Tác giả: Chính Tắc
[ChanhKien.org]
Người Trung Quốc từ xưa đã rất yêu thích trà, và khi nói đến sự tốt xấu của trà, chắc hẳn mỗi người đều có những quan điểm riêng. Tuy nhiên, khi đàm luận về Trà đạo, trong ấn tượng của nhiều người, Trà đạo thường gắn liền với bộ trà cụ tinh xảo, những quy tắc pha trà nghiêm ngặt và các nghi lễ khi pha trà. Đó đương nhiên là một phần của Trà đạo, nhưng có lẽ, để gọi là “Đạo”, dường như nó không chỉ dừng lại ở đó.
Có người nói, rằng Trà đạo gồm bốn chữ: tinh, hành, kiệm, đức. Đây là lấy từ trong “Trà Kinh” mà ra, Trà Kinh có đoạn “Trà chi vi dụng, vị chí hàn, vi ẩm tối nghi tinh hành kiệm đức chi nhân, nhược nhiệt khát, ngưng muộn, não thống, mục sáp, tứ chi phiền, bách tiết bất thư, liễu tứ ngũ xuyết, dữ thể hồ, cam lộ khánh hàng dã” (tạm dịch: trà có tính hàn, cần kiệm, thích hợp cho người tu hành đắc độ, đức hạnh. Tính hàn trong trà khiến họ có thể thanh tịnh, an yên, tránh xa mọi thứ tranh giành thế tục hư danh. Nếu như (cảm thấy) khát nước, nóng bức, đầu óc mơ hồ, đau đầu, mắt khô, tứ chi đau nhức, các khớp xương không thoải mái, chỉ cần uống vài ngụm, sẽ có tác dụng như đề hồ, cam lộ). Tuy nhiên, khi đọc kĩ nguyên văn chúng ta sẽ phát hiện, rằng điều này dường như chỉ nói về phẩm chất mà người uống trà nên có. Cũng có người cho rằng Trà đạo là bốn chữ “hòa, tĩnh, di, chân”. Sau khi Trà đạo được truyền vào Nhật Bản, nó đã biến đổi thành bốn quy tắc “hòa, kính, thanh, tịch”.
Xem ra, lý giải của mỗi người về Trà đạo là có sự khác nhau rất lớn. Vậy rốt cuộc, thế nào là Trà đạo? Câu hỏi này không khỏi khiến chúng ta theo dòng chảy lịch sử mà tìm đáp án của nó.
Nguồn gốc và sự phát triển của Trà đạo
Nếu muốn truy nguyên nguồn gốc của Trà đạo, chúng ta không thể không nhắc đến Thần Nông thời thượng cổ. Truyền thuyết kể rằng: “Thần Nông nếm bách thảo, một ngày nọ ông trúng phải 72 loại độc, nhờ uống trà mà giải độc”. Thần Nông vì muốn hiểu rõ thuộc tính (tính chất) của các loại thực vật nên ông đã nếm thử vô số cây cỏ, trong một ngày có thể bị trúng độc nhiều lần. Sau khi bị trúng độc, ông dùng trà để tìm ra độc tố và giải trừ trạng thái trúng độc. Cho nên, từ gốc rễ mà nói, “Trà đạo” chính là “Tra đạo” (chính là con đường hay “quá trình” tìm kiếm và kiểm tra). Nếu xét rộng hơn một chút, điều này rất giống với các môn tu luyện Chính Pháp, cần tìm kiếm bên trong để tìm ra những chấp trước, ham muốn trong tâm, từ đó mà tiêu trừ chúng.
Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, việc uống trà của người dân giống như nấu thuốc Trung y, họ nấu lá trà, cành trà cùng với nước rồi uống. Loại trà này được gọi là “trà nấu sống”. Vì nước trà có vị đắng chát, nên thời đó được gọi là “khổ trà”. Vậy hiển nhiên, vào thời đó người ta uống trà không phải để thưởng cái hương vị, mà là để tận dụng tác dụng giải độc và dưỡng sinh của trà.
Đến thời Nam Bắc triều, đa số các văn sĩ và đại phu đều tín Đạo, tu Đạo và tôn sùng cuộc sống thanh đàm, họ uống trà để hỗ trợ cho những buổi thanh đàm (chỉ hoạt động giao lưu học thuật của tầng lớp trí thức quý tộc thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều, lấy việc thảo luận về triết lý nhân sinh, xã hội và vũ trụ làm cốt lõi), từ đó mà ngộ Đạo. Thời đó, cũng có không ít đệ tử Phật môn như Pháp Tộ, Chi Hiếu Long, Lưu Nguyên Chân đã kết duyên sâu sắc với trà.
