Bận mà không loạn

Tác giả: Mai Thanh, đệ tử Đại Pháp ở Giang Tô

[ChanhKien.org] Một số học viên rất bận rộn mỗi ngày. Họ có thể bận rộn với công tác người thường, tất bật việc gia đình, bận rộn với hạng mục Đại Pháp hoặc chia sẻ giao lưu với các đồng tu. Tư tưởng của họ không thể tĩnh lại, khiến họ trường kỳ học Pháp không nhập tâm. Ngoài ra, thậm chí còn có một số người quá bận rộn ăn uống, ngủ nghỉ và họ không thể luyện công hàng ngày. Ngày qua ngày, họ biết rằng trạng thái tu luyện của mình không đúng; nhưng không thể đột phá được do bị cản trở bởi nhục thân.

Vậy thì đâu là nguyên nhân của việc bị hãm vào trong trạng thái bận rộn trong thời gian dài mà không tự vượt lên được? Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân: “vật chất và tinh thần là nhất tính” và “tâm tính cao bao nhiêu, công cao bấy nhiêu”. Một số học viên đã ngộ ra rằng, năng lực giải quyết vấn đề chính là thể hiện cảnh giới và Pháp lực của Giác Giả. Tầng của một người tu luyện càng cao, thì họ càng có thể xử lý nhiều việc hơn và càng có năng lực giải quyết những vấn đề lớn hơn. Chân chính đạt đến trạng thái bận mà không loạn, chính là đã hòa tan trong Pháp, bởi vì khi đó mọi thứ đơn giản là “tùy cơ nhi hành” (Đại Viên Mãn Pháp).

Kỳ thực, bận rộn vô tổ chức chính là chưa hòa tan và không án chiếu theo yêu cầu của Pháp để thực tu. Đệ tử Đại Pháp nên bận chứ không loạn, với một trái tim từ bi. Khi chúng ta trường kỳ bị vướng vào trạng thái bận rộn và kém tổ chức, chúng ta sẽ thật sự bị hãm vào những sự vụ, thị phi và tâm chúng ta bị ngoại cảnh làm dao động. Nhưng tu luyện chính là siêu việt khỏi cảnh giới con người, khiêu xuất khỏi tư tưởng và nhận thức của con người, chân chính “hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm” (Chuyển Pháp Luân), cải biến tự kỷ từ trong ra ngoài.

Pháp tại các tầng thứ khác nhau có các yêu cầu khác nhau. Nhiều lúc hiểu biết của chúng ta chỉ ở mức bề mặt của Pháp, chứ không hoàn toàn hòa tan vào Pháp. Lấy ví dụ về một hạng mục Đại Pháp mà nói, mỗi một đồng tu tham gia đều có một ý tưởng của riêng mình để làm hạng mục cho tốt, nhưng vì tu luyện tầng thứ bất đồng, ngộ đạo bất đồng, kết quả mỗi người cứ khăng khăng theo ý riêng của mình, không có lợi ích gì, lãng phí tài nguyên Đại Pháp và thời gian cứu người. Họ đã khiến mọi thứ càng thêm phức tạp và ngày càng bận rộn hơn.

Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc [2002]:

Tâm thái của họ là như thế nào? Là ‘khoan dung’, là khoan dung rộng lớn phi thường, có thể dung [hoà] các sinh mệnh khác, có thể thật sự suy nghĩ như đang ở địa vị của sinh mệnh khác. Đây là điều mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa đạt đến được trong quá trình tu luyện, nhưng chư vị đang nhận thức dần dần, đang đạt đến. Khi một vị Thần [khác] đề xuất một cách làm nào đó, họ đều không vội vã phủ định, cũng không vội vã biểu đạt bản thân, cho rằng cách làm bản thân mình mới tốt; họ xem xem phương pháp của vị Thần kia đề xuất có kết quả cuối cùng ra sao. Các con đường đều khác nhau, con đường của mỗi người đều khác nhau, [Pháp] Lý chứng ngộ trong Pháp của các sinh mệnh đều là khác nhau, tuy nhiên kết quả rất có thể là tương đồng. Do đó họ xem xem kết quả của [vị] khác, kết quả của vị kia [nếu] cũng đạt được, thật sự có thể đạt được điều cần đạt, thì mọi người đều đồng ý; Thần đều suy nghĩ như thế cả; ngoài ra, nếu chỗ nào chưa hoàn thiện, thì còn im lặng bổ sung giúp vị kia một cách vô điều kiện, giúp vị ấy viên mãn hơn nữa. Họ đều xử lý vấn đề như thế.

Chúng ta cũng học được từ Pháp, Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc [2002]:

đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.

Khi một đồng tu chủ trì hạng mục đề xuất một ý tưởng, những đồng tu khác, vô luận họ là người điều phối hay người đứng đầu hạng mục, đều nên phóng hạ tự ngã và phối hợp chỉnh thể. Quá trình phối hợp cũng là quá trình phóng hạ tự ngã. Mỗi một đệ tử Đại Pháp cũng giống như một huyệt vị, nếu như mỗi chúng ta đều có thể phóng hạ tự ngã, viên dung chỉnh thể, thì có thể đạt được “không mạch không huyệt” (Chuyển Pháp Luân).

Chúng ta sẽ có thể bận mà không loạn.

Trên đây là hiểu biết hiện tại của cá nhân. Xin hãy chỉ ra điều gì không phù hợp.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/151289