Trở nên chuyên nghiệp trong tiến trình Chính Pháp

Tác giả: Một học viên Đại Pháp sống tại New York

Bài chia sẻ kinh nghiệm tại Pháp hội Washington D.C. năm 2009

[Chanhkien.org]

Kính chào Sư Tôn. Xin chào các bạn đồng tu.

Ngày hôm nay, tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của tôi về cuộc hành trình trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trong tiến trình Chính Pháp. Tôi hy vọng rằng nó sẽ hữu ích cho toàn thể học viên nói chung, những người đang làm việc cho các dự án và cần trở nên chuyên nghiệp. Xin vui lòng chỉ ra những điểm mà các bạn thấy không phù hợp với Pháp.

Tôi đã làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên tại thành phố New York được khoảng 5 năm. Hồi mới bắt đầu làm việc cho tờ báo, tôi không hề có ý niệm thế nào là “một nhà báo chuyên nghiệp”. Tôi chỉ biết rằng tôi có thể viết bài, đồng thời có mong muốn cứu độ chúng sinh và làm sáng tỏ sự thật. Truyền thông dường như là một phương pháp [giảng chân tướng] hay khi có thể tiếp cận nhiều người vô cùng nhanh chóng. Một câu chuyện có thể được lan truyền thông qua mạng Internet và có mặt ở nhiều địa điểm khác nhau cùng một lúc. Một tờ báo [in] có thể qua tay nhiều người. Tôi rất hạnh phúc vì đã tìm thấy một cách để giảng chân tướng trên phạm vi toàn cầu.

Trong nhiều năm, tôi đã từng trượt ngã khi là một phóng viên và biên tập viên của tờ báo, học được một vài điều cơ bản nhưng chưa bao giờ được đào tạo chuyên sâu. Nhiều công việc trở nên chậm chạp hơn và khó khăn hơn cũng chính vì điều này. Tác động của tờ báo chúng tôi, mặc dù thực sự tích cực, nhưng vẫn chưa đạt tới mức có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Chúng tôi dường như đã dành quá nhiều thời gian vào việc thảo luận với nhau và cố gắng tìm ra cách mọi thứ vận hành, thay vì đi vào xã hội và học hỏi các mô hình kinh doanh cùng những bài học có từ trước.

Trong “Giảng Pháp tại Đại Pháp hội Quốc tế New York 2009”, Sư Phụ nói:

Muốn khiến các kênh truyền thông có thể thật sự khởi tác dụng cứu độ chúng sinh, có thể thật sự phát huy ưu thế của kênh truyền thông, [thì] chư vị cần đặt được chỗ đứng ở xã hội người thường. Đặt chỗ đứng ở xã hội người thường không thể chỉ là nói thuyết mà thôi; cần phải thật sự thực thi một cách thiết thực mới được. [Nếu] muốn lập chỗ đứng ở xã hội người thường, thì chư vị cần phải kinh doanh việc đó thật tốt.

Không muốn chờ cho tới khi hoàn cảnh thay đổi để có thể cải thiện, khoảng 18 tháng trước, tôi đã quyết định học cách trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi đã bắt đầu bằng việc vào mạng lưới và tham gia một số tổ chức nhà báo chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu học từ các cuốn tạp chí và sách chuyên môn dành cho nhà báo, và thậm chí còn xem một số bộ phim hay nói về cách nhà báo chuyên nghiệp làm công việc của họ. Tôi đã tham dự một cuộc hội thảo báo chí kéo dài 3 ngày ở Washington D.C. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một nhóm lớn những nhà báo trong cả ngày. Vẫn còn một chút chủ nghĩa lý tưởng trong giới nhà báo. Tôi thấy rằng cuộc hội thảo ấy, ở một mức độ nào đó, đã mang lại cảm hứng để giúp tôi tiến bước. Tôi nghĩ rằng không phải là ngẫu nhiên khi Sư Phụ và Pháp đã để lại hình thức nhà báo cho chúng ta sử dụng để làm sáng tỏ sự thật.

