Loại bỏ chấp trước cẩu thả

Tác giả: Vương Hoa

[ChanhKien.org] Năm nay, khi chúng tôi đang lên kế hoạch tham dự Pháp hội New York, một đồng tu lớn tuổi ở địa phương đã nhờ tôi giúp ông ấy xin visa đi Mỹ. Vì biết rằng ông ấy đã có hộ chiếu của Anh Quốc nên tôi cho rằng việc vượt qua buổi phỏng vấn xin visa của Mỹ sẽ dễ dàng hơn. Bị phân tâm bởi vài việc khác nên tôi đã quên mất việc của đồng tu ấy, vài ngày trước chuyến bay, tôi mới nhận được đơn đăng ký. Có một câu hỏi trong lá đơn: “Bạn đã bao giờ bị từ chối visa Mỹ chưa?” Tối hôm đó tôi đã hoàn toàn không nhớ rằng mình đang điền đơn đăng ký visa cho đồng tu và nghĩ rằng câu hỏi đó là dành cho mình. Vậy nên không cần suy nghĩ nhiều, tôi đã điền chữ “KHÔNG” vào. Sau khi trả phí, tôi thông báo với đồng tu rằng đơn đăng ký của ông ấy đã được gửi.

Ngày hôm sau, khi tôi nhận được email từ Đại sứ quán Mỹ với tiêu đề “Đừng hồi đáp”, tôi cho rằng đó chỉ là một thư xác nhận và gác sang một bên mà không đọc. Tuy nhiên, hóa ra đó là lá thư từ chối visa của đồng tu lớn tuổi kia. Nhưng phải đến khi làm thủ tục tại quầy gửi hành lý trước khi lên máy bay chúng tôi  mới được thông báo về tình huống này. Lúc này, xin visa một lần nữa là một việc bất khả thi, bởi vì Đại sứ quán thường hẹn ứng viên phỏng vấn từ vài tuần trước.

Vì sự bất cẩn của tôi mà học viên lớn tuổi kia đã mất cơ hội tham gia Pháp hội. Lòng tôi tràn ngập cảm giác tội lỗi và buồn bực. Thực ra trước đó Sư phụ đã điểm hóa cho tôi. Một đêm trước đó, tôi phát hiện vòi nước trong phòng tắm đã để mở cả đêm, tôi biết chính là Sư phụ đã nhắc nhở tôi về một sơ hở lớn trong tâm tính của mình, nhưng vì chỉ suy nghĩ một chút rồi thôi, nên tôi đã không nhận ra điều gì và thế là mặc kệ nó.

Chủ ý thức phải mạnh

Đây không phải là lần đầu tiên tôi gây chuyện vì sự bất cẩn của mình. Tính đãng trí, bất cẩn, luống cuống và thiếu thận trọng không phải là mới đối với tôi. Tư tưởng của tôi dường như không bao giờ ngơi nghỉ, đồng thời tôi cũng rất khó tập trung. Tôi thường xuyên như thế, khi tôi sắp phạm lỗi, luôn là trạng thái một cái gì đó đang xâm chiếm tâm trí của tôi và khiến tôi làm điều đó một cách không tự nguyện, mặc dù tôi luôn hối tiếc sau đó.

Hồi những năm 1980, tôi thường nhắm mắt khi luyện một  môn khí công. Giống như những gì Sư phụ đã giảng, đôi khi tôi mở mắt và thấy rằng mình đang ngồi đối diện với chính mình. Tôi không biết mình đã làm cách nào, nhưng tôi nghĩ rằng mình có vài phó nguyên thần, và một trong số đó ở đây để gây vấn đề. Bởi vì đôi khi một ý nghĩ hoặc hình ảnh hiện ra, tôi nhận thấy rằng mình có thể gây ra rắc rối lớn nếu làm theo cách mà phó nguyên thần muốn. Thực tế sự bất cẩn của tôi là dấu hiệu của việc chủ ý thức không mạnh, tôi đã để phó ý thức, các can nhiễu và các sinh mệnh từ không gian khác điều khiển mình. Từ giờ trở đi, tôi phải giữ cho chủ ý thức của mình mạnh mẽ.

