ĐCSTQ dùng “thuyết vô thần” để bức hại tự do tín ngưỡng (1)

Tác giả: Âu Dương Phi, bình luận viên Minh Huệ

“Thẩm phán của thiên sứ”, tranh của Uông Vệ Tinh

[Chanhkien.org]

NỘI DUNG:

Lời mở đầu

1. “Thuyết vô thần” đã được chứng thực bởi khoa học?

2. “Khoa học” và “hữu thần” bổ sung cho nhau

3. “Vô thần” có thể phủ nhận “hữu thần”?

3.1 “Khoa học phổ cập” của ĐCSTQ đả kích điều gì?
3.2 Vũ trụ có biên giới hay không?
3.3 Có thể dùng tư tưởng của người để nghĩ việc của Thần được không?
3.4 Phù hợp với lý của người liệu có ý chí của Thần hay không?
3.5 “Không thể chứng minh tồn tại” liệu có nghĩa là “không hề tồn tại” hay không?

4. “Vô thần” là một trường hợp ngoại lệ ngoài biên của “hữu thần”

5. ĐCSTQ biến “thuyết vô thần” thành một công cụ chính trị

5.1 “Thuyết vô thần” nguyên là một môn học
5.2 Vì sao ĐCSTQ cổ xúy “thuyết vô thần”?
5.3 ĐCSTQ cổ xúy “thuyết vô thần” như thế nào?

6. “Thuyết vô thần” đã mang đến điều gì cho người Trung Quốc?

6.1 “Thuyết vô thần” mang đến tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Trung Quốc?
6.2 “Thuyết vô thần” nâng cao đạo đức cho người Trung Quốc?
6.3 “Thuyết vô thần” mang đến hạnh phúc thịnh vượng cho người Trung Quốc?

Kết luận

*****************

Lời mở đầu

Nhiều năm trước, có một học giả người Nga nọ cổ xúy thuyết vô thần. Một ngày, trong một hội nghị lớn, ông đã có một bài phát biểu thuyết phục thính giả rằng Thượng Đế là tuyệt đối không thể tồn tại. Trong khi phát biểu, khi tới chỗ lập luận của ông thực sự bắt đầu thuyết phục người nghe, ông ngửa mặt lên trời nói to thách thức Thượng Đế: “Thượng Đế, nếu ông tồn tại, hãy xuống đây và giết chết tôi giữa đám đông này. Có vậy chúng tôi mới tin rằng ông tồn tại!” Và rồi, ông ngưng một vài phút như thể đang thực sự chờ đợi điều gì đó xảy ra. Tất nhiên, Thượng Đế đã không đi xuống và giết ông ta. Ông ta nhìn quanh rồi kết luận: “Thấy chưa? Thượng Đế làm gì tồn tại!”

Trước sự ngạc nhiên của ông, một người phụ nữ quàng khăn trên đầu đứng dậy và đáp lời: “Thưa ông, lý thuyết của ông rất sâu sắc và ông quả là một học giả đọc rộng biết nhiều. So với ông, tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa. Tôi không đủ khả năng bác lại lý thuyết của ông. Tuy nhiên, tôi mong muốn ông trả lời giúp câu hỏi của tôi. Tôi đã thờ phượng Đức Chúa Jesus trong nhiều năm. Tôi cảm thấy an lành trong tâm khi tôi nghĩ rằng Chúa là Đấng cứu rỗi chúng ta. Tôi thích đọc Kinh Thánh. Càng đọc Kinh Thánh, tôi càng cảm thấy an lành. Sự huy hoàng của Chúa Jesus sung mãn trái tim tôi. Bởi vì tôi tin vào Chúa Jesus, tôi có được niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Tôi muốn hỏi ông câu hỏi sau đây. Nếu, sau khi chết, tôi phát hiện rằng Chúa không hề tồn tại, rằng Chúa Jesus không phải Con của Thượng Đế, và rằng những gì nói trong Kinh Thánh là không đúng, thì tôi đã đánh mất điều gì nếu tôi tin vào Chúa Jesus trong suốt cuộc đời?” Vị học giả cổ xúy thuyết vô thần ngẫm nghĩ về câu hỏi này một lúc. Toàn bộ hội trường yên lặng như tờ. Họ đồng ý với lý lẽ của người phụ nữ. Ngay cả học giả vô thần kia cũng kinh ngạc trước lô-gíc đơn giản và thuần khiết của người phụ nữ. Ông thầm đáp: “Tôi không nghĩ bà sẽ mất mát điều gì”.

