Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần V – Chương 2

Tác giả: Chung Phương Quỳnh

[Chanhkien.org]

Phần V. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Chương 2: Vi phạm nhân quyền

Bám đuôi

Sau khi tôi trở về nhà, trưởng đồn cảnh sát địa phương họ Nhiễm đã lệnh cho tôi hàng ngày phải ở nhà và gọi điện cho đồn cảnh sát địa phương vào lúc 09 giờ tối để họ có thể biết được tôi đang ở nhà. Tôi cũng phải xin phép họ trước nếu tôi muốn ra khỏi Thành Đô vì bất kỳ lý do nào. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng một học viên Pháp Luân Công nên luôn luôn nghĩ đến người khác trước tiên, và việc gọi điện cho họ hàng ngày cũng không có gì to tát. Tôi cảm thấy thương hại họ vì họ dù sao cũng là nạn nhân của cuộc bức hại dưới chế độ của Giang. Vì vây, lúc đầu tôi đã gọi điện cho họ vào mỗi buổi tối.

Bởi đã không về thăm quê một vài năm, tôi muốn quay lại đó nhân dịp Tết Nguyên đán. Tôi trình bày với Lý Cường Quân, quản lý Văn phòng Địa Phương về dự định của mình. Ông ấy nói với tôi: “Tôi không thể quyết định việc chị có được phép rời khỏi thành phố không trước khi báo cáo với sếp của tôi”. Sau khi thỉnh cầu này được phê duyệt bởi rất nhiều cấp chính quyền, tôi cũng đã được đồng ý về thăm quê nhà với một điều kiện: một nhân viên của Văn phòng Địa phương sẽ đi theo để trông chừng tôi. Trước chuyến đi, trưởng đồn cảnh sát nói với tôi: “Khi tới đó, chị phải ở nhà để gọi điện cho tôi hoặc ông Lý hàng ngày”. Bằng cách đó, họ có thể giám sát tôi. (Sau này, tôi nhận ra việc gọi điện cho họ hoặc báo cáo với họ việc tôi đi đâu là sai. Bởi vì khi làm như vậy, tôi đã thừa nhận là tôi nên bị giám sát. Tôi đã làm gì sai để họ cần phải giám sát tôi? Việc muốn làm một người tốt hơn thì có gì sai?)

Tháng Ba, tôi lại phải về quê để xử lý một vài việc cá nhân. Lần này, tôi đã rời Thành Đô mà không báo cáo với cảnh sát. Vào buổi chiều trước khi tôi chuẩn bị quay lại Thành Đô, tôi đã dùng điện thoại di động để gọi điện cho đồn cảnh sát địa phương từ quê. Đêm đó, ông Nhiễm đang trực. Ông ấy nhận ra rằng tôi đang gọi điện thoại cho ông ấy từ máy di động. Ông ấy hỏi tôi đang ở đâu. Tôi đáp: “Tôi đang ở quê – Kiến Dương”. Ông ta trở nên tức giận và to tiếng: “Ai cho phép chị rời thành phố?” Tôi đáp: “Đó là quyền của tôi”. Nói xong, tôi gác máy.

Ngày hôm sau, trên đường về nhà, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ ông Lý, trưởng phòng cư trú quận. Trong cuộc điện thoại cuối cùng, ông ta đã hỏi tôi một cách khiếm nhã: “Ai bảo chị rằng chị có thể rời thành phố?” Sau đó, tôi đã tắt điện thoại. Khi tôi vừa về đến nhà, mẹ tôi nói với tôi: “Sáng sớm nay, Lý Cường Quân đến nhà mình. Mẹ bảo ông ta là con đã về quê để giải quyết việc riêng và có thể quay về trong ngày. Khoảng 01 giờ chiều, ông Lý trở lại và bảo mẹ nhắc con lên đồn cảnh sát khi nào con về. Khoảng 03 giờ chiều, ông Lý quay lại lần thứ ba. Ông ta bảo mẹ rằng con sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu về nhà mà không đến đồn cảnh sát. Lần cuối cùng, ông ta quay lại đây là vào lúc 06 giờ tối. Ông ta hỏi mẹ con đã về chưa. Mẹ bảo ông ta rằng sau khi về con đã ra ngoài”. Khoảng 08 giờ, ông ta lại quay lại nhà tôi một lần nữa. Ông ta bỏ đi sau khi thấy tôi ở nhà.

