Phật Di Lặc và Messiah: Cứu Thế Chủ thời mạt kiếp (Phần 1)

Tác giả: Trương Kiệt Liên

Tu viện Labrang. (Nguồn hình: tibetpedia.com)

[Chanhkien.org] Trong Kinh Thánh có lời tiên tri rằng, vào thời khắc tối hậu của nhân loại, sau khi người Israel phục quốc, Cứu Thế Chủ Messiah sẽ tới nhân gian. Còn Kinh Phật ở phương Đông nói rằng khi hoa Ưu Đàm Bà La khai nở, Phật Di Lặc tương lai sẽ hạ thế phổ độ chúng sinh. Hiện tại, những sự việc được tiên tri đã lần lượt xuất hiện, Cứu Thế Chủ của cả Đông và Tây phương phải chăng đã tới ngay bên cạnh chúng ta?

Cả Kinh Phật và Kinh Thánh đều đề cập tới nhân loại thời mạt kiếp ắt sẽ có Cứu Thế Chủ giáng thế cứu vãn chúng sinh. Kinh Phật cho rằng thời mạt pháp sẽ có vị Phật tương lai là Di Lặc hạ thế cứu độ chúng sinh, còn Kinh Thánh tin rằng khi thời mạt kiếp tới, tất sẽ có Cứu Thế Chủ Messiah giáng thế cứu vãn chúng sinh. Nếu như Kinh Phật và Kinh Thánh là đáng tin cậy, thì như vậy nhân loại nhất định sẽ xuất hiện hai Cứu Thế Chủ, ngoại trừ trường hợp Di Lặc trong Kinh Phật chính là Messiah trong Kinh Thánh.

Chùa Labrang ở Cam Túc, Trung Quốc là một trong những ngôi chùa chính của Phật giáo Tây Tạng. Trong chùa Labrang là một tượng đồng mạ vàng tư thế nửa ngồi nửa đứng của Đại Phật Di Lặc, vị Phật tương lai, ám chỉ Phật Di Lặc rời khỏi ngai mang Pháp Luân tới nhân gian cứu độ thế nhân.

Phật Di Lặc và Messiah là cùng một người?

Cố học giả của nền giáo dục Trung Quốc, nhà Phật học, nhà phiên dịch Quý Tiện Lâm và các đồ đệ của ông đã có một cống hiến quan trọng, đó là phát hiện mối liên hệ giữa Phật gia và Cơ Đốc giáo, ấy chính là “Vị lai Phật Di Lặc của Phật gia và Cứu Thế Chủ Messiah của Cơ Đốc giáo là cùng một người”.

Theo nghiên cứu của Đại học Phục Đán Thượng Hải, vào khoảng năm 1.000 TCN, trong một vùng rộng lớn bao gồm Tây Á, Bắc Phi, Tiểu Á, lưu vực Lưỡng Hà và Ai Cập, có một thứ tín ngưỡng thịnh hành về Cứu Thế Chủ của tương lai, và Messiah trong Đạo của Chúa Jesus chính là một loại tín ngưỡng có tính đại biểu nhất. Thực ra loại tín ngưỡng này đã có mặt ngay trong kinh Cựu Ước. Tín ngưỡng Di Lặc của Ấn Độ, theo xác nhận của giới học thuật, là có tương quan mật thiết với tín ngưỡng Cứu Thế Chủ trên phạm vi toàn thế giới; do vậy xét về ảnh hưởng, tín ngưỡng Di Lặc của Ấn Độ chính là một bộ phận hợp thành của tín ngưỡng Cứu Thế Chủ. Nếu dùng ngôn ngữ đơn giản nhất mà diễn đạt, thì Di Lặc chính là Vị lai Phật, là Cứu Thế Chủ tương lai. Nguồn gốc ở Ấn Độ và phạm vi lưu truyền rộng lớn thời cổ đại của tín ngưỡng này chính là một bộ phận của tín ngưỡng vào Messiah.

Hai chữ “Di Lặc” (弥勒) trong tiếng Hán từ đâu mà đến? Thực ra, điều này liên quan đến một trong những bí mật lớn nhất của văn minh nhân loại lần này.

