Tác giả: Lưu Hiểu
[ChanhKien.org]
Trước Tết Nguyên Đán truyền thống Trung Quốc, dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục trở lại, với nhiều trường hợp nghiêm trọng ở bệnh viện và nhiều người đã tử vong, từ trẻ sơ sinh, thanh niên, trung niên đến người cao tuổi đều có. Điều này khiến nhiều người lo lắng rằng cơn ác mộng dịch bệnh ba năm đã tái hiện. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, nhiều người dường như có khả năng miễn dịch tự nhiên, bất luận ở trong hoàn cảnh nào đều bình yên vô sự. Điều này phải giải thích thế nào đây?
Bất kể mọi người có tin hay không, kỳ thực sinh, lão, bệnh, tử của con người đều đã được chú định từ lâu. Cách duy nhất để thay đổi số phận của họ là tích đức hành thiện. Nếu bạn còn bán tín bán nghi, thì trước tiên hãy nghe tôi kể một câu chuyện.
Hơn một trăm năm trước, Nam Kinh đã gặp phải một đại kiếp nạn. Hàng chục vạn người dân Nam Kinh hoặc đã bị giết hoặc tự sát, nhưng một số người đã may mắn thoát nạn. Số phận khác nhau của họ chính là đã được minh phủ an bài từ lâu trước khi phát sinh kiếp nạn. Chuyện này là sao?
Như chúng ta đã biết, thời kỳ thịnh vượng nhất của vương triều Đại Thanh là hơn một trăm năm từ thời Hoàng đế Khang Hy đến Hoàng đế Càn Long, các sử gia gọi là “Khang Càn thịnh thế”. Đến thời Gia Khánh, Đạo Quang, triều Thanh bắt đầu từ thịnh chuyển sang suy, kinh tế suy thoái, sự phản kháng của nhân dân tăng cao. Trong đó, quy mô lớn nhất là bùng phát cuộc vận động ‘Thái Bình Thiên Quốc’ trong thời Hàm Phong.
Vào tháng 12 năm 1850, năm mà Hàm Phong lên ngôi, tại thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây, Hồng Tú Toàn đã thành lập ‘Thái Bình Thiên Quốc’. Sau đó, ông liên tiếp đánh chiếm Thủy An, Vũ Hán, Cửu Giang và An Khánh. Năm 1853, ông đánh chiếm Kim Lăng, chính là thành phố Nam Kinh ngày nay, thành lập đô thành ở đây và đổi tên thành Thiên Kinh. Theo ghi chép lịch sử, trước và sau khi quân Thái Bình tấn công và chiếm giữ Nam Kinh có rất nhiều người đã chết ở đây.
Trong “Kim Lăng tỉnh nạn kỷ lược” của Trương Nhữ Nam, người sống vào thời kỳ này, có viết: “Sổ bách vạn sinh linh, Thành sơ phá tử giả cái dĩ bất hạ sổ thập vạn hĩ” (Tạm dịch: Tính ra hàng triệu sinh linh, trong thành lần đầu có không dưới mười vạn người chết). Tôn Diệc Điềm trong “Kim Lăng bị nạn ký” cũng ghi chép: “Có không dưới chục vạn người trong thành đã bị giết hoặc tự vẫn”. Vào thời điểm đó, nhiều quan chức của triều Thanh đã chọn tự sát tập thể để ‘tạ quốc minh chí’, trong đó bao gồm Bố chánh sứ diêm tuần đạo Đồ Văn Điếu, Lương đạo Giang An Trần Khắc Nhượng, Tri phủ Giang Ninh Ngụy Hanh Quỳ, Đồng tri Thừa Ân, Thông phán Trình Văn Vinh, Tri huyện Thượng Nguyên Lưu Đồng Anh, Tri huyện Giang Ninh Trương Hành Chú, v.v..
Con số mấy chục vạn người Nam Kinh bị giết hoặc tự vẫn đã trở thành một sự kiện lớn gây chấn động triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ, bởi vậy mới có cuộc chinh chiến mười năm của quân đội Tăng Quốc Phiên với Thái Bình Thiên Quốc. Tuy nhiên, trước khi đại kiếp nạn ở Nam Kinh xảy ra, trên thực tế Thượng Thiên đã đưa ra cảnh báo.