Hạn chế tự do cá nhân

Từ tháng Năm năm 2000 đến nay, cảnh sát liên tục theo dõi nhà tôi bất kể tôi có ở nhà hay không. Ông Nhiễm, trưởng đồn cảnh sát Vạn Niên Trường bảo tôi: “Chị phải gọi điện cho đồn cảnh sát từ nhà vào 09 giờ tối mỗi ngày. Nếu muốn ra khỏi Thành Đô, chị phải xin phép chúng tôi trước”. Tôi đã phản đối mệnh lệnh này bằng chính niệm và ngừng việc hàng ngày báo cáo với cảnh sát.

Mùa xuân năm 2003, tôi bị liệt sau khi bị cảnh sát tra tấn (tôi sẽ kể chuyện này sau). Vào ngày 11 tháng Năm năm 2003, lần đầu tiên tôi đã ra ngoài sau khi phục hồi lại được việc đi lại. Hôm đó, tôi đạp xe đi mua một đôi giầy cho con trai mình. Một bảo vệ đã nhìn thấy tôi và trình báo tôi với đồn cảnh sát. Khi tôi trở về, vừa lên đến tầng hai của tòa nhà, tôi đã nhìn thấy Lý Cường Quân cùng một vài cảnh sát chạy về phía tôi. Tôi hỏi họ đang làm gì ở nhà tôi. Họ đáp: “Chúng tôi đến đây để gặp cô và xem cô thế nào”. Tôi nói với họ: “Cảm ơn sự quan tâm của các ông”. Lý Cường Quân yêu cầu tôi mở cửa căn hộ của tôi ở tầng ba. Tôi nói: “Các ông đến đây để gặp tôi. Giờ các ông đã gặp rồi. Tại sao các ông vẫn muốn tôi mở cửa để mời các ông vào?” Lý Cường Quân đáp: “Cô cứ mời chúng tôi vào đi rồi chúng ta sẽ nói về chuyện đó”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ không mở cửa”. Ông Lý nói: “Chúng tôi sẽ đợi ở đây để xem cô cứ thế này được bao lâu”. Tôi nói với ông ta: “Trong suốt những năm qua, tôi đã đối xử với các ông như bạn bè. Tôi luôn pha trà và mời các ông hoa quả mỗi khi các ông đến nhà tôi không kể các ông viện cớ gì. Tôi luôn nói cho các ông sự thật về Pháp Luân Công. Đáp lại, tôi đã nhận được gì? Trong hai năm qua, tôi đã liên tục bị tống giam. Tôi bị tra tấn tàn tệ và suýt mất mạng hai lần. Giờ tôi đã học được bài học rồi. Tôi không muốn các ông làm những trò xấu xa trong nhà tôi”.

Lý Cường Quân hỏi tôi với giọng hăm dọa: “Chị có định mở cửa hay không?” Tôi nghiêm nghị trả lời: “Không. Tại sao ông muốn vào nhà tôi? Các ông định làm gì tử tế ngoài việc lục soát nhà tôi và bắt người?” Một cảnh sát liền nói: “Chúng tôi không định làm thế hôm nay. Chúng tôi không định làm vậy. Chung Phương Quỳnh, đừng đi linh tinh nữa. Chị biết đấy, chị đã làm cho Ngụy Đại Bình đau tim nhiều lần. Cả ông ấy và vợ đã bị giáng chức. Con trai ông ấy chạc tuổi con trai cô”. Tôi đáp: “Tôi không phải là người làm tổn thương ông ấy. Bất cứ ai bức hại những người tốt chắc chắn sẽ bị quả báo”.

