoàn toàn đảo ngược những lý giải hiện hữu về vũ trụ. Trực giác của chúng ta đối với sự vật quen thuộc sao có thể nhận biết sai đến vậy chứ? Những điều rất kinh ngạc này có lẽ sẽ khiến bạn phải đặt câu hỏi rằng rốt cuộc mức độ đáng tin cậy của những nghiên cứu này ra sao? Loạt bài này sẽ cùng quý vị tìm hiểu những nghiên cứu và phát hiện mới nhất, đồng thời cũng mở ra một cánh cửa mới, có thể từ đây bạn có thể tìm ra được manh mối về vũ trụ chân thực.

Loạt năm bài: Nhận thức về vũ trụ chân thực, Phần 3: Nhận thức về vũ trụ

Trong lịch sử văn minh nhân loại có rất nhiều ghi chép và truyền thuyết liên quan đến sự ra đời của vũ trụ và nhân loại, từ truyền thuyết về hai vị thần Lahmu và Lahamu của người Babylon cổ đại cho đến truyền thuyết của người Ấn Độ cổ cho rằng vàng hóa thành trời, bạc hóa thành đất; từ chuyện Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Nữ Oa tạo con người trong văn hóa Trung Quốc cổ đại đến ghi chép về Jehovah tạo ra trời đất và con người trong Kinh Thánh phương tây, những truyền thuyết này đang hướng con người đến những chỗ mê chưa được giải đáp về sự ra đời của vũ trụ và nhân loại. Thế nhưng, Con người hiện đại dựa vào nhận thức trực giác cảm quan thì đã không thể thừa nhận tính chân thực của những ghi chép này nữa, họ nhất loạt quy chúng thành truyền thuyết, thần thoại và lý luận triết học. Sự phát triển của khoa học thực chứng khiến con người ngày càng coi trọng những hiện tượng vũ trụ mà nhân loại có thể tiếp xúc đến được.

Dường như trong hầu hết những nền văn minh cổ đại, người xưa coi thế giới như một quả cầu tuyết, mặt đất bằng phẳng giống như cái đĩa, nằm ở trung tâm của vũ trụ, phía trên bao trùm bởi thiên khung, với vô số các ngôi sao treo ở trên thiên khung. Người xưa cho rằng Thần đã sáng tạo ra và duy trì vũ trụ. Quan điểm Thần sáng tạo ra vũ trụ này tồn tại đến thời trung cổ mới chịu sự nghi ngờ của con người, các nhà khoa học lúc đó dựa trên quan sát của mình để đưa ra đề xuất mặt trời là trung tâm vũ trụ, chỉ ra rằng trung tâm của vũ trụ không phải là Trái đất mà là Mặt trời. Cùng với việc máy móc thiết bị đo đạc quan trắc không ngừng cải tiến, các nhà khoa học nhận thức được rằng Mặt trời cũng không phải là trung tâm của vũ trụ, Hệ mặt trời chỉ nằm ở một góc nhỏ xíu ở rìa của hệ Ngân Hà, mà hệ Ngân Hà cũng chỉ là một trong mấy trăm tỷ thiên hà. Tất cả những thiên hà này tổ thành vũ trụ của chúng ta.

Khi lật đổ được quan niệm về vũ trụ của người xưa, các nhà khoa học dường như cảm thấy rất kiêu ngạo, họ đã phát triển rất nhiều lý luận mới nhằm giải thích cho sự khởi nguyên của vũ trụ và nhân loại, mà trong những lý thuyết này thông thường đều không có chỗ đứng cho Thần. Tuy nhiên, quan niệm về vũ trụ mới nhất lại cho rằng cái thế giới ba chiều mà khoa học thực chứng của chúng ta tiếp xúc được có thể chỉ thế giới hư ảo, vậy thì vũ trụ quan của người xưa có thật sự sai hay không? Hay vẫn tồn tại những bí ẩn mà con người hiện đại chúng ta không cách nào lĩnh ngộ được?

Aristotle từng nói: “Vũ trụ bao hàm tất cả sự vật, nhưng không nằm trong bất cứ sự vật nào”. Sức tưởng tượng của các nhà khoa học hiện đại đã đột phá khỏi khái niệm vũ trụ “bao hàm tất cả sự vật”, sức tưởng tượng của họ đã bay ra khỏi Hệ mặt trời, bay ra khỏi hệ Ngân Hà, thậm chí bay ra khỏi các thiên hà xa xôi khác, đã vượt qua biên giới của vũ trụ mà chúng ta quan sát được, họ phát hiện rằng vẫn còn có rất nhiều vũ trụ khác nữa. Đây chính là thuyết đa vũ trụ được tranh luận khá nhiều gần đây.