Theo Lương Cung Thần, người soạn viết “Khuyến giới lục” thời nhà Thanh ghi lại, khi phụ thân của ông là Lương Chương Cự nhận chức Bố chánh sứ Giang Tô tại Tô Châu đã từng quen biết Phan Tằng Nghi tiên sinh. Phan tiên sinh là con trai cả của Thái phó Phan Thế Ân ở Tô Châu, đậu cử nhân khoa Bính Tý, năm Gia Khánh thứ 21 (năm 1816), nhưng không hứng thú con đường làm quan mà nhất tâm hướng thiện. Lương Cung Thần cùng các em trai của Phan tiên sinh đồng thời tham gia kỳ thi hội ở bộ Lễ, giao tế thân thiết, nên ông hiểu rõ nhiều việc của Phan tiên sinh. Phan tiên sinh sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng lại không thích xa hoa. Trong thời Đạo Quang, ông thường khuyên phụ thân từ quan, và bản thân ông đặc biệt coi trọng việc tích đức tích phúc, thích hành việc thiện. Có lẽ vì thế khiến ông có được công năng dự đoán phi thường.
Vào năm Hàm Phong thứ hai (1852), Phan tiên sinh biết Tô Châu sắp bị hạn hán nghiêm trọng. Vì vậy, ông đã sớm tìm người để đào hàng chục giếng cổ ở khắp nơi. Mùa thu năm đó, do hạn hán nghiêm trọng, nước sông cạn kiệt, và các giếng cổ mà Phan tiên sinh cho người đào đã cứu được rất nhiều người. Mọi người tôn thờ ông như một vị Thần. Sau đó, ông biết trước được thời gian tử vong của bản thân nên đã sớm sắp xếp các việc. Chính vào ngày 20 tháng 12 năm đó, sau khi tắm gội xong Phan tiên sinh đã tọa hóa (tọa rồi mất).
Mồng một tháng Giêng năm Hàm Phong thứ hai (1853), Phan tiên sinh báo mộng cho Đạm Nhiên Sinh, là người thân và cũng thích làm việc thiện giống như ông, nói rằng thế nhân sắp đối mặt đại kiếp nạn. Trong mộng, Đạm Nhiên Sinh được một người đàn ông mặc đồ xanh dẫn đến cung điện cao lớn nguy nga, nhưng ở hai bên nội điện có rất nhiều cuốn sách chất đống, và có rất nhiều người đang vùi đầu cắm cổ bận rộn. Phan tiên sinh đang ngồi ghế phía trên trong đại điện. Phan tiên sinh lúc này hẳn là đã thành Thần.
Phan tiên sinh cau mày nói với Đạm Nhiên Sinh: “Hiện nay thế tục tôn sùng xa hoa, chúng sinh có tội nghiệp nặng nề, Thượng Thiên sắp giáng xuống đại thảm họa, thế nhân không biết đại kiếp nạn sắp tới, mọi người phải làm sao đây?” Đạm Nhiên Sinh liền hỏi có cách nào có thể giải cứu. Phan tiên sinh nói: “Cần phải phát nguyện, thay đổi và hành thiện”. Đạm Nhiên Sinh lại hỏi: “Nên phát nguyện như thế nào?” Phan tiên sinh trả lời: “Xuất tiền nếu có khả năng, không có khả năng thì phải suy ngẫm về những lỗi lầm của mình”.
