Tác giả: Quý Đại biên soạn
[ChanhKien.org]
Nguồn gốc của “Thượng Thư”
Trong cuốn “Thượng Thư chính nghĩa” do học giả đời Đường là Khổng Dĩnh Đạt biên soạn có chép rằng: “Chữ thượng ‘尚’ nghĩa là thượng ‘上’ (cao, trên). Ý nói đây là sách từ thời thượng cổ truyền lại, nên gọi là Thượng Thư”. Vì vậy, Thượng Thư tức là sách thời thượng cổ. Học giả đời Đông Hán là Trịnh Huyền chú giải rằng: “Khổng Tử biên soạn sách, do có lòng tôn kính mà đặt tên là Thượng Thư, chữ thượng ‘尚’ nghĩa là cao, ý nói giống như thiên thư (sách của trời) vậy”. Ý nghĩa là sách ghi chép về đạo của Thánh nhân, phép trị nước giáo hóa thiên hạ của các bậc Thánh vương thời thượng cổ, nên được tôn kính như sách chí cao chí thượng. Hai cách nói trên có ý nghĩa tương đồng, tóm lại đều cho rằng đây là sách từ thời thượng cổ đáng được tôn sùng. Tuy nhiên, cũng từ đó mới biết rằng, cái tên “Thượng Thư” là do người đời sau tôn xưng mà gọi, chứ tên gốc ban đầu vốn chỉ là “Thư” hoặc “Kinh Thư”.
Theo thông lệ phổ biến thì sử quan bên phải ghi chép lời nói, sử quan bên trái ghi chép sự việc. Ghi chép sự việc thì gọi là xuân thu, ghi chép lời nói thì gọi là thư kinh. Vì vậy, người nước Ngụy thời Tam Quốc là Vương Túc căn cứ vào đó mà nói: “Lời trên nói ra, dưới có sử quan ghi lại, nên gọi là Thượng Thư”. Qua đó cũng biết được rằng, đó chỉ là những bản ghi chép lời nói và những văn bản ghi chép chính sự của sử quan của năm triều đại: Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ, Thương, Chu mà thôi. Vì vậy, Thượng Thư thực chất là tổng hợp các sách Đường Thư, Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư và Chu Thư, được Khổng Tử tóm lược, biên soạn lại mà thành. Sau đó, cùng với Thi, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu hợp thành sáu bộ sách kinh điển lớn của Khổng môn, gọi là Lục Kinh. Từ khi Nhạc Kinh thất truyền thì Thượng Thư trở thành một trong Ngũ Kinh mà hậu thế lưu truyền.
Thượng Thư bản kim văn và bản cổ văn
Tương truyền rằng “Thượng Thư” được Khổng Tử tóm lược, biên soạn lại nguyên có một trăm thiên chương. Sau biến cố đốt sách thời Tần, Thượng Thư bị thất truyền. Khi ấy, ở Tế Nam (nay thuộc Sơn Đông) có một vị tên là Phục Sinh, trong chiến loạn chỉ bảo tồn được 29 thiên (có thuyết nói là 28 thiên, một thiên khác do một cô gái ở Hà Nội phát hiện). Thế là đầu thời Tây Hán, Phục Sinh đem 29 thiên Thượng Thư còn sót lại này mở lớp dạy học ở vùng Tề, Lỗ, dần dần tiếng tăm vang danh thiên hạ. Đến thời Hán Văn Đế, khi ấy Phục Sinh đã ngoài 90 tuổi, đi lại khó khăn, không thể phụng chiếu chỉ vào Trường An giảng dạy, nên Văn Đế sai người tên là Tiều Thố đến học tập ông. Do Tiều Thố dùng thể chữ lệ thư đang thịnh hành lúc bấy giờ để chép lại, truyền bá khắp cả nước, nên gọi là “Kim văn Thượng Thư”.
