Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (34): Khủng bố đỏ

Tác giả: Lực Thiên Quân

[Chanhkien.org]

Chương V: Tội ác của ĐCSTQ

Phần 4: Mới lập chính quyền, chế tạo khủng bố đỏ

Kẻ chống Chúa thứ 3: Mao Trạch Đông

Các Thế Kỷ VIII, Khổ 77

Nguyên văn tiếng Pháp:

L’antechrist trois bien tost annichilez,
Vingt & sept ans sang durera sa guerre,
Les heretiques morts, captifs exilez,
Son corps humain eau rougie gresler terre.

Tiếng Anh:

The third antichrist will be annihilated very soon,
twenty-seven years his war will last.
The unbelievers are dead, captive, exiled;
with blood, human bodies, water and red hail covering the earth.

Tiếng Việt:

Kẻ chống Chúa thứ ba sẽ rất nhanh bị tiêu diệt,
Cuộc chiến mà hắn gây ra sẽ kéo dài 27 năm,
Những người không tin sẽ bị giết hại, giam cầm và lưu đày;
Máu, thi thể, lũ lụt và màu đỏ bao phủ mặt đất.

Câu thơ đầu tiên bản tiếng Anh đã được dịch lại cho đúng nguyên văn là “kẻ chống Chúa thứ ba” (The third antichrist).

Bài thơ này tiên tri về bản tính “phản Chúa” của lãnh đạo số một Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Mao Trạch Đông, ông ta là “kẻ chống Chúa” thứ ba trong lịch sử. Bản thân ĐCSTQ là con thú tà ác, Giang Trạch Dân là cái đầu tà ác, như vậy lãnh đạo số một ĐCSTQ Mao Trạch Đông thì được xưng là gì?

Hai câu thơ đầu “Kẻ chống Chúa thứ ba sẽ rất nhanh bị tiêu diệt; Cuộc chiến mà hắn gây ra sẽ kéo dài 27 năm” tiên tri về năm 1976 khi Mao Trạch Đông chết; cũng chính là “kẻ chống Chúa” “rất nhanh bị tiêu diệt”. “Cuộc chiến mà hắn gây ra” là nói về sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, ĐCSTQ gây ra “chiến tranh” với toàn nhân dân Trung Quốc; cuộc chiến này “kéo dài 27 năm”, từ năm 1949 đến năm 1976. Trong thời kỳ thống trị của Mao Trạch Đông, áp bức bạo lực và thống trị của ĐCSTQ trên thực tế chính là “chiến tranh” đối với toàn nhân dân Trung Quốc. ĐCSTQ trước tiên tiêu diệt “tài sản tư hữu” của nhân dân, sau đó tiêu diệt tự do tin tức, tự do tôn giáo và tự do tư tưởng, cuối cùng tiêu diệt sinh mệnh của nhân dân. Trong “cuộc chiến kéo dài 27 năm” này, sự thống trị tàn bạo của ĐCSTQ đã gây ra cái chết bất bình thường của của từ 60 đến 80 triệu người dân Trung Quốc, vượt quá tổng số người chết trong cả hai cuộc đại chiến thế giới. Không chỉ là một “cuộc chiến”, nó còn là một cuộc “trường kỳ kháng chiến” kéo dài 27 năm của ĐCSTQ đối với nhân dân toàn Trung Quốc.

Mao Trạch Đông có một câu ‘danh ngôn’: “Đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, thật sướng vô cùng.” Sau đó, Mao Trạch Đông yêu cầu toàn dân phải “đấu Trời đấu Đất” vì ông ta, từ “chiến thuật biển người” cho tới cái gọi là “thành quả kiến thiết”, khiến người chết vô số. Ví dụ khi Mao Trạch Đông kêu gọi nông dân làm thủy lợi, ĐCSTQ không trả tiền công cho họ mà gọi với mỹ danh là “vận động quần chúng”. Còn đáng sợ hơn, đòi hỏi “đấu Trời đấu Đất” của Mao Trạch Đông càng ngày càng ma quái, càng ngày càng hoang đường, tới mức gần như động viên quần chúng phá hoại tài nguyên thiên nhiên và hoàn cảnh sinh tồn của chính mình. Ví dụ, “phong trào vận động toàn dân luyện thép” của Mao Trạch Đông trong những năm 1960 đã dẫn tới nạn đói làm chết mấy chục triệu người, xác chết khắp nơi, vậy mà Mao Trạch Đông vẫn thản nhiên tận hưởng cảm giác “thật sướng vô cùng”.