Thực ra, thuyết đa vũ trụ đã từng được đưa ra vào những năm 60 của thế kỷ trước, thế nhưng nó đã bị đưa vào quên lãng. Với sự phát hiện ra ngày càng nhiều hiện tượng vũ trụ mà họ không cách nào giải thích nổi, đã khiến thuyết đa vũ trụ lại được đưa ra bàn luận. Lý thuyết đa vũ trụ đầu tiên được ủng hộ bởi lý thuyết về nguồn gốc của vũ trụ – thuyết vụ nổ lớn. Lý thuyết này cho rằng vào 13,7 tỷ năm trước, vũ trụ của chúng ta từ một “điểm kỳ dị” đã xảy ra một vụ nổ mãnh liệt, trải qua mấy tỷ năm, vũ trụ lạnh đi và kết hợp lại, các hằng tinh, hành tinh và thiên hà theo đó được hình thành. Do tác động của vụ nổ đó mà cho đến nay vũ trụ vẫn đang trong quá trình giãn nở. Nếu như vũ trụ bắt đầu từ một “điểm kỳ dị”, mà thuyết lượng tử lại cho rằng vật chất rất dễ phân tách, vậy thì vũ trụ từ lúc bắt đầu ở “điểm kỳ dị” có thể đã phân tách thành hai hoặc nhiều hơn hai vũ trụ.

Đồng thời bản thân vụ nổ lớn cũng có thể không chỉ nổ ra một vũ trụ. Lý thuyết vụ nổ lớn sử dụng lực phản hấp dẫn để giải thích lý do tại sao vào thời kỳ đầu không gian vũ trụ đã trải qua một sự giãn nở lớn hơn vận tốc ánh sáng, sự phình to mạnh mẽ khiến cho khu vực lân cận hoàn toàn bị phân cách ra, sự phình to có thể đã dừng lại ở một số khu vực nào đó, còn tại một số khu vực khác có thể vẫn đang tiếp diễn. Điều này có nghĩa là những vụ nổ lớn mới có thể vẫn liên tục xảy ra, những vũ trụ mới vẫn liên tục được sinh ra, những vũ trụ mới vẫn liên tục được hình thành đó tổ thành đa vũ trụ.

Thuyết đa vũ trụ còn được ủng hộ bởi hai lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác nhau, đó là lý thuyết năng lượng tối (dark energy theory) và lý thuyết dây (string theory).

Vũ trụ của chúng ta đang tăng tốc giãn nở, vậy thì trong không gian nhất định sẽ có tồn tại loại năng lượng nào đó làm tăng tốc giãn nở, các nhà khoa học gọi nó là “năng lượng tối”. Dựa trên tính toán toán học, các nhà khoa học đã tính được loại năng lượng thúc đẩy các thiên hà rời xa nhau kia là vô cùng to lớn. Nhưng kết quả quan trắc lại cho thấy năng lượng năng lượng thúc đẩy các thiên hà rời xa nhau kia lại nhỏ đến mức khó tin, gần như bằng 0, nhỏ hơn mấy nghìn tỷ lần so với số ước đoán. Kết quả khác nhau một trời một vực này khiến các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc. Các nhà khoa học đã làm rất nhiều loại thí nghiệm, kết quả là đều cho ra kết quả tương tự. Sự khác nhau lớn giữa con số ước đoán lý thuyết và con số do được của các nhà thiên văn học này là một trong những bí ẩn lớn mà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra lời giải.

Trong khi vẫn chưa tìm ra cách giải thích có sự sai biệt này, các nhà khoa học liền nghĩ tới thuyết đa vũ trụ. Nếu vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ trong đa vũ trụ, mà số lượng vũ trụ trong đa vũ trụ lại là vô hạn, thì mỗi vũ trụ đều có mức độ năng lượng tối khác nhau, vậy thì sẽ có trường hợp năng lượng tối đo được nhỏ như thế. Những vũ trụ có mức năng lượng tối lớn hơn mức đo được sẽ giãn nở rất nhanh, vật chất hoàn toàn không có cơ hội kết hợp với nhau nên không thể tạo nên hằng tinh hay hành tinh, càng không thể hình thành thiên hà và nhân loại có trí tuệ. Còn vũ trụ có mức năng lượng tối nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị đo được thì sẽ co lại. Sở dĩ vũ trụ của chúng ta có thể tồn tại được là bởi nó có mức năng lượng tối thích hợp cho sự tồn tại của sinh mệnh. Cách giải thích này đã trở thành một trong những cột trụ của thuyết đa vũ trụ.

Lý thuyết dây cố gắng giải thích sự vận hành của vũ trụ từ góc độ của thước đo vi quan. Chúng ta biết rằng bên trong nguyên tử còn có những hạt nhỏ hơn như proton, neutron, quark, neutrino…. Lý thuyết dây cho rằng những hạt hạ nguyên tử phụ này cũng có thể được cấu thành bởi những hạt nhỏ hơn nữa,tức là được cấu thành nên bởi những tuyến năng lượng rung động nhỏ dạng dây hoặc vòng năng lượng. Lý thuyết dây được coi là “chén thánh của giới vật lý”, ý nói là nó thể giải thích được hết thảy mọi thứ trong vũ trụ, gồm cả sự ra đời của vũ trụ. Lý thuyết dây cho rằng những dây với phương thức rung động khác nhau sẽ tạo nên các vi lạp khác nhau, chiều không gian phụ (extra dimension) của dây sẽ quyết định phương thức rung động của dây nhỏ hơn. Trạng thái của không gian của những chiều không gian phụ này lại quyết định đặc trưng căn bản nhất của vũ trụ chúng ta.

