Câu chuyện tu luyện: Dòng nước cam lồ

Tác giả: Hạo Thiên

[ChanhKien.org] Thời xưa, ở vùng sông Tần Hoài có một cô gái tên là Vạn Như, cô bị người ta lừa bán vào chốn lầu xanh làm ca kỹ. Khi Vạn Như vừa mới chào đời, giữa lòng bàn tay phải của cô có một phù hiệu chữ Vạn  (http://phapluan.org/image/wan.gif), vậy nên cha mẹ cô đã đặt tên cho cô là Vạn Như. Chốn lầu xanh không phải là nơi tốt đẹp gì, từ trong tâm cô chán ghét cái chốn ô uế thân xác này. Mỗi lần, sau khi có người động tay động chân với cô, cô nhất định ra sức đánh mạnh vào thân thể mình để giải tỏa nỗi căm phẫn và ghê tởm trong lòng. Có lúc cô cũng muốn kết liễu cuộc đời này, nhưng lại không đủ dũng khí. Mỗi lần trước khi đi ngủ, Vạn Như đều ngay ngắn ngồi tĩnh tọa, viết hơn trăm lần chữ Phật, vẽ hơn trăm lần chữ Vạn, rồi mới đi ngủ.

Có lần, suốt mấy đêm liền cô đều mơ thấy ánh lửa ngút trời, tiếng người kêu la thảm thiết. Cơn ác mộng khiến cô giật mình choàng tỉnh giữa đêm. Cô nói với các chị em khác rằng không lâu nữa chốn lầu xanh này sẽ xảy ra hỏa hoạn, nên phòng bị từ sớm để tránh gặp điều bất trắc. Nhưng đám chị em đều cười cô lo nghĩ chuyện không đâu. Vạn Như thấy các chị em không nghe, bèn tự mình âm thầm chuẩn bị của cải nữ trang phòng khi nguy cấp. Một đêm nọ, Vạn Như trằn trọc không yên, không ngủ được liền trở dậy ngồi một mình trước cửa sổ, lặng lẽ niệm Phật. Đột nhiên cô ngẩng đầu lên nhìn thấy ngoài cửa sổ lửa bắt đầu cháy rừng rực, liền vội vàng đánh thức mọi người dậy. Ngay tức thì, tiếng kêu la kinh hoàng thảm thiết vang lên khắp nơi. Nhân lúc tú bà đang bận dập lửa, Vạn Như lặng lẽ mang theo hành trang đã chuẩn bị từ trước, thừa cơ trốn khỏi lầu xanh.

Vạn Như vội vã đi liên tục suốt mấy ngày mấy đêm, đến một nơi rất xa. Một hôm, đi đường đã mệt, cô dừng lại uống nước ở bờ sông thì nhìn thấy có mấy ni cô đang giặt giũ, lấy nước bên sông. Đứng lặng một hồi lâu, cô bỗng nghe thấy từng hồi chuông thánh thót từ trên núi vọng đến. Tiếng chuông trầm bổng khiến cô nghe như mê như say, tâm hồn trở nên trong sáng, thanh tịnh. Cô nảy sinh ý muốn xuất gia, bèn theo các ni cô lên núi, từ đó cô xuống tóc đi tu. Trong am ni cô, mỗi ngày ngoài việc quét dọn am viện, gánh nước, nhóm lửa nấu cơm ra thì cô đều ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật. Xa rời thế tục rồi, nội tâm cũng thanh tịnh rồi, nhưng cô vẫn còn một số hoài nghi không cách nào giải khai. Cô thường nghĩ: thân thể dơ bẩn rồi thì tắm một cái có thể sạch ngay. Nhưng nếu nội tâm đã dơ bẩn rồi thì làm sao có thể tẩy sạch hoàn toàn đây? Những hình ảnh nhơ nhớp trong chốn lầu xanh ngày trước đã lưu vào trong ký ức rồi, vẫn thường ảnh hưởng đến cảnh giới thanh tịnh trong tâm. Có khi lơ đãng lại nhớ tới những hình ảnh đó, khiến cô xấu hổ đến đỏ mặt, tấm thân dơ bẩn này làm sao xứng đọc kinh Phật thần thánh đây? Điều này quả thật khiến cô khổ não suốt một thời gian dài.

Dần dần, kỳ lạ thay, cứ mỗi lần đến phiên cô xuống núi lấy nước, thường xuất hiện một trận mưa lớn kèm theo mưa đá thình lình trút xuống, mưa và đá đập vào thân thể khiến cô đau đớn. Lần nào cũng vậy, mưa kéo dài hai đến bốn giờ rồi đột nhiên ngừng lại. Sau đó, Vạn Như đành phải mang bộ y phục ướt sũng mà đi gánh nước, vượt qua đường núi lầy lội, chật vật trở về am viện. Sau nhiều lần như vậy, các ni cô bàn tán xôn xao về cô, rằng cô xuất thân ca kỹ mua vui chốn phong trần, hiển nhiên nghiệp chướng nặng nề, đức hạnh sa đọa, vậy nên thường hay bị Thần Phật khiển trách. Dẫu cho Vạn Như cũng không hiểu tại sao, cô vẫn trong vô minh mà nhẫn chịu, trước sau như một mà chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, chuyên tâm ngồi thiền ngộ Đạo. Cô chỉ tin tưởng rằng bất kể chuyện gì cũng đều có nguyên nhân trong đó. Đã là tu Phật thì hãy coi hết thảy sự việc nhân quả xảy ra trong quá trình tu luyện là sự gia trì tốt nhất, lấy tâm đại nhẫn để dung hòa hết thảy những điều bất minh trong quá trình tu luyện.