Đến thời nhà Đường, tác phẩm “Trà Kinh” của Lục Vũ ra đời. Trong sách, ông đã hệ thống hóa và trình bày một cách toàn diện các khía cạnh và nội dung như: “trồng trà, chế biến trà, nấu trà và thưởng trà”, đánh dấu sự trưởng thành của văn hóa trà. Vào thời kỳ đó, “trà đạo thịnh hành, từ vương công quý tộc đến quan lại trong triều không ai là không uống trà” (Phong Thị Văn Kiến Ký).
Chính vào thời kỳ này, hạt trà đã được nhà sư Saichō mang về Nhật Bản để trồng. Về sau, thiền sư Yōsai mang kỹ thuật chế biến trà về Nhật. Trải qua hơn 1000 năm phát triển, Nhật Bản đã hình thành nên một nền văn hóa “Trà đạo” độc đáo, mang đậm tư tưởng triết học và vẻ đẹp thẩm mỹ.
Đến thời lưỡng Tống (Bắc Tống và Nam Tống), trà nghệ và các học thuật về trà đã phát triển và đạt đến đỉnh điểm. Chính trong giai đoạn này, phương pháp “điểm trà” cũng xuất hiện.
Từ thời Nguyên cho đến ngày nay, phương pháp chế biến và pha trà cũng đã không ngừng phát triển, khiến cho trà ngày càng trở nên gần gũi với đời sống, trà đã trở thành một trong bảy thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Trung Quốc (đó là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà).
Trà đạo và Phật duyên
Nếu nói Thần Nông là vị thủy tổ khai sinh của Trà đạo, thì nguyên do thực sự khiến Trà đạo hưng thịnh lại gắn bó mật thiết với phương pháp tu luyện của Phật môn.
“Vào những năm Khai Nguyên, tại chùa Linh Nham ở Thái Sơn có một vị đại sư hàng ma phục yêu phát dương thiền giáo, học thiền thì phải không bị mê mờ buồn ngủ, lại không ăn vào buổi tối, nên các tăng nhân đều uống trà. Mỗi người đều mang trà theo bên mình, đi đến đâu cũng đun nước uống trà. Từ đó, người người noi theo, dần dần trở thành một phong tục” (theo Phong Thị Văn Kiến Ký). Các tăng nhân khi tọa thiền tu hành, thường cần nhập định trong thời gian dài, thông thường suốt đêm không ngủ. Việc uống trà giúp họ xua tan cơn buồn ngủ, đồng thời có thể hỗ trợ người ta tĩnh tâm, loại bỏ tạp niệm, vì thế trà trở thành lựa chọn không thể thiếu đối với người tu hành. Vì vậy, phong tục uống trà thời Đường đã khởi phát từ giới tăng nhân, và theo cùng với sự phát triển nhanh chóng của các pháp môn Phật gia trong thời kỳ này, văn hóa trà cũng theo đó mà phồn thịnh.
Vào thời Đường và Tống, trong các danh tự và bảo sát (chùa lớn), đều có treo “trà cổ” (một loại trống dùng riêng cho trà), chùa chiền sẽ gõ loại trống này để tập hợp chư tăng đến uống trà. Như câu thơ: “Xuân yên tự viện xao trà cổ, tịch chiếu lầu thái trác tửu kỳ” (tạm dịch: Sương phủ trống trà vang tự viện. Ánh tà cờ rượu cắm lâu đài) (trích Tây Hồ xuân nhật – Lâm Bô), đây chính là hình ảnh thu nhỏ của việc tăng nhân uống trà để hỗ trợ việc tu hành.
Các nhà sư không những uống trà, mà còn tự tay trồng trà, những vườn trà sớm nhất phần lớn đều nằm cạnh các ngôi chùa. “Năm đầu niên hiệu Trị Bình (1064), chùa được đổi tên như hiện nay. Bên cạnh chùa có ngọn núi lớn gọi là Tử Cao, nơi sản sinh ra loại trà đặc biệt. Phía sau Phật điện có một dòng suối chảy từ khe đá ra, người dân lấy nước đó nấu thuốc rất hiệu nghiệm” (theo Gia Định Xích Thành Chí).
