Video: Dự ngôn «Mai Hoa Thi» của Trung Quốc

[Chanhkien.org]

Lời thuyết minh:

Đứng bên bờ sông Trường Giang, ngắm nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy về Đông, một đi không trở lại… 2.500 năm trước, Khổng Phu Tử cảm thán: “Thời gian như dòng nước! Trôi không quản ngày đêm”. 1.500 năm sau, Tô Đông Pha đứng trước cơn sóng lớn Trường Giang mà phiền muộn: “Sông lớn cuồn cuộn chảy về Đông, Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng”. Sông Trường Giang này, tưởng như vô tình. Mấy trăm năm, mấy nghìn năm, vẫn chảy xiết về phía trước không do dự. Đúng là nó đã đi theo dòng chảy suốt lịch sử nhân loại, chứng kiến tất cả thiện-ác, trung-gian, ái-hận, tình-sầu; biết bao vui buồn ly hợp, thế sự đổi thay. Vừa mới Hán Sở tranh hùng, đã tới Tam Quốc diễn nghĩa; rồi mới có Trinh Quán thịnh trị, sau đó là quý phi túy tửu; có Nhạc Phi tinh trung báo quốc, cũng có Tần Cối âm hiểm độc ác; có Thành Cát Tư Hãn xưng bá thiên hạ, cũng có ngày lễ của Hoàng đế Vĩnh Lạc triều Minh; thế mới có Khang Hy thịnh thế, sau đó là Nha Phiến quốc sỉ; âm hồn trong cuộc thảm sát Thiên An Môn còn chưa tan hết, đã đến cuộc thỉnh nguyện bi tráng của Pháp Luân Công,…

Lịch sử, nếu xem trong một thời-không ngưng đọng, thì cũng như một vở kịch, với trời làm màn, đất là đài, ngày đêm không ngừng xoay vần mà diễn biến. Các nhân vật trong vở kịch này, bất luận là anh hùng đội trời đạp đất, thét mây hô gió như thế nào, thì đều trôi dạt trong cõi hồng trần cuồn cuộn. Liệu ai có thể thực sự làm chủ vận mệnh của chính mình?

Tài năng kinh thiên động địa, tấm lòng cúc cung tận tụy như Gia Cát Lượng, cũng không thực hiện được chí lớn khôi phục Hán thất. Tài trí mưu lược, chí khí ngút trời như Nhạc Phi, cũng chỉ có thể để lại nỗi buồn vô hạn dưới đình Phong Ba. Thị phi thành bại theo dòng nước, Sừng sững cơ đồ bỗng tay không! Giữa dòng sông lớn lịch sử này, rốt cuộc là ai làm chủ? Dòng chảy lịch sử vĩ đại này rốt cuộc có chủ đề và kịch bản hay không?

Tuy nhiên, giữa cõi trần thế náo nhiệt ồn ã này, bỗng chốc vang lên một thanh âm siêu nhiên, âm lượng nhẹ nhàng mà kiên định; nó là âm thanh ngoài trần thế, chỉ điểm bến mê. Nó thời thời khắc khắc cảnh tỉnh thế nhân: Mang mang Thiên số đã sớm định trước, Thế Đạo hưng suy bất tự do vậy. Nó chính là một dự ngôn lưu danh thiên cổ. «Mai Hoa Thi» của Thiệu Ung thời Bắc Tống chính là một khúc thanh âm như vậy. Từ hơn 1.000 năm trước, nó đã chỉ điểm chỗ mê cho chúng sinh, giảng rõ khúc chủ đề nhấp nhô trầm bổng. Chúng ta hãy tĩnh tâm lắng nghe và thưởng thức bài thơ «Mai Hoa Thi» này.

* * *

Để hiểu được «Mai Hoa Thi», thì không thể không tìm hiểu về kỳ nhân Thiệu Ung. Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, hiệu Khang Tiết, sinh năm thứ 4 Tống Chân Tông, tức năm 1011 SCN, mất năm thứ 10 Tống Thần Tông, tức năm 1077 SCN, hưởng thọ 67 tuổi. Ông sinh ra tại Phạm Dương, Hà Bắc, sau theo cha di cư tới Cộng Thành, cuối đời ẩn cư tại Lạc Dương. Thiệu Ung, tuy không phải là “nhà nhà đều biết” như Gia Cát Khổng Minh, nhưng xét về tài năng và phẩm đức, thì cũng không thua gì Gia Cát Lượng. Chẳng qua, ông trường kỳ ẩn cư, tên tuổi không được người đời sau biết đến nhiều. Trình Hạo, một trong những ông tổ của Lý học triều Tống từng ca ngợi Thiệu Ung như sau: “Nghiêu Phu, ấy là bậc thầy về cái học của nội Thánh ngoại Vương vậy!”