Theo khảo cứu từ «Quý Tiện Lâm văn tập», quyển thứ 12 “Mai Lợi Da và Di Lặc”, thì đa số nguyên bản Kinh Phật thời kỳ đầu đều là “Hồ bản”, tức dùng văn tự của ngôn ngữ Trung Á và Tân Cương cổ đại để viết, chứ không phải là chữ Phạn quy phạm của Ấn Độ. Do đó, hai chữ “Di Lặc” rất có thể đến từ thứ tiếng Tocharian của Tân Cương, là dịch âm trực tiếp từ chữ “Metrak” hoặc “Maitrak”; chữ này rất có quan hệ với chữ “maitri” (từ bi, từ ái) trong tiếng Phạn, do đó “Di Lặc” dịch ý thì chính là “Từ Thị” (người có lòng từ). Vì vậy, ngay từ thời hậu Hán và Tam Quốc ở Trung Quốc, trong một lượng lớn tư liệu Phật điển dịch tiếng Hán đều xuất hiện đồng thời “Di Lặc” và “Từ Thị” (Bồ Tát).

Nếu quả thực như vậy, khái niệm Di Lặc xét về thời gian và bề rộng thì vượt khỏi phạm trù Phật giáo. Tại Trung Quốc, tín ngưỡng sớm nhất của dân chúng không phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng không phải là A Di Đà Phật, mà là Di Lặc Bồ Tát. Người ta phát hiện rằng, tín ngưỡng Di Lặc ngay từ đầu đã là đúc kết tinh hoa văn hóa của toàn bộ nền văn minh thế giới, chứ không chỉ hạn cuộc trong Phật giáo, ngoại trừ khái niệm về Bồ Tát ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa nhân loại.

Di Lặc, trong tiếng Sanskrit gọi là “Maitreya”, tiếng Pali gọi là “Metteya”, và gần như không có quan hệ gì về phát âm với hai chữ “Di Lặc” trong tiếng Hoa. Pháp sư Huyền Trang của Đại Đường trong khi phiên dịch đã phát hiện thấy điểm này, bởi vậy Huyền Trang mới nói là dịch sai, và lẽ ra nên phiên dịch thành “Mai Lợi Da”. Tuy nhiên người ta không tiếp thụ ý kiến của vị cao tăng đáng kính Huyền Trang, lại còn cố định gọi thành “Di Lặc”, và “Mai Lợi Da” đã trở thành phát minh cá nhân của pháp sư Huyền Trang.

Vị Thần mà người Tây phương chờ đợi gọi là “Messiah” trong tiếng Anh, tiếng Hán phiên thành “Di Trại Á”, và bắt nguồn từ chữ “Masiah” trong tiếng Hebrew (có lúc viết thành “Mashiach”). Tiếng Hy Lạp phiên dịch thành “Christos”, bởi vậy mới có chữ “Christ” (Cơ Đốc). “Messiah” và “Christ” về cơ bản là có nghĩa tương đương, và Tân Ước coi Chúa Cứu Thế tương đồng với Messiah của Do Thái giáo.

Hai chữ “Maitreya” và “Masiah” có âm rất gần. Trên thực tế, “Di Lặc” nguyên từ tiếng Tocharian của Tân Cương và “Messiah” nguyên từ tiếng Hebrew của Israel là một từ đồng nhất, chẳng qua ở Tây phương đọc là “Messiah”, ở Ấn Độ đọc là “Maitreya”, còn ở Trung Quốc đọc là “Di Lặc”. Tình huống ngôn ngữ này cũng rất hay gặp trong lịch sử văn minh nhân loại.

Chùa Labrang ở Cam Túc là một trong những ngôi chùa chính của Phật giáo Tây Tạng. Trong chùa Labrang là một tượng đồng mạ vàng tư thế nửa ngồi nửa đứng của Đại Phật Di Lặc, vị Phật tương lai, ám chỉ Phật Di Lặc rời khỏi ngai mang Pháp Luân tới nhân gian cứu độ thế nhân.