Ở chùa Nam Nhạc thuộc Nghĩa Hưng có suối Chân Châu, thiền sư Trù Tích từng thử uống nước ấy, nói rằng: “Dùng suối này để pha trà Đồng Lư, chẳng phải rất thích hợp sao?” Chẳng bao lâu sau, có một con bạch xà ngậm con rơi xuống trước chùa, từ đó câu chuyện lan rộng, hương vị trà càng thêm tuyệt hảo, người dân địa phương rất quý trọng (theo Trà sử).
Chùa Hổ Khâu ở phía Tây thành phố Tô Châu, nơi sản xuất trà (Cố Tô Chí)
Vương Toản “Tặng Thiền sư Khởi Vân của phái Thiên Thai, trồng trà, sinh sống ở chùa Hổ Khâu” thơ rằng:
Thượng nhân trú cô phong,
Thanh nhàn hữu tuế nguyệt.
Tụ đới Xích Thành hà,
Mi đoan ngưng cổ tuyết.
Chủng trà liễu nhất sinh,
Kinh luân nhân manh nghiệt.
Tư tri nhất niệm thâm,
Vu nghĩa diệc siêu tuyệt.
(trích: Hổ Khâu Trà Kinh bổ chú)
Dịch thơ:
Một bậc thượng nhân trên núi cao,
Thanh nhàn ung dung cùng tuế nguyệt.
Mây mù Xích Thành trong tay áo,
Hoa tuyết trắng ngần đọng trên mi.
Một đời gắn với nghiệp trồng trà,
Kinh luân đời người nối sinh sinh.
Suy tư một niệm thêm sâu sắc,
Ôi sao áo nghĩa diệu siêu tuyệt.
Các ghi chép trong cổ thư tất cả đều chứng minh điều này. Cái gọi là “Phật thiên vũ lộ”, xem ra trà quả thật có một mối liên hệ rất sâu sắc với Phật gia.
Kỳ thực, không chỉ sự phát triển của trà đạo có liên quan đến việc tu luyện của Phật gia, mà ngay cả nội dung trong “Trà Kinh” (茶經) của Lục Vũ, cũng có mối quan hệ rất mật thiết với Phật gia. Lục Vũ vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, sư phụ của ông Thiền sư Trí Tích đã nuôi dưỡng ông trưởng thành. Thiền sư Trí Tích không những tinh thông Phật Pháp, mà còn am hiểu rất sâu về trà đạo, tuổi thơ của Lục Vũ đã từng theo sư phụ học nghệ thuật pha trà suốt 7 – 8 năm, và đã được thầy truyền thụ những kiến thức chân truyền.
Đại sư Tích Công ở Kinh Lăng rất thích uống trà, không phải do Lục Vũ pha thì ông nhất quyết không uống. Trong 4 – 5 năm Lục Vũ chu du ở bên ngoài, ông đành phải đoạn tuyệt với hương vị trà. Vua Đường Đại Tông nghe chuyện, bèn triệu mời ông vào cung dâng trà, sai người giỏi pha trà nhất đến pha trà mời ông. Ông vừa nhấp một ngụm liền dừng lại, không uống nữa. Nhà vua nghi ông giả vờ, bèn âm thầm triệu Lục Vũ vào cung. Hôm sau, khi dâng bữa ăn chay cho ông, vua bí mật sai Lục Vũ nấu trà. Đại sư cầm chén, mặt liền tươi tỉnh, vừa uống vừa khen, rằng: “Có cái vị mà Giám Nhi pha” (Giám Nhi là tên tự của Lục Vũ). Vua cảm thán Thiền sư quả là người hiểu biết về trà, rồi mới cho gọi Lục Vũ ra diện kiến. Việc Tích Công yêu trà do Lục Vũ pha đến mức ấy, đủ cho thấy rằng trong Trà Kinh, hẳn đã hội tụ cả trí huệ Phật gia và tinh túy của nghệ thuật trà mà thiền sư từng truyền thụ.