Thuở thiếu thời, Thiệu Ung đã ôm ấp chí lớn, nỗ lực khắc khổ đọc sách, không có sách nào là chưa đọc. Theo “Thiệu Ung truyện” trong sử triều Tống thì: Thiệu Ung “ban đầu học, sau chịu đựng gian khổ, lạnh không có lò sưởi, nóng không có quạt mát, đêm tối cũng không có một tấm chiếu để nằm trong mấy năm”. Sau đó, để tăng cường kiến thức, ông còn du học tứ phương, vượt Hoàng Hà, qua Phần Hà, lội Hoài Thủy, vượt Hán Thủy, qua các đất Tề, Lỗ, Tống, Trịnh, v.v. Sau khi trở về, ông nói “Đạo là đây rồi”, sau đó không vân du nữa. Bấy giờ có cao nhân Lý Đỉnh Chi, thấy ông ham học không biết mệt mỏi, mới truyền thụ cho ông “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, “Phục Hy Bát quái” và các bí quyết Dịch học khác. Thiệu Ung thông minh tài trí, thông hiểu đạo lý, tự học tự đắc, cuối cùng trở thành một bậc thầy về Dịch học, một nhà Nho nổi tiếng xa gần. Ông hình thành cho mình một vũ trụ quan độc đáo mà hoàn chỉnh, các quy luật vận hóa của Thiên Địa, biến hóa của Âm Dương đều nắm trong lòng bàn tay. “Tống sử” cũng ghi lại như sau: Ông đối với “thế sự cổ kim xa gần, thậm chí tính nết của cây cỏ chim muông” thì đều có thể “thông suốt”, thậm chí “hiểu được suy nghĩ người khác, biết trước việc chưa xảy ra”. Trình Di, một ông tổ khác của Lý học Bắc Tống nói: Thiệu Ung “tấm lòng vừa trống vừa sáng, mà có thể biết tất cả”. Sau đó, Thiệu Ung viết các trước tác «Hoàng Cực kinh thế», «Quan vật nội ngoại thiên», v.v. tổng cộng hơn 1 vạn chữ. Ông cho rằng lịch sử là chiểu theo định số mà diễn hóa. Ông dùng Tiên thiên Dịch số của mình, cũng như các khái niệm nguyên, hội, vận, thế, v.v. để suy luận diễn hóa của Trời Đất và tuần hoàn của lịch sử. Các tác phẩm Dịch học có ảnh hưởng rất lớn với đời sau như «Thiết Bản thần số», «Mai Hoa tâm dịch», đều là của Thiệu Ung. Người đời sau tôn xưng ông là “Thiệu Tử”. Thời trung niên, ông không màng danh lợi, ẩn cư tại Lạc Dương, viết sách dạy học. Các học sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Phú Bật, Tư Mã Quang, Lã Công Trứ, v.v. đều rất kính trọng ông. Họ từng góp tiền mua cho ông một khu vườn, gọi là “An Lạc Oa”, do vậy Thiệu Ung còn có tự hiệu là “An Lạc tiên sinh”. Ông không chỉ thông hiểu cổ kim, tài năng cái thế, mà còn phẩm đức đôn hậu, đãi người chân thành. Điều này khiến ông nức danh xa gần, đi đâu cũng được người ta tranh nhau mời lưu lại, có người còn gọi nơi Thiệu Ung từng nghỉ lại là “Hành Oa”. Uy vọng của ông trong tâm người đời là rất lớn. Ngày nay, người hiểu rõ Thiệu Ung và các tác phẩm của ông quả thực là không nhiều. Tuy nhiên trong dân gian vẫn lưu truyền một số lời răn của ông. Ví như, người ta thường nói: “Nhất niên chi tế tại vu xuân, Nhất thiên chi tế tại vu thần, Nhất sinh chi tế tại vu cần” (Ranh giới một năm là mùa Xuân, Ranh giới một ngày là bình minh, Ranh giới một đời là chuyên cần), ấy là xuất phát từ Thiệu Ung. Thiệu Ung còn có tài tiên tri tiên liệu, lưu lại hậu thế một dự ngôn chuẩn xác đến kinh người, một kiệt tác truyền đời của ông — «Mai Hoa Thi», tiên tri về những diễn biến lịch sử trọng đại phát sinh tại Trung Quốc sau khi ông mất. Tất nhiên, «Mai Hoa Thi» cũng như các dự ngôn khác, dùng ngôn ngữ rất kín đáo ẩn dụ, không dễ mà lý giải. Có một bộ phận, nếu như không phải là người tu luyện thông hiểu Phật lý Đạo học, thì khó mà hiểu được. Toàn bộ bài thơ có thể được chia làm 10 tiết nhỏ, sau đây chúng ta sẽ cùng nhau khám phá chi tiết:

Tiết 1

Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai,
Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai.
Sơn hà tuy hảo phi hoàn bích,
Bất tín Hoàng Kim thị họa thai.

Tạm dịch:

Dần từ vạn cổ cổng trời khai mở,
Hỏi mấy người đến mấy người trở về.
Non sông tuy đẹp mà không toàn vẹn,
Không tin Hoàng Kim là mầm tai họa.

Hai câu “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai”, từ ý nghĩa bề mặt mà xét thì: Cánh cổng thông lên bầu trời mênh mang từ vạn cổ nay đã khai mở lần đầu tiên. Biết bao người đã đến nhân gian, biết bao người có thể quay về? Tuy nhiên, hai câu này thực sự là chỉ điều gì? Chỉ xem một đoạn này thôi thì chưa rõ, phải xem toàn bài xong thì chân tướng mới đại bạch. Chẳng qua, từ hai câu đầu tiên đã có thể thấy Thiệu Ung bản lĩnh siêu phàm, lập ý cao xa, không chỉ nói với người ta tương lai sẽ phát sinh sự kiện gì, mà còn nói với chúng ta chủ đề tối hậu mà không bị lịch sử làm nhiễu. Triều Tống là một triều đại mà triều đình nhu nhược bất tài. Từ Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận “dùng rượu tước binh quyền” mà lấy thiên hạ trở đi, thì triều Tống luôn áp dụng hạn chế tín nhiệm với tướng soái, kèm theo chính sách phòng ngừa thái quá, dẫn tới cục diện “binh không tướng soái, tướng không có thầy”. Triều Tống ngay từ đầu thì đã là binh lực yếu ớt, vừa dựng nước được không lâu đã phải xưng thần cống nạp cho chính quyền người Hồ ở phương Bắc. Quốc thổ phương Bắc, “Yên vân thập lục châu”, một mạch bị ngoại tộc chiếm mất, ấy chính là “Sơn hà tuy hảo phi hoàn bích” (Non sông tuy đẹp mà không toàn vẹn). Nước Kim của tộc Nữ Chân ở phương Bắc nguyên là một dân tộc tiểu nhược, thế nhưng vào thời phát triển lớn mạnh từng liên hợp với Bắc Tống để cùng nhau lật đổ nước Liêu thời cận mạt. Tống Huy Tông dốt nát không nghe lời khuyên can của trung thần, một mực đòi kết liên minh với nước Kim, lại đồng ý đem cống phẩm mỗi năm cho nước Liêu chuyển sang nước Kim, không tin rằng nước đại “Kim” định đô tại “Hoàng” Long Phủ mới là “mầm tai họa” thực sự của triều Tống. Bởi vậy lịch sử Trung Quốc mới có “nỗi nhục Tịnh Khang” hiếm thấy, Hoàng đế Bắc Tống, cung phi, thân vương, đại thần khắp triều, toàn bộ hơn ba ngàn người sau này đều bị nước Kim lớn mạnh bắt làm nô lệ, khiến một nửa giang sơn lọt vào tay nước Kim. Đây chính là “Bất tín Hoàng Kim thị họa thai”.

Tiết 2

Hồ Sơn nhất mộng sự toàn phi,
Tái kiến Vân Long hướng Bắc phi.
Tam bách niên lai chung nhất nhật,
Trường thiên bích thủy thán di di.