Cảnh sát đó nói: “Đội trưởng Lý, nếu cô ấy không muốn mở cửa thì cứ kệ cô ấy. Chúng ta có thể nói chuyện với cô ấy ở ngoài này cũng được!” Lý Cường Quân nói: “Được rồi. Chung Phương Quỳnh, cô nghe này, từ nay trở đi, cô không được bước ra khỏi tòa nhà này dù chỉ một bước. Còn nữa, hãy chuẩn bị mà nhận hậu quả đi”. Tôi hỏi lại ông ta: “Ai làm ra luật đó? Hãy đưa văn bản ra đây cho tôi xem. Nếu không có văn bản, ông nên viết xuống một tờ giấy để tôi có bằng chứng khi ra tòa. Như thế, tất cả mọi người sẽ thấy ai đang hạn chế tự do của tôi”. Họ từ chối viết và cuối cùng bỏ đi mà không đạt được mục đích.

Vài ngày sau, tôi ra ngoài đi dạo sau bữa tối và đến Cửa hàng Quốc Mỹ ở Quảng trường Vạn Niên. Bảo vệ tòa nhà họ Trần nhìn thấy tôi ra ngoài và bảo một người đàn ông lớn tuổi bám theo tôi. Sau đó, ông ấy gọi điện cho Lý Cường Quân. Ông Lý cấp tốc bắt tắc xi và cố sức kéo tôi về nhà. Tôi kiên quyết từ chối tuân theo ông ta. Ông Lý nghiến răng lại và chuẩn bị đánh tôi. Nhưng ông ta không muốn mọi người ở cửa hàng nhìn thấy điều đó. Vì vậy, ông ấy đã sai một bảo vệ đang trực ở Công ty Cổ phần Công nghệ Sáng tạo Ngân Hà đánh tôi. Tôi nói: “Ai dám đánh người tốt?” Người bảo vệ sững lại trước chính niệm của tôi và không thể giơ tay lên được. Sau đó, Lý Cường Quân kéo và đẩy tôi về nhà. Trên đường về, tôi giảng sự thật cho ông ấy và nói với ông ấy Giang Trạch Dân đã bị các học viên Pháp Luân Công khởi kiện ở nhiều nước, và bản thân ông ấy sẽ nhận quả báo nếu ông ấy tiếp tục theo Giang làm điều xấu. Lý Cường Quân nói: “Tôi không sợ gì hết”. Khi chúng tôi đến cửa chính khu chung cư nhà tôi, ông Lý đã chỉ thị hai bảo vệ ở đó, họ Trần và Hạ rằng: “Đừng để cô ấy ra khỏi tòa nhà. Nếu cô ấy không nghe, hãy đánh cô ấy. Tôi sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả”. Tôi hỏi lại họ: “Ai dám đánh người tốt? Đánh người là vi phạm nhân quyền và pháp luật. Những gì ông nói không được tính. Tôi sẽ quyết định mình làm gì. Tôi có quyền quyết định việc có ra ngoài hay không”. Chúng tôi tranh cãi một lúc lâu ở trước cửa chính mà không đi đến đâu. Cuối cùng, ông Lý bỏ cuộc. Ông ta bắt tắc xi và trở về nhà.