Lý luận “Đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, thật sướng vô cùng” của Mao Trạch Đông thực ra rất tà ác. Mao phát động hết cuộc vận động này tới cuộc vận động khác, nào là vận động chống cánh hữu, cách mạng văn hóa, v.v. để nhân dân đấu tranh và tàn sát lẫn nhau, khiến con người ta bán đứng lẫn nhau trong các loại vận động chính trị; bạn bè, cha mẹ, con cái, vợ chồng bị buộc phải tố giác lẫn nhau, từ đó hủy diệt nhân tính và tình thân. Toàn bộ đất nước Trung Quốc giống như một “đấu trường” La Mã cổ, trong đó mỗi người dân Trung Quốc bị buộc phải trở thành một “võ sĩ giác đấu” để đấu tranh và chém giết lẫn nhau; còn ma quỷ “phản Chúa” Mao Trạch Đông ngồi trên khán đài cười lớn “thật sướng vô cùng”, vừa cười vừa nói: “Hơn 80 triệu người, không đấu đá là không được.”

Hai câu thơ sau “Những người không tin sẽ bị giết hại, giam cầm và lưu đày; Máu, thi thể, lũ lụt và màu đỏ bao phủ mặt đất” tiên tri rằng vào thời kỳ ấy, ai không tin theo lời Mao Trạch Đông “sẽ bị giết hại, giam cầm và lưu đày”, với đủ loại tội danh như “phản cách mạng, phản động, phần tử chống đảng, gián điệp phản quốc, cánh hữu, xét lại,…” Các phương thức “giam cầm và lưu đày” bao gồm “bỏ tù, lao động cải tạo, lao động khổ sai, học tập tẩy não, tái giáo dục…” Số người bị xử tử, bị ép tự sát và chết không bình thường lên tới hàng chục triệu người, máu chảy thành sông, thây chất như núi; vậy mà trong khủng bố đỏ này, Mao Trạch Đông vẫn được tung hô “vạn tuế vạn vạn tuế” “vang khắp mặt đất”.

Đại hội giết người, chế tạo khủng bố

Các Thế Kỷ IV, Khổ 49

Nguyên văn tiếng Pháp:

Deuant le peuple sang sera respandu,
Que du haut ciel ne viendra eslongner :
Mais d’vn long-temps ne sera entendu,
L’esprit d’vn seul le viendra tesmoigner.

Tiếng Anh:

Before the people blood will be shed,
Only from the high heavens will it come far:
But for a long time of one nothing will be heard,
The spirit of a lone one will come to bear witness against it.

Tiếng Việt:

Trước khi máu người sẽ chảy,
Chỉ từ thiên đường trên cao, nó sẽ đi xa:
Nhưng trong một thời gian dài không nghe thấy gì,
Oan hồn cô độc sẽ tới chứng kiến điều đó.

Bài thơ này tiên tri về phương pháp chế tạo khủng bố đỏ mà ĐCSTQ ưa dùng, đó chính là phê đấu “công thẩm”, đại hội sát nhân, giết người “ngay trước đám đông”, dùng khủng bố “máu chảy thành sông” để lung lạc dân tâm, khiến người dân trở nên thờ ơ với khủng bố đỏ của ĐCSTQ. Cảnh tượng giết người công khai giữa đám đông này lên đến đỉnh điểm trong phong trào “cải cách ruộng đất” và “trấn áp phản cách mạng” vào những năm 1950, và sau đó được phổ biến rộng khắp trong các cuộc vận động “tam phản”, “ngũ phản” và “túc phản”.