Tạo hình tượng Phật trong chùa Labrang ở Cam Túc ẩn chứa huyền cơ

Theo Kinh Phật ghi lại, Di Lặc là Phật hiệu của “vạn vương chi Vương” khi hạ xuống từ tầng tối cao vào thời mạt thế, còn Pháp Luân Thánh Vương là Pháp hiệu của “vạn vương chi Vương” khi hạ xuống Pháp giới (nhân gian gọi là Chuyển Luân Thánh Vương), do đó Phật Thích Ca Mâu Ni mới nói với các đệ tử của Ngài rằng: Pháp Luân Thánh Vương cũng được gọi là Di Lặc.

Từ bi, chói sáng, hy vọng là nội hàm tinh thần của Phật Di Lặc tương lai. Trong chùa Labrang (Lạp Bặc Lăng) thuộc huyện Hạ Hà, châu tự trị dân tộc Tạng ở miền nam Cam Túc, Trung Quốc có một vài bức tượng tiết lộ huyền cơ về Phật Di Lặc hạ thế độ nhân.

Chùa Labrang được xây vào những năm Khang Hy của triều Thanh (năm 1709), là một trong lục đại tông chủ của Cách Lỗ phái (Hoàng giáo) trong Phật giáo Tây Tạng. Nguyên tên của chùa Lạp Bặc Lăng rất dài, gọi tắt là chùa Trát Tây Kỳ, ý tiếng Hán là “chùa Cát Tường”.

Bởi vì đời thứ nhất và đời thứ hai chủ xây chùa này đều là các Phật sống thâm hiểu thiên cơ, nên cách tạo tượng của chùa Labrang cũng ẩn chứa huyền cơ, đặc biệt tạo tượng lưỡng tôn Di Lặc Đại Phật trong chùa có ý vị rất thâm thúy.

Tại hậu điện phía Tây, bên cạnh đại sảnh đường trong tự viện thờ cúng một tượng đồng Đại Phật Di Lặc mạ vàng tư thế nửa ngồi nửa đứng, hai tay Phật đặt trước ngực. Theo lời giải đáp của vị Lạt-ma hướng dẫn khách du lịch khi được hỏi về tư thế tay của Phật thì: “Đây là Di Lặc Phật đang hướng về thế gian chuyển Pháp Luân! Ngài nửa đứng nửa ngồi, ám chỉ Di Lặc Phật sắp đem Pháp Luân tới nhân gian cứu độ thế nhân”. Nghe nói nguyên danh Trát Tây Kỳ của chùa Labrang (ý Cát Tường) chính là có hàm nghĩa Pháp Luân chuyển động hiện Cát Tường.

Ở chính giữa Đại Kim Ngõa Điện thờ cúng Đại Phật Di Lặc là một tượng đồng mạ vàng từ hơn 200 năm trước, do hai đời chủ chùa này đặc biệt mời thợ thủ công từ Nepal đúc thành, tượng Phật cao 10 mét. Ngay bên dưới, phía trước mặt tượng Phật Di Lặc là một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng thờ Phật Thích Ca Mâu Ni. Cách bài trí tượng hai vị tôn Phật, một trước một sau, một lớn một nhỏ, một cao một thấp trong cùng một tế đàn này quả thực là hiếm thấy.

Theo giải thích của vị Lạt-ma hướng dẫn khách tham quan thì: “Các bức tiểu Phật ở phía trước là Phật Thích Ca Mâu Ni và đệ tử của Ngài, còn Phật Di Lặc ở đằng sau, tay cầm Pháp Luân. Ngài là vị Như Lai có thần thông tối quảng đại, với năng lực lớn nhất trong vũ trụ; Ngài mang Pháp Luân tới cứu độ chúng sinh trong vũ trụ, tức Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất của chúng sinh toàn vũ trụ”. Không khó để phát hiện, cách tạo tượng đột nhiên hiện rõ Phật Di Lặc (Chuyển Luân Thánh Vương) với tầng thứ cực cao, Pháp lực cực lớn, mang theo từ bi hồng đại tới cứu độ toàn nhân loại. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong ngôi chùa này, điện đường thờ cúng Phật Thích Ca Mâu Ni được gọi là Tiểu Kim Ngõa Điện, còn Di Lặc Phật Điện được gọi là Đại Kim Ngõa Điện.

(còn tiếp)

Xem tiếp Phần 2.

Dịch từ:

http://news.zhengjian.org/node/6875