Mấy năm sau, một hôm có một người họa sĩ đi lên núi. Hôm đó, vừa hay là ngày Vạn Như xuống núi lấy nước. Bỗng nhiên lại một trận mưa to kéo đến, người họa sĩ vội vàng chạy đến một cái đình gần đó để tránh mưa. Đã nhiều năm như vậy, Vạn Như sớm đã quen với chuyện này rồi, lòng cô đã trở nên thản nhiên, điềm tĩnh hơn mỗi khi đối diện với mưa bão, từ sâu thẳm nội tâm cô cảm thấy vui mừng, mừng vì thứ nước trên trời này có thể thường xuyên rửa sạch thân thể cô. Trong mưa bụi mịt mờ, người họa sĩ trông thấy ni cô đang gánh nước trong mưa, đang bước những bước chân vững chãi. Trong lúc lơ đãng ngẩng đầu lên ông nhìn thấy Bồ Tát đang đứng giữa không trung, một tay cầm bình tịnh thủy, tay kia cầm cành dương liễu không ngừng tưới nước lên người ni cô đó. Người họa sĩ trông thấy rất rõ ràng, kinh ngạc bái lạy Bồ Tát hết lần này đến lần khác. Ông cũng hiểu ra rằng, thì ra cơn mưa này là để tẩy tịnh cho ni cô đó. Hơn nữa, trên thân ni cô còn hiển thị ra thân hình nam nhi đang xếp bằng kết ấn, ngồi ngay ngắn trang nghiêm trên tòa sen, vẻ thần thánh, từ bi, uy nghiêm khiến người ta vô cùng thành kính và tín tâm.

Sau khi mưa tạnh, người họa sĩ dựa theo trí nhớ mau chóng vẽ lại cảnh tượng vừa nhìn thấy, rồi đặt tên cho bức tranh là: Tịnh thủy. Trong lòng ông vô cùng cảm khái, tức thì làm một bài thơ:

“Khổ trung chi khổ tối hoàng kim;

Nhất bình tịnh thủy liễu phàm thân.

Nhân duyên điểm tình trần thế phá

Đại thiên vân vân bái Phật tôn.”

Tạm dịch:

“Chịu khổ trong khổ khối vàng ròng

Một bình tịnh thủy dứt phàm thân.

Nhân duyên phá chỗ mê trần thế

Muôn vàn thành kính bái Phật tôn”

Câu chuyện này xin tạm dừng ở đây. Ngẫm lại những chuyện đã qua trong lịch sử, tôi chợt nghĩ đến trong vũ trụ bao, la vô tận này, sinh mệnh của con người quả thật quá nhỏ bé. Nhưng nhờ tín tâm đối với Thần Phật, và cũng nhờ sự bảo hộ, gia trì của Thần Phật đối với con người, mà sinh mệnh mới có được những thăng hoa và kỳ tích trong tu luyện. Trong lịch sử, mỗi sinh mệnh đã đóng hàng trăm hàng nghìn vai diễn, suy cho cùng cũng là để cuối cùng được trở về với Đại Pháp. Một ngày kia, trong lúc đang đọc Chuyển Pháp Luân, tôi nhìn thấy một đoạn Pháp này:

Còn chúng ta trực chỉ nhân tâm, chiểu theo đặc tính tối cao của vũ trụ chúng ta mà tu luyện, chiểu theo hình thức ấy của vũ trụ mà tu luyện, nên đương nhiên công tăng trưởng rất mau. (“Bài giảng thứ năm”)

Nhìn thấy mấy chữ “hình thức ấy của vũ trụ”, trong lòng đột nhiên cảm thấy chấn động, cảm động không nói nên lời, bất giác hai tay hợp thập cúi đầu kính lễ trước Sư phụ. Nhờ uy đức và sự gia trì của Đại Pháp mà sinh mệnh mới được may mắn như vậy, từ nhỏ bé tiến đến vũ trụ hồng đại, được đồng hóa lên tầng thứ cao.

Trong tu luyện lịch sử, tịnh thủy của Thần Phật có lẽ chỉ có thể tịnh hóa được một trong số rất nhiều nguyên thần của con người mà thôi. Còn sự từ bi và uy đức của Đại Pháp lại có thể tịnh hóa hết thảy mọi người, chỉ cần bản thân người đó nguyện ý tu luyện chính Pháp. Đúng như những gì Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

Tất nhiên, [khi] chủ nguyên thần đắc công, [thì] phó nguyên thần cũng đắc công; tại sao? Hết thảy các tín tức, hết thảy các linh thể của thân thể chư vị và các tế bào của chư vị đều tăng công, thì tất nhiên [phó nguyên thần] cũng tăng công. Tuy nhiên lúc nào nó cũng không cao bằng chư vị; chư vị là Chủ, nó là hộ Pháp. (“Bài giảng thứ tám”)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2011/08/03/76429.修炼故事:净水.html