Vấn đề là phương thức cuộn của chiều không gian phụ mà các nhà lý thuyết dây phát hiện ra dường như là một con số rất lớn. Thừa nhận chung hiện nay là số lượng hình thức cuộn lên đến 10 mũ 500, tức là số 1 với 500 con số 0 ở phía sau. Với nhiều cách giải thích khác và hình dạng có thể hình thành khác nhau như thế, mỗi loại hình dạng có thể hình thành lại cũng dựa trên căn cứ đó, như vậy dường như rất hoang đường, vì vậy có nhà khoa học hoài nghi rằng bản thân lý thuyết dây đã từ vật lý học biến thành hình học rồi. Nhưng chính sự hoang đường này lại thổi một sức sống mới cho lý thuyết đa vũ trụ. Một số nhà lý thuyết dây tin rằng mỗi lời giải khác nhau của lý thuyết dây có lẽ đều đại biểu cho một vũ trụ chân thực nhưng khác nhau. Hay nói cách khác, lý thuyết dây đang mô tả một đa vũ trụ. Có điều cho đến nay, các nhà lý thuyết dây vẫn chưa phát hiện ra bất kể hình dạng có thể hình thành nào tương tự với vũ trụ của chúng ta.

Trong lý thuyết dây, số chiều thời không đã tăng lên 11 chiều. Trong bức tranh thời không như vậy, thì cái vũ trụ tưởng chừng to lớn vô biên mà chúng ta trực tiếp quan sát được chẳng qua chỉ là một siêu mặt cong bốn chiều trong thời không 11 chiều mà thôi, toàn bộ vũ trụ giống như một lớp màng mỏng, đây chính là thuyết màng vũ trụ. Rất nhiều màng vũ trụ đã hình thành nên một thể vũ trụ, nghĩa là cái vũ trụ bốn chiều của chúng ta đây chỉ là một tầng màng vũ trụ tồn tại trong thể vũ trụ chiều cao. Các màng vũ trụ khác nhau có thể tồn tại trong các chiều khác nhau, cho dù chỉ gần trong gang tấc, nhưng lại không thể thăm dò lẫn nhau. Cũng có người cho rằng thời không của chúng ta có lẽ không chỉ là bốn chiều, ngay bên cạnh chúng ta có thể ẩn chứa chiều không gian mà chúng vĩnh viễn không thể thăm dò được.

Dù là sự đo lường năng lượng tối hay là lý thuyết dây, trong điều kiện không thể giải thích được sự sai khác cực lớn giữa giá trị ước đoán và giá trị đo được cũng như không thể xử lý được tình huống về số lượng cực lớn các hình dạng có thể hình thành, thì 2 lý thuyết này đều có liên hệ với thuyết đa vũ trụ và sau đó trở thành một trụ cột của thuyết đa vũ trụ, thật đúng là biến thứ mục nát trở nên thần kỳ. Dẫu biết sự so sánh này xem chừng rất khiên cưỡng, nhưng bởi vì họ không tìm ra giải thích nào tốt hơn các nhà khoa học vẫn đành tiếp nhận lý thuyết này, đây chính là nỗi hổ thẹn mà các nhà khoa học hiện nay phải đối mặt.

Sự ủng hộ mạnh nhất cho sự tồn tại của thuyết đa vũ trụ bắt nguồn từ phát hiện về sóng hấp dẫn và bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Các nhà khoa học phát hiện bức xạ trên biểu đồ bức xạ nền vi sóng vũ trụ không phân bố đồng đều, mà còn tồn tại những “điểm lạnh” mà đến nay các nhà khoa học vẫn không thể giải tích được, tức là vùng bức xạ trống không. Họ cho rằng những hiện tượng kỳ lạ này là do vũ trụ chúng ta lúc mới hình thành đã bị kéo bởi trọng lực của các vũ trụ khác, có nghĩa là bên ngoài vũ trụ mà chúng ta đang sống còn có vô số các vũ trụ khác.

Trên cơ sở của thuyết đa vũ trụ, các nhà khoa học dự đoán trong rất nhiều các vũ trụ cũng tồn tại vô số các hành tinh giống như Trái đất của chúng ta, thậm chí trên đó còn có các bản sao của mỗi chúng ta.

Sự xuất hiện của thuyết đa vũ trụ khiến cho cuộc tranh luận giữa quan điểm rằng vũ trụ do Thần sáng tạo ra và vũ trụ sinh ra do vụ nổ lớn càng thêm kịch liệt. Có một số nhà khoa học nói, chính vì có nhiều vũ trụ tồn tại như vậy, nên nếu nói sự xuất hiện của sinh mệnh có trí tuệ như loài người là kiệt tác của Thần thì chẳng thà nói rằng đó là kết quả của định luật xác suất thống kê còn hơn, tức là sự xuất hiện của nhân loại có trí tuệ chẳng qua chỉ như trúng xổ số vũ trụ mà thôi. Cũng có nhà khoa học nói rằng, nhận thức như thế chắc chắn không phải là một lý luận khoa học, mà là một dạng phỏng đoán trừu tượng (metaphysics). Nó vượt khỏi phạm trù vật lý học và trở thành một loại triết học nào đó. Về những tranh luận này, Đại sư Lý Hồng Chí qua các bài giảng Pháp của mình đã đưa ra đáp án gây chấn động nhất.

Vũ trụ hình thành như thế nào?

