Văn học hiện thực: “Tật phong kình thảo”, Phần IV – Chương 2

Tác giả: Chung Phương Quỳnh

[Chanhkien.org]

Phần IV. Bị kết án lao động cưỡng bức

[Chú thích: Trong các trại lao động cưỡng bức, các tù nhân thường nói lớn với nhau: “Anh có biết tà giáo lớn nhất ở Trung Quốc là gì không?” “Đó chính là trại lao động cưỡng bức!”]

Chương 2: Các lạp tử Đại Pháp

Bị giam giữ nghiêm ngặt

Bắt đầu từ tháng Bảy năm 2001, tôi và 10 học viên Pháp Luân Công kiên định khác đã bị nhốt trong một căn phòng nhỏ ở trại lao động. Một vài tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát chúng tôi một cách chặt chẽ, và thậm chí còn không cho phép chúng tôi bước ra ngoài. Ngày ngày, chúng tôi bị ép ngồi thẳng lưng trên những chiếc ghế nhỏ, mắt nhìn thẳng và hai tay đặt trên đùi từ 06 giờ 30 sáng cho đến tận 10 giờ 30 tối. Trong suốt ngần ấy tiếng đồng hồ, chúng tôi không được phép nhắm mắt, cũng không được nói chuyện.

Ban ngày, nhiệt độ trong phòng thường lên tới 50° C hoặc cao hơn. Hàng ngày, chúng tôi ăn uống, vệ sinh, và ngủ trong căn phòng nhỏ đó. Mỗi tuần, chúng tôi chỉ được cung cấp một chậu nước. Vì không có đủ nước và nhiệt độ quá cao, nhiều người đã bị ngất vì say nóng. Học viên Hoàng Lệ Toa đã bị đau nhức toàn thân. Quần áo của cô ấy thấm đầy máu và mủ vàng. Sau đó, cô ấy đã bị tra tấn cho tới chết.

Các đệ tử Đại Pháp tại sao bị tà ác [gây] bao khó khăn tàn khốc? Là vì họ kiên trì với chính tín vào Đại Pháp; là vì họ là những lạp tử trong Đại Pháp”. (“Đại Pháp kiên cố không thể phá” – Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Tới tháng Chín, tôi bị chuyển đến trung đội số 09 của trại lao động. Khi tôi bị đưa đi, một vài học viên vẫn bị nhốt trong căn phòng nhỏ đó. Tôi đã chứng kiến các đồng tu bị tra tấn tàn khốc mà không thể làm gì để giúp. Như Chúc Hà, học viên nữ 32 tuổi bị giam ở cùng trại lao động với tôi. Trương Tiểu Phương, trung đội trưởng trung đội số 07 đã lệnh cho hai tù nhân nghiện nhét giẻ bẩn thật chặt vào miệng cô ấy. Sau đó, cô bị kéo lê trên mặt đất đầy cát sỏi. Khi đi qua camera giám sát, họ sẽ vờ như mọi việc bình thường để tránh bị ghi hình. Nhưng sau khi đi khỏi đó, họ lại tiếp tục kéo lê cô. Khi hai tù nhân nghiện đó bắt đầu mệt, một tốp tù nhân nghiện khác lại tới tiếp sức. Cát sỏi đã bám đầy vào lưng, mông và chân của Chúc Hà. Khắp người cô bị trầy xước và chảy máu. Sau đó, Trương Tiểu Phương đã lệnh cho hơn 10 cựu học viên đã bị tẩy não dẫm đạp lên Chúc Hà. Kẻ kéo tóc cô, kẻ khạc nhổ vào cô, kẻ kéo tay, kéo chân cô, còn có kẻ ngồi lên cô mà đánh. Họ đánh đập và chửi rủa Chúc Hà cho đến khi chính họ đã mệt lả. Tới lúc đó, Chúc Hà đã không thể tự mình đứng dậy được nữa. Trương Tiểu Phương liền gọi một bác sỹ tới để lấy cát sỏi ra khỏi những vết thương của cô, nhưng lấy chúng ra hoàn toàn là một việc gần như không thể. Không những thế, Chúc Hà còn bị buộc phải tự thanh toán hóa đơn y tế tốn kém.