Phan tiên sinh còn giải thích: “Tai họa lần này chấn động thiên địa, không thể so được với tai họa thông thường. Bây giờ hoàng thượng vẫn lo lắng làm việc vất vả mỗi ngày, mỗi người ôm giữ niềm cảm ân trong lòng thì cũng nên vì nước mà phân ưu. Đó chính là phát nguyện thay đổi ngay lập tức, có lẽ có thể tránh được tai họa giáng xuống. Nếu tiếp tục mặc sức phóng đãng, tiếp tục ‘tầm hoan tác lạc’ (tìm kiếm sự vui vẻ, phóng túng), không mảy may nghĩ đến lương tâm của bản thân, không muốn phát thiện nguyện, chỉ tùy tiện bình phẩm người khác, bàn tán chuyện thị phi của người khác, mà không suy ngẫm tội lỗi của bản thân, những người như thế sẽ bị đào thải trong đại kiếp nạn”.
Hai người đang nói chuyện, Đạm Nhiên Sinh nhìn thấy một quan viên bê sổ sách đặt trên bàn của Phan tiên sinh, sau đó rời đi. Phan tiên sinh nói: “Những điều đã xảy ra, cho ngươi biết cũng không sao. Đây là danh sách những người gặp nạn của tỉnh Hồ Bắc, hơn mười vạn người, mặt sau mỗi cái tên đều có ghi chú. Trừ ‘Trung thần hiếu tử, nghĩa phu liệt phụ’ (Bầy tôi trung thành, người con hiếu thảo, đàn ông nghĩa khí, đàn bà tiết tháo), vì khí chất chính trực của họ cảm động đất trời, ngoài việc dùng thẻ đặc thù ghi chú riêng biệt, sau khi chết thì họ thành Thần. Đại bộ phận còn lại vì nghiệp chướng của bản thân mà gặp phải kiếp nạn. Những người bất hiếu với cha mẹ là tội nghiệt nặng nhất. Mỗi người đều căn cứ vào nhân quả của bản thân, thời điểm chết cho đến hình thức chết là đã được định trước”.
Đạm Nhiên Sinh dò hỏi có thể xem qua sổ sinh tử của Giang Tô được hay không. Phan công nói: “Cái này không thể xem được. Chỗ này ngươi không thể ở lại lâu. Sau khi trở về ngươi chớ có quên khuyên nhủ thế nhân”. Thế là Đạm Nhiên Sinh lại một lần nữa được người đàn ông mặc đồ xanh dẫn đi. Ngoảnh đầu lại nhìn, ông thấy câu đối ở hai bên đại môn: “Địa khả nhị tai, đáo thử thủy tri vi thiện hảo; Môn khai lập nguyện, kỷ nhân khẳng tự bả đầu hồi” (Tạm dịch: Nơi có thể dẹp yên thảm họa, đến được chỗ này đầu tiên phải biết làm việc thiện việc tốt; Mở cửa ước nguyện, một số người sẵn lòng tự quay đầu lại). Chính giữa viết: “Sinh tử quyền hành” (Tạm dịch: Sinh hay tử hãy cân nhắc). Đạm Nhiên Sinh xem xong liền rơi vào suy tư, người đàn ông mặc đồ xanh vỗ vai ông và nói: “Đi nhanh thôi”. Đạm Nhiên Sinh bỗng dưng từ trong mộng giật mình tỉnh giấc. Sau khi tỉnh lại, ông mới biết đó là mộng.
Đạm Nhiên Sinh vì thế đem những việc trải qua trong giấc mộng, nhớ lại từng chi tiết và ghi chép lại, hơn nữa còn viết thành bài viết truyền cáo khắp nơi. Đến tháng Hai năm đó (1853), quân Thái Bình tấn công vào thành Nam Kinh, vì vậy, không dưới mấy chục vạn người dân gặp nạn.
Vậy thì, tại sao hàng chục vạn người ở Giang Tô phải gánh chịu những khổ nạn như thế? Hiển nhiên, không hẳn là do vùng đất này có phong thủy không tốt. Đúng như thông tin mà Phan tiên sinh truyền tải, hoàn toàn đều là vì hàng ngày trong khi con người không biết, không cảm thấy đã tạo ra rất nhiều nghiệp chướng. Lương tâm kia đã bị tổn hại, vong ân bội nghĩa, bất trung bất hiếu, làm những điều xấu xa gian dâm tà đạo, sinh hoạt xa hoa thái quá, không tin nhân quả báo ứng. Những người như thế đều phải chịu kiếp nạn, tai họa đổ xuống đầu họ, hối hận cũng đã quá muộn rồi.