“Cấu thành của vũ trụ hoàn toàn không giống như khoa học gia hiện nay nói là do vụ nổ lớn hình thành. (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

“Sinh mệnh của các vũ trụ, thiên thể, thượng khung hay đại khung tại các tầng khác nhau, cũng chỉ là một niệm của Thần tại cao tầng sinh thành. (Giảng Pháp tại Pháp hội Vancouver ở Canada năm 2003-Giảng Pháp tại các nơi II)

Từ bài giảng Pháp của Đại sư Lý Hồng Chí, chúng ta hiểu được rằng trong dòng sông dài của lịch sử vũ trụ từ xưa đến nay, một niệm của Thần ở các tầng thứ khác nhau đã tạo ra vũ trụ ở các tầng thứ khác nhau. Vũ trụ mới thông thường đều được sinh ra sau khi vũ trụ cũ giải thể, tức vũ trụ cũ bị nổ hủy đi rồi thì mới hình thành vũ trụ mới. Sự vận động của vũ trụ cũng là có quy luật, hết thảy mọi thứ trong vũ trụ bao gồm bản thân vũ trụ đều chịu sự chi phối và chế ước của pháp lý vũ trụ. Pháp lý vũ trụ hiện nay của chúng ta chính là “thành, trụ, hoại, diệt, không”. Khi vũ trụ tiến và giai đoạn “diệt, không” thì vũ trụ sẽ xảy ra vụ nổ, vụ nổ đó sẽ khiến toàn bộ sinh mệnh cũ trong vũ trụ và toàn bộ đặc tính của vũ trụ cũ bị nổ tung. Thần sẽ lợi dụng vật chất của vũ trụ cũ bị nổ đó mà kiến tạo nên vũ trụ mới. Vũ trụ mới được hình thành sau khi vũ trụ cũ bị nổ, nhưng không có nghĩa là bản thân vụ nổ đã sản sinh ra vũ trụ mới. Khoa học thực chứng hiện đại khi phát hiện ra chứng cứ về việc vũ trụ chúng ta đã từng phát sinh một vụ nổ, bèn cho rằng vũ trụ của chúng ta được sinh ra bởi vụ nổ. Kỳ thực khoa học thực chứng hiện đại chỉ nhìn thấy hiện tượng bề mặt mà không biết thực chất bên trong của nó, chỉ biết nó là như thế mà không biết căn nguyên tại sao.

Vũ trụ có biên giới không?

“Khi tôi giảng vũ trụ đã nói đến khái niệm tiểu vũ trụ. Cái tiểu vũ trụ này không những con người không dám tưởng tượng là lớn đến đâu, đương nhiên tư tưởng con người cũng vẫn luôn muốn tìm tòi vũ trụ lớn ngần nào, tiểu vũ trụ mà tôi nói đến trong khoa học hiện nay còn chưa có khái niệm này, khoa học cho rằng cái vũ trụ này chính là vũ trụ mà mắt nhìn thấy, vũ trụ mà tôi vẫn giảng đây nó lớn ngần nào? Dùng con số của nhân loại, ngôn ngữ của nhân loại cũng không hình dung được, nhưng mà có thể giảng ra kết cấu đại khái — mọi người có biết trong tiểu vũ trụ có bao nhiêu tinh hệ giống như hệ Ngân Hà không? Có lẽ những người ngồi đây có sở trường về phương diện này đã được học từ sách vở, nhưng mà điều tôi giảng không như vậy. Tinh hệ như hệ Ngân Hà hiện nay trong cái tiểu vũ trụ này thì có hơn 2.7 tỷ cái, không đến 3 tỷ cái. Đây là dùng phương thức mà mắt người nhìn vật thể, dùng một loại hình thức kết cấu của tinh thể mà con người có thể nhận thức được mà nói, vũ trụ của tương lai cũng không giống với con số này. Thích Ca Mâu Ni từng giảng một câu, Ông nói Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Thích Ca Mâu Ni cũng là Phật Như Lai, Ông từng nói Phật Như Lai như số cát sông Hằng. Đây là phương thức mà mắt Phật nhìn vật thể, kỳ thực vô lậu mà xét thì tinh thể trong tiểu vũ trụ nhiều như cát vậy, mật độ giống như phân tử. Phạm vi của cái tiểu vũ trụ này nó cũng có vỏ ngoài, vậy nó có phải là phạm vi lớn nhất của vũ trụ này không? Đương nhiên không phải, đứng ở không gian rộng lớn to lớn hơn nữa mà nhìn thì cái tiểu vũ trụ này cũng chỉ là một lạp tử của không gian cự đại mà thôi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