Thiền vị trong thơ trà
Phật gia giảng không, gọi là nhập không môn. Ngôn hành cử chỉ thường ngày của tăng nhân, đều ẩn chứa trí tuệ từ quá trình tu luyện Phật Pháp. Do đó, sự lĩnh hội về trà đạo của họ tất yếu cũng dung hợp với sự giác ngộ trong tu hành Phật Pháp. Chúng ta có thể cảm thụ điều ấy trong rất nhiều bài thơ thưởng trà do các vị tăng nhân sáng tác, thể nghiệm được thiền vị độc đáo trong những bài thơ đó.
Thưởng Trà
Tác giả : Tề Kỷ
Thạch ốc vãn yên sinh,
Tùng song thiết niển thanh.
Nhân lưu lai khách thí,
Cộng thuyết ký tăng danh.
Vị kích thi ma loạn,
Hương sưu thụy tư khinh.
Xuân phong Tráp xuyên thượng,
Ức bàng lục tùng hành.
Dịch thơ:
Phòng đá đơn sơ thở khói chiều
Tùng song kỳ cạch cối nghiền sắt
Khách đến từ xa thăm bạn cũ
Mang theo lễ vật đến thăm hỏi
Vị trà đắm say người thi sĩ
Hương thơm khe khẽ tỉnh trí thần
Tựa như sông Tráp thổi gió xuân
Ngỡ đang dạo bước chốn đồng xanh
Tề Kỷ là bằng hữu của Lục Vũ, ông không những là một tăng thi (tăng nhân và thi nhân), mà ông còn là một người yêu thích và hiểu biết rất thâm sâu về Trà đạo.
Thiền sư Linh Nhất là một cao tăng nổi tiếng đời Đường, ông kết giao với nhiều thi nhân nổi tiếng như Quán Hưu, Lưu Trường Khanh, Lý Gia Hựu, Lang Sĩ Nguyên, Hoàng Phủ Nhiễm, Trương Tịch… Ông cũng để lại một số bài thơ về trà được truyền tụng đến nay.
Cư sỹ Dữ Nguyên thưởng trà ở đầm Thanh Sơn
Tác giả : Linh Nhất
Dã tuyền yên hỏa bạch vân gian
Tọa ẩm hương trà ái thử sơn
Nham hạ duy chu bất nhẫn khứ
Thanh khê lưu thủy mộ sàn sàn
Dịch thơ:
Suối xanh lửa khói trong mây trắng
Ngồi uống trà thơm giữa núi non
Thuyền neo chân núi rời chẳng nỡ
Róc rách suối chảy buổi cuối chiều.
Theo lẽ thường người tu hành nghiêm khắc nên cắt đứt sự ham muốn, nhưng ở đây lại không giấu giếm niềm yêu thích trà của mình, không biết ẩn chứa trong đó là những huyền cơ gì.
Kỳ thực, nhiều văn nhân thời cổ đa số đều là những người tu Phật hoặc tu Đạo, cho dù không phải là người tu hành, họ cũng có mối quan hệ sâu sắc với những người tu Phật, tu Đạo. Những buổi tụ hội của họ thường không thể thiếu thơ và trà, và việc giao tiếp ấy đã trở thành một thông lệ.
Đêm khuya Thị ngự họ Lý mời Phan Thuật, Thang Hành, Hải Thượng Nhân thưởng trà làm thơ
Tác giả : Giảo Nhiên
Hối dạ bất sinh nguyệt, cầm hiên do vi khai.
Tường đông ẩn giả tại, Kỳ thượng dật tăng lai.
Minh ái truyền hoa ẩm, thi khán quyển tố tài.
Phong lưu cao thử hội, hiểu cảnh lũ bồi hồi.
Dịch thơ:
Đêm khuya cảnh lặng vắng bóng trăng,
Dưới hiên đàn cầm vì sao gảy.
Tường đông đã thấy vị ẩn sĩ,
Sông Kỳ đến một vị tăng nhân.
Yêu trà truyền thiệp khai cuộc hội,
Văn nhân nhã sĩ bình thi tuyển.
Cuộc hội phong lưu cao nhã hứng,
Mặt trời ló rạng hẹn đêm sau.
Tiện thể xin nói thêm, Giảo Nhiên cũng là bằng hữu của Lục Vũ, đồng thời là một cao tăng tinh thông trà nghệ. Hai người hết sức tâm đầu ý hợp, thường cùng nhau thưởng trà, luận đạo. Giảo Nhiên không chỉ am hiểu Phật lý sâu sắc, mà tài làm thơ của ông cũng vô cùng xuất chúng:
Ngày chín cùng xử sĩ Lục Vũ uống trà
Tác giả : Giảo Nhiên.