Phải luôn sống có nguyên tắc

Về lý mà nói, việc điền đơn xin visa quan trọng đến mức không có lý do gì cho phép tôi cẩu thả. Tuy nhiên, ẩn khuất đằng sau chính là một chấp trước khác của tôi: thiếu sự nể sợ, tôn trọng đối với pháp luật người thường, không tôn trọng người khác, không có quy tắc. Có lẽ quá khứ tôi đã từng là một tên cướp, nên hiện nay tôi thường cảm thấy khinh miệt luật pháp, giống như lỗ hổng trong tiềm thức, coi pháp luật như trò chơi trẻ con. Ngoài ra còn có vấn đề bị đầu độc bới văn hóa đảng, nhưng chủ yếu là do vấn đề của riêng tôi.

Chẳng phải cựu thế lực cũng bất kính với Sư phụ và Đại Pháp sao? Những sinh mệnh cao tầng tự coi họ cao minh hơn Sư phụ và dám an bài con đường tu luyện của Phật chủ. Biểu hiện tại con người thế gian, là những người tự cho mình là đúng: đảng cộng sản tự cho mình có thể chiến thắng Thần Phật; người thường tự cho rằng những đầu độc của ĐCSTQ là sự thật; những người tu luyện không bao giờ cho rằng mình sai. Cuối cùng, đằng sau đó chính là chấp trước vào tự ngã, luôn cho mình là đúng. Nếu cứ tiếp tục, người đó sẽ tự tâm sinh ma, tu theo tà đạo. Tự cho mình là đúng cũng là biểu hiện của chủ ý thức không mạnh.

Đi đường tắt cũng là một chấp trước

Phía sau tính cẩu thả, tôi còn có chấp trước sợ phiền phức, việc gì cũng muốn dùng cách làm tắt nhất, đơn giản nhất, luôn sợ phiền phức, luôn muốn bớt việc. Tôi nhớ lại một đoạn trong Chuyển Pháp Luân mà Sư phụ nói về việc ăn đậu phụ:

Sáng sớm làm cơm, rồi vội vội vàng vàng đi làm rất nhọc sức. Đôi lúc [tôi] mua hai cái bánh bao, một miếng đậu phụ chấm tương. Về lý mà xét thì đó là món rất thanh đạm cũng khả dĩ; [nhưng] cứ ăn thế mãi cũng không được, cũng cần vứt bỏ cái tâm ấy. Chư vị vừa nhìn thấy món đậu phụ, liền cảm thấy buồn nôn; nếu ăn nữa [cũng] không ăn được; cũng e rằng chư vị sẽ sản sinh tâm chấp trước. (“Bài giảng thứ bảy”, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã tự hỏi rằng “tâm chấp trước” đó là gì. Tôi không có chấp trước vào lựa chọn đồ ăn. Tôi đã ăn đậu phụ chỉ vì nó không mất thời gian để ăn. Tuy nhiên, bây giờ thể ngộ của tôi là “không sẵn sàng cố gắng” cũng là một chấp trước. Trong quá trình chuyển hóa thân thể người, việc cung cấp đủ chất cho cơ thể cũng là cần thiết. Có thể cứ ăn mãi một loại thực phẩm cũng không tốt.

Thể ngộ của tôi có thể không hoàn toàn đúng, nhưng ở tầng thứ hiện tại tôi nhận ra rằng nhiều người Trung Quốc Đại Lục thường có xu hướng chọn đường tắt. Lối nghĩ của người hiện đại có thể là do bị nhồi sọ một cách tồi tệ bởi văn hóa đảng. Tâm lý quanh co, biến dị như vậy sẽ phản ánh trong mọi khía cạnh. Đặc biệt là tình trạng chất lượng sản phẩm xuống dốc. Nhiều sản phẩm của phương Tây thường được đánh giá cao, ví dụ như túi xách hay đồng hồ, và đương nhiên mọi người sẽ mua nó dù giá cả có thể đắt hơn nhiều lần một món hàng bình thường. Tuy nhiên nhiều sản phẩm có nhãn hiệu “made in China” thường bị nhận xét là thô và cẩu thả. Đằng sau hiện tượng này là câu hỏi về định hướng giá trị của sự “tận tâm”. Là người tu luyện, chúng ta tu theo “Chân Thiện Nhẫn”. Chẳng phải sự “tận tâm” cũng liên quan đến điều này hay sao?

Tôi đã rất buồn vì sơ suất của tôi đã ngăn cản người học viên tham dự Pháp hội, và rằng tôi đã không làm tốt trong tu luyện của bản thân và có thể bị thất bại bất cứ lúc nào, vì cựu thế lực luôn nhìn chằm chằm vào chúng ta khi chúng ta không cảnh giác. Vậy nên, chúng ta phải duy trì chính niệm.

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7043