300.000 nhân dân tệ biến thành 11.500 nhân dân tệ

Trong suốt những năm qua, kể từ khi Giang Trạch Dân bắt đầu cuộc đàn áp điên cuồng đối với Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng Bảy năm 1999, tôi đã gánh chịu nhiều mất mát tài chính. Ban đầu, tài sản cá nhân của tôi có hơn 700.000 nhân dân tệ. Bên cạnh việc mua một căn hộ chung cư và một chiếc xe hơi, từ năm 1994 đến năm 1997, tôi đã đầu tư 380.000 nhân dân tệ vào thị trường cổ phiếu thứ cấp để phòng lúc tuổi già. Tháng Mười năm 1999, sau khi tập Pháp Luân Công được nửa năm, tôi đã bị giam giữ trái phép ở trại tạm giam Cửu Như Thôn. Trong khoảng thời gian đó, tôi nhận ra rằng chơi cổ phiếu là một hình thức cờ bạc trá hình và tôi không nên tiếp tục chơi cờ bạc nữa. 15 ngày sau, khi được thả ra, tôi đã lập tức bán các cổ phiếu của mình. Bởi tôi không có đủ kiến thức về tài chính để thực hiện giao dịch đó, tôi đã ủy thác việc đó cho một người quen của mình. Tuy nhiên, trong suốt hơn 3 năm tiếp theo, tôi đã bị giam giữ một thời gian dài trong các trại lao động, và liên tục bị giam ở các trại tạm giam khác nhau. Cho tới tận năm 2002 khi tôi bị buộc phải rời khỏi nhà và không thể tự chu cấp cho bản thân, tôi đã gọi cho người mà tôi đã nhờ bán số cổ phiếu. Ông ấy đã nói với tôi rằng vì tôi không ở đó để bảo ông ấy làm thế nào, ông ấy chỉ có thể bán số cổ phiếu mà tôi mua với 380.000 nhân dân tệ với giá 11.500 nhân dân tệ. Sau khi trang trải sinh hoạt phí cho mẹ và con trai hết 10.000 nhân dân tệ, tôi chỉ còn lại 1.500 nhân dân tệ.

Tôi định dùng 1.350 nhân dân tệ để thuê một căn hộ nhỏ trong ba tháng, và dành 150 nhân dân tệ còn lại để chi phí sinh hoạt. Nhưng số tiền đó đã bị cướp đi, khi Trương Chí, một cảnh sát ở đồn cảnh sát Quang Vinh, thành phố Thành Đô dẫn theo mười người đến lục soát căn hộ của tôi. Không chỉ vậy, vì tôi liên tục bị bắt giam trái phép trong một khoảng thời gian dài trong suốt những năm qua, tôi không thể lái xe ô tô mà vẫn phải nộp lệ phí giao thông hàng tháng. Vì vậy, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bán chiếc xe đó với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường của nó.

Họ hàng của tôi bị liên đới

Tháng 11 năm 1999, tôi bị mất hợp đồng với Sở Xây dựng Cầu đường Thành Đô bởi tôi không chịu hứa từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi đã làm việc với sở 09 năm và có quan hệ tốt với các nhân viên của sở. Nhưng vì chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân, họ đã không dám can hệ với tôi nữa. Tôi đã từng có thu nhập hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Bỗng nhiên, tôi không còn nguồn thu nhập nữa. Mẹ tôi là một công nhân nông trường đã nghỉ hưu và không có trợ cấp. Vì tôi không có thu nhập để nuôi gia đình, tôi quyết định cho thuê căn hộ chung cư rộng khoảng 100 mét vuông của mình. Tôi định sẽ thuê một căn hộ nhỏ cho mẹ tôi, con trai tôi và tôi, và dùng số tiền chênh lệch để chi tiêu.

Dưới hoàn cảnh khó khăn như vậy, cảnh sát địa phương vẫn không chịu để chúng tôi yên. Cảnh sát ở đồn cảnh sát Khiêu Đăng Hà, một bảo vệ ở khu nhà của tôi tên là Tôn Dũng và một nhân viên ở ủy ban quận Khiêu Đặng Hà tên là Lưu Ứng Phương liên tục quấy nhiễu và đe dọa việc làm ăn của em trai tôi khi họ không thể tìm thấy tôi. Họ bảo cậu ấy: “Nếu chị gái cậu không về nhà, chúng tôi sẽ ra lệnh bắt giữ cô ta”. Họ còn đe dọa: “Chúng tôi sẽ không cho phép chị cậu cho thuê căn hộ đó. Ai đến thuê đều sẽ bị đuổi đi!” Một vài năm sau, cảnh sát vẫn tiếp tục giám sát căn hộ của tôi để đảm bảo rằng tôi không thể cho thuê hay bán nó.