Chúc Hà đã bị giam giữ trái phép tại trại lao động hơn một năm rưỡi. Sau đó, trong vòng 10 tháng, cô đã liên tiếp bị gửi đến ba lớp tẩy não (cụ thể lần lượt là lớp tẩy não ở huyện Bì, lớp tẩy não ở thành phố Bằng Châu và lớp tẩy não ở thành phố Tân Tân). Sự bức hại tàn khốc và những tra tấn phi nhân tính này đã tàn phá nghiêm trọng sức khỏe và tinh thần của Chúc Hà. Tháng Chín năm 2003, khi Chúc Hà bị giam giữ ở Trại Tẩy não Bằng Châu, cô đã bị tra tấn đến mức tinh thần hoảng loạn và nói năng thất thường. Nhưng ác nhân Hà Nguyên Phú, giám đốc trại tẩy não, vẫn không đồng ý thả cô về nhà. Trái lại, ông ta còn tiếp tục tra tấn và tìm cách tẩy não cô. Tình trạng của cô đã sa sút nghiêm trọng, những đợt hoảng loạn tinh thần bắt đầu nhiều hơn. Cô đã phải chịu đựng một sự tổn thương tinh thần quá lớn. Lúc nào cô cũng ở trong trạng thái dễ xúc động, lúc khóc, lúc cười, nói lung tung, và còn tự đấm vào cửa và cửa sổ. Cô cũng đi vệ sinh bừa khắp nơi. Khi ngủ, cô xé tung chiếc chăn và lấy bông bên trong nó để đắp lên người. Sau khi trường hợp của cô được công luận chú ý, các viên chức trong trại tẩy não đã bất đắc dĩ thả tự do cho cô vào ngày 02 tháng Tư năm 2004. Hiện nay, Chúc Hà đang ở nhà của mình, nhưng cô ấy vẫn không thể tự chăm sóc được bản thân. Hàng ngày, người mẹ già 70 tuổi của Chúc Hà phải chăm sóc ba người, bao gồm cô, cậu con trai nhỏ 3 tuổi của cô, và cha của Chúc Hà, người đã phát bệnh tâm thần sau khi bị tra tấn trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc trong thập niên 70. Anh Vương Sĩ Lâm, chồng của Chúc Hà cũng là một đệ tử Đại Pháp. Anh đã bị gửi đến các trại lao động ba lần, và hiện đang bị giam ở Trại Lao động Tân Hoa, thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên.

Cô Trương Phượng Thanh là một nữ học viên ở độ tuổi ngũ tuần. Cảnh sát Long Tuyền đã phạt cô hơn 10.000 Nhân dân tệ (khoảng 1.200 đô-la), bắt giữ cô một vài lần, và cuối cùng gửi cô đến trại lao động cưỡng bức. Ở trại lao động, Trương Tiểu Phương đã đánh cô bằng dùi cui điện, lấy giẻ bịt miệng cô và trói cô vào một cái cây lớn. Có lần, cô bị trói vào một tấm gỗ cao, và tay của cô bị trói vào hai cái cửa sổ. Họ đã kéo người cô thành hình chữ thập và bắt cô phải giữ tư thế đó trong một thời gian rất lâu. Một lần, bảy, tám lính gác nam ở đội bảo vệ đã ấn cô xuống mặt đất và dùng sức mạnh bóp cổ cô. Cô không thể thở được và đã suýt mất mạng. Lần khác, sau khi cô tiến hành tuyệt thực để phản đối sự đối xử vô nhân đạo này, bảy, tám người đã cố đổ súp bí ngô xuống họng của cô. Một người đã dí đầu cô xuống, trong khi những người khác ghì tay và chân của cô. Một người đã giữ cổ cô, trong khi những người khác dùng sức để bịt mũi và banh miệng của cô ra. Những miếng bí ngô đã mắc kẹt trong cổ họng của cô. Cô không thể nuốt chúng, cũng không thể nhổ chúng ra, và đã suýt chết vì nghẹt thở. Cho đến tháng Năm năm 2002, cô mới được thả ra khỏi trại lao động đó. Khoảng tháng Tám năm 2003, cô lại bị bắt và bị giam giữ tại một trại giam thuộc huyện Bì vì phân phát tài liệu nói rõ sự thật. Trong trại giam, họ đã tiêm cho cô những loại thuốc không rõ tên, khiến cô phát bệnh tâm thần và mất trí nhớ. Cô còn bị tra tấn và mất khả năng đi lại. Cho tới tận tháng Một năm 2004, cô mới được thả về. Khi cô còn chưa hoàn toàn bình phục, chính quyền đã lại vô cớ bắt giữ cô trái phép.