“Vậy bên ngoài vũ trụ lại là cái gì? Trải qua một quá trình thời không dài đằng đẵng, ở nơi xa nhìn thì như là phát hiện một điểm sáng. Khi càng đến gần nó, sẽ phát hiện cái điểm sáng này càng lúc càng lớn, càng lớn, càng lớn, lúc này sẽ phát hiện nó cũng là một cái vũ trụ, so với cái vũ trụ của chúng ta kích cỡ không sai khác mấy. Vậy thì với vũ trụ kiểu như vậy thì có bao nhiêu? Vẫn là dùng phương thức con người nhìn vật thể mà nói, ước chừng có ba nghìn cái vũ trụ như vậy, đây đều là dùng nhận thức của con người và khái niệm con số đối với một loại nhận thức nhân tố vật chất. Kết cấu của vũ trụ là cực kỳ phức tạp. Bề ngoài ở đây lại có một tầng vỏ ngoài, vậy là cấu thành vũ trụ tầng thứ hai. Sau đó phạm vi lớn hơn bên ngoài vũ trụ tầng thứ hai này lại có ba nghìn cái vũ trụ lớn như thế, lại cấu thành vũ trụ tầng thứ ba.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Có lẽ có người sẽ hỏi, vì sao đều là 3,000 nhỉ? Đại sư Lý Hồng Chí đã giảng giải thêm một bước nữa:

“Trong vũ trụ mệnh mông sinh mệnh hữu hình và sinh mệnh vô hình đồng thời tồn tại. Mà sinh mệnh vô hình khổng lồ dưới tác dụng của họ, họ đang cân bằng hết thảy của vũ trụ, đang tạo nên hết thảy của vũ trụ. Chư vị thử nghĩ xem, tại sao sắp xếp của phân tử sắt lại chỉnh tề như thế? Sắp xếp của phân tử vàng tại sao lại là như thế? Đồng tại sao là như thế? Còn nhôm tại sao lại là như thế? Hơn nữa lại sắp xếp một cách đồng đều, chỉnh tề? Nếu như nó sắp xếp một cách không đồng đều, không chỉnh tề thế thì sẽ phát sinh một sự biến hóa. Biến hóa gì? Nếu như vàng không chiểu theo sự sắp xếp phân tử của nguyên tố kim loại ấy, thì nó sẽ biến thành thứ khác, khác biệt chính là ở trên bề mặt. Như vậy hết thảy điều này đều là có quy luật, mà loại quy luật này tuyệt không phải tự nhiên hình thành, chỉ bất quá là khoa học hiện nay không biết, khám phá không đến.

……

“Con số ba nghìn này, vừa rồi tôi giảng chính là nói với mọi người nó là có quy luật, là có an bài, nhưng cũng không tuyệt đối đều là ba nghìn. Bởi vì tôi giảng đều là con số khái quát, vì để cho chư vị có thể hiểu ở mức độ tối đa, dùng ngôn ngữ của con người mà biểu hiện ra.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

“Một cái tầng tiểu vũ trụ ấy thôi đối với nhân loại mà giảng đã là tương đối, tương đối lớn rồi, không thể tính đếm được các lạp tử tinh cầu lớn nhỏ khác nhau trong đó là có bao nhiêu. Tại sao vậy? Bởi vì chư Phật, Thần, Ðạo ở các tầng thứ rất cao có thể nhìn thấu tất cả, nhưng không ai có cái tư tưởng [ý nghĩ rằng] đi kiểm tra xem có bao nhiêu hạt bụi. Kỳ thực tinh cầu trong thiên thể cự đại thì nó chỉ như là một hạt bụi phiêu bạt trong thiên thể vũ trụ mà thôi.”(Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Đại sư Lý Hồng Chí tiếp tục mở rộng nhận thức cho các đệ tử của Ngài về vũ trụ thiên thể:

“Như vậy có 3000 vũ trụ lớn ngần này không ngừng khuếch đại triển khai phạm vi của nó, không ngừng khuếch đại triển khai thể hệ của nó. Ước chừng đến tầng thứ khoảng hơn 1000 thì xung xuất [khỏi] phạm vi thể hệ của thiên thể tầng thứ nhất. Nhưng ngay cả cái phạm vi đó cũng không chỉ có một: trong vũ trụ mênh mông khổng lồ nó cũng chỉ là một lạp tử, vậy mà tầng lạp tử đó cũng là hiện hữu khắp thiên thể mênh mang. Xuất ra khỏi phạm vi đó rồi, thì toàn bộ hình thành một trạng thái “không”. “Không” đến mức độ nào? Bất kể vật chất nào nội trong thể hệ này, nếu muốn tiến nhập vào, thì nó bằng như là tự giải thể. Bởi vì bất kể vật chất nào nội trong phạm vi thể hệ này thì đều là có sinh mệnh, có đặc tính, có tư tưởng. Tiến nhập vào trong cái “không” vi quan nhường ấy thì dường như lạp tử này đã không thể duy trì tư tưởng và sinh mệnh được nữa, nó sẽ ngay lập tức giải thể, cũng tức là bất kể thứ gì rơi vào đó rồi thì đều sẽ giải thể. Khái niệm này giảng như vậy thì chúng ta dễ lý giải. Nhưng sau khi vượt ra khỏi phạm vi của cái “không” ấy kỳ thực vẫn có những thiên thể khác, những thiên thể với phạm vi lớn hơn. Nhưng sinh mệnh ở cảnh giới này không thể di chuyển một bước sang kia được, là bởi vì tại vi quan hơn, vi quan hơn, vẫn còn có các nhân tố vi quan hơn tồn tại. Nhưng mà đến phạm vi lớn hơn chỗ kia, thì khái niệm vật chất và sinh mệnh của thiên thể ấy đã hoàn toàn khác rồi, khái niệm về vật chất đã không tồn tại nữa. Trong phạm vi của thiên thể đó, tầng số vũ trụ là khác nhau, nhưng cấu thành mỗi một tầng thiên thể đều có các lạp tử cơ bản nhất vi quan nhất. Mà lạp tử cơ bản đều là do đặc tính vũ trụ Chân–Thiện–Nhẫn tổ hợp mà thành.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

Đại sư Lý Hồng Chí tiếp tục giảng giải trong thiên thể các lạp tử với kích cỡ khác nhau đã tổ hợp thành thể hệ không gian hướng ngang, hướng dọc rối ren phức tạp.