Gây khó khăn cho cuộc sống của tôi bằng mọi thủ đoạn

Cuối tháng Tư năm 2003, con trai tôi chuẩn bị học xong tiểu học. Cháu phải có đăng ký hộ khẩu thành phố thì mới được thi chuyển cấp (trước đây, cháu đã đăng ký hộ khẩu ở quê). Theo chính sách của nhà nước, con trai tôi được quyền đăng ký hộ khẩu thành phố vì hai lý do. Thứ nhất, thành phố cho phép những gia đình mua được một căn nhà có diện tích trên 90 mét vuông trong thành phố đăng ký hộ khẩu thành phố cho hai người. Thứ hai, cha của con trai tôi có hộ khẩu thành phố. Nhưng Ngụy Đại Bình, cảnh sát phụ trách đăng ký hộ khẩu ở quận của tôi đã làm mọi thứ có thể để gây khó dễ cho việc đăng ký này. Ông ta nói với tôi: “Cô vẫn chưa có chứng nhận sử dụng căn hộ đó. Vì vậy, cô không thể dùng nó để đăng ký hộ khẩu cho bất kỳ ai”. Phải mất 3.000 nhân dân tệ để có được chứng nhận đó, và tôi đã định đi vay tiền để xin cấp chứng nhận, như thế con trai tôi có thể đi học trung học cơ sở. Nhưng Ngụy Đại Bình nói với tôi: “Đầu tiên, cô phải có giấy chứng nhận sở hữu đất trước khi xin chứng nhận sử dụng căn hộ. Cô phải mất 20.000 nhân dân tệ để có được chứng nhận sở hữu đất”. Bởi tôi không còn thu nhập và không thể vay mượn nhiều tiền đến vậy để có được chứng nhận sở hữu đất, tôi đã không thể đăng ký hộ khẩu thành phố cho con trai mình.

Tôi quyết định nhờ em trai mình nói chuyện với cha cháu bé để nhờ anh ấy đăng ký hộ khẩu thành phố cho con trai chúng tôi (chúng tôi đã ly hôn hơn 10 năm). Nhưng căn hộ của anh ấy đã bị giải tỏa và anh ấy đang thuê một căn hộ bên ngoài trong khi đợi cấp căn hộ mới. Hộ khẩu của anh ấy cũng đã được chuyển đến cùng đồn cảnh sát đang quản lý tôi. Ngụy Đại Bình có thể dễ dàng cho phép con trai tôi đăng ký hộ khẩu cùng cha của cháu, nhưng ông ta nói: “Đồn cảnh sát ở quận của cha đứa trẻ phải chứng nhận rằng anh ấy không phải là một học viên Pháp Luân Công”. Sau khi cha của con trai tôi có chứng nhận đó, Ngụy Đại Bình nói: “Ông chủ của cha đứa trẻ phải chứng nhận rằng anh ấy không phải là một học viên Pháp Luân Công”. Sau khi nhận được chứng nhận thứ hai này, Ngụy Đại Bình lại nói: “Ủy ban quận nơi cha đứa trẻ đang cư trú cũng phải làm chứng nhận này”. Bởi cha của con trai tôi đang thuê nhà với hợp đồng ngắn hạn, Ủy ban quận ở đó không biết anh ấy và không chứng nhận cho anh. Trời ơi! Chẳng phải rõ ràng Ngụy Đại Bình đang cố ý gây khó dễ cho việc đăng ký hộ khẩu của con trai tôi sao? Chẳng phải tu luyện Pháp Luân Công theo Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành một người tốt đang bị xem như một tội phạm sao? Tại sao một cảnh sát có thể không đếm xỉa gì đến quyền lợi hợp pháp của một đứa trẻ?

Cuối cùng, một trường trung học cơ sở đã đồng ý nhận con trai tôi với điều kiện tôi phải đóng trước một khoản tiền “trên trời”. Gần đây, nhà trường lại thông báo rằng tôi phải đóng một cục 10.000 nhân dân tệ. Nếu tôi không đóng khoản tiền đó, tôi sẽ phải đóng 4.500 nhân dân tệ một kỳ nếu tôi muốn con trai tôi được tiếp tục đi học. Tôi không có cách nào kiếm được một số tiền lớn đến vậy. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với con trai mình. Có phải việc học hành của nó sắp bị kết thúc không? Nó chỉ mới có 12 tuổi. Có nhiều học viên Pháp Luân Công có con nhỏ, và nhiều đứa trẻ trong số chúng đã bị tước mất quyền được học miễn phí ở các trường công lập. Có vô số gia đình đã rơi vào hoàn cảnh giống chúng tôi.