Những lính gác ở trại lao động hoặc trực tiếp tham gia tra tấn các học viên, hoặc xúi giục các tù nhân sử dụng mọi thủ đoạn hèn hạ và tàn nhẫn để tra tấn các học viên. Một vài lính gác ở đội bảo vệ đã đánh các học viên một cách rất dã man vào ngày Tết đầu năm mới, sau đó trói họ lên và bắt họ phải đứng như vậy rất lâu dưới trời mưa. Một vài học viên đã bất tỉnh bởi màn tra tấn đó. Các lính gác còn xúi giục những tù nhân nghiện kéo các học viên vào phòng tắm và nhét băng vệ sinh đã qua sử dụng vào họng họ. Lính canh còn ra lệnh cho các tù nhân lột quần áo của các học viên và bắt họ đứng trước gương để làm nhục họ. Lính canh đã xui các cựu học viên bị tẩy não hoặc các tù nhân nghiện đánh các học viên cho tới khi họ bị ngất đi. Một vài học viên đã bị ngâm trong bể nước. Một vài học viên bị gẫy răng và chảy máu lợi vì bị bức thực. Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, sau khi bị đánh dã man, một số học viên còn bị cùm tay và bị ép phải cuốn mình trong những chiếc chăn bông dày. Các lính gác thậm chí còn liên tiếp sốc điện các học viên với vài chiếc dùi cui điện cùng một lúc. Khi một học viên nữ khoảng 30 tuổi từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, các lính gác đã bắt cô ấy chống đẩy 800 cái. Quần của cô ấy đã bị rách toạc và các khuy áo bị bung ra. Sau cực hình này, cô ấy không thể đi được trong một tuần sau đó, cũng như không thể ngồi được khi đi vệ sinh.

Các học viên Pháp Luân Công đã không dao động mà còn cảm hóa được nhiều lính gác và tù nhân bằng sự từ bi của họ. Nhờ những nỗ lực giảng rõ sự thật không ngừng của các học viên, nhiều lính gác đã nhận ra Pháp Luân Công khác với những tuyên truyền trên truyền hình. Sau đó, mặc dù nhiều lính gác vẫn còn tỏ ra hung dữ ở bề mặt, họ đã nói riêng với chúng tôi: “Chúng tôi đều biết các học viên Pháp Luân Công là những người tốt. Nhưng chúng tôi được [Giang] trả tiền, vì vậy, chúng tôi phải làm theo lệnh và hành động như những tay súng đánh thuê. Chúng tôi chỉ có thể làm bất cứ việc gì mà họ bảo chúng tôi làm”. Do vậy, mặc dù những lính canh này đã tham gia vào nhiều tội ác trong cuộc bức hại, chính Giang Trạch Dân mới là người cuối cùng phải chịu trách nhiệm trong cuộc bức hại này.