Không lâu sau cuộc hội thảo, tôi bắt đầu liên hệ với những nhà báo chuyên nghiệp, và hầu hết họ đã làm việc chuyên nghiệp trong vòng 20-30 năm. Thông qua công việc tự do, tôi đã trả được hầu hết số nợ của tôi và có thể làm nghề báo toàn thời gian. Trong một vài tháng, Sư Phụ đã [an bài] cho tôi có đủ tiền để mua một cái máy tính xách tay mới, máy ảnh, máy ghi âm để phỏng vấn, và tham gia hai khóa huấn luyện nghiệp vụ báo chí tại Trường Đại học New York. Bằng cách ấy, tôi chưa bao giờ dừng đưa tin và viết bài. Tôi đã đóng góp vào việc đưa tin về vụ bạo lực tại Flushing trong suốt mùa hè và vụ scandal melamine tại Trung Quốc trong suốt mùa thu.

Trong những ngày tháng này, rào cản lớn nhất mà tôi phải đối mặt đó chính là sự cố gắng để không cảm thấy mình như một “kẻ giả mạo, lừa gạt và chỉ giả vờ” để trở nên chuyên nghiệp. Những thứ vật chất tại không gian khác mà tôi đã tạo ra với những suy nghĩ này đã kiềm chế tôi mỗi khi tôi đưa danh thiếp Đại Kỷ Nguyên cho ai đó hay khi nói với ai đó rằng tôi là một nhà báo, hay phóng viên làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Một giọng nói sẽ vang lên trong đầu tôi: “Cô không phải là một nhà báo thực sự, cô chỉ đang giả vờ thôi.”

Trong những ngày tháng này, tôi bắt đầu nhận ra vấn đề nghiêm trọng trong tâm tính tôi, về cách tiếp cận để tôi để trở nên chuyên nghiệp, và cách phối hợp với các bạn đồng tu khác.

Trong Bài giảng thứ Tư của Chuyển Pháp Luân, Sư Phụ nói: “Các ngành nghề trong xã hội nhân loại đều nên tồn tại; ấy là do nhân tâm không chính, chứ không phải do làm nghề gì.

Mặc dù tôi đã đạt đến tiêu chuẩn của một nhà báo chuyên nghiệp ở tầng thứ của người thường, tôi vẫn trở nên chán nản và buồn bã về trình độ và kỹ năng của các học viên khác cũng làm việc cho tờ báo. Tôi trở nên bi quan và bảo thủ, và tôi quyết định sẽ chỉ “làm việc của tôi” mà không đợi những người khác đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Tôi sẽ đóng góp kỹ năng của tôi, và nếu người khác muốn làm việc chăm chỉ hơn để trở thành chuyên nghiệp, đó sẽ là việc của họ. Tôi tự cô lập mình về cả mặt thể chất lẫn tinh thần, thậm chí tôi còn kiên quyết ngồi tại một bàn làm việc cách xa nhóm còn lại trong văn phòng. Kết quả là không tốt.

Tôi dần dần trở nên cô lập khỏi chỉnh thể học viên làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên, mặc dù tôi ở trong văn phòng hầu như cả ngày, tiếp tục tham gia nhóm học Pháp, và vẫn đều đặn đóng góp bài viết cho cả tờ báo và website. Trái tim tôi trôi dạt đến một nơi không có sự vô ngã và từ bi. Rồi tôi phải rời thành phố trong một vài tuần để thăm gia đình. Khoảng bốn ngày sau khi rời New York, tôi bị viêm nhiễm nghiêm trọng ở cả hai tai, bị chảy máu tai trong vài ngày, và hầu như không thể nghe thấy gì hết, cho dù có ai đó đang đứng trước mặt tôi và hét lên.

Thế giới xung quanh tôi trở nên câm lặng, và nó buộc tôi phải nhìn vào trong. Tôi đã tìm thấy những chấp trước về tham lam, ích kỷ, danh tiếng, sợ hãi, tức giận, nản chí và hồ nghi.

Khi tôi trở lại New York, giám đốc nhân sự của tờ báo đang phỏng vấn [gặp riêng] mọi người về công việc của họ và môi trường làm việc của tòa báo. Ông đã cho tôi điều mà tôi từ lâu rồi tôi không nghe thấy (sự khiển trách) và tôi đã chịu đựng nó trong vài ngày với sự phiền muộn và những nỗi thất vọng. Bên cạnh những lời than phiền, còn có những lời chia sẻ, chính là điều mà tôi đang khao khát bấy lâu. Sau vài lần nói chuyện với người học viên này, tôi bắt đầu cảm thấy rất khó chịu về sự tiêu cực và tâm chỉ trích của chính bản thân mình. Nói về những điều đã làm tôi bực mình dường như là có ích, nhưng vẫn còn cái gì đó dường như vẫn tồn tại chưa giải quyết được.