(xử sĩ: người có học nhưng chỉ ở nhà, không chịu ra làm quan.)
Cửu nhật sơn tăng viện,
Đông lê cúc dã hoàng.
Tục nhân đa phiếm tửu,
Thùy giải trợ trà hương.
Dịch thơ:
Mồng chín non cao ngôi chùa vắng,
Rào cúc trong đông đã nở vàng.
Người đời quen thói mượn rượu giải,
Mấy ai thấu hiểu diệu dụng trà.
“Ẩm trà ca tiếu Thôi Thạch Sứ Quân”
Tác giả : Giảo Nhiên
Việt nhân di ngã Diệm khê minh, Thải đắc kim nha soạn kim đỉnh.
Tố từ tuyết sắc phiếu mạt hương, Hà tự chư tiên quỳnh nhuỵ tương.
Nhất ẩm địch hôn mị, Tình lai lãng sảng mãn thiên địa.
Tái ẩm thanh ngã thần, Hốt như phi vũ sái khinh trần.
Tam ẩm tiện đắc đạo, Hà tu khổ tâm phá phiền não.
Thử vật thanh cao thế mạc tri, Thế nhân ẩm tửu đa tự khi.
Sầu khán Tất Trác ủng gian dạ, Tiếu hướng Đào Tiềm li hạ thời.
Thôi hầu xuyết chi ý bất dĩ, Cuồng ca nhất khúc kinh nhân nhĩ.
Thục tri trà đạo toàn nhĩ chân, Duy hữu Đan Khâu đắc như thử.
Dịch thơ:
Việt nhân tặng ta trà Diệm khê,
Búp ngọc hái về, đỉnh ngọc nê.
Tuyết sắc sứ trong hương phiếu khứ,
Quỳnh tương tiên giới sánh sao bì?
Nhấp một ngụm, tâm tan mộng mị,
Khí thanh thu sáng khắp sơn khê.
Ngụm thứ hai, thần như tẩy sạch,
Tựa vũ phiêu bay rửa bụi mê.
Ba ngụm thấm, dường thông huyền lý,
Chẳng cần khổ luyện phá ưu phiền.
Thế gian mấy kẻ hay chăng vậy?
Mê tửu cuồng ca tự dối mình.
Thương Tất Trác vò bên đêm vắng,
Cười Đào Tiềm đối liễu râm râm.
Thôi công uống mãi không dừng lại,
Cuồng khúc ngân vang động cổ tâm.
Ai rõ trà là chân đạo nhỉ?
Chỉ Đan Khâu lĩnh ngộ uyên thâm.
Người đời chỉ biết uống rượu để tự dối mình, mà không hiểu được sự tinh diệu trong việc thưởng trà. Việc thỏa mãn nhu cầu ăn uống vốn không phải là điều mà những người tu hành theo Phật Pháp hướng đến. Giảo Nhiên cho rằng, uống trà không những có thể xua tan cơn buồn ngủ, làm cho tinh thần trở nên minh mẫn, mà còn có ích cho con đường tu đạo. Nó chính là chất xúc tác giúp người tu hành lĩnh hội giáo lý của Phật, thấu hiểu đạo lý của Đạo gia.
(Trong bài thơ, “Đan Khâu” là một vị Thần Tiên, sẽ được đề cập rõ hơn ở phần sau.)
Quy cố lâm hậu ký nhị tam tri kỷ
Tác giả : Quán Hưu
Tạc biệt Sở Giang biên,
Thuần tuần tảo số niên.
Thi tuy thanh đáo hậu,
Nhân cánh sầu ư tiền.
Ngạn thúy liên kiều nhạc,
Đinh sa nhập hoại điền.
Hà thời trùng nhất kiến,
Đàm tiếu hữu trà yên.
Tạm dịch nghĩa:
Hôm qua chia tay nơi bờ sông Sở,
Chớp mắt đã mấy năm trôi qua.
Thơ ta ngày càng trong trẻo tươi mới,
Nhưng thân này lại gầy hơn thuở trước.
Bờ sông xanh biếc nối liền non cao,
Bãi cát trải dài ra đồng hoang vắng.
Bao giờ ta mới lại tương phùng,
Cùng nhau thưởng trà thơm, đàm đạo nói cười.