Sau khi Phục Sinh qua đời, các môn nhân đệ tử tiếp tục truyền dạy, mỗi người có cách truyền thụ riêng, mỗi người một quan điểm và có nhiều chỗ bất đồng, dẫn đến mỗi gia có một cách kiến giải khác nhau, gọi là “gia pháp” hoặc “sư pháp”. Lúc bấy giờ, có ba nhà nổi danh nhất là: Âu Dương gia và hai gia thuộc anh em nhà Hạ Hầu (chính là Hạ Hầu Thắng và Hạ Hầu Kiến). Thời Hán Tuyên Đế, triều đình vì việc phân theo gia phái này mà lập chức tiến sĩ riêng cho từng phái. Theo sử chép lại, tổng cộng có hơn mười bốn vị tiến sĩ của các gia phái. Sang thời Đông Hán, kim văn Thượng Thư lại được Mã Dung và Trịnh Huyền chú giải, từ đó càng lưu truyền rộng rãi hơn nữa.
Về sau vào thời Hậu Hán, khi Lỗ Cung Vương cho mở rộng và tu sửa Khổng miếu, người ta đã phát hiện được nhiều cuốn kinh thư chép bằng chữ triện cổ được bảo tồn trong vách tường của miếu, trong số đó có nhiều sách như “Luận Ngữ”, “Kinh Thi”, “Kinh Dịch”, “Xuân Thu Tả Truyện”, “Hiếu Kinh”,… Trong đó có Thượng Thư với 45 thiên, nhiều hơn bản kim văn Thượng Thư đến 16 thiên. Như vậy cũng đủ để chứng thực rằng 29 thiên mà Phục Sinh truyền dạy trước đó nội dung phần lớn là chân thực, không ngụy tạo. Những bộ kinh thư này được Lỗ Cung Vương giao lại cho hậu duệ của Khổng Tử là Khổng An Quốc. Khổng An Quốc sau đó lại dâng lên Hán Cảnh Đế, và bản này được gọi là “Cổ văn Thượng Thư”. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không có ai hoàn toàn thông hiểu chữ triện cổ. Mãi đến thời Hán Ai Đế, hai cha con Lưu Hưởng và Lưu Hâm mới dùng bản kim văn Thượng Thư tiến hành so sánh, đối chiếu lại, phát hiện giữa hai bản có nhiều chỗ sai sót, thiếu hụt và khác biệt. Họ hiệu đính lại từng chút một và gọi là cổ văn Thượng Thư, chủ trương của họ là lấy bản cổ văn Thượng Thư làm chuẩn mực chính thức và lập thêm chức tiến sĩ để truyền dạy bản này. Từ đó, xuất hiện tranh luận giữa hai phái kim văn Thượng Thư và cổ văn Thượng Thư. Tuy triều đình khi ấy chưa chính thức tiếp nhận, nhưng trong dân gian và các trường tư thục, các học giả đã dần xem trọng và lưu truyền cổ văn Thượng Thư, trở thành xu hướng thời bấy giờ.
Ngụy kinh Thượng Thư (tức ngụy cổ văn Thượng Thư)
Trong số Ngũ Kinh, bộ sách trải qua nhiều biến cố và tai nạn nhất chính là “Thượng Thư”. Bản kim văn Thượng Thư thì tàn khuyết bất toàn, 100 thiên chỉ còn lại 29 thiên, mà nội dung chữ nghĩa cũng nhiều chỗ sơ sót, sai lệch và thiếu hụt. Còn bản cổ văn Thượng Thư tuy được người phát hiện, nhưng không ai thông hiểu, mãi đến khi cha con Lưu Hướng và Lưu Hâm tiến hành khảo đính đối chiếu, nhưng bản này cũng không được triều đình coi trọng, không được gìn giữ cẩn thận và bảo tồn an toàn, dẫn đến về sau lại bị thất lạc, mai một và thất truyền. Sau này lại có người đem phân tách trộn lẫn bản kim văn Thượng Thư để sửa chữa, ngụy tạo thành bản cổ văn Thượng Thư, khiến cho thật giả khó phân, diện mạo thay đổi hoàn toàn. Đầu tiên là có người ở Đông Lai tên là Trương Bá đem bản kim văn Thượng Thư của Phục Sinh phân tách thành hơn 70 thiên, rồi lại tự mình ngụy tạo thêm 24 thiên, lại chắp nối thêm tả truyện và thư tự, hợp lại thành tổng cộng 102 thiên, rồi dâng lên Hán Thành Đế, suýt chút nữa đã qua mặt được. Nhưng do văn từ thô kệch, trình tự trước sau lộn xộn, cuối cùng bị Lưu Hướng phát hiện vạch trần, Trương Bá vì vậy bị bắt giam vào ngục.
