Tâm tật đố và việc nghĩ cho người khác từ một bộ phim

Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Sài Gòn, Việt Nam

[Chanhkien.org] Gần đây tôi không có nhiều thời gian xem TV. Nhưng mỗi khi có thể xem được một bộ phim nào đó, tôi thường giành thêm một chút thời gian để suy ngẫm về các điều mang tính nhân bản mà bộ phim đó truyền đạt. Mấy hôm trước tôi có dịp xem được một đoạn đầu của một bộ phim nói về Giáng Sinh ở một ngôi làng nhỏ (ở châu Âu hay Hoa Kỳ gì đó). Một số tình tiết khiến tôi thật sự tâm đắc.

Đầu phim là giới thiệu một gia đình trung lưu của một anh bác sĩ. Anh bác sĩ khá nổi tiếng trong làng và được mọi người mến tặng danh hiệu “chuyên gia về Giáng Sinh”. Mỗi lần đến kỳ Giáng Sinh là mọi người đều hỏi ý kiến anh về các hoạt động, trang trí, lễ hội… Được xem là một “chuyên gia” nhưng mấy năm gần đây, 2 đứa con của anh thường bày tỏ sự chán trường và thất vọng mỗi khi nhà tổ chức các hoạt động đón Giáng Sinh và năm mới. Chúng thường miễn cưỡng phải làm theo các hành động mà theo chúng chỉ mang tính “thủ tục” mà cha chúng đặt ra một cách cứng nhắc năm này qua năm khác. Cứ Giáng Sinh sắp đến là anh bác sĩ yêu cầu vợ và các con phải thực hiện theo đúng “thời khóa biểu” các hoạt động mà anh cho là rất “truyền thống”, dù họ có thích hay không. Người vợ yêu chồng và tôn trọng anh nên ít khi biểu lộ sự phản đối dù rằng thực tâm chị cũng không thích các việc lặp đi lặp lại lắm.

Giáng Sinh năm nay có một gia đình mới dọn đến căn hộ đối diện nhà anh bác sĩ. Khi mới đến họ đã gây một ấn tượng không tốt từ việc dọn nhà vào lúc giữa đêm. Sau đó phong cách sống có vẻ như “vô tổ chức” của họ khiến anh bác sĩ cảm thấy rất khó chịu. Người chồng của gia đình mới dọn đến có dáng người không ưa nhìn nhưng sự hoạt bát và hòa đồng cho thấy anh là một người từng trải. Gần như chúng ta thấy sự tương phản hoàn toàn giữa một anh bác sĩ lúc nào cũng khuôn mẫu, mực thước và một người đàn ông thấp bé, lúc nào cũng có thể cười cợt và nói nhiều.

Ngày Giáng Sinh đang đến, từ một gợi ý bất chợt, anh chàng thấp bé nảy ra ý muốn làm cho ngôi nhà của anh có thể được thấy từ vũ trụ. Anh gom tiền lại mua hết các loại bóng đèn điện về giăng lên xung quanh ngôi nhà. Anh mua ngày càng nhiều hơn và làm cho nhà anh rực sáng khắp cả làng. Mọi người đổ dồn về nhà anh để xem một hiện tượng lạ, kỳ thú. Có người khen tặng và cũng có người chỉ trích việc làm tưởng như điên rồ này. Nhận được những lời động viên, anh chàng thấp bé tiếp tục việc làm “điên rồ” của mình bằng việc tự kiến tạo lên những hình nộm và hoạt cảnh xung quanh nhà để trang hoàng như một công viên Giáng Sinh thực sự. Anh trở thành tiêu điểm chú ý của cả làng, mọi người đều đổ dồn để hỏi ý kiến anh về Giáng Sinh. Người dân trong làng đã lâu lắm rồi mới như thực sự có một sự kiện lý thú như vậy đánh thức họ niềm vui thực sự về Giáng Sinh. Ngôi nhà của anh chàng thấp bé đã thực sự đem đến không khí Giáng Sinh mà tất cả mọi người đều mong đợi.