Người phụ nữ nói: “Cám ơn ông đã cho tôi một câu trả lời hay. Tôi còn một câu hỏi khác. Nếu, sau khi chết, ông phát hiện Chúa quả đúng là tồn tại, rằng những gì viết trong Kinh Thánh là tuyệt đối đúng, rằng Chúa Jesus đúng là Con của Thượng Đế, và rằng Thiên Đàng và địa ngục là có tồn tại, thì xin hỏi ông, ông đã đánh mất điều gì?” Vị học giả im lặng thời gian lâu và không biết phải trả lời ra sao trước câu hỏi thứ hai này.

Hàng ngàn năm đã trôi qua. Câu chuyện về vị học giả người Nga và người phụ nữ quê mùa – cuộc tranh luận giữa “hữu thần” và “vô thần” – đã không ngừng tái diễn trong lịch sử nhân loại.

Trong một xã hội bình thường, liệu một người có tin vào Thần hay không hoàn toàn là lựa chọn tự do của cá nhân người ấy. Tranh luận như vậy đơn giản chỉ là biểu hiện của thế giới quan khác nhau. Tuy nhiên, đáng buồn thay, tại Trung Quốc ngày nay, thuyết vô thần đã bị chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng. Sự khác biệt trong thế giới quan đã trở thành một cuộc diệt tuyệt tín ngưỡng vô nhân đạo và bi thảm. Dưới cờ hiệu “khoa học”, ĐCSTQ đã vắt kiệt tài nguyên của cả một quốc gia để bức hại những người tin vào Thần. Mức độ của thảm họa bức hại là chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Liệu “vô thần” khoa học hơn hay “hữu thần” khoa học hơn?

Trong bài này, tôi sẽ giải đáp câu hỏi này từ một góc độ rộng lớn hơn. Mục đích là phá trừ gông cùm ý thức hệ của ĐCSTQ vốn cổ xúy thuyết vô thần như một chân lý tuyệt đối và lấy đó để trói buộc người dân Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn lại xem tập đoàn Giang Trạch Dân và ĐCSTQ đã sử dụng thuyết vô thần để phỉ báng và bôi nhọ Pháp Luân Công trong một thời gian dài như thế nào, tới mức những lời lừa dối che kín cả trời và đất. Tôi hy vọng bài viết này sẽ không chỉ giúp những ai không tin vào Thần nhìn nhận lại vấn đề này với một tâm cởi mở và khoan dung hơn, mà còn góp phần bảo vệ tự do tín ngưỡng chân chính của tất cả mọi người.

1. “Thuyết vô thần” đã được chứng thực bởi khoa học?

Có một khẩu hiệu nổi tiếng của những người cổ xúy thuyết vô thần rằng: “Khoa học tiến thêm một bước, thì Thần rút lui một bước”. Trên thực tế, mỗi bước đột phá trong khoa học, ngược lại, mở ra một không gian chưa biết lớn hơn cho nhân loại. Kết quả là, loài người càng phát hiện ra rằng bản thân mình thật nhỏ bé.

Năm 1928, người đoạt giải Nobel, nhà vật lý Max Born, dựa trên khám phá của Paul Dirac về phương trình mô tả hành vi của electron, đã có bình luận như sau: “Vật lý học mà chúng ta biết sẽ kết thúc trong vòng 6 tháng”. Tuy nhiên, sau đó, phát hiện về neutron đã mở ra cánh cửa mới cho vật lý học. Sáu tháng đã hết, nhưng vật lý học vẫn không kết thúc. Tới ngày nay, hơn 70 năm đã trôi qua và vật lý học vẫn chưa kết thúc.

Thực tế, sự tiến bộ của khoa học không có nghĩa là ngược hướng với thuyết hữu thần.

Người vô thần nổi tiếng thời Đông Hán ở Trung Quốc là Vương Sung không tin vào “Thiên nhân cảm ứng”. Ông cho rằng người ở trên mặt đất còn Thần thì ở trên thiên thượng. Cách xa như vậy, làm sao tiếng của người có thể được Thần nghe thấu! Từ đó ông kiên quyết phủ định thuyết “Thiên nhân cảm ứng”.

Tuy nhiên hiện tại chúng ta biết rằng chỉ với một ăng-ten thu phát sóng, chúng ta có thể liên lạc với vệ tinh trên bầu trời. Chẳng phải hệ thống GPS (hệ thống định vị toàn cầu) được cài trong các xe hơi cũng dựa trên nguyên lý tương tự? Khoa học nhìn nhận rằng cơ thể người là cực kỳ phức tạp và tiến bộ hơn rất nhiều các “ăng-ten” thu phát sóng. Ngay cả GPS cũng có thể giao tiếp với vệ tinh, vậy con người chúng ta, còn tiến bộ hơn các “ăng-ten”, liệu có thể giao tiếp với Thần trên thiên thượng hay không? Nếu Vương Sung còn sống đến hôm nay, sự tiến bộ của khoa học sẽ không giúp ông xác nhận thuyết vô thần, mà hoàn toàn ngược lại. Một số người nói rằng thuyết hữu thần bắt nguồn từ sự ngu muội của con người trong những ngày mà khoa học còn chưa phát triển. Tuy nhiên trái lại, bằng lý luận tương tự, chúng ta có thể nói rằng sự ngu ngốc của con người có thể được dùng để giải thích tại sao một số người lại tin vào thuyết vô thần.