Hai câu thơ đầu “Trước khi máu người sẽ chảy; Chỉ từ thiên đường trên cao, nó sẽ đi xa” tiên tri về phương thức giết người mà ĐCSTQ ưa dùng, đó chính là tập hợp hàng vạn người trong “đại hội công phán” để đấu tố, sau đó đưa người “hành quyết tại chỗ”, hoặc xử bắn sau khi bị đưa đi diễu. Bởi vì đây là giết người công khai nên ĐCSTQ tổ chức đưa người đến chứng kiến khủng bố, do đó tại hiện trường, ĐCSTQ cho “quần chúng” vây kín “ba vòng trong ba vòng ngoài”. Chính vì thế sau khi “máu người sẽ chảy”, oan hồn người bị sát hại bị “quần chúng” vây đến mức “không còn đường đi”, buộc phải “đi xa” “từ thiên đường trên cao”. Bài thơ này không chỉ tiên tri ĐCSTQ công khai “giết người như ngóe”, mà còn buộc quảng đại quần chúng nhân dân phải xem, không xem không được, từ đó tăng cường khủng bố đối với nhân dân.

Mở đại hội giết người với hàng vạn người tham dự là phương thức sát nhân được Mao Trạch Đông ưa dùng nhất. Ví dụ tại Tỉnh Cương Sơn thuộc tỉnh Giang Tây, lúc hồng quân chiếm được huyện Ninh Cương, Mao Trạch Đông mở một đại hội với 1 vạn người tham dự, sau đó công khai dùng giáo đâm chết huyện trưởng là Trương Khai Dương. Kể từ đó, đại hội giết người đã trở thành một bộ phận trong sinh hoạt của người dân trong vùng; phương thức sát nhân này đã khiến bầu không khí khủng bố lên đến đỉnh điểm, đến mức 2 trùm thổ phỉ tại Tỉnh Cương Sơn là Vương Tá và Viên Văn Tài cũng bị dọa chết khiếp, phải ngoan ngoãn phục tùng Mao Trạch Đông (theo «Mao Trạch Đông, những câu chuyện ít biết»). Kỳ thực, cái gọi là “đánh được đến đâu, cai trị đến đấy” của ĐCSTQ chính là gây ra khủng bố ngày càng lớn đối với nhân dân.

Ảnh: Giết người công khai trước đám đông.

Ảnh: Giết người công khai trước đám đông.

Trong “cải cách ruộng đất” và “trấn áp phản cách mạng” khi ĐCSTQ mới bắt đầu kiến lập chính quyền, số người bị giết hại trên cả nước là hơn 5 triệu, máu của 5 triệu người đã hình thành khủng bố đỏ của ĐCSTQ, từ đó nhân dân trở nên chai lì với dạng thức khủng bố này. Do đó, câu thơ thứ ba “Nhưng trong một thời gian dài không nghe thấy gì”, chính là tiên tri về hậu quả đáng sợ của khủng bố đỏ; trong hơn một nửa thế kỷ cho tới tận khi «Cửu Bình» được công bố, rất nhiều người không hề nhận ra bản chất khủng bố của ĐCSTQ.

Thiện có thiện báo, ác có ác báo, «Các Thế Kỷ» đã ghi lại món nợ máu này, để tới khi Thượng Đế Toàn Năng tiến hành thẩm phán tối hậu đối với nhân loại thì “Oan hồn cô độc sẽ tới chứng kiến điều đó (tội ác ĐCSTQ)”, con thú tà ác ĐCSTQ tất sẽ phải chịu báo ứng.

Tàn sát giáo đồ, bức hại tôn giáo

Các Thế Kỷ VIII, Khổ 98

Nguyên văn tiếng Pháp:

Des gens d’Eglise sang sera espanché,
Comme de l’eau en si grande abondance
Et d’vn long temps ne sera restranché
Ve vë au clerc ruy & doleance.

Tiếng Anh:

Of the church men the blood will be poured forth
as abundant as water in (amount);
for a long time it will not be restrained,
woe, woe, for the clergy ruin and grief.

Tiếng Việt:

Máu của các chức sắc Nhà thờ sẽ đổ
Nó sẽ chảy nhiều như nước;
Sẽ không bị giới hạn trong một thời gian dài,
Ôi, ôi, sự hủy hoại và đau buồn của giới tăng lữ.