Chậm rãi đọc thơ thưởng trà của các thi nhân tăng sĩ xưa, ta cảm nhận được sự thanh tịnh cao xa, thấm đẫm thiền vị, tựa như đang nhấp một chén trà thơm, khiến người ta nhớ tưởng mãi không thôi.
Thần thông “Trà Bách Hí”
Các tăng nhân xưa uống trà, hiểu Trà đạo, và thậm chí còn dùng trà để triển hiện thần tích, hóa độ thế nhân. Hình thức đó chính là “Trà Bách Hí”. Những vị cao tăng có công năng, đặc biệt có thể thi triển bí quyết thần diệu trong nước trà, khiến trong chén trà hiện lên hình ảnh hoặc chữ viết. Trong sách “Xuyễn danh lục” có chép rằng: “Trà chí Đường thủy thịnh. Cận thế hữu hạ thang vận bỉ, biệt thi diệu quyết, Sử thang văn thủy mạch thành vật tượng giả, Cầm thú trùng ngư hoa thảo chi chủng, tiêm xảo như họa. Đãn tu du tức tự tán diệt. Thử trà chi biến dã, thời nhân vị chi Trà Bách Hí”, tạm dịch “Trà bắt đầu thịnh từ đời Đường. Gần đây có người khi rót nước sôi, dùng muỗng khuấy, lại vận dụng diệu thuật riêng, khiến cho vân nước khi rót trà ra tạo thành hình tượng: loài chim, thú, côn trùng, cá, hoa, cỏ… tinh xảo như tranh. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc liền biến mất. Đó là sự biến hóa của trà, người đời gọi đó là Trà Bách Hí”.
Một vị cao tăng tên là Phúc Toàn, có tuyệt kỹ Trà Bách Hí cao cường, khiến vô số người kéo đến xem. Có một lần, ông dùng trà để cúng Phật, rồi hóa hiện trong nước trà một câu thơ. “Trong chén sinh ra thủy đan thanh, công phu vẽ ấy học chẳng thành, Chỉ cười Lục Vũ thủa trước ấy, khéo tay nấu trà được tiếng thơm”.
“Thủy đan thanh” ở đây cũng chính là “Trà Bách Hí”, có được công năng đặc dị đến mức này, đương nhiên không phải điều mà người thường có thể học theo. Ngay cả Lục Vũ bậc thầy về trà năm xưa nếu có trở lại, sợ rằng cũng phải cúi đầu đảnh lễ trước vị cao tăng này.
Những thần thông như vậy không thường gặp trong nhân gian, chúng không phải là hiện tượng đơn độc. Ngay cả Tô Đông Pha, văn hào tài hoa bậc nhất đời Tống – cũng từng có duyên chứng kiến Trà Bách Hí. Năm Hy Ninh thứ tư (1071), trong một chuyến du hành đến chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai, Tô Thức đã gặp thiền sư Xứ Khiêm biểu diễn Trà Bách Hí mà kinh ngạc khôn cùng, xuất khẩu làm thơ ca ngợi.
Thiền sư Khiêm ở Nam Bình tinh thông nghệ thuật trà, lĩnh hội bằng tâm, ứng dụng bằng tay, chẳng thể truyền đạt bằng lời nói; người học được thì rất hiếm. Ngày 27 tháng 10, nghe tin Tô Thức từ xa đến chơi chùa Thọ Tinh, bèn dâng trà đãi khách, làm thơ tặng ông.
Đạo nhân hiểu xuất Nam Bình sơn,
Lai thí điểm trà Tam Muội thủ.
Hốt kinh ngọ trản thỏ hào ban,
Đả tác xuân ủng nga nhi tửu.
Thiên Đài nhũ hoa thế bất kiến,
Ngọc Xuyên phong dịch kim an hữu.
Đông Pha hữu ý tục trà kinh,
Hội sử lão Khiêm danh bất hủ.
(Tống Nam Bình Khiêm sư)
Tạm diễn nghĩa:
Đạo nhân Xử Khiêm sáng sớm từ núi Nam Bình xuống,
Dùng nghệ trà tuyệt diệu pha trà cho ta.
Giữa trưa bỗng thấy trong chén trà hiện rõ vệt lông thỏ,
Nước trà này quả có thể sánh với mỹ tửu ủ trong mùa xuân.
Trà Nhũ Hoa của núi Thiên Thai nay đã khó tìm,
Phong thái tiên nhân của Ngọc Xuyên Tử giờ còn đâu?
