Tài liệu giáo khoa văn hóa (Sơ cấp): “Tam Tự Kinh” (20)

Biên soạn: Tổ biên tập tài liệu giáo khoa văn hóa Chánh Kiến

Chế tác: Nhóm làm phim hoạt hình Tam Tự Kinh

Âm nhạc:

– Chánh Kiến Thiên Âm (http://www.zhengjian.org/music)

– Trần Đông (http://tonychenmusic.com)

 

Tiếp theo: Bài 19

[ChanhKien.org]

fSkQ3mld8

Bài 20

Nguyên văn

曰(yuē) 國(guó) 風(fēng),曰(yuē) 雅(yǎ) 頌(sòng),

號(hào) 四(sì) 詩(shī),當(dāng) 諷(fèng) 詠(yǒng)。

詩(shī) 既(jì) 亡(wáng),春(chūn) 秋(qiū) 作(zuò),

寓(yù) 褒(bāo) 貶(biǎn),别(bié) 善(shàn) 恶(è)。

Phiên âm Hán Việt

Viết quốc phong, viết nhã tụng

Hiệu tứ thi, đương phúng vịnh.

Thi ký vong, Xuân Thu tác

Ngụ bao biếm, biệt thiện ác.

 

Tạm dịch

Rằng Quốc Phong, rằng Nhã Tụng

Gọi là bốn thể thơ, để ngâm đọc

Kinh thi đã mất, thay vào đó là kinh Xuân Thu

Ngụ ý khen chê, phân biệt thiện ác

Từ vựng

(1) Quốc phong (國風):một trong bốn thể thơ của Kinh Thi. Chỉ những bài ca dao dân gian của các nước chư hầu thời nhà Chu. Tổng cộng có 160 bài, chia làm 15 nước. Đại khái là chỉ các bài dân ca từ thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu.

(2) Nhã (雅):một thể thơ của Kinh Thi, được chia thành Đại nhã và Tiểu nhã. Đại nhã là các bài thơ ca các chư hầu dùng khi yết kiến Thiên tử. Tiểu nhã là các bài thơ ca mà Thiên tử dùng trong các yến tiệc đãi khách

(3) Tụng (頌):một thể thơ của Kinh Thi, là các bài thơ dùng trong lễ bái, được phân thành ba loại Chu tụng, Lỗ tụng, Thương tụng.

(4) hiệu (號):được gọi là

(5) Tứ thi (四詩):bốn thể thơ của Kinh Thi

(6) phúng vịnh (諷詠):đọc to ngâm nga

(7) ký (既):đã

(8) vong (亡):mất

(9) Xuân Thu (春秋):tên sách, đây là cuốn sách do Khổng Tử biên soạn căn cứ vào sách sử nước Lỗ, ghi chép lại lịch sử 242 năm từ thời Lỗ Ẩn Công năm thứ nhất (năm 722 TCN) đến thời Lỗ Ai Công năm thứ 14 (năm 481 TCN). Đây là văn bản lịch sử Trung Quốc sớm nhất còn lại và được ghi chép theo thể biên niên.

(10) tác (作):làm ra

(11) ngụ (寓):ẩn chứa

(12) bao (褒):tán dương

(13) biển (貶):phê bình

(14) biệt (别):phân biệt

Dịch nghĩa

Kinh Thi có 4 thể thơ gồm: Quốc phong, Đại nhã, Tiểu nhã, Tụng được gọi là Tứ thi, do đó Kinh Thi thường phải đọc ngâm nga trầm bổng.

Sau khi nhà Chu suy bại, Kinh Thi dần dần bị quên lãng. Do đó Khổng Tử bèn căn cứ vào sử sách nước Lỗ để biên soạn cuốn Xuân Thu, bộ sách này chứa đựng những lời tán dương cũng như phê bình đối với chế độ chính trị khi đó, mong muốn người đương quyền có thể biết để cảnh giác, đồng thời cũng nhắc nhở người đời biết phân biệt rõ thiện ác.

Vấn đề thảo luận

(1) Khổng Tử từng nói “Không học Thi, không có gì để nói”, bạn đã đọc qua thi ca bao giờ chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Hãy chia sẻ cùng mọi người.

(2)  Khổng Tử đã viết cuốn Xuân Thu trong thời loạn thế để khen chê xã hội đương thời. Bạn cho rằng trong tình hình hỗn loạn, nếu như có người bước ra phân rõ đúng sai phong thái chính trực, thì có phải là việc tốt hay không? Khi người có chức quyền làm sai, bạn sẽ đối đãi cụ thể như thế nào?

Câu chuyện: Hỏi một biết ba

Khi con trai Khổng Tử chào đời, vua nước Lỗ sai người đem một con cá chép đến tặng cho Khổng Tử, do đó Khổng Tử đặt tên con là Khổng Lý, tên chữ là Bá Ngư, ý là con cá mà Lỗ Bá tặng.

Có một lần, học trò của Khổng Tử là Trần Kháng hỏi Bá Ngư: “Cha ngài có truyền thụ điều gì đặc biệt cho ngài hay không?” Bá Ngư nói: “Không có. Một lần cha đứng một mình ở sân, ta nhanh chân chạy qua. Cha hỏi ta: ‘Con học Kinh Thi chưa?’ Ta nói: ‘Dạ chưa’. Cha ta nói: ‘Không học Kinh Thi, thì không thể nắm chắc được kỹ năng nói chuyện’. Thế là ta bắt đầu học Kinh Thi. Một lần nữa, cha lại hỏi ta: ‘Con học Lễ Ký chưa?’ Ta nói: ‘Dạ chưa’. Cha ta nói: ‘Không học lễ, thì không thể có chỗ đứng trong xã hội’. Thế là ta bắt đầu học Lễ Ký, ta chỉ có nghe cha bảo 2 lần này thôi”.

Trần Kháng trở về vui mừng nói: “Hôm nay ta hỏi một mà lại thu hoạch được ba: biết được tác dụng của Kinh Thi, biết được tác dụng của Lễ Ký, cũng biết được người quân tử không thiên vị con trai của chính mình”.

Hỏi một được ba, hỏi ít mà có được câu trả lời nhiều, ngụ ý cầu ít mà được nhiều.

Phim hoạt hình

Viết về tâm đắc

(1) Vì sao Trần Kháng lại muốn xin Bá Ngư chỉ bảo? Ông đã thu hoạch được gì?

(2) Bạn có cảm thấy tiêu chuẩn mà thầy giáo đối đãi với con mình và học sinh bình thường có sự khác biệt không? Hãy lấy ví dụ chính bản thân mình hoặc những người xung quanh mình để nói rõ hơn?

(3) Đọc xong câu chuyện này, bạn thấy nhận thức của mình trước đó như thế nào?