Anh bác sĩ của chúng ta đã không thể ngồi yên khi mà cả vợ và con anh cũng đều bị cuốn hút về ngôi nhà của người hàng xóm, và danh hiệu “chuyên gia về Giáng Sinh” của anh có nguy cơ bị hạ bệ. Một đêm nọ trước ngày Giáng Sinh, anh đã đột nhập sang nhà đối diện và phá hủy tủ cấp điện. Mặc dù gặp những trở ngại níu chân anh bác sĩ nhưng vị này vì quá đố kỵ đã bằng mọi giá phải phá hủy cho được cái cảnh mà anh cho là “làm phiền hàng xóm” của gia đình anh chàng thấp bé kia. Những tưởng đã thành công nhưng anh thấp bé đã dự trữ mua sẵn máy phát điện dự phòng cho lúc mất điện, và ngôi nhà của anh vẫn rực sáng khắp làng. Đêm đó anh thấp bé cũng đã phát hiện ra ai là thủ phạm phá hoại. Thế nhưng để đáp lại, sáng sớm hôm sau anh thấp bé đã tự làm một cây thông thật đẹp kèm theo một tấm thiệp ghi lời chúc bày tỏ sự chia sẻ một Giáng Sinh vui vẻ gửi đến tận nhà anh bác sĩ. Hành động này đã khởi đầu cho một Giáng Sinh đầy niềm vui của cả 2 gia đình.

Nhìn lại qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ được việc làm gì cũng suy nghĩ cho người khác trước thì sẽ có tác dụng tích cực thế nào. Anh bác sĩ rõ ràng đã mượn vào cái lý lẽ duy trì tính “truyền thống” của gia đình để áp đặt sở thích riêng của anh lên các thành viên còn lại trong gia đình. Nếu như anh quan tâm hơn đến suy nghĩ và cảm xúc của các con và vợ anh thì có lẽ anh đã hiểu ra rằng Giáng Sinh chỉ thực sự vui vẻ nếu như họ được tự do bay bổng ý tưởng và làm những gì sáng tạo họ yêu thích, thay vì cứ phải răm rắp tiến hành theo sự sắp đặt máy móc của anh những điều mà chỉ có anh là hứng thú. Ngược hẳn lại ta thấy anh chàng thấp bé kia, tuy phong cách phóng túng nhưng suy nghĩ của anh đơn giản và rất sâu sắc. Khởi đầu là một ý tưởng muốn nhà anh được rực sáng và thấy được từ ngoài vũ trụ, nhưng sau đó khi anh nhận ra rằng anh đang đem đến niềm vui cho mọi người, và được nhiều người quý mến, anh đã đem hết khả năng sáng tạo và sự khéo léo của anh ra để tạo nên một địa điểm mà tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi Giáng Sinh đang đến gần. Một việc làm thực sự có ý nghĩa.

Anh bác sĩ của chúng ta đáng lý ra đã không nên làm việc lén lút phá hoại như vậy nếu như anh tự phá vỡ được rào cản về “biểu hiện hình thức” của mình. Anh lúc nào cũng tỏ ra khuôn mẫu, mực thước trước mọi người, nhưng thực ra từ việc đó anh đã không tránh được sự gia tăng tâm lý hiển thị, ích kỷ và đố kỵ. Biểu hiện mạnh mẽ về sự ích kỷ và đố kỵ của anh khi lên đến cao trào đã khiến anh hành động sai lệch. Tuy nhiên, một lần nữa hành động đầy vị tha, khéo léo, thông minh và tế nhị từ anh chàng thấp bé kia khi gửi tặng anh bác sĩ một cây thông đẹp đẽ đã dần hóa giải được mâu thuẫn của 2 gia đình. Thật không có gì lạ khi ở đây sự vị tha có thể đem đến hiệu quả tốt đến thế. Hơn cả việc “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu”, anh chàng thấp bé còn biểu hiện ra được một tấm lòng cao cả.

Nếu như chúng ta trong mọi việc đều có thể nghĩ về người khác trước, xét đến việc tốt cho người khác trước, đồng thời xử sự với một tấm lòng vị tha thì mọi trở ngại xảy đến sẽ đều được hóa giải.

Ngày 22 tháng 04 năm 2009