Vì vậy, tôi thỉnh cầu tất cả mọi người hãy giúp chấm dứt cuộc bức hại đối với gia đình tôi, chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, và để con cái chúng tôi được lớn lên trong một môi trường hạnh phúc và lành mạnh.

Đe dọa bạn bè thân quyến của tôi

Tháng Hai năm 2003, tôi bị cảnh sát tra tấn và bị liệt. Chị gái tôi cũng vừa qua đời vì bệnh tật. Người mẹ già 70 tuổi của tôi không còn thời gian để khóc thương cho chị ấy nữa bởi bà còn phải chăm sóc tôi. Con trai của tôi lúc đó đã 11 tuổi và học lớp 6, mỗi tối sau khi hoàn thành bài tập về nhà của mình, cháu phải thay quần cho tôi và rửa chân cho tôi bằng nước ấm để giúp máu lưu thông. Thậm chí cả khi tôi đang bị nằm liệt giường, Ngụy Đại Bình và nhân viên bảo vệ họ Trần của tòa nhà đã đột nhập vào căn hộ của tôi. Họ tìm cách tịch thu các sách Đại Pháp của tôi và bắt cóc tôi. Chúng tôi đã dùng chính niệm để ngăn chặn hành vi tà ác của họ, và lấy lại những cuốn sách. Sau khi họ rời đi, mẹ tôi nói: “Khi con không có nhà, họ liên tục tới đây để quấy nhiễu mẹ và cháu. Một hôm, Lý Cường Quân và Ngụy Đại Bình đã đến nhà và bắt mẹ nộp 3.000 nhân dân tệ. Mẹ đã nói với họ rằng mẹ thậm chí còn không có đủ tiền ăn. Ông Lý nói là mẹ có thể bán TV và máy giặt để có được số tiền đó”.

Ngụy Đại Bình từng nói riêng với tôi: “Tôi phải nuôi cha mẹ già và con nhỏ. Vì thế, tôi phải làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Nếu cô trả tôi 2.000 nhân dân tệ một tháng, tôi sẽ làm việc cho cô”. Tiền hiển nhiên là thứ duy nhất mà những kẻ trợ giúp cho chế độ của Giang Trạch Dân trong việc đàn áp Pháp Luân Công quan tâm đến.

Một thời gian ngắn trước ngày 25 tháng Tư năm 2003, Ngụy Đại Bình và Lý Cường Quân đã đột nhập vào căn hộ của chúng tôi vào khoảng giữa trưa, khi tôi đang dùng bữa. Họ muốn đưa tôi đến đồn cảnh sát địa phương. Tôi đã phát chính niệm thanh trừ tà ác đằng sau họ và phủ nhận an bài của họ. Đúng lúc đó, chú và cha của con trai tôi đang ở thăm chúng tôi. Họ đã đòi hai người đó xuất trình chứng minh thư. Chú của con trai tôi nói: “Chứng minh thư của chúng tôi ở nhà”. Ngụy và Lý quyết định đến nhà họ để kiểm tra. Bốn người họ rời đi. Một lúc sau, Ngụy và Lý quay lại. Chúng tôi đã từ chối mở cửa cho họ. Hai người họ đã la hét, liên tục ấn chuông cửa và đá vào cửa. Cuối cùng, họ phải bỏ đi khi biết rằng chúng tôi sẽ không mở cửa.

Ngày 22 tháng Bảy, sau 11 giờ sáng, tôi vừa mới rời khỏi nhà. Thậm chí ngay trước khi tôi ra khỏi tòa nhà, tôi đã chạm mặt với một cảnh sát ở đồn cảnh sát Vạn Niên Trường.

