Thần Châu sử cương (8): Đức hành thiên hạ - Thiên hạ thuộc về người có đức

Tác giả
Ngày đăng 19-05-2025

[ChanhKien.org]

Chữ viết không phải luôn diễn tiến liên tục, sau khi thể lệ thư xuất hiện thì chữ viết đã được sử dụng một cách ổn định phi thường trong suốt 2000 năm, các thể chữ ra đời về sau như khải thư, hành thư và thảo thư đều là những biến đổi trên hình thức chứ không phải biến đổi về thể chữ. Biểu hiện ra ở những thay đổi và thành tựu về nhân văn cũng như nghệ thuật, nhưng thực chất cho thấy rằng đạo đức đã ổn định ở một mức độ nào đó. Biến động về thể chữ viết cũng trực tiếp phản ánh những biến động về quan niệm đạo đức trong xã hội. Minh chứng rõ ràng nhất không gì bằng loại chữ giản thể hiện đại từ sau Đại cách mạng văn hóa, nhưng đó là chuyện về sau. Trên cơ bản, trong giai đoạn lịch sử phong phú này, xã hội Trung Quốc đã tiến nhập vào thời đại “Đức hành thiên hạ” (Đạo đức dẫn dắt thiên hạ), nơi “Thiên hạ thuộc về người có đức”, dễ thấy nhất chính là mỗi triều Thiên nhân, mỗi triều văn hóa đều có những nét đặc sắc riêng. Xã hội dân gian trọng đức hành thiện, đặc biệt là văn hóa Nho gia với những giá trị đối nhân xử thế như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Trung, Hiếu, Tiết, Khí, cùng nguyên tắc trung dung đã ăn sâu vào lòng người dân, dù trải qua bao biến động vẫn triển hiện đầy đủ giá trị quan “lạc Thiên tri mệnh” (vui vẻ, bằng lòng với số mệnh Trời cho) của người Trung Quốc.

Điều thần kỳ của chữ viết trong giai đoạn này lại có một hình thức triển hiện khác là dự ngôn! Đó là một dạng ghi chép bằng văn tự đặc biệt mà lại ẩn chứa vị lai, hàm ý về một tầng chân tướng khác của lịch sử. Rất nhiều dân tộc trên thế giới đều xuất hiện loại hiện tượng này, tuy nhiên Trung Quốc là nơi đặc thù nhất khi dự ngôn không chỉ có mặt xuyên suốt qua các triều đại lịch sử mà còn muôn hình vạn trạng, biến đổi không ngừng. Đây được xem như là lời cảnh báo của Thượng Thiên và được coi trọng hết mức trong xã hội nhân loại quá khứ.

Nổi tiếng nhất phải kể đến tấm bia dự ngôn “Vong Tần giả Hồ” (Tạm dịch: Tần mất là do Hồ), vì bốn chữ này mà Tần Thủy Hoàng đã lệnh cho Mông Điềm bắc phạt tộc người Hồ - Hung Nô và xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Vị vua tự xưng là “Đức kiêm Tam Hoàng, công quá Ngũ Đế” (1) này quả thực đã được trời phú cho đức dày, thiên thời - địa lợi - nhân hòa cùng vô số điều kiện khác đã giúp ông vượt lên “Thất hùng” (bảy nước lớn thời Chiến Quốc gồm: Tần, Sở, Tề, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy), chấm dứt đại loạn; vào thời khắc then chốt lại để ông thống nhất văn tự, chuẩn hóa đơn vị đo lường, đặt nền móng vững chắc cho sự thống nhất hoàn chỉnh của vũ đài Trung Hoa sau này. Không thể phủ nhận rằng “Thủy Hoàng Đế” chính là một nhân vật do thời thế tạo nên! Nhưng bản tính hám công kiêu ngạo, xa hoa tư quyền, mê đắm đạo thuật, phóng túng nhân tâm vọng niệm cùng với ham muốn thắng cả trời trong con người ông dường như đã định sẵn ông sẽ trở thành một bạo quân.

Kỳ thực, vị Tần Thủy Hoàng tận tụy khắc khổ này cũng là một trong những vị đế vương chăm lo chính sự hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc, thế nhưng chúng ta không khó nhận ra, hết thảy những nỗ lực tự cho là làm chủ vận mệnh của ông trong bất tri bất giác lại đẩy nhanh sự đoái hiện của dự ngôn “Vong Tần giả Hồ”.

“Hồ” ở đây không phải chỉ tộc người Hồ - Hung Nô mà chính là nhị thế tử Hồ Hợi của ông. Dự ngôn đã ứng nghiệm, cũng nói rằng Tần Thủy Hoàng về cơ bản đã bước trên con đường mà ông tự định trước, con người dường như không có cách nào thoát khỏi vận mệnh. Nếu như đây là sự thật lịch sử thì e rằng nhiều người trong chúng ta vẫn khó lòng tiếp nhận! Vô tình thay, lịch sử được ghi chép qua văn tự lại chính là một màn vật lộn của những kẻ phàm phu tục tử khi đối diện với vận mệnh, từ bậc đế vương tướng quốc xuống đến thường dân trăm họ. Trong thế giới hữu tình này, vận mệnh ấy thế mà lại vô tình, văn hào Tô Đông Pha từng cảm thán: “Nhân sinh thức tự ưu hoạn thủy” (Tạm dịch: Đời người bắt đầu khốn khổ từ khi biết chữ), những gian nan của con người bắt đầu từ chỗ không hiểu thấu cái lý vận hành của số mệnh, dù có tích cực phấn đấu cũng không nắm vững được, mà buông xuôi tiêu cực cũng chẳng thể may mắn thoát khỏi… Hoặc là chúng ta nên đổi cách nói thành: “Nhân bất thức tự thủy hoạn ưu” (Tạm dịch: Con người không thật sự biết chữ mới là khởi nguồn của ưu lo), con người nhìn không thấu diện mục chân thật của lịch sử, chi phối không nổi vận mệnh, chính bởi vì con người chúng ta căn bản không được tính là thật sự biết chữ!

Chú thích:

1: “Đức kiêm Tam Hoàng, công quá Ngũ Đế” là lời tự tôn của Tần Thủy Hoàng, ngụ ý rằng đức của bản thân ông có thể sánh với Tam Hoàng, công lao còn hơn cả Ngũ Đế. Trong lịch sử Trung Quốc, Tam Hoàng được cho là ba vị Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông, còn Ngũ Đế thì gồm năm vị là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/74797

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Các bài khác

Loạt bài

Văn hóa