Tạm dịch:

Một giấc mộng Hồ Sơn mà hỏng cả,
Lại thấy Rồng Mây hướng phía Bắc bay.
Ba trăm năm hết chỉ nội một ngày,
Non xanh nước biếc than ôi còn đâu.

Đến thời Nam Tống, Hoàng đế càng dốt nát bất tài hơn nữa, đành sống tạm bợ ở một nửa giang sơn vùng Giang Nam, cả ngày đắm chìm trong ca múa tửu sắc. Ngoài ra, toàn bộ dân chúng đều say sưa chán ngán, từ trên xuống dưới mê đắm trong hoan ái tình sắc, mà không nghĩ đến quyết chí tự cường. Thể thơ Tống từ có hàng vạn bài, văn nhân nhiều lời gặp thi sĩ tiếc vật thương tình, còn kẻ sĩ có thể ngẩng cao đầu thì rất hiếm. Bởi vì Nam Tống dựng đô tại Lâm An (nay là Hàng Châu), bên bờ Tây Hồ, dựa núi gần hồ, cộng thêm Hoàng đế Nam Tống ngày đêm chìm đắm trong giấc mộng say hoang dâm, nên mới gọi là “Hồ Sơn nhất mộng sự toàn phi”, chỉ một giấc mộng Núi, Hồ mà việc hỏng cả. “Tái kiến Vân Long hướng Bắc phi”, là chỉ khí số thiên tượng rơi vào phương Bắc, phương Bắc có Chân Long Thiên Tử giáng sinh, triều đại mới ắt sẽ đản sinh tại phương Bắc. Khi vương triều Nam Tống còn chìm đắm trong giấc mộng say, thì Thành Cát Tư Hãn nổi lên tại phương Bắc, dốc sức vì nước, thống nhất Mông Cổ, lại cấp tốc khuếch trương bờ cõi. Sau khi nước Kim diệt vong, Mông Cổ ồ ạt xâm nhập Nam Tống. “Tam bách niên lai chung nhất nhật”, là chỉ triều Tống sau khi trải qua hơn 300 năm (từ năm 960-1279 SCN), cuối cùng diệt vong. Năm 1276, quân Nguyên xâm nhập Lâm An, vua Tống bị bắt làm tù binh. “Trường thiên bích thủy thán di di” (Non xanh nước biếc than ôi còn đâu), là chỉ vào thời khắc diệt vong cuối cùng của triều Tống diễn ra một màn lịch sử bi tráng. Năm 1279, tàn quân Tống rơi vào bước đường cùng, chiến bại không còn lối thoát. Bởi không muốn bị bắt, đại thần Lục Tú Phu cõng tiểu Hoàng đế Nam Tống mới 9 tuổi nhảy xuống biển mà chết, còn đại tướng Trương Thế Kiệt đang bảo vệ Dương Thái Phi mưu đồ chạy trốn, thì bị một cơn bão lớn nhấn chìm dưới đáy đại dương.

Tiết 3

Thiên địa tương thừa số nhất nguyên,
Hốt phùng giáp tử hựu hưng Nguyên.
Niên hoa nhị bát càn khôn cải,
Khán tận tàn hoa tổng bất ngôn.

Tạm dịch:

Số nhân của Trời Đất đến một nguyên,
Hốt gặp giáp tử thì lại hưng Nguyên.
Được tám tám năm thì càn khôn đổi,
Xem hết hoa tàn mà vẫn không tâu.

“Thiên địa tương thừa số nhất nguyên” là nói niên đại tương giao của Thiên can Địa chi đã đến nguyên đầu, cũng chính là khí số thời đại mới đã đến rồi. “Hốt phùng giáp tử hựu hưng Nguyên”, có chữ “Hốt” (忽) là ngầm chỉ Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, còn “hưng Nguyên” là chỉ triều Nguyên hưng khởi. Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn năm 1260, đến năm 1264 (năm giáp tử) thì đăng cơ kiến lập triều Nguyên, định niên hiệu là Chí Nguyên theo nguyên niên, sau dời đô đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Năm 1271, Hốt Tất Liệt căn cứ kiến nghị của Lưu Bỉnh Trung, lấy ý “Càn Nguyên” trong «Kinh Dịch» mà cải quốc hiệu thành “Đại Nguyên”, thống trị Trung Quốc. Triều Nguyên tuy nhờ tài trí mưu lược của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt mà phát triển, nhưng sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, thì lập tức rơi vào hỗn loạn tranh quyền đoạt vị. Truyền được 10 vị Hoàng đế từ Nguyên Thế Tổ đến Nguyên Thuận Đế, sau khi trải qua thời huy hoàng, vương triều đoản mệnh trải dài khắp lục địa Á-Âu này cuối cùng diệt vong. Từ năm 1279 khi triều Tống diệt vong hoàn toàn đến năm 1368 triều Nguyên bị diệt, tổng cộng xấp xỉ 88 năm, đây chính là “Niên hoa nhị bát càn khôn cải” (Được tám tám năm thì càn khôn đổi). Câu “Khán tận tàn hoa tổng bất ngôn” (Xem hết hoa tàn mà vẫn không tâu) ám chỉ thời Nguyên Thuận Đế, hoạn quan ém nhẹm hồ sơ không tâu lên Hoàng đế hại nhà Nguyên, có thể nói “hoa tàn” mà “vẫn không tâu” là như vậy.

Tiết 4

Tất cánh anh hùng khởi bố y,
Chu môn bất thị cựu hoàng kỳ.
Phi lai yến tử tầm thường sự,
Khai đáo Lý hoa xuân dĩ phi.