Sau thời Tam Quốc, những kinh sách còn sót lại từ hai triều Hán cũng lại bị thiêu hủy trong chiến loạn, dân chúng ly tán, khói lửa khắp nơi, “Thượng Thư” lại một lần nữa bị thất truyền. Khi ấy, người nước Ngụy là Vương Túc (ngoại tổ của Tấn Vũ Đế) từng lần lượt ngụy tạo ra bộ “Khổng Tử gia ngữ”, rồi cũng ngụy tạo “Cổ văn Thượng Thư”. Ông ta đem những thiên còn sót của kim văn Thượng Thư phân chia thành 33 thiên, lại thêm vào 25 thiên tự mình ngụy tạo, cộng lại thành 58 thiên. Mục đích là để số lượng thiên sách khớp với con số mà Ban Cố đã ghi chép trong Hán Thư, rồi giả mạo nhận đó là bản cổ văn Thượng Thư. Khi đó họ Tư Mã đã soán quyền nhà Ngụy, lập nên nhà Tấn, quyền thế che trời, chẳng ai dám chỉ trích vạch trần bộ ngụy kinh của Vương Túc là giả. Về sau, qua thêm những phen chiến loạn, bản ngụy kinh này cũng mất rồi lại được tìm thấy. Đến thời Tấn, người tên là Mai Di (có chỗ chép là Mai Tắc) phát hiện lại được bản này trong dân gian, từ đó lưu truyền về sau. Đến đời Đường, Khổng Dĩnh Đạt, chính là dựa trên bản ngụy kinh của Vương Túc này mà biên soạn bộ “Thượng Thư chính nghĩa”. Từ đời Đường Cao Tông trở đi, triều đình chính thức thẩm định, ban hành khắp thiên hạ, còn dùng nó làm căn cứ khảo thí và tuyển chọn sĩ tử trong khoa cử. Thế là bộ ngụy kinh Thượng Thư đã thay thế bản gốc, truyền bá suốt cả ngàn năm, còn bản chân thực của Thượng Thư thì bị chôn vùi không ai biết đến. Đây cũng là một kỳ án trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Về sau, vào đời Tống, Chu Hối Am tiên sinh (Chu Hy) từng nghi ngờ văn phong của bản ngụy kinh này quá lưu loát, sáng sủa, hoàn toàn khác biệt với phong cách mộc mạc, giản dị mà hàm súc của văn học thời Tam Đại (tức Hạ, Thương, Chu). Mãi đến khi học phái khảo chứng hưng thịnh vào đời Minh Thanh, các nhà kinh học như Diêm Nhược Cừ, Huệ Đống, và Đinh Yến mới lần lượt dùng phương pháp khảo chứng, từng bước loại bỏ bộ phận ngụy kinh của Vương Túc, khôi phục lại những phần bị chia cắt, rời rạc, đồng thời dốc sức sưu tầm các bản kim văn Thượng Thư còn sót lại trong dân gian, cùng với hai bản chú giải của Mã Dung và Trịnh Huyền. Thượng Thư sau khi trải qua ngàn năm kiếp nạn, tuy chỉ còn là những thiên tàn khuyết, chắp vá, nhưng vẫn được tính là cải tử hồi sinh, bảo tồn được phần nào diện mạo. Còn bản cổ văn Thượng Thư nguyên vẹn được phát hiện trong Khổng miếu năm xưa thì từ lâu đã không còn tồn tại.