Bài thơ này tiên tri ĐCSTQ tàn sát giáo đồ và nhân sĩ tôn giáo, cướp đoạt quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân và liên tục bức hại tôn giáo trong một thời gian dài.

Trước đây người ta cho rằng bài thơ này tiên tri về mâu thuẫn và bức hại tôn giáo trong thời kỳ đại cách mạng Pháp, thế nhưng đợt bức hại ấy không dài, và cũng không phải bức hại Giáo hội, còn câu thơ thứ ba nhấn mạnh tính không hạn chế của sự bức hại trường kỳ: “Sẽ không bị giới hạn trong một thời gian dài”. Do đó bài thơ tiên tri một loại bức hại tín ngưỡng tôn giáo lâu dài, chính là sự đàn áp có hệ thống của ĐCSTQ đối với các tín ngưỡng tôn giáo trong nhiều thập niên.

Để xác lập hệ tư tưởng cộng sản tà ác là hệ tư tưởng hợp pháp duy nhất, cũng như để tà giáo cộng sản vượt lên trên hết thảy thể hệ tín ngưỡng, trước và sau khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ đã điên cuồng bức hại tín ngưỡng tôn giáo; các giáo đồ tôn giáo nào dị nghị với chính thể bạo ngược ĐCSTQ thì chỉ có thể mang họa sát thân, chính là “Máu của các chức sắc Nhà thờ sẽ đổ; Nó sẽ chảy nhiều như nước”.

Tháng 12 năm 1946, ĐCSTQ đưa giám mục Crassus của Giáo hội Thiên Chúa giáo Nam Hà Bắc cùng hơn 12 thầy tế, tu sĩ tới vùng đất tuyết, lột hết quần áo họ và dùng báng súng đánh đập; thầy tế Shike bị dội xăng lên người và thiêu sống. Tháng 12 năm 1947, ĐCSTQ tàn sát 500 giáo đồ Thiên Chúa giáo tại huyện Sùng Lễ, tỉnh Hà Bắc, gây ra “thảm sát Sùng Lễ”. Năm 1950, thầy tế nhà thờ Thiên Chúa Chính Định, tỉnh Hà Bắc cùng 3 giáo hữu Thiên Chúa giáo khác bị ĐCSTQ lăng nhục, tra khảo, thẩm vấn, sau đó xử tử…

Từ năm 1950, ĐCSTQ phát động cuộc vận động “Tam Tự ái quốc”, giam cầm hàng loạt thầy tế, nữ tu sĩ và mục sư, đóng cửa giáo đường, đình bản ấn phẩm Giáo hội; gần như tất cả cơ cấu Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc đều bị ĐCSTQ cướp bóc đến không còn lại gì. ĐCSTQ chiếm đoạt nhà trường, bệnh viện, cô nhi viện của Thiên Chúa giáo, vu khống giáo sĩ và nữ tu ăn tim gan trẻ mồ côi tại cô nhi viện và dùng cô nhi làm thí nghiệm. Số chức sắc Thiên Chúa giáo tại Đại Lục bị chụp mũ tội danh “địa chủ”, “ác bá” để sát hại là 8.840 người, số người bị bắt đi lao động cải tạo là 39.200 người; còn số người bị chụp mũ “phản cách mạng” rồi giết hại là 2.450 người, đi lao động cải tạo là 24.800 người (theo «Lý luận và thực tiễn đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ»). Theo điều tra sơ bộ của giáo đồ Cơ Đốc giáo, trước năm 1957, tại Trung Quốc có hơn 11.000 giáo đồ bị sát hại, cùng một số lượng lớn giáo đồ bị bắt giữ tùy tiện, bị sách nhiễu và phạt tiền. Dưới sự khủng bố đẫm máu, các tín đồ Cơ Đốc giáo hoặc là từ bỏ chính tín để gia nhập “Giáo hội Tam Tự do đảng lãnh đạo”, hoặc là kiên trì tín ngưỡng không chịu gia nhập “Giáo hội Tam Tự”; nhưng họ phát hiện nhà thờ tại gia của họ bị ĐCSTQ gọi là “tổ chức phi pháp” và bất cứ lúc nào cũng có thể chịu nguy hiểm bị ĐCSTQ bức hại.