Tạm dịch:

Rốt cuộc là anh hùng từ áo vải,
Lầu son đâu phải cờ vàng ngày xưa.
Chim én bay đến ấy chuyện tầm thường,
Nở tới hoa mận thì xuân đã qua.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, xuất thân bần tiện, nguyên là bình dân áo vải, từng trải qua mấy năm làm hòa thượng, sau tham gia quân khởi nghĩa Hồng Cân. Bởi vì kiêu dũng thiện chiến, đại hiển bản sắc anh hùng, nên từ một binh sĩ phổ thông thăng lên làm lãnh tụ, cuối cùng năm 1368 xưng Đế tại Nam Kinh. Do đó “Chu môn” giờ đây đã không còn là nhà nông đất vàng năm nào nữa. “Rốt cuộc là anh hùng từ áo vải, Lầu son đâu phải cờ vàng ngày xưa” đã tả rõ giai đoạn lịch sử này. “Phi lai yến tử tầm thường sự” (Chim én bay đến ấy chuyện tầm thường) là chỉ đoạn lịch sử khi Yến vương Chu Đệ, con thứ tư của Chu Nguyên Chương hùng cứ Yên Kinh rồi đoạt ngai vàng. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vì Thái tử mất sớm, nên đã đem Hoàng vị truyền cho Hoàng Thái tôn, tức Minh Huệ Đế. Năm ấy, hơn mười Hoàng tử được phong làm Phiên vương, đóng tại biên cương. Trong đó Yến vương Chu Đệ đóng tại Yên Kinh tinh thông binh pháp, lập nhiều chiến công, thực lực mạnh nhất, danh vọng lớn nhất. Minh Huệ Đế dáng vẻ mười phần thư sinh, dưới kiến nghị của mưu sĩ đã khăng khăng đòi tước bỏ Phiên vương, bãi miễn Yến vương, nên Yến vương không còn cách nào khác đành khởi binh làm phản. Bởi vì Yến vương Chu Đệ tài đức xuất chúng, trí dũng hơn người nên cuối cùng giành chiến thắng sau 4 năm, công nhập Nam Kinh, đoạt lấy ngôi vị Hoàng đế, trở thành Minh Thái Tông, sau được gọi là Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc. Yến vương được thiên hạ, ngẫm ra thì đúng là “tầm thường sự”, về cả tình và lý, rất giống với “sự biến Huyền Vũ môn” của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Dưới sự cai trị của Minh Thành Tổ Chu Đệ, triều Minh trải qua thời kỳ huy hoàng toàn thịnh. Tuy nhiên sự suy bại vào những năm Minh mạt, cộng thêm những cuộc khởi nghĩa nông dân, đã khiến triều Minh rơi vào cảnh “Khai đáo Lý hoa xuân dĩ phi” (Nở tới hoa mận thì xuân đã qua). “Lý hoa” ở đây chính là chỉ Sấm vương Lý Tự Thành. Mùa Xuân năm 1644, Lý Tự Thành dẫn quân khởi nghĩa công chiếm Bắc Kinh, Hoàng đế Sùng Trinh thắt cổ tự vẫn ở Cảnh Sơn sau Tử Cấm Thành, triều Minh diệt vong, ấy chính là “xuân đã qua”.

Tiết 5

Hồ nhi kỵ mã tẩu Trường An,
Khai tích Trung Nguyên hải cảnh khoan.
Hồng thủy sạ bình hồng thủy khởi,
Thanh quang nghi hướng Hán Trung khán.

Tạm dịch:

Kỵ mã của trẻ Hồ tới Trường An,
Khai thác vùng hải cảng tại Trung Nguyên.
Hồng thủy bình rồi lại hồng thủy khởi,
Ánh sáng trong phải hướng Hán Trung xem.

Trung Quốc xưa nay vẫn có cách nói “Bắc Hồ Nam Man”. Bởi thế câu “Hồ nhi kỵ mã tẩu Trường An” là chỉ Mãn Thanh ở vùng Đông Bắc xâm nhập làm chủ Trung Nguyên. Cuối triều Minh, xã hội động loạn, Lý Tự Thành vừa mới đoạt thiên hạ, còn chưa ổn định chỗ đứng. Đại tướng triều Minh Ngô Tam Quế trấn giữ vùng ven biển, xuất phát từ tư lợi đã nương tựa Mãn Thanh, sau lại dẫn quân Thanh nhập quan. Mãn Thanh thời bấy giờ mạnh mẽ cường thịnh, sau khi nhập quan thì thế như chẻ tre, thống nhất tàn cục thời Minh mạt, năm 1644 dựng đô tại Bắc Kinh, trở thành đế quốc Đại Thanh. “Tẩu Trường An” thực ra là lấy Trường An để ám chỉ Trung Quốc. Đầu triều Thanh, thế nước lớn mạnh, văn trị võ công đều vô cùng cường thịnh, trong đó hơn 100 năm là thời “Khang Càn thịnh thế” (thời thịnh trị của Khang Hy, Càn Long). Đặc biệt là Hoàng đế Khang Hy được người đời sau tôn là “thiên cổ nhất Đế”, tài trí mưu lược, dốc sức vì nước, bình định các chủng nội loạn ngoại xâm, khiến bản đồ Trung Quốc không ngừng mở rộng ở mức chưa từng có. Ngoài ra, bắt đầu từ triều Thanh, Trung Quốc tiến hành thông thương quy mô lớn với nước ngoài, khai thác cảng biển, cũng chính là “Khai tích Trung Nguyên hải cảnh khoan”.

“Hồng thủy sạ bình hồng thủy khởi”, có chữ “Hồng thủy” đầu tiên chính là chỉ năm 1851, Hồng Tú Toàn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, tựa như cơn hồng thủy cuốn sạch một nửa Trung Quốc, kéo dài trong 13 năm, làm lung lay nghiêm trọng sự thống trị của triều Thanh. Chữ “Hồng” (洪) trong “Hồng thủy” chính là ám chỉ Hồng Tú Toàn. Chính phủ Mãn Thanh sau khi tiêu hao một lượng lớn nguyên khí, cuối cùng mới may mắn bình định được cuộc khởi nghĩa này. Tuy nhiên sau khi Thái Bình Thiên Quốc bị bình định rồi (“sạ bình”), triều Thanh vẫn loạn trong giặc ngoài không ngừng, các thế lực cách mạng không ngừng nổi dậy mạnh mẽ, tựa như những cơn hồng thủy liên tiếp cuốn sạch toàn quốc, động loạn khắp nơi. Cuối cùng năm 1911, khởi nghĩa Vũ Xương thành công, Lê Nguyên Hồng trở thành đô đốc chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, sau khi Viên Thế Khải chết lại trở thành Tổng thống, vương triều nhà Thanh diệt vong hoàn toàn. Bản thân danh tự của Lê Nguyên Hồng đã có sẵn một chữ “Hồng” (洪), bởi vậy mới nói “Hồng thủy sạ bình hồng thủy khởi”. Câu “Thanh quang nghi hướng Hán Trung khán” là chỉ tiền đồ cuối cùng của triều Thanh (“Thanh quang”) cần phải đến Vũ Hán (“Hán Trung”), nơi khởi nghĩa cách mạng thành công mà xem.