Anh ta muốn tôi quay lại căn hộ và mở cửa. Tôi từ chối tuân theo. Anh ta hỏi tôi: “Chung Phương Quỳnh, có phải gần đây cô đã ra khỏi thành phố phải không? Cô vẫn còn sách Pháp Luân Công ở nhà à?” Tôi đáp: “Hãy đi đi. Hàng ngày tôi ra ngoài để giải quyết việc cá nhân. Anh có thể thấy tôi đang trên đường ra ngoài. Bây giờ anh nên đi đi”. Tôi tiếp tục đi ra ngoài và anh ta đã bám theo tôi. Khi chúng tôi ra khỏi tòa nhà, anh ta chạy lên chặn đường tôi. Tôi nhìn thấy cảnh sát họ Nhiễm và các cảnh sát khác đang đợi bên ngoài tòa nhà. Họ mang theo cả xe cảnh sát. Rõ ràng họ định bắt tôi về đồn. Tôi chạy về căn hộ của mình, khóa cửa và bắt đầu phát chính niệm. Sau một lúc, cuối cùng, họ cũng rời đi.

Cảnh sát liên tục đến căn hộ của tôi để quấy nhiễu với đủ loại lý do. Dần dần, mỗi khi chúng tôi nghe thấy điện thoại hoặc chuông cửa rung lên, tôi cùng mẹ và con trai mình lập tức tự hỏi có phải lại là cảnh sát quấy nhiễu không. Con trai tôi đã rất khổ sở khi phải liên tục chứng kiến cảnh mẹ mình bị bắt giữ và lôi ra khỏi nhà.

Tịch thu phi pháp tài sản của gia đình tôi và tống giam tôi

Trong suốt những năm qua, cảnh sát đã lục soát nhà tôi tổng cộng 05 lần. Trong 05 lần đó, họ chỉ duy nhất một lần có lệnh khám xét hợp pháp. Họ thậm chí còn dám đánh đập tôi ngay trước mặt hàng xóm của tôi, những người mà họ đưa theo để làm cái gọi là làm chứng cho việc khám xét nhà.

Mỗi lần cảnh sát đến bắt tôi, họ không chỉ lục soát nhà tôi để lấy đi những tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, mà họ còn lấy cắp cả những tài sản cá nhân khác. Tháng Chín năm 2002, tôi buộc phải rời khỏi nhà để tránh việc bị tiếp tục bức hại. Cảnh sát địa phương và ủy ban cư trú đã đến lục soát nhà tôi. Chúng tôi còn một cuộn dây cáp điều hòa lớn sau khi sửa nhà. Quản lý của ủy ban cư trú đã trộm lấy nó khi họ lục soát nhà tôi. Mẹ tôi đã hỏi đi hỏi lại Ngụy Đại Bình về cuộn cáp bị mất đó, và cuối cùng nó được trả lại cho em trai tôi. Họ cũng lấy cắp 570 nhân dân tệ tiền mừng tuổi của con trai tôi.

Từ ngày 20 tháng Bảy năm 1999, tôi đã bị bỏ tù phi pháp tổng cộng 29 lần với tổng số 743 ngày giam. Có tất cả 38 cơ quan chính quyền khác nhau đã tham gia bức hại tôi. Tôi bị bắt giữ hình sự 04 lần và bị giam tổng cộng 93 ngày. Tôi bị bắt giữ 10 lần với 140 ngày giam vì “vi phạm trật tự trị an”. Tôi cũng bị tạm giam ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có Trung tâm Cai nghiện quận Thanh Dương và đồn cảnh sát Vạn Niên Trường 13 lần trong tổng số 25 ngày. Có lần, tôi đã bị tra tấn hơn 30 ngày và có 455 ngày trong trại lao động (hơn ba tháng so với hạn ban đầu).

Trong chương tiếp theo, tôi sẽ kể về hai lần tôi suýt mất mạng dưới sự đàn áp của chính quyền Giang Trạch Dân như thế nào.

(Còn tiếp…)

Dịch từ:

http://www.minghui.org/mh/articles/2004/7/21/79563.html
http://www.pureinsight.org/node/2662