Trong Bài giảng thứ Năm của Chuyển Pháp Luân, mục “Khoa chúc do”, Sư Phụ giảng:

Lấy ví dụ thế này, ví như một người mọc mụn nhọt trên mặt, họ bèn dùng bút lông chấm [son] chu sa vẽ trên mặt đất hình tròn, trong vòng tròn vạch một hình chữ thập; [họ] bảo người kia đứng vào trung tâm của vòng tròn, rồi họ bắt đầu niệm chú quyết. Sau đó lấy bút son vạch hình tròn lên mặt người kia, vừa vẽ vừa niệm chú, vẽ tới vẽ lui, đến khi chấm một điểm lên chỗ mụn nhọt, niệm chú đến đó cũng vừa xong, bảo rằng đã khỏi rồi. Chư vị thử sờ vào [chỗ mụn nhọt], thì thấy đã nhỏ lại, không đau nữa, nó đã khởi tác dụng. Những bệnh nhẹ thì họ có thể trị được, còn bệnh nặng thì không được.

Tôi nhận ra rằng việc chỉ than phiền mãi không thôi và không thực sự nhìn vào trong cũng giống như dùng phương pháp “Khoa chúc do”. Tất cả mọi thứ dùng lời nói cũng như “niệm chú quyết” và dường như vấn đề của tôi đã khá hơn một chút. Nhưng vấn đề căn bản về tâm tính của tôi vẫn chưa được giải quyết. Tôi tin rằng đó là bởi vì điều Sư Phụ nói đến sau này, cũng ở chương mục đó trong Chuyển Pháp Luân: “Khoa chúc do không thuộc về những điều trong phạm trù tu luyện, nó không phải là công đắc nhờ tu luyện, mà là một thứ thuật loại.

Tôi nhận thấy rằng chính tôi cần phải thay đổi chứ không phải là những người khác ở xung quanh tôi. Và rồi mọi thứ khác đi – hầu như chỉ trong một đêm. Đáng chú ý nhất là sự hiểu biết mà tôi có về thế nào là trở thành “chuyên nghiệp” trong tiến trình Chính Pháp.

Trong Luận Ngữ, Sư Phụ giảng rằng:

“Phật Pháp” là từ những lạp tử, phân tử đến vũ trụ, từ thứ nhỏ hơn cho đến lớn hơn, nhìn thấu hết thảy điều bí mật, không gì không bao [hàm], không gì bị bỏ sót. Nó là đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ, [với] những luận thuật khác nhau của các tầng khác nhau; [..]

Nếu chúng ta, các đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp nhìn sâu hơn thì chúng ta sẽ thấy rằng nguyên lý để chúng ta trở thành nhà báo chuyên nghiệp chính là nằm trong sự viên dung của Phật Pháp – Chân Thiện Nhẫn. Không có điều ẩn đố nào mà chúng ta không thể giải được. Mọi thứ chúng ta cần để trở thành nhà báo chuyên nghiệp thực sự đều nằm trong cuốn Chuyển Pháp Luân.

Tất nhiên, làm việc giữa những người thường ở mức chuyên nghiệp đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng, sự giáo dục và sự tập luyện. Chúng ta không thể đoán được thế nào là chuyên nghiệp, và có rất nhiều, rất nhiều ví dụ mà chúng ta nên xem xét và vận dụng. Nhưng cũng tuyệt đối không có gì phải lo ngại hay sợ hãi cả. Thực ra, một khi tôi nhìn nhận nghề báo từ nguyên lý cao nhất – Chân Thiện Nhẫn, tôi đột nhiên nhận ra rằng Đại Pháp viên dung đang gia lực cho tôi, giúp tôi giác ngộ và mở rộng trí huệ của tôi về cách để trở thành chuyên nghiệp. Tôi có thể tự coi mình là chuyên nghiệp mà không cảm thấy giống sự gian dối chỉnh bởi vì sự tận tâm làm một đệ tử Đại Pháp và đức tin vào Pháp của tôi.

Thoáng chốc đã 18 tháng trôi qua, điểm cơ bản mà tôi đã học được từ các khóa huấn luyện, sự chỉ dạy và kinh nghiệm của chính tôi, đó là tiêu chuẩn tối hậu của sự chuyên nghiệp chính là Chân Thiện Nhẫn.

Chân

Tại một tầng thứ thông thường, người ta gọi các nhà báo là “người nói thật”.