Tiết 6

Hán thiên nhất bạch Hán giang thu,
Tiều tụy hoàng hoa tổng đới sầu.
Cát diệu bán thăng Ki Đẩu ẩn,
Kim Ô khởi diệt hải sơn đầu.

Tạm dịch:

Trời Hán sáng tỏ, sông Hán mùa thu,
Hoa cúc vàng tiều tụy vẫn ưu sầu.
Ánh cát tường nửa thăng, Ki Đẩu ẩn,
Mặt trời vụt tắt trên đầu núi biển.

“Hán thiên nhất bạch Hán giang thu” (Trời Hán sáng tỏ, sông Hán mùa thu) là nói Trung Quốc sau khi trải qua 300 năm thống trị của ngoại tộc Mãn Thanh cuối cùng đã có hy vọng mới. “Trời Hán sáng tỏ” ở đây là chỉ hy vọng mới. “Sông Hán mùa thu” là chỉ ngày 10 tháng 10 mùa Thu năm 1911, khởi nghĩa Vũ Xương thành công, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, Trung Quốc tiến vào một thời đại hoàn toàn mới. Cũng chính là vào mùa Thu năm 1911 tại Vũ Hán lại quật khởi lần nữa. “Tiều tụy hoàng hoa tổng đới sầu” (Hoa cúc vàng tiều tụy vẫn ưu sầu) là chỉ cách mạng Dân Quốc tuy thành công, nhưng nền móng rất bất ổn định, cũng như “hoa cúc vàng tiều tụy”. Hoa cúc trong truyền thống thường được dùng để chỉ sinh linh còn non nớt. Kể từ khi Dân Quốc kiến lập, đầu tiên là Viên Thế Khải cướp đoạt chính quyền, sau đó là Trương Huân phục hồi, tiếp đó là thời quân phiệt hỗn chiến trường kỳ, bè phái cát cứ. Chính quyền Quốc Dân tựa như “hoa cúc vàng tiều tụy”, lúc nào cũng ưu sầu, nên mới nói “tổng đới sầu”. “Cát diệu bán thăng Ki Đẩu ẩn” (Ánh cát tường nửa thăng, Ki Đẩu ẩn): “Ánh cát tường” là chỉ quốc kỳ Thanh Thiên Bạch Nhật Mãn Địa Hồng của Trung Hoa Dân Quốc, còn “nửa thăng” là chỉ thời kỳ đầu thống trị của Quốc Dân Đảng. Sau khi trải qua thời thống trị phong kiến trường kỳ, sau đó là ngoại tộc cướp bóc và chiến tranh quân phiệt, Trung Quốc trở nên hoang phế. Khi chiến tranh Bắc phạt mà Tưởng Giới Thạch lãnh đạo vừa mới thành công, quốc gia đang cất bước phát triển, chính quyền Quốc Dân Đảng đang củng cố địa vị thống trị, thì thế lực đen tối của đảng cộng sản đã ngấm ngầm phát triển lớn mạnh. “Ki Đẩu” thuộc tử vi cổ đại của Trung Quốc, là một vì tinh tú trong Nhị Thập Bát Tú, ở đây có ý là chấm nhỏ, ám chỉ thế lực bí mật của đảng cộng sản. Ba chữ “Ki Đẩu ẩn” đã chỉ rõ sự thật lịch sử khi đảng cộng sản thừa cơ loạn trong giặc ngoài để ngấm ngầm phát triển thực lực. “Kim Ô khởi diệt hải sơn đầu” (Mặt trời vụt tắt trên đầu núi biển): “Kim Ô” là một tên gọi khác của Thái Dương (mặt trời) vào thời cổ đại, ở đây ám chỉ Nhật Bản, vốn tự xưng là đất nước mặt trời mọc. Toàn bộ câu này chỉ Nhật Bản gây chiến trong Đại Thế chiến II, xâm lược Trung Quốc, rồi cuối cùng chịu vận mệnh chiến bại đầu hàng.

Tiết 7

Vân vụ thương mang các nhất thiên,
Khả liên Tây Bắc khởi phong yên.
Đông lai bạo khách Tây lai đạo,
Hoàn hữu Hồ nhi tại nhãn tiền.

Tạm dịch:

Mây mù mờ mịt hết một ngày đêm,
Thảm thương Tây Bắc khói lửa chiến tranh.
Cướp đến từ Đông, giặc đến từ Tây,
Còn có trẻ Hồ ở ngay trước mắt.

Sau khi trải qua nội chiến Quốc-cộng, Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan xuất hiện cục diện đối lập, chia nhau để trị; “Vân vụ thương mang các nhất thiên” (Mây mù mờ mịt hết một ngày đêm) chính là đảng cộng sản và Quốc Dân Đảng trải qua một cuộc nội chiến kinh thiên động địa. Ba câu thơ sau là chỉ cục diện bất ổn của Trung Quốc Đại Lục dưới sự thống trị của đảng cộng sản. “Khả liên Tây Bắc khởi phong yên” (Thảm thương Tây Bắc khói lửa chiến tranh) là chỉ bình định bạo loạn Tân Cương và trấn áp độc lập Tây Tạng. “Đông lai bạo khách Tây lai đạo” (Cướp đến từ Đông, giặc đến từ Tây) là chỉ vào đầu những năm 50, Trung Quốc và Mỹ quốc đụng độ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; sau đó, vào đầu những năm 60, Trung Quốc bùng phát chiến tranh biên giới Trung-Ấn với Ấn Độ ở biên giới phía Tây. Tại phương Bắc, Liên Xô từ những năm 50 đã bất hòa với Trung Cộng, một mực uy hiếp Trung Quốc, hai bên từng bùng phát chiến tranh Trân Bảo đảo, mỗi bên đều có binh lực hùng hậu trấn giữ biên cương trong cả mấy chục năm. “Hoàn hữu Hồ nhi tại nhãn tiền” (Còn có trẻ Hồ ở ngay trước mắt): Chiếu theo cách nói “Bắc Hồ Nam Man”, thì “Hồ nhi” ở đây chỉ đích thị Liên Xô.