“Khái niệm mà tôi đang giảng ở đây rất phức tạp. Bởi vì ngôn ngữ của con người thực sự là hữu hạn, chư vị cần phải chú ý nghe. Ví dụ nói, vật chất hạt lớn nhất của một tầng thiên thể nào đó, là do tự thân thể hệ của nó từ các lạp tử vô hạn vi quan tổ thành cho đến tầng lạp tử to lớn ngần ấy, đó gọi là thể hệ tổ hợp lạp tử theo hướng ngang. Tức là các lạp tử vật chất nó không những là từ trong một thể hệ vi quan theo hướng dọc mà tổ hợp lên, mà đồng thời tự thân nó cũng là do một thể hệ tự [hình] thành từ vật chất vi quan cho đến lớn hơn, lớn lớn hơn tổ thành. Cũng tức là nói mỗi một tầng các lạp tử lớn nhỏ khác nhau của thể hệ này tự thân nó cũng đều là một thể hệ do vật chất vi quan tổ thành. Nhưng mà mỗi một tầng các lạp tử lớn nhỏ khác nhau của thể hệ này lại là phân bố khắp hết thảy, cho nên giữa các lạp tử lớn nhỏ khác nhau ấy lại cấu thành một thể hệ tổ hợp theo hướng ngang. Như thế giữa lạp tử cơ bản nhất của nó và tầng lạp tử lớn nhất của nó thì cách nhau tương đối xa xôi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998])

“Trong mỗi không gian còn có thế giới đơn nguyên, chính là như hình kết cấu nguyên tử mà chúng ta vẽ, giữa các quả cầu có mối liên kết, giao thoa cả bảy tám hình cầu, đều có liên kết, chính là rất phức tạp.” (Chương I-Pháp Luân Công)

Khi các nhà vũ trụ học hiện đại còn đang không ngừng tranh luận xem có hay không có đa vũ trụ, họ không thể tưởng tượng được rằng cái phạm vi vũ trụ mà họ đang tranh luận kia chẳng qua chỉ là một hạt bụi trong hạt bụi trong đại khung vũ trụ mà Đại sư Lý Hồng Chí mô tả ra mà thôi. Trong giảng Pháp của Đại sư Lý Hồng Chí còn có những sự thật khiến cho các nhà vũ trụ học hiện đại kinh ngạc, đó chính là trời và đất mà các nhà vũ trụ học hiện đại nhận định lại không phải là trời và đất mà Thần đã nói cho cổ nhân từ thuở sơ khai.

Khoa học thực chứng nhìn thấy Trái đất hình tròn, bèn cho rằng đã lật đổ được vũ trụ quan “đất là mặt phẳng” của người xưa rồi, nhưng sự thật là con người hiện đại chúng ta chỉ nhìn được hiện tượng bề mặt chứ chưa thể lĩnh ngộ được những bí ẩn thâm sâu hơn của vũ trụ.

Vì khi Thần tạo ra con người không phải là tạo ở trên thiên thượng, mà là tạo ở trên mặt đất, nghĩa là dùng vật chất trên đất để tạo ra. Trong kinh «Cựu Ước» hầu như là có giảng như vậy, Yahweh đã dùng bùn đất tạo ra con người. Kỳ thực phân tử là một loại lạp tử ở tầng bề mặt thấp nhất của vũ trụ, nói cách khác, trong mắt của Thần thì lạp tử tầng ấy chính là đất, là bùn đất. Vì vật chất kia của họ đều là tinh hoa của vật chất trong vũ trụ, vũ trụ càng xuống dưới càng thấp, các hạt vật chất càng lớn càng thô, cũng chính là càng không tốt, ở trong mắt họ mà nhìn cũng là càng dơ bẩn, do đó, trong mắt của họ, ‘trời’ và ‘đất’ là khác với nhận thức của con người. Con người nói ‘lên trời’ ấy, kỳ thực chư vị chẳng qua chỉ là [vẫn] trong phân tử mà lên cao, đi xa, chứ chư vị chưa thoát ly khỏi tầng không gian của phân tử, vì thế không phải thật sự lên thiên thượng đâu. Thần nói ‘trời’ ấy là do lạp tử vi quan hơn tổ hợp thành, đó mới là trời thật sự.