Thực ra, con người vẫn luôn vận dụng khoa học để khám phá các sinh mệnh ngoài hành tinh. Nhiều người thích nói hoặc đọc các chủ đề về UFO. Theo quan sát thiên văn và vũ trụ gần đây nhất, chỉ 4% vật chất trong vũ trụ cấu thành mô hình vật lý tiêu chuẩn, mà vật chất lại được cấu thành bởi các hạt tử vi mô (các hạt tử chưa được con người biết đến), trong khi 96% vật chất được cấu thành bởi vật chất tối và năng lượng tối còn là bí ẩn với nhân loại. Liệu vật chất tối có linh tính và sự sống hay không? Các khám phá khoa học, bản thân nó không thể phủ nhận sự tồn tại của các sinh mệnh cấp cao. Nếu các nhà khoa học có thể phát hiện các sinh mệnh cao cấp, cao tầng tới mức có thể tạo ra nhân loại, thì chẳng phải có nghĩa Thần đã được tìm thấy?

Do đó, khoa học không phải là độc quyền của những người vô thần. ĐCSTQ, vốn không bao giờ theo quy luật khoa học thực sự, lại thích dùng cái mác “khoa học”. Kỳ thực đây là lạm dụng danh xưng “khoa học” và dùng nó như cái gậy để đánh người. Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ và tập đoàn Giang Trạch Dân đã cổ vũ rùm beng cái gọi là “ủng hộ khoa học” và nhân danh “vô thần khoa học”, cứ như thể thuyết vô thần là một định luật khách quan đã được chứng thực bởi khoa học. Trên thực tế, một môn khoa học thực sự không cần phải lấy mác “khoa học” để quảng bá danh tiếng của chính nó. Liệu đã ai nghe về cụm từ “vật lý khoa học” hay “hóa học khoa học”? Chưa. Trên thực tế, ĐCSTQ có sở thích gọi những thứ không khoa học là “khoa học”. Nó vừa trang điểm cho ĐCSTQ, lại vừa lừa dối người dân. Lấy ví dụ, cái gọi là “chủ nghĩa xã hội khoa học” và “chủ nghĩa cộng sản khoa học” là những cụm từ điển hình của ĐCSTQ. Liệu còn ai ở Trung Quốc thực sự tin chúng là khoa học? Liệu có nước tư bản thịnh vượng nào tự xưng mình là theo “chủ nghĩa tư bản khoa học”?

Nếu thuyết hữu thần được coi là một giả thuyết trong thế giới quan của một cá nhân, thì thuyết vô thần, nhiều nhất cũng chỉ có thể được coi là một giả thuyết khác. Khách quan mà nói, không có cái gọi là “định luật khoa học” trong cuộc tranh luận giữa vô thần và hữu thần. Ngay cả thuyết vô thần kinh điển được sùng bái bởi những người vô thần —thuyết tiến hóa— cũng chỉ là một giả thuyết mà Darwin đề xuất dựa trên quan sát cá nhân. Tuy nhiên, thuyết tiến hóa lại được tuyên truyền như một loại “niềm tin”. Nó không có luận chứng chặt chẽ và vẫn chưa được xác nhận bởi khoa học thực nghiệm. Nếu bạn hỏi các chuyên gia tiến hóa hiện đại ngày nay rằng họ đang làm gì, thì họ sẽ trả lời bạn rằng họ vẫn đang gắng sức tìm bằng chứng ủng hộ lý thuyết của họ, cũng như tìm đủ mọi cách bài xích các bằng chứng ngược lại với thuyết tiến hóa.

2. “Khoa học” và “hữu thần” bổ sung cho nhau

Sự thành công của một nhà khoa học không nhất thiết là liên quan đến người đó tin vào Thần hay là không. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, chẳng hạn Kepler, Boyle, Newton, Faraday, Morse, Joule, Maxwell, Mendel, và Fleming, v.v. đều là “người hữu thần” có tín ngưỡng tôn giáo. Họ đều tin vào sự tồn tại của Thần. Mặt khác, cũng có nhiều nhà khoa học thành công là người vô thần.