Tiết 8

Như kỳ thế sự cục sơ tàn,
Cộng tề hòa trung khước đại nạn.
Báo tử do lưu bì nhất tập,
Tối giai thu sắc tại Trường An.

Tạm dịch:

Như ván cờ mới rơi vào thế tàn,
Đồng lòng giúp nhau nhưng gặp đại nạn,
Con báo chết còn lưu lại bộ da,
Sắc thu đẹp nhất ở tại Trường An.

“Như kỳ thế sự cục sơ tàn, Cộng tề hòa trung khước đại nạn”, đại ý là cục diện thế giới cũng tựa như một ván cờ vậy, ở đây chỉ thời kỳ chiến tranh Lạnh đối đầu giữa thế giới Tây phương tự do dân chủ và cộng sản quốc tế. Đến thập niên 90, các quốc gia cộng sản ào ào biến sắc, điều này đối với toàn bộ chủ nghĩa cộng sản mà xét, thì đã đi vào tàn cuộc rồi. Liên minh các nước cộng sản triệt để giải thể, tuyệt đại đa số các nước từ bỏ chế độ cộng sản, đối với cộng sản quốc tế, hay “Cộng tề hòa trung” trong bài thơ mà nói, thì là lâm vào đại kiếp nạn. “Báo tử do lưu bì nhất tập” (Con báo chết còn lưu lại bộ da): Con báo là chỉ Liên Xô cũ. Bản đồ Liên Xô cũ trông như một con báo đang chạy. Con báo, tức Liên Xô cũ đã tan rã rồi, hệ thống cộng sản thực tế đã giải thể rồi, chỉ còn lưu lại một chút hình thức được những người đương quyền Trung Quốc kế thừa, cũng tựa như con báo chết rồi nhưng vẫn còn lưu lại bộ da. Trung Quốc ngày nay không còn ai tin tưởng chủ nghĩa cộng sản nữa, bao gồm cả những người đương quyền trong đảng cộng sản, họ chỉ lợi dụng hình thức đảng cộng sản để duy trì sự thống trị của họ mà thôi. “Tối giai Thu sắc tại Trường An” (Sắc thu đẹp nhất ở tại Trường An): Trước mắt những người đương quyền Trung Cộng, vì để tạo tính hợp lý cho hình thức chính quyền nên đã ra sức tô son trát phấn ngụy tạo cái gọi là “tình thế tốt đẹp”, tập trung một lượng lớn tài lực để xây dựng rầm rộ, trang điểm thủ đô. “Trường An” là kinh thành của Trung Quốc, cũng chỉ Trung Quốc nói chung. Nhưng “sắc thu” ấy cũng không cách nào trường cửu được.

Tiết 9

Hỏa long trập khởi Yên Môn thu,
Nguyên bích ưng nạn Triệu thị thu.
Nhất viện kỳ hoa xuân hữu chủ,
Liên tiêu phong vũ bất tu sầu.

Tạm dịch:

Rồng lửa khởi đau buồn từ Yên Môn,
Nguyên bích chịu nạn, họ Triệu thu về,
Một vườn hoa đẹp, mùa xuân có chủ,
Mưa gió suốt đêm không phải ưu sầu.

“Hỏa long trập khởi Yên Môn thu” (Rồng lửa khởi đau buồn từ Yên Môn): “Hỏa long”, tức ác long màu đỏ, chỉ đảng cộng sản Trung Quốc. “Trập khởi”, chính là từ cơn ngủ đông mà thức tỉnh. “Yên Môn” chỉ Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Chữ “thu” ở đây có ý là đau buồn, chết chóc. Đây là ẩn dụ về sự kiện “Lục Tứ” (ngày 4/6). Năm 1989, học sinh và dân chúng Trung Quốc thỉnh nguyện tại Thiên An Môn để ủng hộ dân chủ và phản đối tham nhũng của quan chức, sau đó chịu thảm sát tàn khốc. Trung Cộng cũng giống như một con ác long tỉnh dậy từ giấc ngủ đông, hiện xuất bản tính, khai đao chém giết, tạo thành thảm án Thiên An Môn chấn động trong và ngoài nước. “Nguyên bích ưng nạn Triệu thị thu” (Nguyên bích chịu nạn, họ Triệu thu về): “Nguyên bích” ngầm chỉ Trung Quốc với lịch sử 5.000 năm, “ưng nạn” là nói Trung Quốc sẽ gặp phải kiếp nạn này. “Triệu thị thu” (họ Triệu thu về) là chỉ Triệu Tử Dương, Tổng Bí thư Trung Cộng thời bấy giờ, vì sự kiện “Lục Tứ” mà bị đàn áp.

Còn mấy câu sau đây, nếu như không nhìn tổng quát toàn bộ chủ thể bài thơ, không thông hiểu chuyện tu luyện, thì rất khó lý giải được. Rất nhiều người đã từng thử giải mấy câu này, tuy nhiên đều cảm thấy lực bất tòng tâm. Trên thực tế, không hiểu tu luyện, không có tầm nhìn rộng lớn thì rất khó lý giải được hàm nghĩa mấy câu thơ này.

Xem lại cẩn thận câu đầu tiên “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai”, cho tới câu dưới “Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật”, thì nghĩa lý chân chính sẽ tự nhiên sáng tỏ. Tại Trung Quốc, đất nước trung tâm của thế giới này, từ những năm 70 của thế kỷ trước, bỗng nhiên xuất hiện trào lưu khí công. Công pháp các môn, các phái nhộn nhịp truyền xuất, có thể nói là trăm hoa nở đẹp, đua nhau khoe sắc. Có công pháp Phật gia, công pháp Đạo gia, còn có các loại khí công dân gian, đều từ bí ẩn trường kỳ mà truyền ra, công khai truyền thụ tại xã hội. Số người luyện khí công, theo thống kê từ phía chính phủ là hơn 100 triệu người, xuyên suốt các giai tầng xã hội. Đây không chỉ là điều chưa từng chứng kiến trong văn minh Trung Quốc 5.000 năm, mà còn là chưa từng có tiền lệ trong văn minh nhân loại. Người ta chưa từng nghĩ tới vì sao Trung Quốc khi ấy lại xuất hiện trào lưu khí công như vậy. Hết thảy liệu có thể là ngẫu nhiên chăng? Lịch sử, thực ra là chiểu theo kịch bản được định trước mà diễn xuất, theo cách người ta không tự biết. Trào lưu khí công này đã đả khai sự cầm cố tư tưởng từ chốn sâu thẳm nhất của con người, khiến con người đối với các khái niệm như khí công, tu luyện và công năng đặc dị, thì từ chưa từng nghe qua cho tới quen thuộc, đều có nhận thức hoặc ít hoặc nhiều. Điều này vô hình trung đã trải đường cho sự hồng truyền của Đại Pháp tu luyện chân chính, để sẵn đoạn mở bài.