Nội dung của “Thượng Thư”
Trong thời thượng cổ, từ văn tự giáp cốt cho đến kim văn (văn khắc trên đồ đồng), đều dùng hình thức ghi chép lời nói làm nội dung chính. “Thượng Thư” cũng chính là một bộ sử ghi chép lời nói cổ đại (một số thiên ghi chép sự việc, hoặc là viết bởi hậu nhân thời Chiến Quốc mượn danh cổ nhân, chứ không phải nguyên bản). Chính bởi là những văn bản ghi lại lời nói, có khả năng phản ánh phương ngữ và cách diễn đạt của ba triều đại thượng cổ, nên ngôn từ vô cùng cổ kính, mộc mạc mà khó hiểu, văn chương khó đọc, không chỉ đọc không thuận miệng, mà hàm nghĩa sâu xa. Vì thế, học giả Dương Hùng cho rằng: “Sách của thời Ngu và thời Hạ thì thâm trầm khó hiểu, sách của thời Thương thì mênh mông khoáng đạt, sách của thời Chu thì uy nghiêm”. Có một số người đời sau, vì muốn bắt chước cổ nhân, khi sáng tác dùng các thể văn của Chu cáo hay Ân bàn (lời khắc trên đồ đồng nhà Thương), nhưng chỉ được hình thức mà không đạt chất lượng, trở thành trò cười cho hậu thế.
Khổng Tử khi biên tập, chỉnh lý “Thượng Thư”, lấy đạo Thánh vương và phép trị quốc giáo hóa dân làm chủ. Cho nên trong “Sử Thông” viết: “Nội dung chủ yếu của Thư vốn là các mệnh lệnh và chiếu cáo, dùng để tuyên dương chính nghĩa của vương đạo”. Hoặc vì lẽ đó mà từ thời Tam Đại (ba triều đại Hạ Thương Chu) trở về sau, những việc chính sự bạo ngược, rối loạn của Trụ Vương nhà Ân hay Kiệt Vương nhà Hạ đều bị tránh mà không ghi chép lại; hoặc chỉ sơ lược, giản lược. Vì vậy, chủ ý cốt lõi của Thư Kinh nếu gói gọn trong một câu, thì chính là tám chữ: “Tôn Thiên, kính Thần, thương dân, sùng đức” mà thôi. Và tư tưởng ấy cũng chính là cội nguồn và tinh túy của truyền thống đạo đức văn hóa Thần truyền Trung Hoa, đồng thời là nơi khởi nguồn cho tinh thần Thiên Đạo nhân hậu, khoan dung của hậu thế vậy!
“Thượng Thư” nếu phân chia theo niên đại, có thể chia thành: Đường Thư (như Nghiêu Điển), Ngu Thư (như Thuấn Điển), Hạ Thư (như Vũ Cống), Thương Thư (như Ân Bàn), Chu Thư (như Chu Cáo, Hồng Phạm)… Nếu căn cứ theo thể loại, có thể quy nạp thành sáu loại lớn:
Điển: chỉ những điều chính sự dựa trên đạo đức tốt đẹp của đế vương, có thể lưu truyền muôn đời làm quy phạm cho hậu thế, gọi là Điển. Như Nghiêu Điển, Thuấn Điển, Vũ Cống, trong đó hai thiên đầu thuật lại chính sự lấy thiện làm căn bản của Nghiêu Thuấn; còn Vũ Cống ghi lại việc trị thủy và chế độ cống nạp của Cửu Châu do Hạ Vũ thiết lập.
Mô: chỉ những lời bàn mưu hiến kế tốt đẹp của các đại thần dâng lên quân vương, gọi là Mô. Mô tức là mưu vậy. Ví như các thiên Đại Vũ Mô, Cao Dao Mô và Hồng Phạm, lần lượt là các kế sách trị quốc, an dân mà Đại Vũ dâng lên vua Thuấn, Cao Dao dâng lên vua Thuấn, và Cơ Tử dâng lên Chu Vũ Vương.