Thoát khỏi động quỷ với sức mạnh của chính niệm

Trung đội số 09 của trại lao động giam giữ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân nghiện. Lính canh đã bố trí hai tù nhân giám sát một học viên. Hàng ngày, những tù nhân đó đọc to các bài báo phỉ báng Đại Pháp và các học viên buộc phải lắng nghe chúng. Cứ sáng thứ Hai, chúng tôi lại bị yêu cầu bày tỏ ý kiến về các bài báo đó. Những lúc đó, tôi tiếp tục nói về việc những bài báo nói sai về Pháp Luân Công như thế nào. Tôi thường nhắc lại câu chuyện của mình như một ví dụ. Sau khi nghe câu chuyện của tôi, các tù nhân nghiện đều cảm thấy Pháp Luân Công đã bị ngược đãi vô lý. Mặc dù họ đã biết sự thật, họ đều không dám lên tiếng.

Một hôm, có một lính gác họ Hồ nói với tôi: “Chung Phương Quỳnh, tôi nghĩ cô là một người tốt. Vấn đề duy nhất là cô từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Từ bỏ môn đó thì có gì xấu? Chỉ cần cô từ bỏ nó, tôi sẽ thả cô về nhà”. Cô ta cũng ra lệnh cho các cựu học viên đã bị tẩy não lần lượt đến nói chuyện với tôi và thuyết phục tôi từ bỏ tu luyện trong ba ngày ba đêm. Họ nói với tôi: “Làm sao cô có thể ra khỏi đây nếu không hứa là sẽ bỏ tập Pháp Luân Công? Cô có muốn thoát khỏi đây không?” Tôi trả lời: “Người nào đưa tôi đến đây sẽ đưa tôi về nhà, bởi việc tôi muốn trở thành một người tốt không có gì là sai cả”. Những lính gác bảo tôi: “Phải rồi, các học viên Pháp Luân Công bây giờ coi như là chống lại Đảng và nhà nước. Bất cứ ai không ‘chuyển hóa’ được sẽ bị lưu đày đến Tân Cương (một vùng xa xôi hẻo lánh ở Trung Quốc) và dành toàn bộ phần đời còn lại ở đó để lao động trên những cánh đồng”. Nhiều học viên không thể chịu được sự tra tấn và hứa sẽ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Tất cả họ đã lần lượt được thả. Trái lại, không có bất cứ học viên Pháp Luân Công nào từ chối bỏ tu luyện Pháp Luân Công được thả. Một vài học viên vẫn còn bị giam trong trại lao động đó thêm một năm sau khi họ đã mãn hạn. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết rõ rằng tôi sẽ tiếp tục tu luyện một cách đường hoàng. Tôi tự nhủ rằng dẫu có bị tử hình đi nữa, tôi cũng sẽ không để Sư phụ và Đại Pháp thất vọng, và tôi có thể chết với một lương tâm trong sạch. Ngày ngày, tôi liên tục nhẩm lại các bài giảng của Sư phụ. Ngoài việc nhẩm Hồng Ngâm hai lần, tôi còn tiếp tục nhẩm hơn 40 bài kinh văn – tất cả các bài kinh văn của Sư phụ mà tôi có thể nhớ – hai lần trước khi đi ngủ.

Dưới sự chỉ đạo của Đại Pháp, tôi đã dùng sức mạnh của chính niệm để thoát khỏi động quỷ. Ngày 30 tháng Chín năm 2001 là vừa tròn ba tháng sau khi tôi mãn hạn. Khoảng 03 giờ chiều, lính gác đột nhiên yêu cầu tôi thu dọn hành lý. Tôi nghĩ mình sắp bị đày đến Tân Cương và dành nốt phần đời còn lại để làm việc trên các cánh đồng ở đó. Vì vậy, tôi đã mang theo tất cả mọi thứ. Sau khi đi qua cánh cửa thứ hai, tôi nhìn thấy Ngụy Đại Bình và một số người khác ở Đồn Cảnh sát Vạn Niên Trường. Họ đã đến trại lao động để đón tôi. Vì vậy, tôi bảo người lính canh đi với tôi: “Nhờ ông mang chiếc chăn này trở lại trung đội 9 và đưa nó cho người khác, bởi tôi sẽ về nhà và không còn cần đến chúng nữa”. Ngụy Đại Bình cũng nói xe đã đầy người và không còn chỗ để hành lý. Người lính gác từ chối mang đồ của tôi lại. Anh ta kiên quyết: “Chị đã mang những thứ này ra thì không thể gửi lại được nữa”. Lúc đó, tôi chợt nhận ra lý do anh ta từ chối mang đồ của tôi trở lại là vì những người lính gác không muốn các học viên khác biết rằng tôi đã được thả và được phép trở về nhà.