Cuối cùng, năm 1992, khi trào lưu khí công bắt đầu lắng xuống, các môn phái theo nhau rút lui, thì ông Lý Hồng Chí bắt đầu công khai truyền thụ Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Tu Luyện Đại Pháp. Vậy là tấm màn tối hậu và cũng là xuất sắc nhất của lịch sử văn minh nhân loại lần này cuối cùng đã được vén mở ra. Ông Lý Hồng Chí, ngay từ khi bắt đầu, đã lập ý cao xa, khác hẳn với số đông. Ông công khai chỉ rõ: Sự truyền xuất Pháp Luân Công chính là “Chân chính đưa con người lên cao tầng“. Ông giảng: “Tôi nói cho mọi người rằng, [pháp môn] chúng ta là tu luyện Đại Pháp của Phật gia, vậy đương nhiên là tu Phật…”; “Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân Thiện Nhẫn, Nó chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, Nó chính là Phật Pháp tối căn bản“. Càng khiến người ta kinh ngạc hơn nữa, đó là ông hoàn toàn tự tin chỉ rõ: “Cả trong ngoài nước hiện nay, về việc truyền công lên cao tầng một cách chân chính, thì chỉ có mình cá nhân tôi đang làm“; “tất cả lý luận từ xưa tới nay không thể lại khiến nhân tâm trở về thời kỳ tốt nhất nữa, nhưng thực tiễn tôi truyền bộ Đại Pháp căn bản của vũ trụ này đã chứng minh có thể khiến con người viên mãn“. Vậy là chỉ trong vòng có mấy năm ngắn ngủi, dưới sự khuyến khích của chính phủ, và trong điều kiện không có tuyên truyền quy mô lớn nào, sau khi trải qua tai họa tinh thần lớn trong Cách mạng Văn hóa, giữa những người Trung Quốc đánh mất tín ngưỡng tinh thần, Pháp Luân Công đã lấy phương thức người truyền người, tâm truyền tâm để nhanh chóng phổ biến khắp Trung Hoa Đại Địa, thậm chí còn vượt qua đại dương, truyền tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Nhất viện kỳ hoa xuân hữu chủ” (Một vườn hoa đẹp, mùa xuân có chủ) chính là lời biểu thuật chân thực về sự kiện lịch sử này. Trước ngày 20/7/1999, cũng là trước khi Trung Cộng và Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, Pháp Luân Công phổ biến khắp Trung Quốc Đại Lục, đến đâu cũng đều gặp đệ tử Đại Pháp đeo huy hiệu Pháp Luân Công, đến đâu cũng đều có thể thấy đồ hình Pháp Luân “như hình bông hoa đẹp”, đây chính là “nhất viện kỳ hoa”. “Xuân hữu chủ” là chỉ vào mùa Xuân một năm nào đó, đệ tử Pháp Luân Công bị bức hại và Sư phụ của họ sẽ gặp nhau một cách đường đường chính chính.

Hành động trấn áp của tập đoàn Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công là tàn khốc đến mức xưa nay chưa từng có. Trong lịch sử nhân loại, xưa nay chưa hề có chính phủ nào tiến hành trấn áp tàn bạo điên cuồng như vậy đối với một đoàn thể gồm toàn những người tay không tấc sắt, không có tham vọng chính trị nào, mà chỉ muốn có được thân thể khỏe mạnh và sự đề cao cảnh giới tinh thần. Trong cuộc đàn áp này, tập đoàn Giang Trạch Dân đã áp dụng cách thức trong thời Cách mạng Văn hóa đối với các học viên Pháp Luân Công, huy động toàn bộ bộ máy quốc gia, dùng cạn các loại âm mưu và thủ đoạn. Có thể nói là mưa to, gió lớn, đêm đen, cũng chính là “liên tiêu phong vũ” (mưa gió suốt đêm). Bất chấp cuộc bức hại tàn khốc chưa từng có, các học viên Pháp Luân Công vẫn ngày càng kiên cường. Một quần thể trông như những người luyện công phổ thông này, giữa cuộc bức hại như mưa gió bão bùng này, càng biểu hiện kiên định đến kinh ngạc và tinh thần bất khuất. Chúng ta đã nhìn thấy vô số đệ tử Pháp Luân Công không ngại sinh tử, đi lên Thiên An Môn, chỉ để nói một câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” hướng về quốc gia và chính phủ của họ. Chúng ta đã nhìn thấy vô số đệ tử Pháp Luân Công không ngại nguy hiểm, bước đi trên phố, chỉ để nói với đồng bào của họ chân tướng về Pháp Luân Công và sự tà ác của cuộc bức hại. Chúng ta đã nhìn thấy các học viên Pháp Luân Công toàn thế giới, đoàn kết một lòng, có mặt khắp nơi, dùng các loại phương thức để tìm cầu sự ủng hộ chính nghĩa, đồng thời thức tỉnh lương tri con người. Cuối cùng, con người đã bị sự chân thành ấy làm cảm động, ngày càng nhiều người hơn đã ý thức được sự tà ác của cuộc bức hại, và bắt đầu ủng hộ Pháp Luân Công. Cuối cùng, con người đã bị sự thiện lương ấy làm cảm động, các học viên Pháp Luân Công khi bị cảnh sát lăng nhục vẫn chủ động mở ô che cho cảnh sát, khiến cảnh sát cảm động phát khóc. Cuối cùng, con người đã bị sự kiên nhẫn và ôn hòa ấy làm cảm động, rất nhiều chính phủ quốc gia và dư luận quốc tế đã cùng lên tiếng khiển trách cuộc bức hại phát sinh tại Trung Quốc này. Dùng nhãn quan lịch sử vĩ mô mà xét, thì bất luận tà ác điên cuồng thế nào, mùa Đông lạnh lẽo ra sao, đêm đen kéo dài bao lâu, chính nghĩa cuối cùng sẽ chiến thắng tà ác, mùa Xuân cuối cùng sẽ xua tan ngày Đông giá rét, ánh sáng cuối cùng sẽ tràn ngập đêm đen, tinh thần “Chân-Thiện-Nhẫn” bất diệt cuối cùng sẽ thắng lợi, đây chính là “Liên tiêu phong vũ bất tu sầu” (Mưa gió suốt đêm không phải ưu sầu).