Trên thực tế, khoa học phương Tây đã hoàn toàn thay đổi phương thức sinh hoạt của con người. Nó thâm nhập vào đủ mọi khía cạnh của đời sống. Con người đang phụ thuộc vào khoa học, và điều này khiến người ta sùng bái khoa học, chứ không phải Thần.

Báo cáo một cuộc khảo sát các nhà khoa học ở Mỹ về đức tin cá nhân của họ cho thấy ngày càng ít nhà khoa học tin vào Thần vào cuối thế kỷ 20 so với đầu thế kỷ. Những người vô thần hẳn là rất tự hào về điều này. Tuy nhiên, người ta không chú ý tới một xu hướng rất thú vị và trớ trêu. Mặc dù nhiều người hơn trở thành nhà khoa học, sự đột phá của khoa học lại chậm hơn trong giai đoạn này. Nhiều nhà khoa học đã mất niềm tin của họ vào công việc và chuyển sự nghiệp sang lĩnh vực phần mềm máy tính hay tài chính.

Chúng ta không thể nói rằng khi có nhiều người vô thần hơn thì khoa học sẽ phát triển chậm hơn. Tuy nhiên, khoa học ngày nay thực sự cần một bước đột phá. Nhiều nhà khoa học đã bắt đầu bước vào nghiên cứu các lĩnh vực mà họ không muốn, hay thậm chí không dám nghiên cứu trước đó.

Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học phương Tây đã bắt đầu hợp tác với các nhà thần học. Họ đã học hỏi kinh nghiệm từ những nhóm tôn giáo trong khi nghiên cứu khoa học hiện đại.

Các câu hỏi mà khoa học muốn tìm kiếm câu trả lời đều liên quan đến cụm từ “như thế nào”. Các tế bào hoạt động như thế nào trong cơ thể chúng ta? Chúng ta nên thiết kế các máy bay siêu thanh như thế nào? Còn các câu hỏi mà tôn giáo cố gắng trả lời đều liên quan đến cụm từ “tại sao”. Tại sao nhân loại được tạo ra? Tại sao tôi phải nói lên sự thật? Tại sao vũ trụ này tồn tại? Tại sao vũ trụ lại ở trong trạng thái hiện nay?

Khoa học phân tích sự vật, cũng như hành vi của người và động vật. Nó không quan tâm liệu hành vi đó là tốt hay là xấu. Tuy nhiên, các câu hỏi tôn giáo lại là về tốt hay xấu. Do đó, người ta nói rằng khoa học chỉ nghiên cứu “như thế nào” và “cái gì”, còn tôn giáo nghiên cứu “tại sao”. Mặc dù khoa học cũng giải thích “tại sao” ở một mức độ nhất định, nó không thể giải thích gốc rễ câu hỏi “tại sao”, cái gọi là “nguyên nhân đầu tiên” – “tại sao” về các vấn đề lớn, đó là gốc rễ sâu xa của mọi việc.

Một số nhà khoa học thành công với nền tảng tôn giáo đều có một ước muốn chung, đó là tìm kiếm chỗ đứng chung giữa khoa học và thần học. Họ đều cố gắng dùng thần học để trả lời một số câu hỏi căn bản mà khoa học không thể giải thích. Các nhà khoa học này đưa ra một vấn đề, chẳng hạn: Nếu mọi thứ tiến hóa từ cấp thấp cho đến cấp cao, thì hướng tiến hóa được xác định như thế nào? Thuyết tiến hóa không thể giải đáp câu hỏi này. Mọi thứ chỉ có thể tiến hóa sau khi phương hướng đã được xác định. Chẳng phải điều này có nghĩa là Thần đã xác định phương hướng?

ĐCSTQ có một câu nói thường dùng: “Quy luật khách quan không thay đổi bởi ý chí con người”. Ý chí nào không thể lay chuyển bởi ý chí của con người? Chẳng phải hai chữ “Tự Nhiên” có thể đơn giản giải thích mọi thứ hay sao?

Tôn giáo không phải là để trợ giúp sự phát triển của khoa học, mà bản thân tín ngưỡng tôn giáo của nhà khoa học có thể giúp khoa học đột phá qua nghiên cứu cá nhân của họ. Tuy nhiên, nếu những người vô thần có thể có một cái nhìn “khoa học” cho phép sự tồn tại của đức tin vào Thần, và tôn trọng tự do tín ngưỡng của người khác, thì thế giới này sẽ trở nên hài hòa mỹ mãn hơn.

(còn tiếp…)

Dịch từ:

http://minghui.ca/mh/articles/2005/3/29/98144.html
http://www.clearwisdom.net/emh/articles/2005/4/25/60043.html