Nếu tiên sinh có ý biên soạn một bộ Trà Kinh mới,
Ắt sẽ khiến tên tuổi của Khiêm sư lưu danh muôn thuở.
Chính nhờ bài thơ ấy, mà một vị cao tăng Nhật Bản tên là Thành Tầm đã tìm đến núi Thiên Thai để cầu Pháp. Khi ông đến chùa Phương Quảng lễ bái 500 vị La Hán, dâng cúng 516 chén trà đều hiện lên hình hoa sen tám cánh. Việc này rất nhanh truyền đến tai Tri châu Đài Châu là Cát Hoằng và các quan viên như Lưu Trình, Thư Đản,… Họ nghe tin, cũng đến dâng trà lễ Phật. Lúc ấy, trong hàng trăm chén trà lại hiện lên bóng hoa. Quá đỗi kinh ngạc, họ đều làm thơ để ghi lại sự việc kỳ diệu này.
La Hán các tiễn trà ứng cung
Tác giả : Cát Hoằng
Pha trà trong Điện La Hán, Thánh hiển linh.
Sơn tuyền phi xuất bạch vân hàn,
Lai hiến linh nha bỉnh chúc khán.
Nga khuynh hữu hoa quá sổ bách,
Tam âu như hấp ngọc du can.
Dịch thơ:
Suối núi chảy ra mây trắng lạnh,
Dâng búp linh trà soi nến ngắm.
Phút chốc hiện hoa vượt trăm đóa,
Ba chén như hấp tinh chất ngọc.
La Hán các tiễn trà tiễn trà cúng ứng
Tác giả : Thư Đản
Tiến tận xuân viên hiểu phối hàn,
Linh tung lưu đãi sử quân khán.
Hàn tuyền lãnh kết hoa văn tế,
Ngọc oản hương thu tuyết điểm can.
Diễn nghĩa:
Dâng trọn những búp trà xuân, vừa sấy lúc sáng sớm trong tiết lạnh,
Dấu tích linh thiêng xin để dành cho ngài thưởng lãm.
Suối lạnh đông kết, hoa văn nhỏ tinh khôi nổi trên mặt chén trà,
Chén ngọc thu hương, điểm tuyết cạn khô.
Tất nhiên, các tăng nhân vận dụng thần thông không phải để hiển thị năng lực, mà là để khai thị cho những người còn mê lạc, khiến họ sinh khởi tâm chính niệm đối với Thần Phật.
Trà là cơ duyên để đến với Đạo
Không chỉ tăng nhân yêu thích uống trà, mà những người tu Đạo cũng có niềm đam mê đặc biệt với trà: Trong sách “Thần Dị Ký” viết rằng: “Người đất Dư Diêu tên là Du Hồng vào núi hái trà, tình cờ gặp một vị đạo sĩ dắt ba con trâu xanh. Đạo sĩ dẫn Hồng đến núi Bộc Bộ và nói: “Ta là Đan Khâu Tử. Nghe nói ông giỏi pha trà, ta thường mong được tương kiến. Trong núi này có loại trà thượng hạng đủ để chúng ta dùng, mong sau này nếu ông có dư trà sau lễ cúng, xin dâng cho ta một phần”. Vì thế, ông lập đàn cúng tế ở đó. Sau này, ông lệnh cho gia nhân vào núi, quả nhiên tìm được loại trà quý.
Vị Thần Tiên này có tên là Đan Khâu Tử, vì biết Du Hồng giỏi trà đạo, vì vậy ông có ý định ban tặng trà quý cho người hái trà này.
Một lần, Lã Động Tân (một vị Tiên trong Bát Tiên) đã thưởng thức một loại trà tuyệt phẩm do một vị tăng nhân pha. Hương thơm thanh khiết của trà thấm sâu vào da thịt, là hương vị hiếm thấy chốn nhân gian, khiến các bậc đại Tiên cũng không kìm được mà để lại thơ ca ngợi.
Đại vân tự trà thi
Tác giả : Lã Động
Ngọc nhụy nhất thương xưng tuyệt phẩm,
Tăng gia tạo pháp cực công phu.
Thỏ mao âu thiển hương vân bạch,
Hà nhãn thang phiên tế lãng câu.
Đoạn tống thụy ma ly kỷ tịch,
Tăng thiêm thanh khí nhập cơ phu.