Sự bức hại của ĐCSTQ đối với các tín ngưỡng tôn giáo khác cũng không kém phần nghiêm trọng. Đối với Phật giáo, ĐCSTQ tịch thu của nhà chùa, cưỡng bức tăng ni học tập chủ nghĩa Marx, tăng cường tẩy não và ép buộc tăng ni tham gia lao động. Ví dụ, tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang có một nơi gọi là “công trường Phật giáo”, bên trong từng có hơn 25.000 tăng ni bị buộc phải lao động cật lực. Điều ghê tởm hơn là, ĐCSTQ khuyến khích tăng ni kết hôn để làm tan rã tín ngưỡng Phật giáo. Ví dụ trước ngày mùng 8 tháng 3 năm 1951, Liên hiệp Phụ nữ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam ra lệnh toàn bộ ni cô phải quyết định kết hôn trong vòng 1 ngày! Ngoài ra, các nam tăng nhân khỏe mạnh cường tráng bị ĐCSTQ cưỡng bức nhập ngũ và đưa ra chiến trường làm bia đỡ đạn. Đối với Phật giáo Tây Tạng, ĐCSTQ phá hủy 97% chùa chiền tại Tây Tạng và tiến hành thảm sát các tín đồ: cuộc thảm sát Tây Tạng năm 1959, cuộc thảm sát Tây Tạng năm 1989, cho tới năm 2008, ĐCSTQ lại tiếp tục thảm sát Tây Tạng!

Đối với Đạo giáo, trong những năm 1950, ĐCSTQ lấy danh nghĩa tiêu diệt “Hội Đạo giáo phản động” để sát hại 3 triệu giáo đồ trên toàn quốc. Đối với Hồi giáo, tại Tân Cương, ĐCSTQ trước sau giết hại 1,2 triệu người.

Cho tới ngày nay, sự bức hại tín ngưỡng tôn giáo của ĐCSTQ vẫn được tiến hành tàn khốc, thế nhưng phạm vi bức hại còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt trong cuộc bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công tin vào “Chân-Thiện-Nhẫn”, ĐCSTQ đã phạm phải tội ác “mổ cắp nội tạng” và “ăn sống não người”, v.v. chưa từng thấy trên Trái đất…

Sự kiện Hungary

Các Thế Kỷ II, Khổ 90

Nguyên văn tiếng Pháp:

Par vie & mort changé regne d’Hongrie,
La loy sera plus aspre que seruice :
Leur grand cité d’vrlemens, plaints & cris,
Castor & Pollux ennemis dans la lice.

Tiếng Anh:

Though life and death the realm of Hungary changed:
The law will be more harsh than service:
Their great city cries out with howls and laments,
Castor and Pollux enemies in the arena.

Tiếng Việt:

Qua sống và chết, Vương quốc Hungary biến động:
Luật pháp sẽ trở nên hà khắc thay vì phục vụ:
Thành phố vĩ đại của họ khóc lóc thảm thiết,
Castor và Pollux đấu tranh thành kẻ thù.

Bài thơ này tiên tri về “sự kiện Hungary” xảy ra vào năm 1956 và tạo ra ảnh hưởng lớn đối với “phe xã hội chủ nghĩa” lúc bấy giờ, bao gồm Trung Quốc.

Câu thơ đầu tiên “Qua sống và chết, Vương quốc Hungary biến động” tiên tri rằng trong “sự kiện Hungary”, cái giá phải trả chính là sinh mạng của nhân dân, tuy vậy Hungary vẫn bị Liên Xô khống chế. Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1956, các phần tử trí thức, sinh viên và công nhân Hungary đã thách thức thể chế theo chủ nghĩa Stalin bằng cách yêu cầu thay đổi sự lãnh đạo của đảng cộng sản và rút khỏi khối Warsaw do Liên Xô khống chế; đây chính là yêu cầu cải cách chính trị của nhân dân Hungary, là một cuộc vận động dân chủ, kết quả bị Liên Xô xuất quân trấn áp; sau đó nhân dân Hungary cầm vũ khí đứng lên chống quân xâm lược và cuối cùng bị đàn áp. Trong sự kiện này, 2.800 người Hungary và 700 binh sĩ Liên Xô đã thiệt mạng, ngoài ra 2 vạn người tham gia sự kiện này đã bị kết án sau đó, và 200 nghìn người phải chạy sang nước khác (dân số Hungary thời bấy giờ là 9 triệu người).