Tiết 10

Số điểm mai hoa thiên địa xuân,
Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân.
Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật,
Tứ hải vi gia thục chủ tân.

Tạm dịch:

Số điểm hoa mai trời đất là xuân,
Muốn biết Bác Phục hỏi nguyên nhân xưa.
Trong hoàn vũ tự hưởng ngày thái bình,
Bốn biển là nhà hỏi ai chủ khách.

“Số điểm mai hoa thiên địa Xuân” (Số điểm hoa mai trời đất là xuân): Câu này chính là dụng bút theo kiểu “vẽ rồng điểm mắt”, làm nổi bật nét chính, tên bài thơ chính lấy từ câu này, do vậy mới gọi là «Mai Hoa Thi». Kinh qua khảo nghiệm mùa Đông giá rét, các đệ tử Pháp Luân Công khắp thế giới và Trung Quốc Đại Lục tựa như những bông hoa mai cười ngạo sương tuyết, trỗi dậy đón nở mùa Xuân đến. Đây chính là thời khắc Chính Pháp truyền biến khắp thế gian. Thiên Địa hồi sinh, vạn vật quy chính. Tới đây, hai câu đầu tiên “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai” (Dần từ vạn cổ cổng trời khai mở, Hỏi mấy người đến mấy người trở về) vậy là rõ rồi. Trên thế giới, vô luận là tu luyện môn nào, Phật gia cũng vậy, Đạo gia cũng vậy, tôn giáo Tây phương cũng vậy, đều giảng con người đến từ thiên thượng, bởi vậy mục đích tu luyện chính là phản bổn quy chân, trở về thiên quốc. Kỳ thực, rất nhiều người đều là đến từ nơi tốt đẹp phi thường, chính là để có thể dung luyện trong bộ Đại Pháp này. Lịch sử toàn nhân loại chính là được an bài cho lần hồng truyền Đại Pháp này. Tuy nhiên, bao nhiêu người đã tới đây để chờ đợi Pháp, bao nhiêu người có thể đắc Pháp để viên mãn quy vị? Có bao nhiêu người đã bị cõi hồng trần này mê hoặc mà quên mất bản nguyện tự kỷ, vĩnh viễn bị chôn vùi tại cõi người nơi đây, không có cách nào trở về sự thánh khiết và huy hoàng ban đầu? Vở kịch lớn này vẫn còn đang diễn ra sôi nổi trên địa cầu, trong đó mỗi cá nhân chúng ta vừa là khán giả, vừa là diễn viên. Bộ phim này nên chăng cũng là một vở kịch trong vở kịch lớn, khiến rất nhiều người xem đột nhiên minh bạch vai của mình, từ đó không mê hoặc nữa, cũng như tiếng gọi từ chốn sâu thẳm nhất của tâm linh mà chúng ta đang chờ đợi…

“Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân” (Muốn biết Bác Phục hỏi nguyên nhân xưa): Bác, Phục là tên hai quẻ trong «Kinh Dịch». Bác cực tất Phục, cũng là chỉ “Vật cực tất phản”. Lịch sử tựa như chuyển luân (bánh xe xoay chuyển), có nhân trước tất có quả sau. “Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân” cũng là hỏi rằng sự tuần hoàn vãng phục của lịch sử này rốt cuộc là vì điều gì? “Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật” có ý là trong cõi hoàn vũ bát ngát bao la này tự nhiên thừa hưởng “ngày thái bình”. “Tứ hải vi gia thục chủ tân” (Bốn biển là nhà hỏi ai chủ khách) là chỉ từ năm 1992, người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí bước ra truyền Pháp, về cơ bản là đi khắp bốn phương truyền Pháp, bốn biển là nhà. Nửa câu sau “thục chủ tân” (hỏi ai chủ khách), là muốn hỏi: Trong đại vũ đài lịch sử của nhân loại này, ai là vai chính, ai là vai phụ? Chẳng phải hết thảy đều theo kịch bản sớm được định trước mà diễn hay sao? Văn minh nhân loại lần này chính là vì sự hồng truyền của Đại Pháp vũ trụ mà được tạo ra, vì Đại Pháp mà khai sáng. Đây cũng chính là chủ đề của toàn bộ dự ngôn này.

* * *

Lời bài hát:

(Hán Việt)

Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai,
Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai.
Du du thanh sử đa thiểu sự,
Bất tri nhân sinh thị hí đài.
Chân kim na phạ lô hỏa luyện,
Trọc thế nê lý đính thanh liên.
Mạn thiên phong tuyết ngạo chi mai,
Vi đắc chân Pháp nhẫn vạn thiên.

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Na lai mai hoa phác tỵ hương.
Nhất viện kỳ hoa xuân hữu chủ,
Liên tiêu phong vũ bất tu sầu.
Số điểm mai hoa thiên địa xuân,
Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân.
Hoàn trung tự hữu thừa bình nhật,
Tứ hải vi gia thục chủ tân.

(Tạm dịch)

Từ vạn cổ cổng trời khai mở,
Mấy người đến mấy người trở về?
Sử xanh đằng đẵng bao nhiêu chuyện,
Đâu biết nhân sinh là đài diễn.
Vàng thật nào sợ nung trong lửa,
Đóa sen tinh khiết giữa bùn dơ.
Khắp trời hoa mai ngạo sương tuyết,
Để đắc chân Pháp nhẫn vô bờ.

Không chịu một phen lạnh thấu xương,
Khó biết hoa mai tỏa mùi hương.
Một vườn hoa đẹp xuân có chủ,
Mưa gió suốt đêm chẳng sầu thương.
Số điểm hoa mai trời đất xuân,
Muốn biết Bác Phục hỏi nguyên nhân.
Hưởng ngày thái bình khắp hoàn vũ,
Bốn biển là nhà ai chính-phụ.

(Hết)

Dịch từ:

http://news.zhengjian.org/node/10681
http://asp.fgmtv.org/ProgramDetail.asp?NewsID=1137&OtherInfo=1