……

“Các nhà khoa học nói rằng ‘Ở đâu có Thần? Bầu trời kia thì kính viễn vọng của chúng tôi nhìn khắp rồi, nơi nào có Thần?’ Đó không phải là trời thật, đó là ‘trời’ trong quan niệm của con người, chứ không phải ‘thiên’ chân thật mà chúng sinh vũ trụ nói. Trái đất này cũng không phải khái niệm hoàn chỉnh của ‘địa’. Con người nhìn trái đất, ‘Ồ, trái đất này, đó là đất của chúng ta, chúng ta đặt chân trên trái đất này, và đất là tròn. Thần nói không phải tròn. Lẽ nào không phải là tròn nhỉ? Chúng ta nhìn thấy còn rõ ràng hơn cả Thần.’ Nhưng mọi người nghĩ xem, Thần nhận thức phân tử chính là chất đất trên mặt đất, tầng không gian này chẳng phải vật chất cấu do phân tử thành hay sao? Không khí mà con mắt của chúng ta nhìn không thấy ấy chẳng phải cũng do phân tử cấu thành? Trong không khí còn có hàng trăm triệu những thứ vật chất giống như không khí có mặt khắp nơi trong tam giới, chỉ là con mắt không thấy được các phân tử đó và lạp tử nhỏ hơn, nhưng chúng dày đặc tràn đầy khắp cả hết thảy không gian này, nhân loại chẳng qua được chôn vùi trong hàng đống phân tử và lạp tử nhỏ hơn. Hình thức ở bề mặt của thế gian con người đều là hình thức được tạo thành từ vật chất bề mặt do phân tử tổ hợp thành, có cái là Thần tạo ra, có cái là con người tạo ra. Con người tạo ra, ấy là như toà nhà này; có cái do Thần tạo ra, [như] nước, đá, thổ, không khí, kim loại, thực vật, động vật, con người, còn có các vì sao trên trời và trái đất nữa. Con người chẳng qua là ở trong không gian tạo thành bởi các lạp tử tầng này mà nhận thức thế giới, trong không gian vô cùng chật hẹp này mà nhận thức vũ trụ, trời và đất mà con người nhận thức không phải là thiên-địa chân thật. Trái đất và không khí cũng đều giống nhau là do phân tử cấu thành, trong con mắt chư Thần nhìn, thì đều là ‘địa’. Ở vi quan thì bản thân không gian do lạp tử tầng này cấu thành chính là ‘địa’, mà cảnh giới cấu thành từ các lạp tử vi quan hơn nữa mới là ‘thiên’ chân thật.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Thì ra “địa” mà Thần nói đến không phải là địa cầu, mà là toàn bộ tầng diện phân tử, mà tầng diện này lại là phẳng!

Khoa học thực chứng nhìn thấy Trái đất không phải là trung tâm của Hệ mặt trời, càng không phải là trung tâm của hệ Ngân Hà, liền cho rằng đã lật đổ được vũ trụ quan “Trái đất là trung tâm của vũ trụ”. Kỳ thực nó cho thấy rõ vũ trụ học hiện đại của chúng ta đúng là “ếch ngồi đáy giếng”.

“Trái đất này của chúng ta, nó gần như là ở tại vị trí trung tâm của vũ trụ, thể hình cầu giống như Trái đất thế này tại những nơi khác chỉ còn tồn tại một lượng cực kỳ ít, nhưng chỉ duy nhất nơi này của chúng ta là ở vị trí trung tâm. Vậy thì vị trí trung tâm thì nó có tính đặc thù của nó. Nhưng mà không phải nói về khái niệm ở trong vũ trụ. Nếu trong xã hội người thường bình thường chúng ta, khi người thường học tri thức, đều cảm thấy trung tâm là cao nhất, tốt nhất. Nhưng tôi nói với mọi người, trong khái niệm về vũ trụ, vị trí trung tâm này của Trái đất là không tốt nhất. Vì sao vậy? Bởi vì vũ trụ là tròn mà, những sinh mệnh khác nhau trong vũ trụ đều sẽ rớt xuống dưới. Rớt đi đâu đây? Bởi vì vũ trụ là hình tròn mà, vậy thì bên trái này vẫn là trên, dưới đáy này cũng chẳng phải là trên sao? Bên phải này vẫn là trên (làm thế tay), phía sau này vẫn là trên, phía trước này cũng là trên, cho nên những thứ không tốt của nó đều rớt xuống dưới. Rớt đến đâu nhỉ? Chẳng phải rớt vào trung tâm sao, đúng không. Nhưng mà vũ trụ quá phức tạp rồi, còn có khái niệm trung tâm khác nữa. (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Một khái niệm trung tâm khác là gì?

“Trung tâm của vũ trụ vừa hay chính là lạp tử ở giữa các lạp tử lớn nhỏ này, từ lạp tử vi quan nhất đến tầng lạp tử lớn nhất ở vỏ ngoài của toàn bộ vũ trụ, cho nên là trung gian của toàn bộ lạp tử, mới có thể là vị trí trung tâm của vũ trụ này. Thân thể người là do tầng lạp tử này tổ thành. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])

Từ đó có thể biết rằng, thân thể người là do tầng lạp tử phân tử tổ thành, phân tử vừa hay chính là lạp tử trung gian giữa lạp tử nhỏ nhất và lạp tử lớn nhất. Lạp tử lớn nhất mà khoa học thực chứng có thể quan trắc được là tinh cầu, nhân loại sinh tồn ở giữa lạp tử phân tử và lạp tử tinh cầu, ở trong không gian vô cùng chật hẹp này mà nhận thức thế giới và vũ trụ. Vậy thì từ phân tử trở xuống còn có bao nhiêu lạp tử vi quan đây?