Câu thơ thứ hai “Luật pháp sẽ trở nên hà khắc thay vì phục vụ” tiên tri về nguyên nhân mà nhân dân Hungary phản kháng sự thống trị của đảng cộng sản, cũng chính là nguyên nhân Liên Xô đàn áp đẫm máu, đó là “nguyên tắc chủ nghĩa cộng sản” mà đảng cộng sản duy trì. “Luật pháp” ở đây là luật pháp của Moscow, hoàn toàn không “phục vụ” lợi ích của nhân dân Hungary.

Sau năm 1949, đảng cộng sản Hungary và các đảng cộng sản khác đều rập khuôn chế độ và phương pháp của Liên Xô, phổ biến một đảng độc tài, khuếch đại đấu tranh giai cấp. Từ năm 1949 đến mùa Xuân năm 1952, tại Hungary có 150.000 “tội phạm chính trị” bị đưa vào trại tập trung, đời sống dân chúng lầm than. Năm 1953, sau khi Stalin chết, Nagy Imre đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Hungary và tiến hành một loạt cải cách, bao gồm “về mặt kinh tế: giảm đầu tư vào công nghiệp nặng, hạ thấp tốc độ phát triển, tăng đầu tư vào công nghiệp nhẹ và nông nghiệp; về mặt chính trị: đề xuất phải xử lý chính xác quan hệ giữa đảng và chính quyền, sửa lại một phần án oan”. Tuy nhiên, sau đó Nagy Imre bị coi là đi theo “chủ nghĩa xét lại” và bị khai trừ khỏi đảng.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Liên hiệp Sinh viên Hungary và câu lạc bộ Petofi độc lập đề xuất “yêu sách 16 điểm” và “yêu sách 10 điểm”, yêu cầu tiến hành cải cách kinh tế và thể chế chính trị. Sáng ngày 23 tháng 10, thị dân và công nhân không ngừng tham gia; đến 3 giờ chiều thì trên quảng trường Petofi đã tụ tập hàng trăm nghìn quần chúng, sau đó là tuần hành đòi cải cách dân chủ. Ngày 24 tháng 10, xe tăng Liên Xô khi tiến vào Budapest đã gặp phải kháng cự của nhân dân và một phần quân đội Hungary; sau đó với sự trợ giúp từ phe cánh tả thân Liên Xô của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary và cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Công nông Hungary”, quân đội Liên Xô đã chiếm lĩnh được Hungary.

Hai câu thơ cuối “Thành phố vĩ đại của họ khóc lóc thảm thiết; Castor và Pollux đấu tranh thành kẻ thù” tiên tri rằng trong cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Liên Xô, “thành phố vĩ đại” Budapest của Hungary “khóc lóc thảm thiết”. “Castor và Pollux” là cặp anh em song sinh trong thần thoại Hy Lạp, “đấu tranh thành kẻ thù” ở đây một mặt châm biếm sự giả tạo của cái gọi là “tình hữu nghị huynh đệ” của “đại gia đình chủ nghĩa xã hội”, mặt khác tiên tri sự xâm lược của Liên Xô dẫn tới sự phân chia trong dân tộc và chính đảng ở Hungary: Tổng bí thư Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary được thả ra trong cuộc sửa sai án oan của Nagy Imre chính là người đã đưa Nagy Imre lên giá treo cổ năm 1958. Gần 30 năm sau, Tổng bí thư Hồ Diệu Bang của ĐCSTQ, người theo đuổi chính sách cải cách, trong khi sửa sai án oan cũng đã thả một số cán bộ lão thành bị phế truất phi pháp, và sau đó chính những vị cán bộ lão thành này đã giam lỏng và buộc ông từ chức, đây chính là cái gọi là “nhân tính” của người cộng sản.