Huấn: chỉ những lời khuyên gián, răn dạy và cảnh tỉnh của đại thần dành cho những quân vương trẻ tuổi, gọi là Huấn. Bao gồm việc ghi chép lại lời khuyên gián của thần tử đối với quân vương, như: Y Huấn (lời Y Doãn răn bảo Thái Giáp), Đồng Nhật (lời Tổ Y khuyên răn Vũ Đinh), Lữ Ngao (Triệu Công răn bảo Thành Vương), Vô Dật (lời Chu Công răn Thành Vương),… Hoặc là ghi chép lại di huấn của tổ tiên để nhắc nhở quân vương đời sau, như: Ngũ Tử Ca (Thái Khang mất nước, năm người em trai của ông đã dùng lời răn dạy mà Đại Vũ để lại để khuyên răn ông).
Cáo: chỉ những lời tuyên cáo, nhắc nhở công khai của quân vương với bá quan văn võ và toàn thể nhân dân trong nước, gọi là Cáo. (Ví dụ như: Thang Cáo, Bàn Canh, Đại Cáo, Chu Quan, Khang Cáo, Tửu Cáo, Tử Lâm,…). Những lời cầu nguyện hoặc tuyên cáo với Thượng Đế trên trời cao (như các bài Triệu Cáo, Lạc Cáo, Tây Bá Khám Lê,…) cũng được gọi là Cáo. Hoặc những lời khuyên bảo, thông báo, và ước hẹn lẫn nhau giữa các quan lại cũng được gọi là Cáo (như các bài Vi Tử, Quân Thích,…).
Thệ: khi đại quân ra trận, trước khi xuất binh mà tuyên thệ với Trời và răn dạy tướng sĩ thì gọi là Thệ (như các thiên: Cam Thệ, Thang Thệ, Mục Thệ, Phí Thệ,…).
Mệnh: khi quân vương bổ nhiệm đại thần, những lời giao phó nhiệm vụ, sứ mệnh và căn dặn được gọi là Mệnh (như ba thiên Thuyết Mệnh, Vi Tử chi Mệnh, Thái Trọng chi mệnh, Văn Hầu chi Mệnh, Quân Trần, Quân Nha…).
Lời kết
Trong sử xưa có truyền thuyết gọi là Tam Phần, Ngũ Điển, Bát Tác, Cửu Khâu, ghi chép sự tích của Tam Hoàng Ngũ Đế, thuật lại sự biến đổi của thiên văn địa lý. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn bị nghi ngờ là truyền thuyết, không có văn tự lưu lại, nên không thể khảo chứng. Dù “Kinh Thư” đã trải qua nhiều biến cố, chịu nhiều tai ương, chỉ còn những mảnh rời rạc, không còn nguyên vẹn, nhưng nó vẫn là ghi chép cụ thể và nguyên sơ về người xưa, sử xưa, lời xưa và việc xưa của Trung Quốc, và tự thân nó có vị trí và giá trị không thể phai mờ.
Nho gia thường ca ngợi sự trị vì của Tam Đại, người đời sau thiển cận, có kẻ chê bai là hư ảo, viển vông. Thế nhưng, ngày nay từ những đoạn văn còn sót lại trong “Thượng Thư”, vẫn có thể thấy được rằng người xưa khi thi hành chính sự đã có tiêu chuẩn phân định đúng sai, thiện ác, cũng như chỗ đặt tâm tu dưỡng bản tính theo phép trị nước giáo hóa nhân dân của các vị Thánh vương. Biết một suy ra ba, cũng có thể cảm nhận được nguồn gốc của văn hóa Thần truyền Trung Hoa cùng tinh thần giáo hóa tôn Thiên, kính Thần, thương dân, trọng đức, chất phác và chân thành được kế thừa qua các triều đại. Vậy thì cũng không cần quá câu nệ về sự tối nghĩa, khó hiểu hay văn phong rườm rà, quanh co của văn từ cổ xưa nữa.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/70299