U tùng tự lạc khê nham ngoại,
Bất khẳng di căn nhập Thượng Đô.
Tạm diễn nghĩa:
Búp trà non hái đầu mùa được xưng là tuyệt phẩm.
Vị sư pha trà kỹ pháp điêu luyện công phu đỉnh cao.
Trong chén Thỏ Mao hương trà nhẹ như mây trắng lan tỏa.
Nước từ độ sôi lăn tăn đến lúc sôi già nổi sóng.
Xua tan cơn buồn ngủ khiến mọi người đều tỉnh táo.
Lại thêm khí vị thanh sạch thấm sâu vào tận da thịt.
Bụi trà mọc tự nhiên nơi khe suối ngoài vách đá vắng.
Nhất quyết không chịu dời gốc về nơi kinh đô xa hoa.
Lý Bạch cũng từng được ban cho một loại danh trà tuyệt phẩm mang tên “Tiên nhân chưởng” (bàn tay của Tiên), và đã để lại những vần thơ ca ngợi: “Căn kha sái phương tân, thải phục nhuận cơ cốt. Tùng lão quyển lục diệp, chi chi tương tiếp liên. Bộc thành Tiên Nhân Chưởng, tự phách Hồng Nhai kiên. Cử thế vị kiến chi, Kỳ danh định thùy truyền?”
Tạm dịch: “Gốc trà được suối thơm tưới tắm. Hái lá đem dùng, vị trà làm dịu mát da thịt, thấm sâu vào xương cốt. Bụi trà già thì lá vẫn xanh biếc và cuộn chặt, Cành nối cành vươn dài như chẳng muốn rời nhau. Sau khi phơi khô, lá trà xòe ra như bàn tay Tiên, Như thể đang vỗ nhẹ lên vai Hồng Nhai. (Hồng Nhai tiên sinh (洪崖先生) là đạo sĩ hoặc tiên nhân sống từ thời Hoàng Đế – vị tổ truyền thuyết của Trung Hoa). Khắp thế gian chưa từng ai được thấy, Tên gọi ấy là do ai truyền lại? (Hồi đáp Tộc Điệt Tăng Trung Phu Tặng Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng Trà).
Loại trà này ngoại hình giống như bàn tay người, cây trà mọc bám rễ trong kẽ đá núi, được nuôi dưỡng bằng suối ngọc, cành nhánh nối đan xen gắn bó như một thể thống nhất, liên kết thành cụm, tạo nên một giống đặc biệt xưa nay chưa từng thấy có. Sau này, người đời gọi loại trà ấy bằng cái tên tao nhã là “Tiên Chưởng” (Bàn tay Tiên). Một loại trà có thể mang danh hiệu phiêu dật như Tiên, có lẽ chỉ có thể là vật quý hiếm chốn Thần mà thôi.
Kết thúc
Xem ra, nếu chỉ coi Trà đạo là “công phu trà”, hiển nhiên cái nhìn này e là rất nông cạn. Nhưng sự phát triển của Trà đạo trong mấy nghìn năm qua, nó lại không ngừng hấp thụ và bù đắp thêm nội hàm của văn hóa Thần truyền mà Thần lưu lại. Có thể nói, Trà đạo chính là một phương pháp lý giải về văn hóa tu luyện mà Phật, Đạo và Thần đã tinh tế lưu lại cho con người, dẫn dắt người ta có thể quay về phản tỉnh soi xét lại bản thân, từ đó có thể bước chân trên con đường tu hành.
Kỳ thực, Trà đạo chân chính nằm ở chữ “tra” (tra xét) và “đạo”, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện “ẩm”, thẩm hay thưởng thức, uống. Hy vọng, khi rảnh rỗi, bạn đọc cũng có thể pha một ấm trà thanh, thử lặng lẽ cảm nhận xem xem những huyền cơ mà “khổ khẩu sư” (một tên gọi khác của trà) triển hiện ra như thế nào. Hãy cùng Thần Nông Thị “tra chi đạo” (bước trên con đường kiểm tra bản thân mình xem sao) buông bỏ những tạp niệm phiền nhiễu, an định nội tâm vốn hay vội vã bồn chồn và luôn xao động, để rồi trong sự tĩnh lặng ấy mà phản tỉnh, soi xét bản thân. Biết đâu, từ một chén trà thanh, trí tuệ cũng sẽ âm thầm nảy nở.