Trong Tinh Tấn Yếu Chỉ I, ở bài “Tu luyện và Công tác”, Sư Phụ viết: “Đại Pháp của vũ trụ (Phật Pháp) hoàn chỉnh và thông suốt từ mức thấp nhất đến cao nhất. Quý vị phải hiểu rằng xã hội người thường cũng được kết tạo bởi một tầng của Pháp này.”

Sư Phụ và Đại Pháp của vũ trụ đã để lại một điểm tham chiếu cho chúng ta tại tầng của xã hội người thường, về cách làm thế nào để trở thành nhà báo chuyên nghiệp cùng sự tồn tại của các hãng truyền thông lớn.

Nguyên lý “Chân” là đặc biệt quan trọng về phương diện này. Mới đây, một bạn đồng tu làm bên Tân Đường Nhân (NTDTV) đã chia sẻ với tôi về khóa huấn luyện tăng cường 3 ngày mà anh đang điều hành ở các thành phố khác nhau trên khắp thế giới. Trong ba ngày đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất chính là sự giảng dạy về đạo đức. Tôi tin rằng đó là bởi vì các học viên đã nhận thấy tầm quan trọng của sự trung thực và đạo đức khi muốn trở thành chuyên nghiệp.

Tôi thường đi ra ngoài để đưa tin hay dành vài ngày, thậm chí vài tuần để tác nghiệp với những sự kiện đặc sắc. Xuất phát điểm luôn luôn là nói sự thật. Nếu tôi chệch khỏi việc nói ra sự thật trong công việc của tôi, tôi đang thiếu chuyên nghiệp, và những vấn đề sẽ nảy sinh sau đó. Các lỗi có thể được hiệu chỉnh lại, lời xin lỗi có thể được đưa ra, nhưng uy tín của tờ báo thì sẽ gặp nguy hiểm.

Thiện

Theo hiểu biết của tôi, một trong những công cụ có giá trị nhất khi chúng ta là học viên, đó là chúng ta đang đi trên con đường tiến đến sự chuyên nghiệp thông qua “Thiện”.

Dường như khá là kỳ quặc khi nghĩ rằng “Thiện” có quan hệ đến sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong vòng 18 tháng qua, khi tôi tập trung cao độ vào việc trở nên chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm đã dẫn tôi trở lại nguyên lý chỉ đạo của Pháp, đó chính là “Thiện”. Thậm chí khi tôi nghĩ rằng tôi phải học hỏi từ những người thường, những người được coi là nhà báo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, tôi thấy rằng hầu hết những người thành công và đáng kính trọng chính là những người luôn hành xử theo một cách tử tế và chu đáo. Những người chuyên nghiệp nhất trong số nhiều nhà báo mà tôi đã gặp, đã giao tiếp, và nay đã trở thành bạn của tôi chính là những người luôn trả lời mọi cuộc điện thoại, trả lời mọi email, dành thời gian đưa ra lời khuyên và kinh nghiệm, luôn giao tiếp rõ ràng và đúng giờ, hẹn thời gian gặp gỡ,…

Theo thời gian, tôi đã dần dần tu luyện đến mức tôi luôn nghĩ tới người khác trước trong công việc của tôi. Nó không chỉ là trả lời các cuộc điện thoại và email,…Một người chuyên nghiệp cũng cố gắng làm tốt công việc của họ. Các nhà báo chuyên nghiệp và thành đạt luôn cố gắng hoàn thành đúng thời hạn, có sản phẩm chất lượng cao, và hoàn tất mọi công việc được giao phó. Hầu hết sự chuyên nghiệp có liên quan đến việc nghĩ tới người khác trước, từ đầu đến cuối.

Khi tôi đã nhận ra tầm quan trọng của “Thiện” để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, tâm trí tôi được mở ra và tôi đã trở nên thanh thản và hạnh phúc với các bạn đồng tu, những người vẫn băn khoăn và ngờ vực về khả năng của họ. Tôi nhận thấy rằng chừng nào chúng ta chiểu theo Pháp, chúng ta có thể đạt tới tiêu chuẩn chuyên nghiệp! Chúng ta sẽ tìm được cách để trở nên ngày càng tốt hơn trong công việc, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đảm đương công việc mà chúng ta từng nghĩ chúng ta không thể làm, và chúng ta sẽ có được sự can đảm để bước ra, dù chúng ta có thể có quan niệm “bận rộn” hay “không đủ tốt”. Nhưng chìa khóa thực sự nằm ở chỗ chúng ta làm việc cùng nhau và phối hợp thật tốt.