Điều này phải chăng cũng có thể giải thích nguyên nhân những người dân ở Trung Quốc bây giờ đang chết vì dịch bệnh? Những người ấy hàng ngày đang tạo nghiệp chướng, lại không nghe cảnh báo từ Thượng Thiên, họ thật sự đang bị đào thải trong kiếp nạn.
Tuy vậy, trong kiếp nạn tại Nam Kinh, cũng có không ít người may mắn thoát nạn. Trong những người này, trải nghiệm của Tôn tiên sinh là thần kỳ nhất. Tôn tiên sinh 53 tuổi, tên là Vân Tế, nhà ở Tụ Bảo Môn, Nam Kinh. Cả đời ông làm người trung hậu và chính trực. Ngày mồng ba tháng Hai trước khi thảm họa xảy ra, ông đến nhà bà con uống rượu, trên đường trở về nhà, vì hơi mệt nên ông đã ngủ thiếp đi trước miếu Thành Hoàng. Trong giấc mộng, ông nhìn thấy trong miếu Thành Hoàng đèn đuốc lấp lánh, có rất nhiều người đang đi đi lại lại.
Vừa đúng lúc đang ngạc nhiên, đột nhiên một ông lão đi đến, nhìn thấy Tôn tiên sinh bèn nói: “Ngươi đến thật đúng lúc”, bèn nắm tay Tôn tiên sinh cùng đi vào trong miếu, quỳ trước tượng Thần. Thần minh nói: “Mấy ngày nay biên soạn bản danh sách hết sức khẩn cấp, mời ông đến tương trợ”. Tôn tiên sinh nghĩ thầm: “Ở đây chẳng lẽ là âm tào địa phủ? Ta làm sao mà có thể đến được đây? Lẽ nào ta đã chết rồi?” Thần minh hầu như biết ông đang nghĩ gì, liền cho kiểm tra sổ sinh tử, và phát hiện mẹ của Tôn tiên sinh vốn phải mất trong tháng này, nhưng vì con trai của bà cầu thọ mệnh cho mẹ, lòng hiếu thảo thành tâm thành ý đã làm cảm động Thượng Thiên, do đó Thượng Thiên đã cho phép kéo dài tuổi thọ của mẹ ông thêm sáu năm. Họ lại kiểm tra thọ mệnh của Tôn tiên sinh, thời điểm chết của ông còn xa, vì Thượng Thiên khen thưởng lòng hiếu thảo của ông, đã đặc biệt tăng 24 năm tuổi thọ cho ông.
Vì vậy, Thần linh nói với Tôn tiên sinh: “Ngươi tạm thời giúp chúng ta bảy ngày. Chờ đến ba ngày trước khi công phá thành Nam Kinh, hãy đưa gia đình ngươi đến Mạt Lăng Quan tránh nạn. Trong bảy ngày này, tự sẽ có Trị Nhật Công Tào bảo vệ thân xác của ngươi, tuyệt đối sẽ không có vấn đề gì”.
Lời vừa hạ xuống, Tôn tiên sinh đã tỉnh lại và thấy rằng bản thân vẫn ngồi ở cửa miếu, ánh nến vẫn đang giữ trong tay. Ông cảm thấy rất kỳ lạ và vội vã trở về nhà. Ông thuật lại với mẫu thân về chuyện đã trải qua, và dặn dò người nhà rằng nếu ông hôn mê bất tỉnh, mọi người không cần hoảng sợ, sau bảy ngày ông sẽ hoàn dương, bởi vì các vị Thần chắc chắn sẽ không lừa dối người.
Đêm đó, Tôn tiên sinh ngủ rất say và nguyên thần ông đã đến minh phủ để trợ giúp việc lập danh sách. Trong bảy ngày này ông ấy đã nhìn thấy những thiên cơ nào? Có những ai và vì sao được ân xá thoát khỏi kiếp nạn? Chúng ta sẽ nói chi tiết hơn ở phần tiếp theo.