Bề mặt vật chất mà nhân loại có thể nhận thức được, lạp tử lớn nhất nhìn thấy được chính là tinh cầu, hệ Ngân Hà; các lạp tử nhỏ nhất mà dùng máy móc có thể biết được còn có phân tử, nguyên tử, hạt nhân nguyên tử, neutron, điện tử, hạt quark, neutrino, xuống dưới nữa thì không biết được. Nhưng còn cách không biết là bao xa so với vật chất bản nguyên của con người, vật chất bản nguyên cấu thành các sinh mệnh. Gấp vô số ức lần, vô số ức vô số ức lần vẫn chưa đến tận cùng, vật chất vi quan đến mức độ ấy.” (Giảng Pháp tại Hội giao lưu Quốc tế tại Bắc Kinh [1996]–Giảng Pháp tại các nơi I)

Giờ đây chúng ta đã biết rằng vũ trụ quan của cổ nhân thực ra là chính xác. Khoa học hiện đại đã phủ định vũ trụ quan của cổ nhân là bởi vì con người hiện đại chúng ta quá ỷ lại vào khoa học thực chứng sờ tận tay, nhìn tận mắt, từ đó mà bị mất đi năng lực nhận thức những bí ẩn thâm sâu hơn vượt trên những gì khoa học thực chứng có thể tiếp xúc được.

“Nhân loại chỉ nhận thức được không gian do phân tử tổ [hợp] thành này, lại còn dậm chân tại chỗ, dùng các loại định nghĩa khoa học thực chứng mà tự hạn chế chính mình, đột phá không nổi. Ví như chư vị nói không khí, nước, sắt thép, gỗ, và cả thân thể con người, tất cả không gian chư vị sinh sống đều là do phân tử cấu thành. Chư vị giống như sinh sống trong đại dương của cảnh giới phân tử này, giống như một bức họa lập thể do phân tử tổ [hợp] thành. Phi thuyền vũ trụ bay cao đến đâu, cũng không chạy ra khỏi không gian cấu thành từ phân tử này; máy tính dẫu phát triển tới đâu cũng không sánh được não người. (Giảng Pháp tại Hội giao lưu Quốc tế tại Bắc Kinh [1996]–Giảng Pháp tại các nơi I)

Vũ trụ mà nhân loại nhận thức được chẳng qua chỉ là một hạt bụi trong hạt bụi trong đại khung vũ trụ mênh mông, cái không gian mà nhân loại đang sinh tồn lại là một không gian mê, không nhìn thấy sinh mệnh ở không gian khác, không nhìn thấy chân tướng của vũ trụ, mục đích là để con người ở trong mê mà có thể ngộ, có thể nâng cao tầng thứ sinh mệnh, bởi vì ở trong mê mới có thể khảo nghiệm chân tâm của con người. Đại sư Lý Hồng Chí đã chỉ ra con đường duy nhất khiến nhân loại nhận thức vũ trụ chân thực:

“Nhân loại nếu muốn liễu giải được bí ẩn của vũ trụ, thời không, và thân thể người, thì chỉ có tu luyện trong chính Pháp, đắc chính giác, đề cao tầng thứ của sinh mệnh. Trong tu luyện cũng khiến phẩm chất đạo đức được đề cao; khi phân biệt được thật sự thiện và ác, tốt và xấu, đồng thời vượt khỏi tầng thứ nhân loại, thì mới nhìn thấy được, mới tiếp xúc được vũ trụ chân thực và các sinh mệnh tại các tầng thứ khác nhau các không gian khác nhau. (Luận Ngữ-Chuyển Pháp Luân)

“Đề cao tầng thứ của sinh mệnh” mới là mục đích và ý nghĩa cuối cùng của nhân sinh, cũng là con đường duy nhất để nhận thức vũ trụ chân thực.

=========

Ghi chú

Loạt bài này có nhiều chỗ trích dẫn nội dung trong các bài giảng Pháp của Ngài Lý Hồng Chí, hoàn toàn dựa trên lý giải một chiều và hạn chế của cá nhân tác giả, do đó khi trích dẫn khó tránh khỏi đoạn chương thủ nghĩa. Nguyên tác các bài giảng của Ngài Lý Hồng Chí có nội hàm thâm sâu và rộng lớn, các độc giả quan tâm xin hãy đọc các bài giảng Pháp nguyên văn của Ngài Lý Hồng Chí được đăng tải miễn phí tại trang web: http://phapluan.org.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/150800

Tài liệu tham khảo

[1] PBS-TV/NOVA: “The Fabric Of The Cosmos” (Updated: November 2011).

[2] The Fabric of the Cosmos: Space, Time, and the Texture of Reality (2004). Alfred A. Knopf division, Random House, ISBY 0-375-41288-3

[3] Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996]

[4] Giảng Pháp tại Pháp hội Vancouver ở Canada năm 2003

[5] Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998]

[6] Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998]

[7] Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ [1998]

[8] Pháp Luân Công

[9] Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004

[10] Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999]

[11] Giảng Pháp tại Hội giao lưu Quốc tế tại Bắc Kinh [1996]

[12] Chuyển Pháp Luân

[13] Chuyển Pháp Luân – Luận Ngữ

Xem tiếp Phần 4