Vận động chống cánh hữu, đả kích phần tử trí thức

Các Thế Kỷ VI, Khổ 8

Nguyên văn tiếng Pháp:

Ceux qui estoient en regne pour sçauoir
Au Royal change deuiendront appouuris :
Vns exilez sans appuy, or n’auoir,
Lettres & lettres ne seront à grand pris.

Tiếng Anh:

Those who were in the realm for knowledge
Will become impoverished at the change of King:
Some exiled without support, having no gold,
The lettered and letters will not be at a high premium.

Tiếng Việt:

Những người ở trong Vương quốc vì tri thức
Sẽ trở nên kiệt quệ bởi sự thay đổi Quốc vương:
Một số người bị lưu đày mà không có ủng hộ, không có vàng,
Những kẻ có học và văn học sẽ không được đánh giá cao.

Bài thơ này tiên tri về cuộc vận động chống cánh hữu trong những năm 1950 tại Trung Quốc. Cuộc vận động này là cuộc thảm sát đại quy mô xưa nay chưa từng có đối với các phần tử trí thức có tư tưởng độc lập, mục đích chính là xác lập địa vị thống trị và uy quyền độc nhất của tà giáo ĐCSTQ trong lĩnh vực tư tưởng.

Hai câu thơ đầu “Những người ở trong Vương quốc vì tri thức; Sẽ trở nên kiệt quệ bởi sự thay đổi Quốc vương” tiên tri sự bức hại đối với các phần tử trí thức xảy ra sau khi thay đổi chính quyền, đồng thời tiên tri căn nguyên bức hại và người ra lệnh là “tân Quốc vương”, tức đại ma đầu Mao Trạch Đông. Đối tượng chủ yếu của cuộc vận động chống cánh hữu này chính là “các phần tử trí thức cũ”, tức các phần tử trí thức từng trải qua nền giáo dục trước khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền. Đối với họ, ĐCSTQ áp dụng sách lược đả kích tàn khốc, triệt để tiêu diệt và cắt đứt tư tưởng độc lập của họ, từ đó nô dịch họ, đây chính là chính sách “nô lệ hóa”. Đến cách mạng văn hóa sau này, đối tượng của ĐCSTQ lại là “các phần tử trí thức mới” được giáo dục sau khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền, và ĐCSTQ lại dùng một chính sách khác: “ngu hóa”, lợi dụng họ để tiêu diệt văn hóa và đạo đức truyền thống, khiến họ trở thành “kẻ phá hoại văn hóa” của ĐCSTQ. “Nô lệ hóa” và “ngu hóa” chính là chính sách trọng tâm của ĐCSTQ để đối phó với các phần tử trí thức.

Để đả kích và bức hại “các phần tử trí thức cũ” thì phải dùng đến phương pháp “viện lời bắt tội”. Tà giáo ĐCSTQ có hai đặc tính lớn, đó là bạo lực khủng bố và hoang ngôn lừa dối. Để vận dụng thủ đoạn lừa dối ở đây, Mao Trạch Đông đã làm cái gọi là “dương mưu”: Tháng 4 năm 1957, Mao Trạch Đông chỉ thị «Nhân Dân Nhật báo» đăng bài xã luận: «Tiếp tục thả lỏng, quán triệt phương châm trăm hoa đua nở, trăm phái tranh luận». Ngày 27 tháng 4, Trung ương ĐCSTQ công bố «Chỉ thị về cuộc vận động chỉnh phong»; ngày 2 tháng 5, «Nhân Dân Nhật báo» lại đăng bài xã luận với tiêu đề «Vì sao cần phải chỉnh phong?». Trong đoạn thời gian này, Mao Trạch Đông “vô cùng thành khẩn” động viên các phần tử trí thức “giúp đảng cộng sản chỉnh đốn”, trên thực tế là chiến lược dẫn địch vào tròng, “dụ rắn ra khỏi hang”. Ngày 15 tháng 5, trong công văn «Sự tình đang chuyển biến» gửi riêng các cán bộ cao cấp trong đảng, Mao Trạch Đông nói: “Trong số các đảng phái dân chủ và trường đại học, có một phe biểu hiện cực kỳ ngông cuồng ngang ngược. Chúng ta phải để chúng ngông cuồng trong một đoạn thời gian nữa, để biểu hiện ngông cuồng lên đến đỉnh điểm. Chúng càng ngông cuồng thì đối với chúng ta càng có lợi, dẫn địch vào tròng để tiêu diệt.”

