Tác giả: Vũ Minh
[ChanhKien.org]
Điều tốt đẹp là điều mà con người ai ai cũng tự nhiên muốn hướng đến. Trong “Thuyết văn giải tự”, chữ “hảo” (好 – tốt, đẹp) được giải thích là: mỹ dã, tòng nữ tử (nghĩa là đẹp, được tạo thành từ nữ “女” và tử “子”). Mô tả vẻ đẹp mỹ lệ của người phụ nữ. Hình dạng của chữ được tạo thành theo lối hội ý, ghép từ “女” (nữ) và “子” (tử). Một chữ được công chúng ưa chuộng và sử dụng rộng rãi như vậy thì chắc chắn ý nghĩa trọng tâm của nó không thể chỉ nằm ở hình thức bên ngoài. Vậy thì nội hàm bản chất sinh mệnh của nó rốt cuộc muốn chỉ điều gì?
Văn hóa truyền thống Trung Hoa giảng rằng: “Càn Đạo thành nam, Khôn Đạo thành nữ”, chỉ có âm dương tương hợp, mới có thể tự nhiên mà thành, vạn vật trong vũ trụ cũng mới có thể sinh sôi không ngừng. Bài thơ mà mọi người quen thuộc: “Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”, kỳ thực, hoàn toàn khác xa so với cách người hiện đại hiểu là ca ngợi vẻ đẹp diện mạo, mà đây là sức mạnh hiệu quả nhất, đẹp nhất và quý giá nhất mà Thượng Thiên ban cho người nữ chính là “Khôn Đức”.
Theo ghi chép trong sử liệu, từ “thái thái” (bà xã) bắt nguồn từ tam mẫu thời nhà Chu là Thái Khương, Thái Nhậm và Thái Tự, được gọi chung là “Tam Thái”. Họ là ba vị hoàng hậu nổi tiếng của triều đại nhà Chu, là bậc mẫu nghi thiên hạ, đồng thời đã phò tá và giáo hóa cho nhiều thế hệ quân vương hiền minh, góp phần tạo nên ảnh hưởng sâu rộng của đạo đức và lễ nghi thời nhà Chu đối với các thế hệ sau này. Về sau, mọi người hy vọng rằng những người làm vợ cũng có thể giống như “Tam Thái”, nên gọi phụ nữ đã kết hôn là “thái thái”.
Có thể thấy rằng, vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ nằm ở lòng thiện lương bên trong, còn vẻ lộng lẫy biểu hiện ở bề mặt. Quan sát những người phụ nữ coi trọng đức hạnh, tuân theo lễ nghi, thuần hậu và lương thiện, ta thấy họ làm việc chuyên chú, dụng tâm thuần chính. Vì vậy, họ có thể đạt đến trạng thái điềm đạm, ung dung, nội tâm bình hòa thanh tĩnh. Lâu dần, thiện đức tích tụ ra bên ngoài, khiến khí chất và thần thái của họ tự nhiên toát ra một sức cuốn hút không thể cưỡng lại.
Từ đó có thể thấy, nếu coi thân thể con người là một tiểu vũ trụ, thì trạng thái tốt đẹp nhất chắc chắn chính là “thái hòa”, tức là tinh thần, nguyên khí của con người đều đạt đến trạng thái bình hòa. Mà điều này lại chính là triển hiện lực lượng của “đức” trong Đạo Khôn. Đồng thời, chẳng phải đó cũng chính là sự thể hiện vẻ đẹp nội tại chân chính của chữ “hảo” đó sao? Chỉ tiếc rằng, khi quan niệm của con người hiện đại phát sinh biến dị, thì những điều tốt đẹp như thế lại thường rất ít xuất hiện. Do vậy, chỉ có khôi phục lại văn hóa Thần truyền, mới có thể thực sự tìm lại được nguồn gốc của sức mạnh tạo nên điều tốt đẹp.