Đối với công việc chuyên nghiệp trong một hãng truyền thông, tuyệt đối không có những thứ như là “làm công việc của chính bạn”, “làm việc một mình” hay là làm việc theo “cách riêng”. Thay vào đó, mỗi người cần phải có khả năng làm việc độc lập, nhưng cũng đáng tin cậy và toàn bộ chỉnh thể phải hoạt động có hiệu quả.

Sư Phụ giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005” như sau:

Đệ tử Đại Pháp chính là làm những việc đệ tử Đại Pháp cần làm một cách đường đường chính chính, cách nghĩ ỷ lại nào cũng đều không có, tà ác cũng không dám dùi vào sơ hở của chư vị, những thứ xấu mà thấy chư vị liền tháo [chạy], vì chư vị không có bất kể di lậu gì mà nó có thể bám chắc để dùi vào sơ hở.

Tôi nghĩ rằng là học viên làm trong kênh truyền thông và đang cố gắng để trở nên chuyên nghiệp hơn, chúng ta cần phải nhấn mạnh vào điểm “tự lực”. Chẳng phải tự mình nỗ lực cũng là nghĩ đến người khác trước hay sao? Khi chúng ta suy xét xem hành động của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến người khác, chúng ta sẽ có thể nhận ra rằng việc trở nên chuyên nghiệp cũng có nguồn gốc từ nguyên lý “Thiện”.

Nhẫn

Tôi đã khám phá ra rằng đạt tiêu chuẩn để trở thành nhà báo chuyên nghiệp là một trong những điều khó nhọc nhất mà tôi từng làm từ trước tới nay, cả về mặt thể chất và tinh thần. Khía cạnh khắc nghiệt nhất của điều này chính là “Nhẫn” khi phải theo dõi một sự kiện từ đầu cho đến cuối.

Những phóng viên tốt là những người hết sức kiên trì. Dẫu trời có mưa, có lạnh hay nóng kinh người, họ sẽ vẫn đi đưa tin về sự kiện và còn ở đó cho tới khi họ xong việc. Một lần, tôi đưa một phóng viên mới đi cùng tôi để dạy việc. Chúng tôi phải đưa tin về một cuộc mít tinh và thời tiết là cực kỳ xấu. Nhưng tất cả những nhà báo chuyên nghiệp xung quanh chúng tôi vẫn có mặt trên hiện trường và tay họ cầm máy ảnh cỡ lớn cùng các thiết bị nặng nề khác để tác nghiệp. Họ làm việc ở đó hàng giờ và chờ đợi trong mưa. Một vài người mà tôi biết đã đi tới những nơi xa như là Iraq hay Afghanistan để làm việc dưới sức nóng hơn 100 độ và phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng họ vẫn bền bỉ, cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.

Đầu tháng này, tôi đã ở Bờ Tây thuộc vùng Trung Đông để đưa tin cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Ở đó nhiệt độ lên tới gần 100 độ mỗi ngày, bụi bặm kinh khủng và trong ba ngày rưỡi ấy, tôi phải liên lục nhịn ăn khi đang tác nghiệp và ngủ rất ít. Nhưng tôi đang ở trong một khu vực gần Israel mà đã bị cắt đứt liên lạc trong nhiều năm và các học viên địa phương không thể tới thăm tôi vì lý do an toàn. Trong điều kiện như vậy, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải tỏ ra chuyên nghiệp vào mọi lúc, và đó là lần đầu tiên mà tất cả những người được phỏng vấn đã từng nghe nói về Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Nó đòi hỏi “Nhẫn” lớn hơn nhiều so với tôi nghĩ, và theo thời gian, tôi trở nên cực kỳ kiệt sức. Trong khoảng thời gian ấy, duy trì việc học Pháp, phát chính niệm, tập công và giảng chân tướng chính là chìa khóa. Đó là bí quyết giúp tôi trụ vững và giúp tôi làm việc trong điều kiện bị cô lập và đòi hỏi sức khỏe như vậy.