Quả nhiên, bắt đầu từ ngày 19 tháng 5, ngọn thủy triều “tự do ngôn luận” trong các trường đại học Bắc Kinh dần lên cao, một ngày có thể ra hơn 1 vạn bài báo khổ lớn, trong đó sinh viên đề xuất yêu cầu “phản đối đặc quyền, tôn trọng nhân quyền, dân chủ và pháp chế”, khi ấy sách lược “dụ rắn ra khỏi hang” của Mao Trạch Đông đã thành công. Ngày 8 tháng 6, Trung ương ĐCSTQ phát chỉ thị «Về tổ chức lực lượng chuẩn bị phản kích sự tiến công ngông cuồng của các phần tử cánh hữu» do đích thân Mao Trạch Đông khởi thảo, sau đó cuộc vận động chống cánh hữu “viện lời bắt tội” của ĐCSTQ đối với các phần tử trí thức bắt đầu.

Hai câu thơ sau “Một số người bị lưu đày mà không có ủng hộ, không có vàng; Những kẻ có học và văn học sẽ không được đánh giá cao” tiên tri rằng sau cuộc vận động chống cánh hữu, quảng đại phần tử trí thức Trung Quốc gặp phải cảnh ngộ bi thảm. Trong “vận động chống cánh hữu” năm 1957 và “tái giáo dục trí thức” năm 1958, người ta tổng kết được 4 chiến thuật của ĐCSTQ như sau: (1) Dụ rắn ra khỏi hang; (2) Bịa đặt tội trạng, bất ngờ tập kích, một lời định rõ trắng đen; (3) Giả vờ phê bình giúp người khác, thực ra là đả kích vô tình; (4) Ép người tự phê bình, tăng cường mâu thuẫn. Kết quả trên toàn quốc, ĐCSTQ lôi ra được 550.000 “phần tử cánh hữu”, bắt giữ hơn 2 triệu người, khiến mấy trăm ngàn người “bị lưu đày mà không có ủng hộ”. Họ bị đày tới biên cương, nông thôn, bị giam tù và bắt lao động chân tay; rất nhiều người bị bức hại đến chết, không ít người tự vẫn mà chết. Trong nông trường “cải tạo phần tử cánh hữu”, điều khiến người ta hãi hùng nhất chính là thảm án tại nông trường cải tạo ở biên giới Cam Túc, trong số hơn 3.000 người bị lao động cải tạo thì chỉ còn 400 người sống sót; vậy mà ĐCSTQ vẫn không thừa nhận phần tử cánh hữu bị bức hại đến chết mà để bác sĩ bịa đặt 2.600 ca “tử vong vì bệnh”. Cuộc vận động chống cánh hữu đã đem tới thảm cảnh cho hàng triệu gia đình trí thức Trung Quốc trong mấy thập niên.

Năm 1958, trong hội nghị Bát Đại lần thứ 2, Mao Trạch Đông nói: “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ chôn sống 460 nho sĩ, còn chúng ta đã chôn sống cả 46.000 thằng trí thức hủ nho ấy chứ. Chúng ta trấn áp chẳng lẽ không giết mấy thằng phần tử trí thức phản cách mạng ấy hay sao? Chúng ta biện luận với các nhân sĩ dân chủ, chúng nó mắng chúng ta là Tần Thủy Hoàng; không đúng, chúng ta còn hơn Tần Thủy Hoàng cả trăm lần. Mắng chúng ta là Tần Thủy Hoàng, là độc tài, chúng ta đều thừa nhận hết; nhưng chúng nó nói thế chưa đủ, nên chúng ta phải bổ sung thêm (cười lớn)”. Mao Trạch Đông cười lớn là xuất phát từ nội tâm, bởi vì ông ta đã tận hưởng cảm giác “thật sướng vô cùng” khi “đấu với người”. Đem người ta đấu tới càng bi thảm thì Mao Trạch Đông càng khoái chí, chỉ có tâm lý ma quỷ mới như vậy.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/3/25/51918.html