Tu luyện mọi nơi

Sau khi lên xe ô tô, cảnh sát Ngụy Đại Bình đã hỏi tôi: “Chung Phương Quỳnh, cô còn tập Pháp Luân Công không?” Tôi đáp: “Có, tôi vẫn tập”. Mọi người trên xe ô tô đều cười nhạo tôi: “Cô vẫn chưa thấm thía sao? Tỉnh táo lại được rồi đấy. Chúng tôi có một vị giám đốc mới họ Lý. Sau này, chúng tôi sẽ kể cho cô nghe thêm về việc này ”. Trên đường về, tôi kể cho họ việc các lính gác trong trại lao động đã bức hại các đệ tử Đại Pháp, bao gồm cả tôi như thế nào. Tôi cũng nói về sự kỳ diệu của Đại Pháp, cũng như việc truyền hình và báo chí đã bịa đặt những lời nói dối để phỉ báng Pháp Luân Công như thế nào. Tôi còn kể về những câu chuyện tu luyện từ thời tiền sử cho đến nay. Tôi bảo họ đừng để bị đánh lừa, mà hãy sáng suốt phân biệt đúng sai. Một cảnh sát nói: “Cô đã bị gửi đến trại lao động. Thay vì bị ‘chuyển hóa’, giờ cô lại quyết tâm hơn, thậm chí còn quay lại để ‘chuyển hóa’ chúng tôi. Cô muốn chúng tôi cũng bị gửi đến trại lao động giống cô sao?” Tôi trả lời: “Vậy các ông nghĩ rằng việc bị gửi đến trại lao động chỉ vì lý do duy nhất là nói lên sự thật và trở thành người tốt hơn là có thể chấp nhận được sao? Tôi hy vọng các ông sẽ nghĩ kỹ về điều này”.

Chúng tôi tới Đồn Cảnh sát Vạn Niên Trường vào khoảng 08 giờ tối. Tôi nghĩ rằng mình sẽ được thả về nhà ngay lập tức. Nhưng Ngụy Đại Bình nói: “Hiện giờ trưởng đồn đang đi vắng. Đêm nay cô phải ở lại đây. Ngày mai chúng tôi sẽ tính xem sẽ làm gì với cô”. Tôi nói với ông ta: “Không, tôi muốn về nhà ngay bây giờ. Tôi vô tội và phải được tự do, tại sao ông vẫn giữ tôi lại đây?” Ngụy Đại Bình đáp: “Tôi không nói rằng cô phạm tội. Cô chỉ cần ở lại đây một đêm thôi”. Sau đó, ông ta đã đẩy tôi vào một buồng giam.

Tôi đã trải qua một đêm trong một căn phòng tăm tối, ẩm thấp và bốc mùi. Sáng sớm hôm sau, tôi bắt đầu luyện công. Khi ngày làm việc bắt đầu, vị cảnh sát trưởng họ Nhiễm nói: “Cô khá trẻ đẹp. Sao cô dám luyện công ở đây!” Tôi đáp: “Chỉ cần có thời gian rảnh, một học viên sẽ luyện công ở bất cứ đâu mà họ đến”. Sau đó, cảnh sát họ Nhiễm nói: “Cô có thể làm lại những gì cô tập sáng nay không?” Tôi đã tập lại cho họ xem. Người thanh niên trẻ chụp vài tấm hình. Tôi cũng không biết chắc họ có định dùng những bức ảnh này làm lý do để bức hại tôi tiếp không.

(Còn tiếp…)

Dịch từ:

http://minghui.org/mh/articles/2004/7/20/79562.html
http://www.pureinsight.org/node/2612