Đối với các học viên làm trong kênh truyền thông, “Nhẫn” chính là chìa khóa để chúng ta làm tốt công việc của mình. Đôi khi, chúng ta cực kỳ bận rộn hay lười biếng và không tìm đâu ra sức lực để theo đuổi và hoàn thành công việc. Đôi khi, chúng ta muốn bỏ cuộc và tìm một dự án khác dễ thở hơn. Đôi khi, chúng ta ra ngoài để đưa tin, chúng ta sẽ không thể ở đó được lâu hay không thể phỏng vấn được đủ người. Một đạo đức nghề nghiệp ổn định, vững chắc và đáng tin cậy chính là chìa khóa để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

Một lần nữa, trong “Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005”, Sư Phụ giảng rằng: “Thực ra những sinh mệnh phụ [diện] đó xác thực là thích màu đen tối và sự bất quy phạm.”

Nếu chúng ta không kiên định khi giải quyết những gì chúng ta phải làm, các nhân tố tà ác có thể gây can nhiễu. Một khi tâm chúng ta vững vàng, không gì có thể ngăn chúng ta giảng chân tướng bằng cách sử dụng vũ khí vĩ đại, đó chính là các kênh truyền thông để cứu độ chúng sinh.

Chính lại môi trường

Môi trường của văn phòng Thời báo Đại Kỷ Nguyên tại New York đã trải qua nhiều thăng trầm. Đôi khi, những người trong chúng tôi mà từng làm việc cho tờ báo trong nhiều năm đã trở nên lúng túng và lo ngại về hoàn cảnh, đặc biệt khi nguồn nhân lực và tài chính là đáng lo ngại. Chúng tôi thường lo lắng về các học viên, những người từng làm việc cho tờ báo và đã bỏ cuộc vì lý do này hay lý do khác. Chúng tôi nghĩ rằng nhân tố chính ở đây phải là môi trường và tâm tính của chúng tôi. Do vậy, khoảng một tháng trước, chúng tôi bắt đầu phát chính niệm và đọc một kinh văn ngắn của Sư Phụ trước khi bắt đầu làm việc. Sự thay đổi trong môi trường là rất đáng kể.

Bằng chứng của sự thay đổi này chính là trong một tháng ấy, doanh số bán quảng cáo của chúng tôi đã tăng vọt và có thể chi trả được 67% chi phí của tờ báo. Một số học viên mới cũng bắt đầu bước vào và làm việc cho tờ báo. Tôi nghĩ rằng khi các học viên tiếp tục thăng tiến và trưởng thành trong sự hiểu biết về việc làm sao để trở thành nhà báo chuyên nghiệp trong những nguyên lý của Pháp, hoàn cảnh tại Thời báo Đại Kỷ Nguyên sẽ cải thiện từng ngày, từng giờ, từng phút, thậm chí từng giây.

Sư Phụ nói trong Tinh Tấn Yếu Chỉ I, ở bài “Pháp chính” như sau: “Pháp chính, càn khôn chính, cuộc sống hưng khởi, trời đất ổn định, Pháp trường tồn.”

Bài học đáng giá nhất mà tôi đã học được qua những khảo nghiệm và khổ nạn để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp đó là mỗi học viên vừa cần có tâm, vừa cần trở nên chuyên nghiệp khi tham gia vào bất kỳ dự án nào, dẫu đó là kênh truyền thông hay dự án khác.

Hãy khích lệ người khác, tin tưởng người khác và hình thành nên một chỉnh thể không thể phá vỡ của các đệ tử Đại Pháp, những người chuyên nghiệp trong các dự án cứu độ chúng sinh. Một lần nữa, tôi xin kết thúc bằng lời giảng của Sư Phụ trong “Giảng Pháp tại Đại Pháp hội Quốc tế New York 2009”:

Đại Pháp có thể dung luyện [nóng tan] cả kim cương, thì ngại gì không dung luyện được một cá nhân? Hoàn cảnh nào cũng không sánh nổi với hoàn cảnh của các đệ tử Đại Pháp. Chỉ cần mọi người chính niệm đầy đủ hơn, giữa các đệ tử Đại Pháp thì phối hợp tốt hơn, mâu thuẫn giảm thiểu đi, [thì] sức mạnh cứu người sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cám ơn.

Tóm tắt:

Sau khi làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên tại thành phố New York trong vòng năm năm, một học viên Đại Pháp đã chia sẻ về con đường của cô khi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trong tiến trình Chính Pháp, với hy vọng rằng nó có thể hữu ích cho toàn thể học viên nói chung, những người đang làm việc cho các dự án và cần trở nên chuyên nghiệp.

Dịch từ:

http://pureinsight.org/node/5799